Tác phẩm là những suy tư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dưới ánh sáng Công đồng Vaticano II về ý nghĩa và vai trò của Đức Mariatrong huyền nhiệm Đức Kitô và về sự hiện diện tích cực gương mẫu của Đức Mẹ trong đời sống Giáo hội. Trong Giáo hội, Mẹ được tung hô ngay từ lúc Mẹ nói lời “xin vâng” và giáo hội nhận ra Đức Kitô và Đức Maria luôn liên Kết với nhau một cách chặt chẽ.
I. Đức Maria trong huyền nhiệm Đức Kitô
Đầy ơn phúc
Trong kế hoạch cứu độ mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn một người phụ nữ giữa muôn người để giao một trọng trách. Đức Mẹ đã can đảm và dứt khoát tham gia vào kế hoạch của Thiên Chúa qua lời xin vâng. Vì được Thiên Chúa tuyển chọn, Mẹ là người diễm phúc, là Đấng Đầy Ơn phúc. Điều này chúng ta biết được qua lời truyền tin của sứ thần Gabriel.
Ở mục này Đức Thánh Cha đào sâu và quảng diễn ý nghĩa của từ “đầy ơn phúc” dưới góc nhìn của Kinh Thánh và Giáo huấn của Giáo hội. Đức Maria được đầy ơn phúc, điều này cũng gắn với việc Mẹ là người có lòng tin mạnh mẽ. Dưới nhãn quan của Kinh Thánh và truyền thống Giáo hội, một người được Thiên Chúa ưu ái chọn và được chúc phúc thì cùng lúc người đó gắn bó với Thiên Chúa bằng lòng tin trung kiên cả trong những mầu nhiệm và các biến cố của cuộc sống.
Sự vâng phục đức tin dưới tác động của Chúa Thánh Thần nơi Mẹ được sánh ví với đức tin của tổ phụ Abraham. Các biến cố trong đời Mẹ từ khi truyền tin, tiếp đến là dâng Con trong đền thờ, cuộc chạy trốn sang Ai Cập, cuộc sống ẩn dật tại Nazaret, Mẹ vẫn không ngừng suy gẫm những chương trình kì diệu của Chúa bằng một niềm tin sắt son.
Phúc lành đó đạt tới mức toàn vẹn ý nghĩa lúc Mẹ đứng dưới chân thập giá. Ở dưới chân thập giá, sự vâng phục đức tin của đã chứng tỏ thái độ vâng phục, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Chính nhờ đức tin vâng phục đó, Mẹ đã liên kết mật thiết với Đức Kitô trong sự tự hạ.
Đây là Mẹ của anh
Hình ảnh người mẹ trong Tin Mừng Luca là hình ảnh gần gũi. Khi một người phụ nữ nói phúc cho người cho Thầy bú mớm, bà hướng đến người mẹ theo huyết nhục (Lc 11,27). Đáp lại câu nói của người phụ nữ ấy, Chúa Giêsu không có ý phủ nhận người đã cưu mang Ngài nhưng nhấn mạnh đến người “mẹ” của lòng tin, “những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”, người ấy là mẹ đích thực. Và nơi Đức Maria, hình ảnh người mẹ nên trọn vẹn vì Mẹ vừa cưu mang vừa lắng nghe và tuân giữ trọn lời Thiên Chúa.
Cana tiệc cưới và phép lạ đầu tiên
Đức Maria đã đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Giêsu qua việc Mẹ quan tâm tới con người, những nhu cầu, sự thiếu thốn của họ. Trong bối cảnh tiệc cưới Cana, bằng sự quan sát nhạy bén, Mẹ đã chỉ dẫn các gia nhân để họ được giúp đỡ. Nhờ sự can thiệp của Mẹ và sự vâng lời của các gia nhân, Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ. Vai trò trung gian của Mẹ được nổi bật khi Mẹ là trung gian để đưa con người đến với Chúa và quy hướng về Chúa.
Trong Tin Mừng Gioan, trình thuật Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, cùng với lời “di chúc” “đây là mẹ anh”, Chúa Giêsu đã làm nổi bật mối liên hệ giữa Mẹ và người môn đệ sau này là Giáo hội. Vai trò làm Mẹ được đặt trong tương quan của niềm tin. Mẹ trở nên mẹ của những người tin, những người môn đệ từ giai đoạn đầu của Giáo hội.
Có thể thấy qua các biến cố, Đức Maria luôn gắn bó cách mật thiết với lịch sử cứu độ. Trong cuộc lữ hành ngày nay, Giáo huấn của Công đồng Vaticano II vẫn xác tín Đức Maria luôn hiện diện trong sứ mạng của Giáo hội, hiện diện trong hoạt động của Giáo hội và đang làm cho vương quyền của Đức Kitô được loan báo trong trần gian.
