1. Bối cảnh
Huấn thị ra đời nhằm trả lời cho những thắc mắc vẫn còn, sau khi tài liệu “Thái độ của Giáo hội đối với các tín đồ tôn giáo khác” được công bố năm 1984. Những thắc mắc đó là “nếu Giáo hội dấn thân vào việc đối thoại, phải chăng điều đó có nghĩa là Giáo hội từ chối tuyên dương ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô. Hoặc ngược lại, nếu Giáo hội dấn thân rao giảng Đức Giêsu và kêu gọi người ta tin vào Ngài và gia nhập Giáo hội bằng Bí tích Rửa tội, phải chăng sự kiện đó có nghĩa rằng đối thoại không còn giá trị gì nữa? Hai công việc có đối kháng không? Có tiêu trừ nhau không? Có mối tương quan nào giữa hai sự việc?”.
2. Nội dung
Huấn thị được trình bày gồm ba phần chính: phần một bàn về đối thoại, phần hai bàn về rao truyền, phần ba nói đến tương quan giữa hai bên.
Phần dẫn nhập (1-13), trong đó các từ ngữ được minh định
Phần một (14-54) khai triển các vấn đề liên quan đến đối thoại liên tôn. Phần này phác hoạ thái độ của Giáo Hội đối với các tôn giáo khác và nhìn nhận sự hiện diện của các giá trị tích cực nơi các truyền thống của họ (14-32). Tiếp đến phần này giải thích tiến trình của Giáo Hội, luôn đang trên đường lữ hành và hướng về sự viên mãn từ Thiên Chúa, cần đi vào cuộc đối thoại về sự cứu độ với các tín đồ các tôn giáo khác (31-41). Cuối cùng là việc trình bày các hình thức đối thoại, những chiều hướng thuận lợi và những khó khăn gặp phải trong việc đối thoại (42-54).
Phần hai (55-76) nhắc lại ý thức của Giáo Hội về sự cần thiết phải rao truyền Đức Giêsu Kitô cho thế giới qua sứ mệnh đã nhận từ chính Người, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần (55-67). Tiếp đó là một vài chỉ dẫn về phương cách thực hiện sứ mệnh này và những trở ngại gặp phải (68-73). Cuối cùng là vai trò trọng tâm và đỉnh cao của việc rao truyền trong sứ mạng truyền bá Phúc âm của Giáo Hội (74-76).
Phần ba (77-86) suy tư về tương quan giữa đối thoại và rao truyền: liên hệ nhưng không hoán đổi được cho nhau. Cả hai đều nằm trong tác động của Thiên Chúa và cấu tạo nên một sự dấn thân song đôi của Giáo Hội. Tuy nhiên, vào những thời điểm khác nhau hoặc những hoàn cảnh khác nhau, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, người ta có thể nhấn mạnh nhiều hơn về yếu tố này so với yếu tố kia.
Phần kết luận (87-89) lưu ý về những giới hạn của huấn thị này, khi khó tránh khỏi lối trình bày có tính cách tổng quát.