Lần đầu tiên độc giả nghe tên tác phẩm: “Như trái mắm” thấy không quá ấn tượng và cũng không mường tượng được tác phẩm sẽ viết về đề tài gì. Trước đó có đọc các tác phẩm của Cha Piô Ngô Phúc Hậu: Viết cho em, Giáo lý cho người dự tòng, Nhật ký Đức Giêsu, Nhật ký truyền giáo hay Dấu Chân của Thầy Giêsu… thấy những tác phẩm đó tiêu đề và nội dung khá rõ ràng. Nay thấy một tiêu đề rất lạ, vì điểm lạ đó thôi thúc bản thân đọc, và rồi khi đọc thấy có nhiều điểm hay nên muốn giới thiệu đến mọi người.
1. Tác phẩm
- Tiêu đề tác phẩm: “như trái mắm”
Cần biết, Mắm là loại cây tạp, được Từ điển tiếng Việt gọi là "Cây nhỡ". Bà nội trợ chê mắm, vì quả mắm ăn chát, khó nấu nướng, củi mắm lại dai, bắt lửa kém mà cho lửa thì ít, cho khói thì nhiều. Thợ mộc cũng chê mắm, vì ván mắm lắm thớ, làm hỏng lưỡi bào… Trái mắm không được trọng dụng, thế nên, đến mùa rụng đầy sông, rồi theo sông trôi ra biển lớn. Trên đường đi, mắm sẽ đâm rễ và mọc lại dọc dài kênh rạch, cho đến khi ra đến biển, sẽ mọc dài bờ biển tạo nên những bãi bồi phù sa xa màu mỡ, lúc này người ta mới thấy chân quý cây mắm. Do vậy, ông bà ta thường hay nói: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước, mái nhà ai”... Cây mắm được xem là tam công thời mở cõi, là đồng đội kề bên gìn giữ từng tấc đất quê hương, là người mẹ xứ sở bao dung từng bữa no bữa đói, là bè bạn tuổi thơ í ới sân nhà...
Trở lại với tác phẩm, Cha Piô tự đồng hoá cuộc đời của ngài với trái mắm, bồng bềnh vô định, chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. Và đó là lý do chính ngài lấy tên “Như trái mắm” làm tiêu đề cho tác phẩm của mình.
+ Tác phẩm gồm 82 bài viết, tất cả độ dài là 459 trang, do Nxb Tôn giáo in ấn năm 2014.
+ Bố cục tác giả không phân rõ, nhưng dựa nội dung ta cho thể tạm chia tác phẩm thành 3 phần.
Phần I (50 bài viết đầu tiên): Các lá thư được viết dưới dạng hồi ký, tác giả đặt mình vào trong khung cảnh của bản văn Thánh Kinh, tự đồng hoá mình là một môn đệ theo sát Đức Giêsu. Trong đó có 3 lá thư gửi Đức Mẹ, 2 lá thư gửi thánh Giuse, 4 lá thư gửi thánh Simon Phêrô, 9 lá thư gửi thánh Phaolô, ngoài ra còn có những lá thư gửi cụ già Simêon, gửi các Tông đồ, gửi ông Nicôđêmô hay tổng trấn Philatô…
Phần II (gồm 31 bài viết tiếp theo) là những trăn trở, suy tư, những câu chuyện vui buồn đời thường gắn liền với cuộc sống của Cha Piô khi ngài còn ở vùng truyền giáo hay khi ngài nghỉ hưu, trở về quê hương là giáo phận Hưng Hoá.
Phần III phụ chương, tác giả nêu quan điểm của mình về việc: thánh Phêrô là anh hay là em của thánh Anrê.
2. Điểm nổi bật trong tác phẩm
Ở Phần I: Cha Piô dựa trên các sách Tân Ước, cũng như kết hợp với nguồn nguỵ thư và các nguồn sử ký về dân tộc Do Thái đã đưa ra những cái nhìn, những điểm rất mới lạ về các nhân vật trong Tân Ước. Cụ thể, qua tác phẩm “Như trái mắm” người đọc sẽ biết được lý do vì sao thánh Phaolô lại có quyền công dân Rôma, hay tại sao gia đình lại sống ở Tacso mà thánh nhân lại được hướng dẫn bởi vị minh sự Gammaniel…Thêm nữa, cũng qua tác phẩm ta biết chuyện bởi đâu mà bà Macđala lại đi ra mộ Chúa một mình, không sợ giới chức Do Thái, hay chuyện vì sao vợ quan Philatô lại có giấc chiêm bao về Chúa Giêsu cũng như tìm cách cứu Đức Giêsu…
Phần II: Điểm ấn tượng là chương trình tổ chức lễ Khánh Nhật Truyền giáo được Cha Piô chia sẻ. Theo đó, lễ Khánh Nhật Truyền giáo ngài có sáng kiến mời hết những người lương dân trong giáo xứ, con số lúc đầu là 200 người, sau mọi người lương dân hào hứng tham dự, kết quả cuối cùng là có 600 người tham dự thánh lễ. Sau đó là chia sẻ bữa cơm cùng giao lưu văn nghệ. Sau 10 năm truyền giáo ở Năm Căn, có 2000 người chính thức gia nhập đạo Công giáo.
3. Nhận định
Cá nhân nhận thấy, đây là tác phẩm viết hay và sâu sắc nhất của Cha Piô. Dù Cha không đi du học nhưng qua tác phẩm cho thấy ngài đã nghiên cứu và đào sâu rất kĩ về Kinh Thánh.
- Ưu điểm: Ngôn ngữ bình dân, dễ đọc, dễ hiểu, nhiều kiến thức mới lạ, phong phú.
- Nhược điểm: Ở phần II, vì là những câu chuyện tản mạn đời thường, lại không được sắp xếp theo trình tự thời gian, thành ra độc giả khó theo dõi.
- Ngoài ra, có những chỗ bị lặp lại như khi kể nhân vật Xalômê (con gái của bà Hêrôđia) tr.251 và tr.260. Hay chuyện “người Hồi giáo ăn thịt lợn” tr.425 lặp lại 3 lần. tr.354.