Đây là cuốn sách ghi lại những dòng hồi ký suy tư của Đức giám mục Giuse Đinh Đức Đạo từ khi ngài còn là một cậu bé mới 5 tuổi cho đến lúc ngài trở thành Giám mục, để qua đó ngài dâng trào tâm tình tôn thờ phải cảm tạ Thiên Chúa, tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ và thánh cả Giuse. Thêm vào đó phải là tâm tình tri ân và lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ, hướng dẫn và đồng hành với ngài trong suốt hành trình cuộc đời, trong ơn gọi và sứ vụ Linh mục và Giám mục. Cuốn sách này bao gồm 10 chương ứng với 10 chủ đề khác nhau về hành trình ơn gọi và những dấu ấn đặc biệt được khắc ghi trong tâm trí của ngài.
Chương 1: Ngài đã thắng con
Ơn gọi của Đức giám mục là một huyền nhiệm. Có lẽ, ngài đã chọn tên cho cuốn sách này là “đồ gốm” để làm nổi bật lên tác động của Thiên Chúa trên cuộc đời của ngài. Đồ gốm nói lên sự mỏng dòn, yếu đuối, nhưng điều đặc biệt ở đồ gốm là diễn tả tương quan cá vị và sự tùy thuộc hoàn toàn vào người thợ gốm hoặc… Cũng vậy, điều này để diễn tả sự mỏng dòn và yếu đuối của phận người “phải” nhưng cũng chính qua đó mà lòng thương xót của Thiên Chúa càng được tỏa sáng.
Khi nói về những bước chập chững của ơn gọi linh mục của ngài. Đức giám mục đã trích dẫn câu Lời Chúa trong sách Giêrêmia 20,7 “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng” để nói về sự mời gọi mãnh liệt của Thiên Chúa trong bước đường dâng hiến của ngài . Ơn gọi được nhen nhóm khi ngài mới được 5 tuổi qua hình ảnh người anh họ của ngài được bố chở đến cha xứ để xin đi tu . Có lẽ, hình ảnh đó đã nảy nở trong tâm trí ngài muốn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa . Tiếng gọi “mẹ ơi, con muốn đi tu” mà ngài đã cất lên cùng với người mẹ yêu quý của mình ngoài vườn rau đã chạm đến trái tim đầy lòng yêu mến của Thiên Chúa và qua đó Thiên Chúa đã bổ sức cho ngài. Hoàn cảnh gia đình của ngài lúc đó được xếp vào khá giả trong làng, mặc dù bố đã mất khi ngài còn đang trong bụng mẹ, chỉ còn mẹ, 2 chị và ngài là con trai út. Sau đó đến năm 1954 ngài và cả gia đình đã di cư từ giáo xứ Thức Hóa - Bùi Chu vào miền nam. Đời tu của ngài được trợ giúp bởi thầy Tư và thầy An tôn Phạm Gia Thuấn đến mục vụ tại giáo xứ Bùi Chu - Sài Gòn, chính thầy An tôn Thuấn đã đến thăm và ngỏ lời xin mẹ cho ngài đi tu . Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong ngài, khi ngài bị đánh động bởi cha Quý - Người mà đã giảng tĩnh tâm năm Đệ tử cho ngài. Chính qua bài giảng tĩnh tâm của cha quý, mà Chúa đã đánh động tâm hồn ngài cách đặc biệt. Tuy nhiên, trong cuộc đời của ngài có những lần đã phải đối mặt với sự khủng hoảng đức tin khi ngài tu học ở Roma, trước những khó khăn và những gương mù gương xấu xung quanh ngài.
Chương 2: Maria - Mẹ của con
Trong chương này, ngài đã tỏ tình yêu và lòng mến mộ của ngài đến với Đức Mẹ Maria . Đặc biệt là chuỗi kinh mân côi đã cứu ngài lúc khủng hoảng đức tin và trong những lúc nản chí và khủng hoảng với ơn gọi. Ngài đã thuật lại hành trình và những sự kiện gắn liền với những cuộc hành hương đến với Đức Mẹ Lộ Đức, Fatima, Guadalupe và Genezzano. Tất cả đã để lại trong Đức giám mục nhiều kỷ niệm đáng nhớ và cảm nhận được sự nâng đỡ và chở che của Đức Mẹ. Nổi bật nhất ở chương này là chuyến đi giảng huấn cho khóa học truyền giáo tại Tepatitlan, Mexico. Đây là một chuyến đi như là dấu ấn không thể phai mờ trong ngài vì đã xuất hiện những điều kỳ lạ mà ngài vẫn chưa thể giải thích được. Chính ngài cho rằng, Đức Mẹ là người đã giúp ngài trong những lúc khó khăn.
