Tông huấn gồm 64 số chia làm 6 phần (phần dẫn nhập và 5 chương).
Đức thánh cha Gioan Phaolô II nói về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Hội Thánh và thế giới.
Tông huấn được gửi cho các Giám mục, các Linh mục và Phó tế, các Tu sĩ nam nữ, và toàn thể Giáo dân.
Tông huấn được ban hành hơn hai mươi năm sau Công Đồng Vatican II và sau khóa họp Thượng-hội đồng Giám mục năm 1987. Trong Tông huấn, các tín hữu thuộc về Dân Thiên Chúa, họ được biểu tượng qua những người thợ làm vườn nho, như thánh Matthêu thuật lại trong sách Tin Mừng: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc” (Mt 20,1-2).
Mục đích của tông huấn:
Tông huấn nhằm mục đích khơi dậy và nuôi dưỡng một ý thức rõ nét hơn về ân huệ và trách nhiệm của người giáo dân trong sự hiệp thông và trong sứ vụ chung của Hội Thánh.
Tông huấn mời gọi giáo dân đọc lại, suy niệm nghiền ngẫm trong lòng hiểu biết và yêu mến giáo huấn phong phú và đa dạng của Công đồng về trách nhiệm tham gia của họ vào ba chức vụ của Chúa Kitô.
Dẫn Nhập
Lời mời gọi tham gia canh tác vườn nho được Thiên Chúa dành cho tất cả các Kitô hữu. Trong tông huấn này, Đức thánh cha hướng tới sứ vụ của người giáo dân trong Hội Thánh. Sau công đồng Vatican II và sau thượng hội đồng, vai trò của người giáo dân đã được nhìn với nhãn quan mở rộng. Sự cộng tác của giáo dân với linh mục, tu sĩ được trở nên gần gũi. Giáo dân được tham gia vào nhiều công tác phù hợp với ơn gọi và hoàn cảnh của họ. Họ có sứ vụ tham gia tích cực vào công cuộc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.
Trong bối cảnh khuynh hướng thế tục gia tăng, con người mải đi chinh phục vũ trụ với khoa học. Họ bỏ quên Thiên Chúa, cho rằng Thiên Chúa không có ý nghĩa gì với cuộc sống. Mức độ đó không chỉ dừng lại ở cá nhân, nhưng ảnh hưởng đến cộng đoàn. Tuy vậy, vẫn còn đó lòng khao khát nhu cầu tôn giáo, nhất là khi con người đối diện với đau khổ, cái chết. Khi đó, con người đối diện với lương tâm và cần có một điểm tựa thiêng liêng như thánh Augustino đã nói.
Bên cạnh đó, chiều kích nhân vị con người ngày nay cần được nhìn nhận một cách khách quan. Một loạt hệ quả đáng buồn kéo theo khi phẩm giá con người bị chà đạp. Bên cạnh đó, một số người đề cao quá mức phẩm giá con người. Tuy nhiên, một số khác nhìn nhận đúng nét cao cả và cùng khốn của con người.
CHƯƠNG 1: THÀY LÀ CÂY NHO, ANH EM LÀ CÀNH
Chương này ĐGH phác họa “khuôn mặt” của người giáo dân qua việc trình bày phẩm giá của họ. Chương này trình bày về căn tính của người giáo dân qua hai chiều kích: chiều kích thánh thiêng và chiều kích trần thế. Trong chiều kích thánh thiêng của con người ĐGH nói về danh hiệu giáo dân, người giáo dân được trở nên con cái Thiên Chúa và đền thờ Chúa Thánh Thần nhờ Bí tích Rửa Tội. Trong chiều kích trần thế của giáo dân, ĐGH nói đến việc giáo dân có chung trách nhiệm với Hội Thánh ở trần gian này.
Từ việc trình bày căn tính của giáo dân, ĐGH nhấn mạnh đến phẩm giá “ngôi vị” của người Kitô hữu. Qua đó ĐGH giúp họ có cái nhìn sâu rộng mở về phẩm giá của mình và phẩm giá nơi những anh chị em khác.
