Trong Tân Ước Đức Maria không được nói đến thường xuyên nhưng nếu để ý chúng ta sẽ thấy người đều hiện diện trong ba thời điểm chính yếu, cấu thành mầu nhiệm Kitô giáo: Mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Nhập thể, lúc chính con người Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa và là người được hình thành; Mầu Nhiệm Vượt Qua, lúc Đấng Cứu Thế hoàn tất công trình cứu chuộc chúng ta qua việc tiêu diệt tội lỗi và canh tân đời sống; và lễ Ngũ Tuần, lúc Thánh Thần, Đấng làm cho ơn cứu độ luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội được ban xuống. Đức Maria đã hiện diện trong cả ba thời điểm đó.
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1: Đức Maria Một Tấm Gương Cho Giáo Hội Trong Nhập Thể
Phần 2: Đức Maria, Một Tấm Gương Cho Giáo Hội Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua
Phần 3: Đức Maria, Một Mẫu Gương Cho Giáo Hội Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần
Đây không phải là một khảo luận về Đức Maria, cho bằng cố gắng nêu lên những dấu mốc quan trọng trên “con đường thánh thiện”, trong đời sống thiêng liêng – con đường lắng nghe Lời Chúa – con đường mà chính Đức Maria đã bước theo con mình.
Phần 1: Đức Maria Một Tấm Gương Cho Giáo Hội Trong Nhập Thể
Đức Maria là Đấng đầy lòng tin. Đức Maria đã tin ngay lúc đấy, trong chính giây phút đó; người đã không do dự, không trì hoãn quyết định của mình, ngược lại đã dấn thân lập tức, trọn vẹn. Đức Maria đã tin mình sẽ thụ thai một con trai, bởi tác động Chúa Thánh Thần. Mọi người cần phải và có thể noi theo Đức Maria về lòng tin, đặc biệt Linh mục và những ai được gọi dưới bất cứ hình thức nào thông truyền đức tin và Lời Chúa cho người khác. Linh mục là con người của đức tin. Sức mạnh đặc trưng của Linh mục là do đức tin của người đó mang lại. Linh mục sẽ có một ảnh hưởng trên các linh hồn theo mức độ đức tin của mình. Bổn phận của mục tử giữa đoàn dân của mình không giới hạn trong việc phân phát Bí tích hay bảo đảm các dịch vụ. Họ còn phải khơi dậy và minh chứng đức tin. Họ sẽ thực sự là người dẫn đạo. Trong mức độ, Linh mục đó tin và dâng hiến tự do của mình cho Thiên Chúa như Đức Maria.
Dấu hiệu chính yếu người tín hữu nhận ra nơi mục tử: Linh mục đó có “tin như thế” không? Linh mục có tin vào điều mình nói, tin vào điều mình cử hành không? Một người trước hết muốn tìm Thiên Chúa nơi vị Linh mục sẽ nhận ra điều đó ngay lập tức. Còn người không tìm kiếm Thiên Chúa nơi Linh mục có thể dễ dàng bị lầm và đưa chính Linh mục vào sai lầm làm cho Linh mục ngỡ ngàng mình là quan trọng, nổi nang, hợp thời, trong khi Linh mục đó chỉ là con người “trống rỗng”.
Đức Maria đã trở thành Mẹ bằng cách: thực thi và sinh hạ Đức Giêsu. Có hai cách làm mẹ bất toàn hoặc hai thứ cắt đứt vai trò là mẹ. Điều này xảy ra khi người ta thụ thai nhưng không sinh hạ, lý do vì giữa thời gian đó, do những nguyên nhân tự nhiên hay do tội lỗi con người mà thai nhi bị chết. Ngày nay, chúng ta lại biết một số trường hợp khác ngược lại, một đứa con nhưng không thụ thai người con đó. Đây là những trường hợp những hài nhi thụ thai trong ống nghiệm sau đó được đưa vào lòng một phụ nữ, hay trường hợp vô cùng đáng buồn và bi thảm hơn nữa đó là người ta cho mượn tử cung, trả tiền nếu cần, làm nơi tạm trú cho một sinh mạng đã được thụ thai nơi khác. Trong trường hợp này, đứa con mà người phụ nữ sinh ra không do từ xương thịt mình và không được thụ thai “trong tâm hồn trước khi được thụ thai trong thân xác người phụ nữ đó”.
