Tương quan giữa các cá nhân với nhau trong cuộc sống là điều không thể thiếu. Nhưng làm sao chúng ta có thể tương giao cho có ý nghĩa và thông cảm với người khác? Đó là mục đích của cuốn sách “Tương giao đích thật: Tái khám phá nghệ thuật sống “với nhau” do hai tác giả Wayne và Clay cùng nghiên cứu. Qua cuốn sách này, tác giả muốn giúp độc giả khám phá lại nghệ thuật sống cho nhau qua chính các tương quan của mình - nghĩa là yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Nội dụng chi tiết:
Mở đầu: Đừng mắc bẫy cô đơn.
Sự phát triển của công nghệ đã giúp ta có nhiều phương tiện để liên lạc với nhau. Tuy nhiên, dường như con người ngày nay lại cô đơn hơn bao giờ hết. Những tương quan lành mạnh không còn là kết quả của việc ngồi chung với nhau hay tham gia cùng hoạt động nhưng là có được trái tim yêu thương của Chúa Giêsu mà thiết lập những tương quan có khả năng thay đổi đời sống. Chúng ta hằng khao khát một tình bạn chân chính vì chúng ta được tạo dựng để tương quan với tha nhân. Vì thế, hãy sống như Chúa Giêsu đã sống, đừng tìm kiếm tình yêu cho bản thân mà hãy biết chia sẻ tình yêu với người khác. Không ai có thể yêu thương một cách tự do nếu không được Thiên Chúa yêu thương trước. Chỉ khi khám phá ra sức mạnh tình yêu của Người, ta sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn.
Phần I. Bắt đầu từ bên trong
Hãy yêu tha nhân như Chúa yêu ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu thương bất cứ ai hiện diện trước chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ biết yêu thương người khác, nếu không tập yêu từng người một. Để làm được, chúng ta cần phải thay đổi để không tập trung vào nhu cầu của mình, mà tập trung vào nhu cầu của họ. Chúa yêu ta vô điều kiện. Nếu cũng cảm nghiệm được tình yêu Chúa, chúng ta càng thấy mình có khả năng chia sẻ tình yêu cho người khác. Yêu thương là bằng chứng về sự hiện diện của Chúa trong một thế giới không thấy Người. Đến với tình yêu Chúa, ta sẽ tập trung vào tha nhân hơn chính mình. Tương giao chân thật sẽ giúp ta khám phá ra niềm vui của tình bạn thâm giao và bền vững.
Khi nhận ra bao lỗi lầm trong cuộc sống đã được Chúa thứ tha, chúng ta sẽ không muốn đòi buộc người khác phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm nhỏ nhặt của họ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống với nhau như người bạn đường chứ không phải đối thủ. Tha thứ và chấp nhận tha nhân là khi ta không đòi người khác phải trả lễ về lỗi của họ, nhưng vẫn lấy tình thương mà đối xử với họ. Ta sẽ trở nên nơi trú ẩn an toàn cho những người xung quanh. Khi dễ tha thứ, sẵn sàng chấp nhận người khác như họ là và đồng hành với họ.
Chúa Giêsu cao cả biết bao mà Ngài không đòi hỏi sự chú ý và phục vụ, lại còn hi sinh chính mình cho loài người, thì chúng ta đòi hỏi điều gì? Khi nhận ra đời chúng ta ở trong tay Chúa và Người hằng chăm sóc ta, chúng ta sẽ cảm thấy đủ thanh thản để làm các việc có thể “giúp người khác hạnh phúc”. Kỳ vọng là chờ đợi sự tức giận sẽ xảy ra. Kỳ vọng dễ gây thất vọng. Hãy đón nhận bất cứ ai được Chúa gửi đến mà không đòi hỏi họ phải làm theo ý của mình. Một cộng đoàn coi người khác cao trọng hơn mình sẽ làm cho tình yêu Chúa được loan truyền trong một thế giới tự đề cao mình.