Chương 3: Tôi đã gặp những vị thánh
Trong chương 3 này, ngài đã kể về những nhân vật đặc biệt, những con người tốt lành và thánh thiện, đối với ngài đây là những vị thánh sống, mặc dù họ chưa được Giáo hội tuyên phong. Đó là những người như Đức hồng y Phanxicô xavie Nguyễn Văn Thuận - là người có một tình yêu và sự tha thứ, là người có lòng say mến thánh thể và thương yêu người nghèo. Đức ông Juan Esquarda Bifet là người có tinh thần trách nhiệm và lòng khoan dung. Sơ Gaeta – nữ tu người Ý và sơ Ester – nữ tu người Tây Ban Nha... Tất cả những người này đã đánh động tâm hồn và tâm trí của ngài, bởi vì cuộc đời thánh thiện, tốt lành và hi sinh của họ.
Chương 4: Ước nguyện và kinh nghiệm truyền giáo
Đức giám mục Giuse đã có lòng khao khát truyền giáo mãnh liệt. Ngài đã chia sẻ rằng lòng khao khát truyền giáo được hình thành như một hành trình kéo dài nhiều năm, bắt đầu là ý thức về nhu cầu truyền giáo rồi từ từ chuyển thành lòng trắc ẩn và cuối cùng biến thành lòng khao khát và dấn thân. Ngài đã chia sẻ về kinh nghiệm truyền giáo tại Brazil, với sự giằng co và phân vân trong lòng bởi vì tại thời điểm đó có đến 4 lời mời đến từ những nơi khác nhau như là lời mời từ cha Tổng quyền Dòng Ngôi Lời để cộng tác vào sinh hoạt trong môi trường của nhà dòng, rồi đến từ giáo phận Aachen (Đức), nơi mà ngài đã từng phục vụ hè; thứ 3 là lời mời từ giáo phận Wichita (Hoa Kỳ) để giúp người Việt Nam tị nạn định cư trong giáo phận và lời mời gọi thứ 4 là đến tổng giáo phận Manaus Brazil để cộng tác vào nhiệm vụ giáo sư thần học luân lý. Mỗi nơi đều có sự thu hút, sự thuận lợi và khó khăn riêng và cuối cùng ngày đã chọn đi đến giáo phận Manaus. Ngoài ra, trong chương này, ngày còn miêu tả kinh nghiệm của ngài khi ngài đi truyền giáo tại châu Phi và một số nước ở châu Á và bộ lạc Samburu.
Chương 5: Nguyên tắc sống
Ngài đã đưa ra những nguyên tắc sống theo ngài như là kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời: nguyên tắc chung, áp dụng cho hướng đi tổng quát của cuộc đời, nguyên tắc riêng, áp dụng cho một khía cạnh riêng biệt của cuộc sống. Cụ thể hơn, nguyên tắc sống của ngài là coi “ tất cả là phù vân, chỉ có Chúa là đủ” và tín thác rằng “ côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”. Nổi bật trong các nguyên tắc đó là nguyên tắc “ba không” nghĩa là không tìm, không chối, không giữ.
Chương 6: Những ngã rẽ cuộc đời
Trước rất nhiều lời mời ở lại Roma và nhiều nơi khác để làm việc. Ngài đã đắn đo, suy nghĩ và cầu nguyện. Cuối cùng, ngài đã chọn trở về Việt Nam, cụ thể là giáo phận Xuân Lộc qua lời mời của Đức cha Đa minh Nguyễn Chu Trinh. Khi trở về Việt Nam, ngài đã được bổ nhiệm làm giám đốc Đại chủng viện Xuân Lộc. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc ngày 28/02/2013 và thêm một ngã rẽ là ngày 07/05/2016 được Đức Thánh Cha Phanxico bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Xuân Lộc. Trước nhiều ngã rẽ xảy ra trong cuộc đời của Ngài, Ngài đã tâm niệm ba câu Kinh Thánh như ánh sáng dẫn đường cho ngài trong mỗi thời điểm: “Này là Mình Thầy” (Mc 14,22-24); “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21); “Tối biết Đấng tôi tin tưởng” (2Tm 1,12).
Chương 7: Đại Chủng Viện – “Mối tình đầu”
Đại chủng viện Xuân Lộc chính là “mối tình đầu” trong khối tình Xuân Lộc của ngài. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu, ngài đã dành trọn tất cả thời gian, sức lực và tâm trí cho nơi này với ước mong huấn luyện được một số thế hệ linh mục “hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ”. Ngài đã đưa ra một số chiều sâu như tăng cường nội lực, nhận diện và sửa đổi các khuynh hướng tiềm ẩn trong tâm hồn, tăng cường sức mạnh của ý chí, say mến và nối nguồn Giêsu, thanh thoát trong việc sử dụng các phương tiện tân tiến, tình yêu mục tử và tinh thần truyền giáo.
Chương 8: Bài giảng lễ và những câu chuyện hay
Trong chương này, ngài đã đề cập đến một vài suy tư và kinh nghiệm về sứ vụ giảng dạy Lời Chúa như ngài để quan sát và học hỏi những vị giảng thuyết danh tiếng như Đức tổng giám mục Philiphe Nguyễn Kim Điền, Đức hồng ý Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, cha Quý – người mà đã đánh động ngài trong buổi tĩnh tâm khi còn ở Tiểu Chủng viện. Tiếp đến là một vài câu chuyện sâu sắc và cảm động đã chạm vào trái tim của người đọc như là con hy vọng ngày mai mẹ sẽ không phải khóc, đầu cá chốt, bé đánh giày,...Tất cả những câu chuyện này là những bài học thiết thực cho mỗi người.