Khốn thay, hai tình huống đáng buồn lại gặp thấy trên bình diện thiêng liêng. Thụ thai không sinh hạ Đức Giêsu, đó là nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành, kẻ làm hư bào thai hết lần này đến lần khác qua việc lập ra những dự định hoán cải để rồi sau đó quên bẵng mất, từ bỏ dự định giữa chừng và cả những người xử sự với Lời Chúa như một kẻ ngắm xem vội vàng: anh ta soi gương xem mặt mày ra sao, soi rồi đi mất, mà quên ngay không nhớ mình thế nào. Đó là kẻ có đức tin nhưng không có việc làm. Ngược lại, sinh ra nhưng không thụ thai Đức Kitô là kẻ thực hiện được rất nhiều việc ngay cả việc lành, nhưng những việc đó không phát xuất từ tâm hồn, từ tình yêu đối với Thiên Chúa và từ một ý hướng ngay chính mà đúng hơn từ thói quen, thói giả hình, từ sự tìm kiếm vinh quang cho riêng mình, từ ý thích của mình hoặc chỉ vì sự thỏa mãn do hoạt động mang lại. Nói chung là kẻ có việc làm nhưng không có đức tin.
Phần 2: Đức Maria, Một Tấm Gương Cho Giáo Hội Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua
Đức Maria mẫu gương từ bỏ chính mình, Mẹ có trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Trước hết trong việc lạc mất Đức Giêsu nơi Đền Thờ (x. Lc 2,41). Tìm thấy Đức Giêsu “sau ba ngày”. Đây là một ám chỉ về cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, về Mầu Nhiệm Vượt Qua. Đức Maria được nói đến trong tiệc cưới Cana, xứ Galilêa, lúc Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai. Đức Giêsu đã trả lời thế nào trước lời kín đáo xin can thiệp của Đức Maria? “Này Bà, giữa tôi và Bà nào có việc gì?” (Ga 2,4). Dù chúng ta có tìm cách giải thích những lời này như thế nào đi nữa thì âm vang của chúng vẫn mang tính chất cứng cỏi, làm chết điếng; những lời đó dường như một lần nữa tạo khoảng cách giữa Đức Giêsu và Mẹ của Ngài. Khi Đức Giêsu đang giảng thì Mẹ Ngài và một vài thân nhân đến muốn nói với Ngài (Mc 3, 20). Đức Maria, Mẹ Ngài đã phải xin cả cái quyền được gặp con và nói với con của mình. Ngược lại, Người đứng xa để người khác vào báo với Đức Giêsu: “Này Mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài”. Đức Giê su trả lời: “Ai là Mẹ Ta và ai là anh em Ta?” Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí Đức Maria – mẹ một Linh mục chẳng hạn, để có thể hiểu được sự mất mặt và nỗi đau khổ mà những lời đó gây ra cho người…
Một chuỗi những sự kiện, lời nói quá rõ ràng, liên kết chặt chẽ, không thể là sự tình cờ. Đức Maria cũng đã phải đi qua con đường tự hủy của mình. Sự tự hủy của Đức Kitô ở chỗ thay vì giữ cho được các quyền lợi đặc biệt của một vì Thiên Chúa thì đã trút bỏ tất cả, lãnh lấy phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân. Sự tự hủy của Đức Maria là ở chỗ thay vì giữ cho được các quyền của một người mẹ Đấng Mêsia, Người đã chấp nhận bị tước bỏ trước mặt mọi người, làm một phụ nữ như bao phụ nữ khác.
Theo sát Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Maria đã sống tất cả Mầu nhiệm vượt qua, mầu nhiệm sự chết và phục sinh, của tự hạ và suy tôn. Người đã sống gần kề Đức Giêsu hơn bất cứ ai khác. Tin Mừng Gioan, Thập giá Đức Kitô, đồi Canvê thể hiện điều gì? Ai cũng rõ: Đó là “Giờ”, giờ Con Người được tôn vinh, giờ mà vì đó Ngài đã đến trong thế gian. “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh Con Cha” (Ga 17,1). Đó là lúc “mọi sự được hoàn tất” (Ga 19,30). Phục sinh được chiêm ngắm như là điều đã hiện diện tiềm tàng và hoạt động trong giờ tử nạn của Đức Kitô. Phục sinh được hiểu trong căn nguyên của nó, đó là sự vâng phục trong lòng mến của Chúa Con, vâng phục đến chết, cùng với lời hứa của Chúa Cha tôn vinh Con.
