Hoàn cảnh ra đời của thông điệp:
25 năm sau Công đồng và việc tuyên bố sắc lệnh Truyền giáo, số người không biết Chúa Kitô ngày càng tăng, ĐGH Gioan Phaolo II nhận thấy có 2 nguyên nhân:
- Nguyên nhân bên ngoài: do một số quốc gia cấm các nhà truyền giáo vào nước họ, cấm việc trở thành kitô hữu, thậm chí cấm văn hoá Kitô giáo.
- Nguyên nhân bên trong: Động lực truyền giáo suy giảm do hiểu không chính xác , thậm chí cố ý hiểu khác tư tưởng của Công đồng; quan trọng hơn, từ việc Công đồng khẳng định những tín đồ ngoài Kitô giáo có thể đón nhận được ơn cứu độ; thái độ kính trọng của Công đồng đối với các truyền thống tôn giáo cũng cao hơn,… nên dẫn đến não trạng tương đối hoá tôn giáo: mọi tôn giáo đều có giá trị ngang nhau, đạo nào cũng là đạo, cũng là con đường cứu độ.
Chính trong bối cảnh não trạng tương đối hóa tôn giáo lan tràn khắp thế giới nói chung và nơi Kitô giáo nói riêng, đồng thời để bảo vệ căn tính Kitô giáo và khích lệ truyền giáo mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gửi thông điệp Redemptoris Missio đến toàn thể Dân Thiên Chúa.
Nội dung thông điệp
Thông điệp gồm 8 chương và có thể chia thành hai nội dung chính:
- P1: Những nguyên lý nền tảng của việc truyền giáo (Chương 1-3)
- P2: Những hướng dẫn thực hành trong việc truyền giáo (Chương 4-8)
Thông điệp mở đầu bằng phần giáo lý đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh Kitô học, cụ thể là đặc tính duy nhất nơi vai trò trung gian cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng và sự cần thiết phải nhấn mạnh đến tính duy nhất của Đức Giêsu Nadareth trong tư cách là trung gian cứu độ duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại.
ĐGH đưa ra cách chữa trị: Thúc đẩy truyền giáo nhất thiết phải chứng minh căn tính độc nhất của Kitô giáo hoàn toàn trổi vượt hơn so với các truyền thống tôn giáo khác. Vấn đề đặt ra là: Cái gì làm nên căn tính của Kitô giáo, cái gì làm cho tôn giáo của chúng ta không chỉ khác nhưng còn trội vượt hơn hẳn so với các truyền thống tôn giáo khác?
Để chống lại tất cả mọi khuynh hướng dẫn đến sự tách biệt giữa “Ngôi Lời” và “Đức Giêsu”, giữa “Đức Giêsu lịch sử” và “Đức Giêsu của niềm tin”, thông điệp xác quyết “Chính trong tư cách là Giêsu Nadareth, Đấng hòa giải tất cả bằng máu của Ngài trên Thập giá, Đức Kitô có tầm ảnh hưởng tuyệt đối và phổ quát, Ngài là trung tâm và cùng đích của lịch sử”.
Từ góc độ mạc khải:
Dựa vào Tin mừng Gioan, thư Do thái, tác giả nhấn mạnh đến mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô như mạc khải chung cuộc và quyết định.
Theo thánh Phaolô: “…chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô
Từ khía cạnh ơn cứu độ:
Dựa trên hiến chế Gaudium et Spes số 22, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là con người Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người”, “trong Ngài và chỉ trong Ngài, chúng ta được giải thoát khỏi mọi sự tha hóa, lầm lạc, sự thống trị của tội lỗi và sự chết”. Đức Giáo Hoàng cũng nói thêm: ơn cứu độ này được tặng ban cho tất cả mọi người, kể cả những người chưa biết đến Đức Kitô, những người ngoài Kitô giáo. Điều đó có nghĩa là ơn cứu độ không những được ban cho những ai tuyên xưng tin vào Chúa Kitô và đã gia nhập Giáo Hội mà còn được ban cho tất cả mọi người.
Từ chiều kích chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa:
Chống lại mọi khuynh hướng dẫn đến sự tách biệt giữa “Ngôi Lời” và “Đức Giêsu”, giữa “Đức Giêsu lịch sử” và “Đức Giêsu của niềm tin”. Hay nói cách khác, thông điệp xác nhận sự thống nhất nơi Đức Giêsu Kitô, nghĩa là: Đức Giêsu Kitô là trung tâm, là con đường cứu độ chính Thiên Chúa đã vạch ra mà không một ai có thể đến với Thiên Chúa mà không qua Ngài.
Tóm lại, theo thông điệp Redemptoris Missio, Đức Kitô là trung tâm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, là con đường cứu độ duy nhất trong ý định đời đời của Thiên Chúa Cha, đến độ nếu người ta có gặp những trung gian cứu độ khác, thì những trung gian này không bao giờ được xem như những con đường song song hoặc bổ khuyết cho con đường cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô. Những trung gian này, nếu có ý nghĩa hay giá trị cứu độ là vì chúng rút ra ý nghĩa, giá trị cứu độ từ giá trị và ý nghĩa cứu độ duy nhất nơi Đức Giêsu Kitô.