Sự khổ chế và sự không dính bén
Tác giả: Jacques Leclercq
Ký hiệu tác giả: LE-J
Dịch giả: Lm. Phêrô Vũ Văn Tự Chương
DDC: 248.3 - Hướng dẫn sống đạo
Ngôn ngữ: Việt
Số cuốn: 2

Hiện trạng các bản sách

Mã số: 617BC0007852
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Năm xuất bản: 2015
Khổ sách: 21
Số trang: 102
Kho sách: Ban Triết
Tình trạng: Hiện có
Mã số: 617BC0008006
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Năm xuất bản: 2015
Khổ sách: 21
Số trang: 102
Kho sách: Ban Thần
Tình trạng: Hiện có
» Thêm vào danh sách tác phẩm yêu thích

SỰ KHỔ CHẾ

      Trong phần đầu của sự khổ chế, tác giả đã nêu lên giá trị của sự khổ chế. Trước hết là giá trị giáo dục của sự khổ chế. Đó là sự tập luyện tiêu biểu để rèn luyện ý chí. Chính nhờ sự khổ chế, mà chúng ta tập thói quen không chiều theo các đam mê một cách mù quáng. Chúng ta cũng kiểm soát được bản thân và chế ngự được chính mình. Sự khổ chế trở thành nền tảng cho các giai đoạn khác. Qua khổ chế, ý chí của chúng ta được tôi luyện. Và sự khổ chế là điều căn bản cần thiết cho đời sống luân lý của chúng ta. Thứ đến, sự khổ chế mang theo giá trị thanh luyện linh hồn. Chính sự trong sạch của trái tim vượt lên trên cả việc giáo dục và rèn luyện ý chí, mà các nhà khổ chế thời xưa đã đi tìm qua việc hãm mình, ép xác. Các vị cho rằng linh hồn chất chứa những dục tình xấu xa mà chúng ta phải chế ngự, để đến gần Chúa mà không gặp trở ngại nào. Chúng ta chỉ có thể sống theo tinh thần nếu tập thói quen đẩy xa những quyến rũ xác thịt. Muốn được như vậy, chúng ta cần đến sự khổ chế. Nó giết chết con người cũ của chúng ta và đó là điều kiện để con người mới được sinh ra.

     Khổ chế vừa là phương tiện huấn luyện, vừa là phương tiện thanh tẩy. Tuy nhiên, khổ chế cũng là một dụng cụ tế nhị, rất dễ bị sai đường lạc lối. Những sự khổ chế sai lầm có thể gây áp lực mà không phân định tính đúng sai, phải trái; và vì sự dữ gây áp lực mạnh mẽ, nên những sự khổ chế sai lầm này đã phá hủy đi điều lẽ ra phải bảo trì, nhưng lại bảo trì điều lẽ ra phải phá hủy. Thay vì diệt trừ các tính hư nết xấu và các dục tình thuộc xác thịt, chúng lại giết chết con người, để lại các dục tình, và nhiều khi còn làm phát triển thêm các thói hư tật xấu nữa.

    Vì thế, tác giả đã nêu ra một số loại khổ chế. Đầu tiên là sự khổ chế thể lý. Loại khổ chế này được thực hành nhiều trong Giáo hội thời cổ xưa và trung cổ. Sự khổ chế thể lý ở tại việc hành xác, bao gồm sự kiêng khem trong việc ăn uống, sự giảm bớt thời gian ngủ nghỉ, sự đánh roi trên thân xác là những cách hy sinh hãm mình. Các việc khổ chế thể lý này mang tính đầy bạo lực. Tuy nhiên, có những vị thánh vào thời đó đã áp dụng những việc khổ chế mang tinh thần ôn hòa hơn. Tiếp đến là sự khổ chế tâm linh. Sự khổ chế tâm linh được áp dụng nhiều trong thời nay. Nó ở tại sự thực hiện một việc đòi hỏi sự hy sinh, nhưng không gây phiền hà về thể lý. Để tập luyện sự hãm mình thiêng liêng, chúng ta cần sự vâng phục. Qua đó, chúng ta hy sinh ý của riêng mình. Hy sinh tất cả những ước vọng và phó dâng toàn bộ ý chí, đó là công thức của sự hãm mình thiêng liêng. Chính vì thế mà truyền thông luôn coi trọng các việc khổ chế gián tiếp của sự vâng phục và việc chấp nhận mọi điều khó chịu, phiền hà. Nó là một với sự hãm mình ép xác và khi chúng ta chấp nhận nó, nó sẽ giúp chúng ta quen làm theo ý Chúa hơn là làm các việc khác.