Phần 3: Đức Maria, Một Mẫu Gương Cho Giáo Hội Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần
Dưới chân Thập giá, Đức Maria xuất hiện như là Mẹ của Giáo Hội, nơi nhà Tiệc Ly, người xuất hiện như người Mẹ đỡ đầu Giáo Hội. Một người Mẹ đỡ đầu mạnh mẽ và đáng tin cậy. Để chu toàn vai trò của mình, mẹ đỡ đầu phải là người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Đức Maria là một người Mẹ như thế: người đã chịu Phép Rửa bởi Thánh Thần và giờ đây người mang Giáo hội đến chịu phép rửa bằng Thánh Thần. Nếu người sắp chịu phép rửa là người đã trưởng thành thì người mẹ đỡ đầu giúp họ trong việc chuẩn bị: đó chính là điều Đức Maria đã làm đối với các tông đồ và là điều người đang làm đối với chúng ta.
Sau ngày lễ Ngũ Tuần cuộc đời Đức Maria được dệt bằng cầu nguyện. Chúng ta không biết đời sống cầu nguyện của Đức Maria là như thế nào, nhưng xuất phát từ “nhận thức những điều thần thiêng” có thể rút ra từ kinh nghiệm các thánh, ta có thể có một vài trực giác về điều đó. Các nhà thần bí đã mô tả điều này xảy ra trong tâm hồn mình sau khi trải qua đêm tối đức tin và được biến đổi trong Đức Kitô. Tâm hồn họ trở nên như một ngọn lửa tình yêu.
Phần kết: “Đức Maria Trong Vinh Quang Bảo Chứng Của Niềm Hy Vọng Chắc Chắn Cho Giáo Hội”
Đức Maria chuyển cầu. Về Đức Giêsu, Kinh Thánh nói rằng Ngài đã sống lại và “đang chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34). Ngài đang chuyển cầu cho ta bên Chúa Cha, Đức Maria chuyển cầu cho ta bên Chúa Con. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II xác định: “Sự trung gian của Đức Maria mang đặc tính chuyển cầu”. Mẹ là người trung gian theo nghĩa Mẹ chuyển cầu. Quyền năng cầu bầu của Đức Maria được chứng tỏ qua lịch sử, nghĩa là “cách hậu nghiệm” chứ không phải “cách tiên thiên” khởi từ một nguyên lý nào đó. Từ thực tế xảy ra ta được phép đi ngược lên đến cái khả năng làm cho thực tế đó có thể xảy ra. Việc Đức Maria xin được các ân sủng và sự trợ giúp cho Giáo Hội lữ hành thật vì đó là việc đã xảy ra và ta có thể nhận thấy được. Có những người xin được rất nhiều ơn lành và qua những dấu hiệu rõ rệt, họ ý thức rằng mình được ơn đó là nhờ Đức Maria.
Trong cuốn sách này, chúng ta nói về Đức Maria và đã được soi gương nơi Đức Maria chúng ta luôn luôn quy chiếu tất cả về Thiên Chúa và Đức Maria chỉ được xem như một dụng cụ chúng ta đã tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải tôn vinh Đức Maria.
Nhận định: Tác giả chọn ba thời điểm mấu chốt trong đời Đức Maria, và cũng là thời điểm mấu chốt đối với mọi đời sống Kitô hữu: Nhập thể - ơn đức tin, hoán cải, ngợi khen; mầu nhiệm vượt qua – ơn cậy trông, phó thác, tôn thờ; Ngũ Tuần – ơn yêu mến, đầy tràn Thánh Thần.
Đó là những ơn phải sống trong Giáo Hội và Đức Maria là “tấm gương” về những ơn đó: tấm gương phản chiếu ánh sáng mình lãnh nhận, và cũng là nơi mà ta có thể “soi” mình. Qủa vậy, sau khi gẫm suy một thái độ hay một biến cố trong cuộc đời Đức Maria, Giáo Hội cũng như mỗi kitô hữu đều tự hỏi: điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tôi. Cần phải làm gì để đưa ra thực hành điều mà Thánh Thần – trong Lời Chúa – nói với chúng ta qua Đức Maria?
Đây là cuốn sách thiêng liêng dành cho mọi người, chắc chắn sẽ mang lại ít nhiều cũng sẽ mang lại ơn ích thiêng liêng cho người đọc.
Khi đọc cuốn sách, qua các biến cố trong cuộc đời Đức Maria, qua các nhân đức của Mẹ sẽ giúp người đọc tín thác, trông cậy vào ơn Chúa.
Những trang sách này gợi ra một hành trình nên giống Đức Giê su Kitô, với Đức Maria là người dẫn đạo
(Chủng sinh Giuse Nguyễn Văn Quang)