Phần II: Mở cửa
Phần lớn các mối tương quan sẽ bắt đầu với một lời chào hỏi chân thành, khi chân thành chào hỏi và dành thời gian lắng nghe họ, ta sẽ ngạc nhiên trước phản ứng của họ và cánh cửa tình bạn sẽ mau chóng mở ra. Lời chào có thể thay đổi cuộc sống và cũng có thể mang lại cho họ phúc lành của Chúa. Khi dành thời gian bên nhau, chúng ta để cho người khác thấy cuộc sống mình và có thể mở ngỏ cho các mối tương quan thâm sâu hơn. Ngoài các việc ta thường quan tâm, hãy tìm cách đưa người khác vào chương trình sống của mình để cảm nghiệm niềm vui của tình bằng hữu. Biết đâu họ lại là người mà Chúa sai đến giúp ta, hoặc đến nhận sự trợ giúp của ta.
Trong một xã hội mà người ta luôn tìm cách chăm chút bản thân, thì các hành động nhân ái sẽ ngẫu nhiên nổi bật như ngọn hải đăng giữa đêm. Nếu chào hỏi mở ra tương quan, cử chỉ nhân ái sẽ làm tương quan thắm thiết hơn. Đừng trả đùa hay căm hờn khi bị thiệt hại, nhưng hãy tìm cách tỏ lòng nhân ái để phá vỡ vòng luẩn quẩn của hận thù, và ta sẽ thấy phép lạ của việc sống với nhau. Mọi thứ ta có đều do Chúa ban cách nhưng không, nếu nhận ra thì ta sẽ thấy niềm vui khi quảng đại chia sẻ với tha nhân. Chúa Giêsu xem những hành động nhân ái mà ta làm cho người túng thiếu như những hành động ta làm cho chính Người. Người mời gọi chúng ta trao ban cho người khác như Người đã trao ban
Phần III: Đồng hành với nhau
Khi giúp tha nhân đương đầu với những đòi hỏi cuộc sống là ta giúp cho gánh nặng của họ vơi đi. Ý thức được mình đang sống với người khác, chúng ta sẽ có sáng kiến mà tìm cách giúp những người quanh ta. Nếu mở rộng đôi mắt để nắm bắt cơ hội Chúa gửi đến, chúng ta sẽ biết đâu là nơi mình có thể lấy đức mến mà phục vụ tha nhân. Chúa là hữu ích nếu chúng ta biết cởi mở mà chia sẻ những gánh nặng giày vò tâm can mình. Khi chúng ta lắng nghe người khác chia sẻ đời sống tâm linh, hành trình đức tin của ta sẽ phong phú hơn và tình bằng hữu sẽ sâu đậm hơn.
Chúng ta có thể khích lệ người khác bằng lời nói và việc làm giúp họ thấy được Thiên Chúa. Một sự hiện diện đơn sơ, một cú điện thoại hay tình cờ ghé thăm cũng có thể mang lại niềm vui lớn lao. Niềm an ủi mà chúng ta lãnh nhận từ Chúa chính là niềm an ủi mà chúng ta có thể trao ban cho người khác. Niềm an ủi ấy giúp cho kẻ thất vọng ngước mắt lên Thiên Chúa và thấy được những điều mà Người đang làm cho họ. Khuyến khích người khác yêu thương và làm việc thiện là cách thức tốt nhất, khi chúng ta giúp họ thấy được ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời của chính họ. Nếu ta giúp họ nhìn lên Thiên Chúa khi họ đang chiến đấu, họ sẽ được đưa đến gần Chúa hơn và họ sẽ biết cách chiến đấu với thử thách, đau khổ. Chúng ta thông thể khích lệ bằng cách chế nhạo sự thất bại hay thôi thúc họ cố gắng hơn nữa, mà bằng cách lôi kéo họ đến gần Chúa hơn chỉ cho họ thấy Thiên Chúa hiện diện trong nỗi đau của họ.
Khi ta quan tâm đến Thiên Chúa hơn những sự kiên khác, ta sẽ thấy Người hiện diện trọn vẹn trong những cuộc đàm thoại, và tình bạn sẽ thân thiết, mạnh mẽ, sống động. Khi chia sẻ cho tha nhân những khám phá Thiên Chúa đổ xuống trên cuộc đời ta, hay chia sẻ những bài học rút từ cuộc sống cho người khác, đó sẽ là những bài học hữu hiệu nhất mà chúng ta cần có trong hành trình cuộc sống. Chúng ta chỉ nên khuyên bảo người khác khi lời khuyên của chúng ta giúp cho họ bước đi trong sự khôn ngoan sáng suốt hơn. Khi đó, hãy thẳng thắn chia sẻ những điều ta thấy, rồi đặt niềm tin nơi Chúa Thánh Thần, là Đấng làm cho họ thấy rõ những điều ta nói.