II. Thân Mẫu Thiên Chúa Trong Lòng Giáo Hội Lữ Hành
Giáo hội đã đi vào lịch sử nhân loại, đó cũng là cuộc lữ hành đức tin nhờ sức mạnh của Chúa Phục Sinh. Trong Giáo hội, Đức Maria hiện diện như một người “hạnh phúc vì đã tin”. Mẹ cùng đi với các tín hữu và Mẹ như “tấm gương” phản chiếu những kỳ công của Thiên Chúa.
Giáo hội được thiết lập trên nền tảng các Tông đồ. Mẹ cũng hiện diện ở ngay những giây phút đầu của Giáo hội nơi nhà tiệc ly để cầu nguyện cùng các ông và xin ơn Chúa Thánh Thần. Mặc dù Mẹ không trực tiếp lãnh sứ vụ “đi đến muôn dân” như các Tông đồ, nhưng Mẹ ở với và củng cố niềm tin cho các ông, bởi vì Chúa Thánh Thần đã ngự và hoạt động ngay từ lúc truyền tin.
Hành trình của Giáo hội và sự hiệp nhất
Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã hăng say lên đường. Sự hiệp nhất của các môn đệ Chúa Kitô là dấu chỉ sáng ngời về niềm tin vào Thiên Chúa. Trong thực tế thế giới rất đa dạng về tư tưởng và niềm tin kể cả giữa các Giáo hội. Các môn đệ và những tín hữu được mời gọi noi theo gương “vâng phục đức tin” của Mẹ. Dù có những điểm khác nhau, giữa Giáo hội Đông Phương và Tây Phương cần vượt qua những đạo lý về mầu nhiệm Giáo hội và vai trò của Đức Maria.
Đức thánh cha đã khơi lên tinh thần đại kết một cách mạnh mẽ và cởi mở khi ngài nhấn mạnh đến việc tôn kính, yêu mến Đức Mẹ. Qua phụng vụ, các bài thánh ca, những lời cầu nguyện, việc tôn kính ảnh tượng … các Giáo hội Đông và Tây, Phụng vụ Latin hay Bazantin việc tôn kính Đức Mẹ vẫn diễn ra ở nhiều nơi bằng nhiều cách thức khác nhau để nói lên sự phong phú.
III. Vai trò trung gian làm mẹ của Đức Maria
Giáo hội nhận biết và dạy chúng ta rằng “chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng tự hiến làm giá chuộc mọi người” (Tm 2,5-6)
Tuy nhiên vai trò trung gian của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô. Mẹ đồng hành với Giáo hội ngay từ giai đoạn đầu, cả sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ vẫn tiếp tục chuyển cầu những ân huệ cho con cái mình. Qua Mẹ chúng ta được dẫn tới Chúa Giêsu. Vai trò trung gian của Mẹ là vai trò trung gian tùy thuộc và quy hướng về Đức Kitô.
Ý nghĩa của năm Thánh Mẫu
Theo đường hướng của Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện đặc biệt của Thân Mẫu Chúa trong mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Giáo hội. Thông điệp mời gọi mọi tín hữu đọc lại và đào sâu những điều Công đồng đã nói về Đức Maria, về những gì trong quá khứ Mẹ đã cộng tác vào công cuộc cứu chuộc trong Đức Kitô. Đó không chỉ là vấn đề đạo lý đức tin mà còn là việc sống đức tin. Cách riêng trong năm Thánh Mẫu, Đức thánh cha cầu nguyện với Mẹ và kêu mời mọi người cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, nhất là sự hiệp nhất giữa Giáo hội Chính Thống và Công Giáo.
Kết thúc
Ở phần cuối Đức Thánh Cha phác họa một viễn cảnh của Giáo hội và nhân loại tiến về thiên niên kỷ mới với những thách đố và cơ hội, những nguy cơ có thể xảy đến. Trước bối cảnh đó, Giáo hội vẫn nhìn thấy Mẹ giúp sức cho đoàn dân Kitô giáo. Ngài ước mong những suy tư trong thông điệp này giúp cho các tín hữu thay đổi cái nhìn trong tâm hồn. Cuối cùng, ngài gửi lời chúc bình an cho mọi tín hữu.
Nhận định
Qua những suy tư trong thông điệp, Đức Thánh Cha đã làm nổi bật vai trò “làm Mẹ” của Đức Trinh Nữ Maria trong kế hoạch của Thiên Chúa. Điều đó thể hiện qua tương quan với Chúa Giêsu, với các môn đệ và với Giáo hội. Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, thông điệp như một lược đồ để các Kitô hữu tin và tôn kính Đức Maria đúng vị trí của Mẹ. Thông điệp cũng cho thấy lòng yêu mến sùng kính Đức Mẹ cách sâu đậm của Đức Thánh Cha và như một lời cổ võ mạnh mẽ đoàn con cái chạy đến noi gương Mẹ để Mẹ dẫn đoàn con đến với Chúa.
(Chủng sinh Phêrô Nguyễn Công Toàn)