     Việc hãm mình hy sinh sẽ không có giá trị gì nếu thiếu tinh thần hãm mình hy sinh. Tinh thần hãm mình hy sinh là một tâm trạng của linh hồn. Chính tâm trạng này biến việc thực hành hãm mình thành việc thực hành nhân đức. Tinh thần hãm mình hy sinh nâng chúng ta lên cao hơn. Chính nhờ đó mà tinh thần hãm mình trở thành tinh thần chế ngự, kiểm soát chính mình, thường xuyên tỉnh thức vì ta luôn phải chiến đấu với bản thân. Mặc dù giá trị của sự hãm mình ép xác tùy thuộc vào tinh thần hãm mình hy sinh, nhưng tinh thần hãm mình hy sinh này lại có thể đi lầm đường lạc lối. Điều đó xảy ra khi sự hãm mình ép xác không trở thành phương tiện để vươn tới Thiên Chúa.

SỰ KHÔNG DÍNH BÉN

     Sự không dính bén là một nhân đức được triển nở từ sự khổ chế đúng đắn. Sự khổ chế giúp chúng ta tự kiềm chế và làm chủ bản thân, để tự hiến. Và muốn tự hiến, chúng ta phải dẹp bỏ, không dính bén vào bất cứ điều gì gây cản trở giữa Thiên Chúa với chúng ta. Các giai đoạn của sự không dính bén đi từ chỗ không dính bén với tội lỗi đến không dính bén với thế gian, và sau cùng là không dính bén với chính bản thân.

     Trước hết, đó là sự không dính bén với tội lỗi. Tội lỗi là một hành vi đi ngược lại với trật tự mà Thiên chúa đã thiết lập nên. Sự không dính bén với tội lỗi vượt lên trên sự tránh phạm tội. Chúng ta có thể tránh phạm tội, nhưng chúng ta chưa tránh được sự dính bén với tội lỗi. Muốn gớm ghét tội lỗi, chúng ta phải tạo ra cho mình một não trạng tự nhiên không ưa thích tội lỗi. Cách tốt nhất để tránh xa vòng tội lỗi là hãy nghĩ đến các nhân đức. Lòng ham muốn điều thiện sẽ làm trỗi dậy một sự ghê tởm đối với sự dữ. Bên cạnh đó, môi trường sống cũng giữ một vai trò quan trọng. Vì “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

     Thứ đến là sự không dính bén với thế gian. Chúa Giê-su phán rằng: “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Chúa Giê-su đã dành những lời nói cứng cỏi như thế đối với thế gian. Vì Ngài đã đặt cho ma quỷ danh hiệu là “chúa của thế gian”. Nếu thế gian là chuyện tiếp xúc với thế giới, chuyện đi vào đời thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng thế gian mà tác giả muốn nói đến đó là tinh thần thế tục. Ngày nay, tinh thần thế tục đang đưa con người xa rời Thiên Chúa. Nó ngăn cản, không cho con người hiến dâng bản thân mình cho Chúa. Nó chống lại luật luân lý là con người phải phụng sự Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự. Vì vậy, ai cứu mình ra khỏi sự ràng buộc của thế gian, người ấy sẽ trở nên một con người tự do, lành mạnh và bình thường, và sự không dính bén với thế gian cũng là một mối quan tâm chính yếu của Chúa Giê-su.

     Sau cùng là sự không dính bén với bản thân. Chúng ta có thể đã từ bỏ được mọi sự, nhưng vẫn còn lại bản thân mình. Con người luôn dựa trên khuynh hướng chủ yếu đó là đi tìm điều gì tốt cho mình. Điều này là chính đáng và đã ăn sâu vào bản tính con người. Tuy nhiên, kể từ khi có một sự mất quân bình căn bản của tổ tiên, con người đi tìm sự thiện cho mình ở nơi không có sự thiện, và ảnh hưởng của các dục tình trên cuộc đời ngày càng thêm xấu xa. Cuối cùng, con người đã bị đẩy đến chỗ không còn nhìn thấy trật tự đích thực. Chúng ta cố gắng thoát ra khỏi bản thân, để từ bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta với tội và thế gian. Nhưng càng cố gắng tránh xa, không dính bén với những gì bên ngoài, chúng ta lại càng biến bản thân trở thành trung tâm điểm. Do đó, chúng ta phải gỡ mình ra khỏi sự ràng buộc của bản thân. Bởi vì, trung tâm điểm của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu không phải là chính bản thân, mà là chính Thiên Chúa.

     Qua cuốn sách này, tác giả cho thấy nhiều khía cạnh khác nhau của sự khổ chế và sự không dính bén. Tác giả đã rất khéo léo dùng các câu hỏi có sự liên kết với nhau, và trả lời chúng để làm sáng tỏ vấn đề. Điều này giúp người đọc có cái nhìn đa chiều hơn. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra một số phương pháp để giúp người đọc có thể áp dụng thực hành, để có thể cảm nhận rõ hơn về sự khổ chế và sự không dính bén.

 (Chủng sinh: Giuse Phạm Văn Trình)