Hãy cầu nguyện cho người khác như Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Trước hết, hãy cầu xin Chúa tỏ cho ta biết phải cầu nguyện cho họ như thế nào, rồi nhận ra điều Thánh Thần thôi thúc ta. Sau đó, hãy cầu xin những điều giống với thánh ý Thiên Chúa bao nhiêu có thể. Đừng ngại cầu nguyện. Khi cùng cầu nguyện với người khác về những mối bận tâm của họ hay của chúng ta, chúng ta có thể thay đổi và mở lòng đón nhận tác động của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện đích thực là tiến trình quan tâm đến nhu cầu tha nhân, bằng cách sốt sắng cầu nguyện cho biết hoạt động của Chúa, rồi ở lại trong hoàn cảnh đó tới khi nhận ra hoạt động của Người.
Phần IV: Trưởng thành trong tương quan
Tự nguyện thú lỗi là để tha nhân biết con người thật của mình, để xin họ tha thứ, để Chúa rọi chiếu ánh sáng vào trái tim đổ vỡ của ta, và để người khác giúp đỡ ta. Khi tự do yêu thương, ta sẽ tìm thấy vài người là nơi an toàn để ta chia sẻ nội tâm với họ. Tình bằng hữu được thể hiện qua các câu hỏi chân thành và dừng lại đúng lúc khi người khác không sẵn lòng bàn luận về lời đồn đại. Chúa đến để biến chúng ta thành những người sống chân thật tự do và không làm nô lệ cho ý kiến độc đoạn của người khác. Nhưng sự chân thật không biện minh cho thái độ thô lỗ. Dù được nói lên sự thật, nhưng hãy nói sự thật với tình yêu thương và sự dịu dàng của Chúa Kitô. Nếu trung thực với lòng mình, chúng ta sẽ chân thành với người khác.
Chúng ta được mời gọi vui vẻ tùng phục lẫn nhau. Nhờ đó, chúng ta chung vai sát cánh với tha nhân trong hành trình, và chia sẻ sự hiểu biết của mình mà không điều khiển cuộc sống của họ. Nếu khuyến khích họ biến đổi dựa trên Chúa Kitô, chứ không ép họ theo lộ trình của ta, thì chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt và tiếp tục yêu thương họ, cả khi họ không làm điều chúng ta cho là đúng. Chúng ta phải đi theo Chúa Giêsu, chứ không theo những người trung gian truyền dạy cho ta biết thánh ý Người. Tầm nhìn của ta có thể bị hạn chế và méo mó do phạm vi mù tối của mình. Những ưu thế trong cuộc sống và việc làm của người khác có thể giúp ta phân định giữa thánh ý Chúa và ước muốn của mình.
Vô số kho báu của con người đang chờ đợi chúng ta khai quật và nhiều kho báu đang lênh đênh trong những mối tương quan hời hợt. Vẫn còn rất nhiều người trên thế giới thật sự đói khát Thiên Chúa và khao khát những tình bạn quy hướng về Chúa Giêsu, ngõ hầu họ có thể nâng đỡ và quan tâm đến nhau. Tình bạn ấy là một trong những quà tặng cao quý nhất, một khi chúng ta sống với nhau như sống trong gia đình của Thiên Chúa.
Kết luận:
Đây là cuốn sách hay, giúp cho độc giả khám phá ra nghệ thuật sống với nhau, để cải thiện, phục hồi và tạo ra những mối tương quan lành mạnh và ý nghĩa hơn. Cuốn sách này cũng thích hợp cho chủng sinh. Dù họ sống tại chủng viện hay trong môi trường giáo xứ, họ cũng có những mối tương quan với anh em trong cộng đoàn Chủng viện và các Giáo dân. Nhờ đó, họ có thể tương quan với tha nhân trong Thiên Chúa.
(Chủng sinh Vinh sơn Trần Anh Tuấn)