Thiên Chúa là Tình Yêu, mỗi người sẽ tìm được hạnh phúc của mình khi sáp nhập vào kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ, để thực hiện bản thân cách trọn. Chính trong kế hoạch này, con người sẽ tìm thấy sự thật về chính mình và họ sẽ được tự do khi gắn bó với sự thật đó.
Thiên Chúa là Tình Yêu – mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự được định hình bởi tình yêu ấy, và quy hướng về tình yêu ấy. Chân lý phải được tìm kiếm, khám phá và diễn đạt trong nhiệm cục của tình yêu, nhưng ngược lại, tình yêu cũng phải được hiểu, được xác nhận và thực hiện trong ánh sáng của Chân lý.
Chỉ trong chân lý, bác ái mới có thể sống và chiếu tỏa cách đích thực. Không có chân lý, tình yêu sẽ thoái hóa thành cảm tính. Tình yêu trở thành vỏ ốc trống rỗng, tìm cách lấp đầy bằng những gì mình yêu thích. Chân Lý là Logos – Lời, Lời tạo nên Dialogos – đối thoại.
Bác ái không chân lý sẽ dễ dàng bị lẫn lộn với mớ tình cảm ma mị, tốt đẹp ảo tưởng vì Thiên Chúa không có vị trí đích thực trong đó. Công lý không song song hay thay thế bác ái mà là yếu tố nội tại của bác ái. Không có chân lý, con người sẽ rơi vào một nhân sinh quan mang tính thường nghiệm và hoài nghi, không đủ khả năng vượt lên trên bình diện thực tiễn do thiếu quan tâm nắm bắt các giá trị, đôi khi cả những ý nghĩa của sự vật, là những điều giúp con người phán đoán và điều hướng cuộc sống. Trong mọi tiến trình nhận thức, chân lý không phải là điều gì đó ta làm ra, nhưng luôn là cái gì được tìm thấy hay đúng hơn, được lãnh nhận. Cũng như tình yêu, chân lý không phát sinh từ tư tưởng và ước muốn, nhưng có thể nói là áp đặt trên con người.
Phát triển và kỹ thuật
Sự phát triển của một con người sẽ bất thành nếu người đó cho rằng mình là tác giả duy nhất của phát triển. Kỹ thuật là khía cạnh khách quan của hành động nhân loại, nhưng nguồn gốc và lý do của hành động này lại nằm ở yếu tố chủ quan – con người làm việc. Do đó, kỹ thuật không bao giờ chỉ là thuần túy kỹ thuật. Phát triển kỹ thuật có thể khiến người ta nghĩ rằng chỉ cần kỹ thuật là đủ, khi con người đặt ra quá nhiều câu hỏi làm thế nào mà ít khi đặt ra câu hỏi tại sao vốn là những câu hỏi thúc đẩy con người hành động. Kỹ thuật, xét như khí cụ của tự do phát sinh từ tính sáng tạo của con người, cho thấy sự tự do muốn vượt lên trên những giới hạn nội tại của sự vật. Nhưng khi bị trở thành một ý thức hệ, đẩy con người khép kín thì con người sẽ bị giam cầm. Văn hóa mang tính kỹ trị là thứ chân trời mà chúng ta bị ảnh hưởng xét về mặt cơ cấu, nhưng sẽ không bao giờ tìm được ý nghĩa đời sống, bởi lẽ ý nghĩa đó không hoàn toàn do ta làm ra.
Sự phát triển đích thực không hệ tại chủ yếu ở cái làm. Trong mọi sự thật đều có cái gì đó lớn hơn cái mà ta mong đợi. Trong tình yêu mà ta đón nhận, luôn có một yếu tố khiến ta bất ngờ.
Não trạng kỹ thuật đương đại là khuynh hướng xem vấn đề và cảm xúc của đời sống nội tâm thuần túy thành vấn đề não bộ hoặc tâm lý. Điều này làm cho nội giới của con người bị tước đoạt ý nghĩa và dần dần nhận thức của chúng ta về chiều sâu hữu thể linh hồn bị mất đi. Hành động sẽ mù quáng nếu không có sự hiểu biết, sự hiểu biết sẽ khô cằn nếu không có tình yêu.
Những nền văn hóa và truyền thống sâu xa đã giúp con người đối mặt với những vấn nạn cơ bản của đời sống. Chủ nghĩa chiết trung và san bằng văn hóa đều nhằm vào việc tách biệt văn hóa ra khỏi bản tính con người. Như thế, các nền văn hóa không còn tìm được tiêu chuẩn của mình nơi chúng đã phát xuất và cuối cùng giảm thiểu con người thành một dữ kiện văn hóa.
(Chủng sinh Gioan Vương Tùng Lâm)