Đôi nét về tác giả: Cha Mark Link là một linh mục dòng Tên. Ngài thụ phong linh mục năm 1960. Cha đã du hành qua 5 quốc gia nói Tiếng Anh và thực hiện nhiều bài giảng thuyết ở hầu hết mọi thành phố lớn tại Hoa Kỳ. Trong sự nghiệp viết lách của mình, Cha đã cho xuất bản nhiều tác phẩm trong đó có cuốn “Cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu Kitô". Năm 2007, Cha nghỉ dạy và dọn về Trường Đại Học Loyola. Tại đây, Cha được xem như là một nhà văn chuyên nghiệp.
Nội dung tác phẩm “Cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu Kitô” trình bày về cách Chúa Giêsu cầu nguyện, Ngài cầu nguyện mọi lúc, với những bối cảnh khác nhau và với tất cả con người của mình.
Bố cục tác phẩm gồm 3 phần:
Phần I: Bối cảnh riêng tư một mình
- Chương 1: Đi ra một mình và cầu nguyện
- Chương 2: Tự hỏi, khám phá và trò chuyện
- Chương 3: Cá nhân hóa lời cầu nguyện
Phần II: Bối cảnh cộng đoàn
- Chương 4: Chia sẻ và nâng đỡ
Phần III: Bối cảnh phụng vụ
- Chương 5: Cùng họp nhau lại
- Chương 6: Lắng nghe
- Chương 7: Bẻ bánh và lên đường
- Chương 8: Phá bỏ các rào cản
Nội dung từng phần:
Phần I gồm chương 1, 2 và 3 nói về bối cảnh cầu nguyện riêng tư một mình.
Chương 1 trình bày cách cầu nguyện cá nhân, riêng tư một mình. Chính Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một mình và Ngài cũng dạy các môn đệ cầu nguyện như thế. Sự vắng vẻ về mặt vật lý giúp ta dễ ý thức hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa. Ý thức sự hiện diện của Ngài là khởi đầu giúp ta cầu nguyện sốt sắng hơn.
Chương 2 nói về việc cầu nguyện là chìa khóa mở cánh cửa dẫn vào cuộc sống mới. Có 3 hình thức cầu nguyện căn bản là chiêm niệm, suy niệm và trò chuyện. Hình thức chiêm niệm là nhìn một người, một cảnh, một biến cố nào đó theo cách nhìn mà ta chưa bao giờ nhìn trước đấy. Một cách sâu xa, ta nhìn chúng như là hình ảnh của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài dành cho ta thông qua các thực tại ấy. Hình thức suy niệm giúp ta nghe được tiếng Chúa nói với ta qua các biến cố như dấu chỉ trải dài trong cuộc sống. Hình thức cuối cùng là trò chuyện nghĩa là chúng ta nói thành lời, thành tiếng với Chúa và lắng nghe Ngài nói với chúng ta.
Chương 3 tác giả nói về những mẫu người cầu nguyện, tác giả phân loại tính cách con người liên quan đến việc cầu nguyện. Ngoài ra, tác giả còn nói rằng chúng ta có thể kết hợp các phương cách để giúp ích cho việc cầu nguyện, cụ thể là chúng ta có thể đọc, thinh lặng, nói thành tiếng, trầm ngâm lắng nghe.
Phần II gồm chương 4 nói về bối cảnh cầu nguyện trong cộng đoàn. Chúng ta có thể cầu nguyện theo nhóm nhỏ như gia đình, bạn bè, người quen. Theo tác giả có 4 loại cầu nguyện theo nhóm nhỏ. Đầu tiên là cầu nguyện có người hướng dẫn, nghĩa là một người sẽ xướng lên, cầu nguyện lớn tiếng và các người khác lắng nghe, hợp ý nguyện xin. Thứ 2 là cách cầu nguyện im lặng chung với nhau, thưa chuyện riêng tư với Chúa. Thứ 3 là dạng cầu nguyện theo qua các câu đối thoại. Thứ 4 là cách cầu nguyện chia sẻ, hình thức này đang được mở rộng và ưa chuộng hơn.
Phần III gồm chương 5, 6, 7 và 8 nói về bối cảnh phụng vụ, Thánh Lễ.
Chương 5 nói về Thánh lễ. Thánh lễ là trung tâm của đời sống Kitô giáo. Thánh lễ diễn tả, tăng sức mạnh giúp chúng ta liên kết mật thiết với Chúa Giêsu và với nhau. Thánh lễ là điểm quy chiếu mọi điều chúng ta tin, mọi việc chúng ta làm và mọi sự chúng ta hy vọng. Trong khung cảnh đó, chúng ta họp nhau lại thành một cộng đoàn Kitô hữu.
Chương 6 nói về việc lắng nghe Lời Chúa cụ thể là chúng ta lắng nghe các Bài đọc với một niềm tin tưởng. Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm cho chúng ta rằng trong nhiều cách mầu nhiệm nào đó, chính Người sẽ nói trực tiếp với chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cần dùng trái tim để có thể nghe được và ghi khắc trong tâm khảm những điều mà Chúa Giêsu thực sự muốn nói với chúng ta.
Nội dung chương 7 nói về bữa ăn sau hết của Chúa. Bằng cách ban chính mình cho chúng ta , Chúa Giêsu ao ước trở nên một với chúng ta. Đối lại, khi chúng ta chấp nhận và đón nhận Thánh Thể Chúa, nghĩa là khi chúng ta ăn Thịt và uống Máu Chúa, chúng ta mong muốn nên một với Chúa. Bữa Tiệc Thánh Thể luôn luôn là giây phút đặc biệt cho cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Thể Chúa Giêsu là nền tảng cho con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Sau khi chịu lễ, chúng ta dành thời gian để tâm sự thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể theo cách mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta.
Chương 8 nói về đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đôi khi chúng ta cảm thấy khô khan, nguội lạnh. Điều cần làm là chúng ta phải thanh luyện tình yêu và động lực cầu nguyện của mình. Ta cầu nguyện bởi ta thấy đó là nhu cầu, ta cầu nguyện với Chúa vì lòng ta rạo rực yêu mến Chúa. Cầu nguyện trở thành nhịp thở nhẹ nhàng của lòng ta yêu mến say mê Chúa. Khi ta cảm thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cầu nguyện, đó là một ơn Thiên Chúa ban cho ta chứ không phải do nỗ lực của bản thân ta. Chúng ta cần ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài ban tặng cho con người chúng ta.
Nhận xét về tác phẩm “Cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu Kitô”: Tác giả trình bày cho người đọc về việc cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu. Từ những trích đoạn trong Kinh Thánh, người đọc thấy được cách Chúa Giêsu cầu nguyện: thinh lặng, nói ra tiếng, cầu nguyện đối thoại hay suy niệm, cầu nguyện một mình. Ngoài ra tác giả còn trình bày một số gương mặt cụ thể với những trải nghiệm thiêng liêng sâu sắc trong đời sống cầu nguyện nhằm giúp người đọc có thêm những cách cầu nguyện thích hợp cho mình.
(Chủng sinh: Giuse Nguyễn Văn Sơn)