CHƯƠNG II: TẤT CẢ LÀ CÀNH NHO CỦA MỘT CÂY NHO DUY NHẤT
Chương này diễn tả mối tương quan của giáo dân với Hội Thánh qua mầu nhiệm hiệp thông. Mầu nhiệm hiệp thông đó được khởi đi từ mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Hội Thánh cũng được diễn tả mầu nhiệm hiệp thông qua những hình ảnh sống động nơi trần thế, đó là hình ảnh cây nho và cành nho.
Chương này nhấn mạnh việc người giáo dân ý thức về Hội Thánh và mầu nhiệm hiệp thông nơi Hội Thánh. Đồng thời người giáo dân cũng cần ý thức rõ ràng vai trò của mình trong Hội Thánh, những bổn phận trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình đối với Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương.
Công đồng Vatican II nhìn nhận rõ hơn về vai trò của người giáo dân trong việc tham gia vào các tác vụ và việc cử hành các nghi lễ phụng vụ.
Người giáo dân được tham gia vào các tác vụ nhờ được rửa tội. Giáo dân được tham gia vào một số tác vụ của vị chủ chăn, mà không buộc có ấn tích truyền chức, nhưng theo quy định của giáo luật. Những tác vụ đó phải được vị chủ chăn ủy nhiệm chính thức và trực tiếp. Và trong khi thi hành tác vụ, người giáo dân được ủy thác phải tuân theo quyền bính của Hội Thánh.
CHƯƠNG III: THẦY ĐÃ CẮT CỬ ANH EM ĐỂ ANH EM RA ĐI, THU ĐƯỢC KẾT QUẢ
Vai trò của người giáo dân trong công cuộc truyền giáo với Hội Thánh (ý thức hướng ngoại). Việc “đơm hoa kết trái” là một đòi hỏi cốt yếu trong đời sống người Kitô hữu. Giáo dân là thành phần của Hội Thánh nên họ mang nơi mình ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Họ có trách nhiệm trong việc rao truyền Lời Chúa, nhất là qua việc dạy giáo lý.
Người giáo dân được mời gọi trả lời cho những câu hỏi về niềm hy vọng, những vấn đề bằng chính niềm tin và cuộc sống chứng tá của mình.
Vai trò của người giáo dân không dừng lại ở việc tham gia tích cực nơi các cộng đoàn, nhưng còn có trách nhiệm mang lại nguồn cảm hứng về đời sống đức tin và thực hành truyền giáo cho những ai chưa tin hoặc những người không sống theo đức tin đã lãnh nhận.
Người giáo dân được mời gọi quảng đại dấn thân “đi khắp tứ phương” đến những nơi truyền giáo hoặc trở nên dấu chỉ về Đức Kitô giữa những anh chị em tôn giáo bạn.
Nếu như ở chương trước, người giáo dân đã nhận ra phẩm giá của mình một cách sâu rộng, chương này ĐGH cũng mời gọi giáo dân tham gia các hoạt động xã hội về chính trị, văn hóa, kinh tế... thực thi những công việc cổ võ cho phẩm giá, tôn trọng các quyền sống, tự do của con người. Và đi xa hơn nữa, người giáo dân được mời gọi dấn thân phục vụ tha nhân trong đức ái nơi xã hội, ở đó nhân vị con người được đặt trên các khía cạnh chính trị, kinh tế.
CHƯƠNG IV: NHỮNG NGƯỜI THỢ LÀM VƯỜN NHO CỦA CHÚA
Nội dung chương này nó đến vai trò của các thành phần trong Hội Thánh – những người “thợ” quản lý ân huệ đa dạng của Thiên Chúa, trong đó bao gồm cả những thiếu nhi, giới trẻ, người lớn, những người nam và nữ. Trong tương quan với Đức Kitô giáo, tất cả được tôn trọng phẩm giá của nhau, được mời gọi hiệp nhất nên một.
Hội Thánh cũng quan tâm và trân trọng phẩm giá của những anh chị em bệnh nhân và những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Hội Thánh chia sẻ những nỗi đau đó và đồng thời mời gọi họ tham gia vào việc phát triển Nước Thiên Chúa trong hoàn cảnh của mình.
Hội Thánh nhìn nhận một con đường khác nơi anh chị em giáo dân đó là nhìn nhận các tu hội đời như một cách thế mới mẻ trong công cuộc làm phát triển Hội Thánh.
