Chúng ta sống trong thời đại đầy biến động và lo lắng. Khuynh hướng này không chỉ trong đời sống thường nhật mà còn biểu hiện trong cả đời sống thiêng liêng. Điều này làm con người khao khát bình an. Và như một hệ quả tất yếu, con người đi tìm kiếm bình an.
Con người đi tìm kiếm bình an nội tâm. Như lời tác giả khẳng định: “Chúa là Thiên Chúa của bình an. Người không lên tiếng cũng không hành động trong rối bời và lo lắng nhưng bình an”. Do đó, Chúa Giêsu và ơn Chúa hoạt động mình trở nên đích nhắm của mỗi người. Như thế, bình an mới hiện trong tâm hồn.
Bình an cũng là kết quả của tình yêu của một sự nhạy cảm trước những khổ đau của tha nhân. Chỉ có bình an mới giúp ta giải thoát chính mình mà bước tới tha nhân. Tuy nhiên, chiến đấu cho bình an là cuộc chiến không khoan nhượng. Cuộc chiến đấu thiêng liêng là điều khó tránh khỏi, nhưng nó được xem như một thưc tại tích cực. Vì như thánh Catarina Siena nói: “không có chiến tranh sẽ không có hoà bình”, không có chiến đấu sẽ không có chiến thắng. Hơn nữa cuộc chiến này không hề vô vọng, bởi “Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào” (Tv 27,1).
Tuy nhiên, bình an dễ bị đánh mất không chính đáng. Chúng ta là những kẻ tin, lý do cốt lỗi để ta có bình an không đến từ thế gian, nhưng đến từ Lời Chúa Giêsu: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”. Và như thế, chúng ta tin rằng bình an này sẽ không bao giờ bị lấy đi. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết cách giữ lấy bình an. Bởi vì, chúng ta thiếu đức tin. Bên cạnh đó, nếu chúng ta tìm kiếm bình an theo kiểu thế gian ban tặng thì chúng ta sẽ không bao giờ biết đến bình an. Nếu có, nó sẽ vô cùng mong manh và chóng qua.
Người ta thường nói: “trong nguy có cơ”. Trước những thách đố cuộc đời, chúng ta có thể đánh mất đi bình an. Nỗi sợ hãi này liên quan đến những tiện ích vật chất, thiện ích luân lý, thiện ích mang tính thiêng liêng, nhất là sợ đau khổ. Tuy nhiên, như lời thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu: “tình yêu của Thiên Chúa có thể biến tất cả mọi sự Người tìm thấy trong tôi nên lợi ích cho tôi, từ điều lành cũng như điều dữ. Một điều không thể bàn cãi là con người bất toàn. Những thay vì than khóc, chúng ta hãy để chúng trở nên cơ hội tuyệt vời giúp mình tiến bộ về nhân đức, thẳng tiến trong đức tin.
Bình an cũng được gìn giữ nhờ thái độ của chúng ta với tha nhân. Đôi khi, chúng ta cảm thấy lo lắng bởi đau khổ đó. Điều này có thể là tốt, nhưng chúng không bao giờ được trở thành nguyên cơ khiến chúng ta thất vọng. Một điều chắc chắn là Thiên Chúa yêu mọi người cách tốt lành hơn cách chúng ta yêu thương họ. Người muốn chúng ta tin vào tình yêu này và phó thác tất cả vào tay của Ngài. Phó thác bởi chúng ta bất toàn. Lòng thương của chúng ta có thể sai lầm, làm cho đau buồn thất vọng của tha nhân thêm nghiêm trọng. Lòng thương xót của chúng ta cũng không phải nguồn mạch bình an vĩnh cửu cho những ai đau khổ.
Đối với mỗi cá nhân, tác giả mời gọi “kiên nhẫn với những lầm lỗi và bất toàn của chính mình”. Đây không phải thái độ lơ đễnh hoặc cam chịu, nhưng là phương thế thánh hoá chính mình. Đây không phải nỗ lực bản thân mà chúng ta thoát được tội lỗi, nhưng chỉ ân sủng của Thiên Chúa mới làm được điều đó. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta để mình trong thế bị động. Trái lại, mọi người đều phải đương đầu, nhất là trong đời sống thiêng liêng. Tội lỗi cần được đối diện bằng sự khiêm tốn và kiên quyết xưng thú ngay khi có thể. Thiên Chúa yêu thích những ai biết tự mình quyết định mà không do dự, biết tin tưởng và phó thác chính mình cho Người.
Tác giả đã kết hợp hài hoà giữa suy tư cá nhân và Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, để làm nổi bật bình an dưới nhiều góc cạnh. Nhờ sự phân tích, tổng hợp của tác giả, người đọc dễ dàng tìm hiểu về sự an bình, nhất là an bình trong nội tâm, bình an trong Chúa. Bên cạnh đó, tác giả đã khéo léo đưa những đề xuất, khuyến cáo để người đọc từng bước tìm kiếm và gìn giữ bình an. Con người thời nay cần những “chứng nhân hơn là thầy dạy”. Nhìn nhận tâm lý này, tác giả cũng đưa ra hàng loạt chứng nhân là các thánh. Các ngài là những gương sáng ngời để con người dõi theo trên hành trình tìm kiếm và gìn giữ bình an.
(Chủng sinh Giuse Phạm Văn Trình)