Chương 9: Những nguồn gợi hứng cho suy tư và chương trình mục vụ
Đức giám mục Giuse đã đưa ba nguồn cụ thể đã gợi hứng cho ngài trong việc định hình các suy tư và chương trình mục vụ, đó là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II- người mà ngài đã được chiêm ngắm những động thái, lắng nghe những giáo huấn của Thánh Giáo hoàng từ cự ly rất gần khi ngài còn tu học tại Roma. Chính Thánh Giáo hoàng đã truyền cảm hứng và động lực cho ngài trên con đường ơn gọi và mục vụ. Thứ đến là huyền thoại Moana. Câu chuyện này đã làm ngài liên tưởng đến thế giới thực tại, một thế giới có nhiều người đã bị đánh cắp trái tim hay trái tim đã ra chai đá nên gây ra bao tội ác, những người gây chia rẽ, thù hằn, chiến tranh, những người lập mưu kế để hại người. Nhưng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không những là sức mạnh, mà còn là sức mạnh vô song, có sức thay đổi lòng người. Cuối cùng là dụ ngôn chim hải âu Jonathan Livingston. Người ta đã thấy được sự can đảm và hy sinh của chim hải âu Jonathan khi dám tách đàn ra để một mình đi đến một chân trời mới. Nó chấp nhận sự ruồng bỏ của những con chim hải âu khác, nó bị đuổi ra khỏi đàn, chịu sự cô đơn, nhưng nó vẫn vượt qua. Sự nhỏ nhen và giới hạn của bầy chim đã làm cho chúng không có khả năng nhìn xa hơn cái mỏ của chúng. Cuối cùng nó đã thành công qua quá trình kiên trì rèn luyện tập bay không ngừng nghỉ.
Chương 10: Giáo phận – Thánh địa của Lòng thương xót
Các chương trình mục vụ, nếu muốn đạt được hiệu quả vậy thì trước tiên phải khơi nguồn những yếu tố thiêng liêng, các điều thực hành và cần tác động để quy tụ sức lực phải thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận cùng chung tay thực hiện. Ngài đã trình bày qua 3 đề tài sau đây:
Thứ nhất là giáo phận với chất lòng thương xót. Trong sứ vụ Giám mục giáo phận, ngài đã ý thức phải hướng dẫn giáo phận trở thành cộng đoàn thánh thiện, hiệp nhất, bác ái và truyền giáo. Ngài đã chọn linh đạo lòng thương xót làm định hướng và linh hồn trong mọi chương trình mục vụ.
Thứ 2 là những sinh hoạt mục vụ của lòng thương xót. Ngài nói rằng những ý tưởng hay và có ý nghĩa nếu không được áp dụng thành những hành động cụ thể sẽ mãi mãi chỉ là những ý tưởng. Các sinh hoạt mục vụ một đàng nhằm thực hiện linh đạo lòng thương xót, đàng khác cũng diễn tả tinh thần hiệp thông với Giáo hội.
Thứ 3 là ngày giáo phận. Chương trình mục vụ hàng năm của giáo phận được soạn thảo với sự góp ý của nhiều thành phần dân Chúa của giáo phận để khơi lên niềm hân hoan, hứng khởi; có sức thúc đẩy mọi người có mặt cũng như vắng mặt trong buổi quy tụ cùng nhau thực hiện. Ngày giáo phận mỗi năm đều quy tụ đông đảo mọi thành phần dân Chúa với sự tham gia khoảng 780 ngàn người tề tựu về bên Mẹ Núi cúi để khai mạc năm mục vụ.
Đánh giá
Đây là một cuốn sách rất hay và ý nghĩa để viết về hồi ký suy tư của Đức giám mục Giuse Đinh Đức Đạo. Trải qua nhiều biến cố và sự kiện trong cuộc đời, ngài đã nhận ra rất rõ ràng dung mạo của Chúa Giêsu, là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Chính Chúa Giêsu đã hiện diện trong đời ngài với những dấu ấn sâu đậm không thể phai mờ, Chúa Giêsu có mặt trong mọi hoàn cảnh, mọi thử thách của cuộc đời, Ngài đã ở bên cạnh, ở ngay trong lòng, khi âm thầm thủ thỉ phải khi thách đố mời gọi phải cũng có lúc phiền trách, nhưng đa phần nâng đỡ và giải thoát. Ngoài ra ngài còn cảm nhận thân thiết và sâu đậm sự hiện diện của Đức Maria và được gặp gỡ những con người thánh thiện. Tất cả đã tác động mạnh mẽ lên hành trình ơn gọi vào đời sống của ngài.
Quý độc giả nên tìm và đọc cuốn sách hồi ký suy tư này, để cảm nghiệm được sự sâu sắc và ý nghĩa của cuộc sống qua kinh nghiệm và suy tư của Đức giám mục Giuse Đinh Đức Đạo.
(Chủng sinh: Đa minh Nguyễn Văn Giang)