CHƯƠNG V: ĐỂ ANH EM SINH NHIỀU HOA TRÁI
Chương này nhấn mạnh đến việc huấn luyện giáo dân
Vai trò của Hội Thánh trong việc huấn luyện giáo dân
Trong công cuộc phát triển, Hội Thánh nói chung và Hội Thánh địa phương có trách nhiệm ưu tiên cho việc huấn luyện và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về việc huấn luyện anh chị em giáo dân.
Trước tiên, người giáo dân được mời gọi đáp lại ơn Chúa để lớn lên và trưởng thành, để sinh hoa trái như cây nho.
Tiếp đến, người giáo dân được mời gọi khám phá ra ơn Chúa qua việc lắng nghe Lời Chúa, chuyên tâm cầu nguyện, phân định và thực thi Lời Chúa.
Người giáo dân cần được huấn luyện một cách toàn diện. Trong đó, đời sống thiêng liêng và đời sống trần thế luôn đi liền với nhau. Người giáo dân cần chu toàn cả hai đời sống này dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm.
Những người cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc huấn luyện:
Nhà huấn luyện đích thức là Chúa Thánh Thần. Bên cạnh đó là Hội Thánh, bao gồm Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh địa phương. Trong đó các giám mục, linh mục, tu sĩ là những cộng tác viên đắc lực của Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, mọi thành phần đều đóng góp vào việc huấn luyện.
Môi trường huấn luyện:
Người giáo dân cần được huấn luyện khởi đi từ gia đình Kitô giáo, tới môi trường giáo dục nơi trường học và các đại học Công giáo. Hội Thánh cần những chuyên viên trong các chuyên môn giúp cho công việc huấn luyện.
Bên cạnh đó trong quá trình huấn luyện giáo dân, cần quan tâm đến lãnh vực văn hóa. Một điều quan trọng khác đòi hỏi nơi người giáo dân là việc tự huấn luyện.
Kết luận
Công việc của Thượng Hội Đồng đã mang lại cho tất cả mọi tham dự viên một kinh nghiệm thiêng liêng lớn: kinh nghiệm một Giáo Hội, trong ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẵn sàng phân định và đón nhận lời mời gọi được lặp đi lặp lại của chúa, nhằm để, một lần nữa, trình bày cho thế giới ngày nay biết mầu nhiệm hiệp thông và tính năng động trong sứ vụ cứu độ của Giáo Hội, và điều đó được thực hiện nhờ hiểu rõ vị trí và vai trò đặc biệt của giáo dân. Tông Huấn này muốn làm cho hoa trái của Thượng Hội Đồng được nên phong phú bao nhiêu có thể, trong tất cả các Giáo Hội phân tán khắp nơi trên thế giới; hoa trái đó phát sinh từ việc toàn thể Dân Chúa, trong đó có các giáo dân, đón nhận hữu hiệu lời mời gọi của Chúa.
ĐGH khuyên nhủ mọi người và từng người, hãy kiên quyết gìn giữ trong tâm hồn cũng như trong đời sống một ý thức về Giáo Hội, đặc biệt là người giáo dân phải ý thức đầy đủ về phẩm giá của mình. Bên cạnh đó, ĐGH cũng nhắn nhủ các các chủ chăn cũng như tín hữu, phải cảm thấy mạnh mẽ hơn trách nhiệm của mình là tuân phục lệnh truyền của Chúa Kitô: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo".
Cuối cùng, ngài trao phó những thành quả thiêng liêng từ những kết quả của Thượng Hội Đồng qua sự cầu bầu nơi Đức Maria.
Nhận định
Tông huấn giúp con có cái nhìn tổng quan về ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong thế giới ngày nay. Dù Tông huấn đã được ban hành cách đây hơn ba mươi năm, nhưng nó vẫn không ngừng mời gọi người giáo dân ý thức về vai trò của mình trong Hội Thánh. Người giáo dân có vị thế quan trọng và phẩm giá cao quý trong Hội Thánh nhờ được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô. Họ được mời gọi dấn thân cách mạnh mẽ trong sự hiệp thông của Hội Thánh, đồng thời họ được kêu mời phản chiếu hình ảnh Đức Kitô giữa đời sống như lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho những người “thợ làm vườn nho”.
(Chủng sinh Phêrô Nguyễn Công Toàn)