Sách “Tất cả đều là ân sủng” bàn về một trong những điều căn bản nhất của mọi vấn đề về bản chất của thời gian. Trong một loạt những bài suy niệm đặc sắc, cha bàn luận những vấn đề khoa học về thời gian, tính tương đối, bản chất của hiện tại, tính vĩnh cửu, việc đương đầu với quá khứ, thời gian được chuộc lại và đối diện với tương lai. Những vấn đề sâu sắc mà cha bàn luận được trình bày với sự thân mật và tính hấp dẫn. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, con xin được trình bày khái quát về nội dung các chương theo ý hiểu của con như sau.
Chương 1: “Có nhiều loại thời gian khác nhau” trình bày các quan điểm về các loại thời gian như sau: thời gian tự nhiên (sẽ qua đi) và thời gian nội tâm (sẽ luôn luôn ở lại với ta); thời gian khách quan và thời gian chủ quan; thời gian dựa trên sự phát xạ của nguyên tử và thời gian dựa trên sự chuyển động của trái đất. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh: “Thời gian thực sự không phải là thời gian của đồng hồ hay cuốn lịch, nhưng là thời gian của ý thức”. Do đó, chúng ta cần phải ý thức tái khám phá sự bình an nơi Thiên Chúa, để hành động trong sự thật và thổi Thần Khí sự thật vào trong thế gian.
Chương 2: “Chiều sâu của hiện tại” được hiểu là hãy sống kinh nghiệm của giây phút hiện tại cách tròn đầy đối với: chính mình, những người đồng loại và thế giới. Trong từ ngữ tôn giáo, chúng ta gọi đó là “xét mình”. Thật vậy, xét mình là giây phút mà chúng ta thâu góp những khoảnh khắc tròn đầy trong ngày, là khoảnh khắc chúng ta mở rộng lòng mình để Chúa Thánh Thần chiếm hữu. Như vậy, chúng ta có thể cảm mến và thưởng thức trong tâm tình tạ ơn.
Chương 3: “Vĩnh cửu ở giữa lòng của thời gian” trình bày về sự vĩnh cửu (sự tròn đầy của hiện tại) ở giữa lòng thế gian chỉ có được nơi Thiên Chúa – là Đấng Hằng Sống. Thật vậy, chúng ta có sự hiện diện của vĩnh cửu ở giữa lòng thời gian, qua Chúa Giêsu. Người là Đấng ban ý nghĩa cho thời gian và lịch sử, là Đấng hoàn tất và đổi mới chúng. Bởi vì, Thiên Chúa không thể vào lịch sử loài người mà lại không đảo lộn mọi sự, không đổi mới và biến đổi mọi sự.
Chương 4: “Sự khôn ngoan của thời gian” trình bày việc con người biết làm chủ thời gian và không bị cuốn theo sự bận rộn của công việc. Con người cần biết sử dụng thời gian cách khôn ngoan để sống cho mình, để gặp gỡ người khác, để lắng nghe và yêu thương nhau, để lớn lên và trưởng thành… Đặc biệt là để cầu nguyện và chìm sâu vào sự bình an của Thiên Chúa: “Hãy thánh hoá ngày của Chúa”.
Chương 5: “Quá khứ vẫn tiếp tục” trình bày về việc quá khứ vẫn được tiếp tục làm mới lại ngay trong lòng hiện tại, nhờ ký ức. Thật vậy, chính nhờ Thiên Chúa linh hứng và nhờ hồi tưởng lại cuộc đời của Chúa Giêsu, mà các thánh Tin Mừng đã viết ra Kinh Thánh. Cũng chính nhờ sự hồi tưởng lại quá khứ, mà chúng ta có thể khám phá ra Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời mình. Vì thế mỗi tối, chúng ta cần dành thời giờ để nhìn lại ngày sống của mình, xem xét cẩn thận, thưởng thức nó và khám phá những khoảnh khắc của ân sủng mà Thiên Chúa chạm đến tâm hồn chúng ta.
Chương 6: “Việc chuộc lại thời gian” là sự cứu chuộc, thay đổi “Điều đã xảy ra rồi” trở thành “tôi muốn nó như vậy”. Sự biến đổi này là làm lại hoàn toàn, một sự làm lại tận căn, không chỉ là một việc chắp vá, sửa chữa. Đó là tin rằng cuộc đời của tôi có thể được làm mới lại, tôi có thể làm lại một tâm hồn trẻ thơ cho chính mình: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim mới, xin đặt một tinh thần mới trong chúng con”.
Chương 7: Bàn về vấn đề trọng tâm của cuốn sách: “Tất cả đều là ân sủng” của Thiên Chúa ở việc:
- Thuở ban đầu, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, mọi vật hữu hình và vô hình, đặc biệt là con người như một quà tặng nhưng không của Ngài cho con người.
- Khi con người phạm tội, Thiên Chúa lại ban cho con người một quà tặng nhưng không của việc cứu chuộc là chính Con của Ngài – Đức Giêsu Kitô.
- Trong cuộc sống, nếu chúng ta tin tưởng và cầu xin Chúa thì Người sẽ ban cho chúng ta mọi ơn lành: “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24).
Như vậy, sách “Tất cả đều là ân sủng” giúp người đọc có thể nhận ra ân sủng của Thiên Chúa qua chính những điều xung quanh (thời gian). Điều này được thể hiện qua cách lập luận khoa học như một bài suy niệm. Đặc biệt là qua các câu chuyện giản dị trong cuộc sống như: câu chuyện của bà mẹ và đứa con trong nhà thờ thánh Giuse tại Cairô, câu chuyện của tác giả ở trong một nhà trẻ tại Alexandria lúc bốn tuổi… và các câu chuyện trong Kinh Thánh như: dụ ngôn về người tôi tớ mắc nợ (Mt 18), dụ ngôn người con hoang đàng, phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều…
(Chủng sinh: Bênađô Trần Minh Chiến)