Tác phẩm niềm hy vọng Kitô giáo là một chuỗi những bài chia sẻ của Đức Giáo Hoàng trong các buổi tiếp kiến chung của ngài. Với các bài chia sẻ xoay quanh chủ đề niềm hy vọng: ĐGH đã làm nổi bật niềm hy vọng Kitô giáo. Mở đầu tác phẩm ĐGH đã mời gọi các tín hữu hãy có niềm hy vọng, trong thời điểm xem ra tối tăm này, trong khi chúng ta cảm thấy bị lạc lối trước sự dữ và bạo lực vây quanh, trước nỗi khổ đau của biết bao anh chị em của chúng ta. Chúng ta cần niềm hy vọng.
Vì tác phẩm không chia các phần hay các chương, tuy nhiên đọc tác phẩm ta có thể chia tác phẩm thành các phần: phần 1 niềm hy vọng thời Cựu Ước; phần 2 niềm hy vọng trong Tân Ước; phần 3 niềm hy vọng của thời đại chúng ta.
Phần 1 niềm hy vọng trong Cựu Ước
ĐGH đã lấy các trích dẫn của bản văn Cựu Ước cùng với đó là các nhân vật trong Cựu Ước để làm nổi bật sức mạnh của niềm hy vọng. Mở đầu tác phẩm là một mệnh lệnh trong sách Ngôn sứ Isaia “hãy an ủi, an ủi dân ta…” Thiên Chúa đã muốn cho nhân loại cảm nghiệm được tình thương của Ngài, và ở nơi đó con người cảm nhận được niềm hy vọng của họ không hão huyền nhưng là một thực tại và là một sức mạnh đến từ cội nguồn là Thiên Chúa. Chính ngôn sứ Isaia đã loan báo trước biến cố Đấng Mêsia giáng sinh trong đoạn Kinh Thánh: “này đây trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Emmanuel”. Trong cách thế đó Thiên Chúa đã chứng minh cho thấy sự trung thành của Ngài và khai mào một vương quốc mới, trao bao một niềm hy vọng mới cho nhân loại. Đó là một niềm hy vọng của đời sống vĩnh cửu.
Tác giả đã đưa ra một vài những nhân vật tiêu biểu chứng từ của niềm hy vọng trong Cựu Ước như: Tổ phụ Apraham, cha của niềm tin và niềm hy vọng. Thư Phaolô đã ca ngợi sự vững niềm cậy trông vào Thiên Chúa của tổ phụ: “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin do đó ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc”. “Vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng”. Điều này thực sự mạnh mẽ: không có niềm hy vọng nhưng tôi vẫn hy vọng. Đó là tổ phụ của chúng ta.
Trái lại những mẫu gương ngời sáng của niềm hy vọng tác giả cũng đưa ra những niềm hy vọng hão huyền nơi các ngẫu tượng tác giả trích trong thánh vịnh 115. Tác giả thánh vịnh trình bày một cách châm biếm thực tại tuyệt đối phù du của các tượng thần này.
Qua những thái cực khác nhau trong Cựu Ước tác giả rút ra một kết luận đó là niềm hy vọng vào một Thiên Chúa của yêu thương của lời hứa và trung thành với lời hứa, chứ không phải nơi tượng thần do người thế tạo thành.
Phần 2 niềm hy vọng thời Tân Ước
Sau khi tìm hiểu niềm hy vọng Kitô giáo trong vài văn bản Kinh Thánh Cựu Ước, giờ đây chúng ta tìm hiểu tầm quan trọng ngoại thường của nhân đức này trong Tân Ước dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô và biến cố Phục Sinh: đó là niềm hy vọng. Chúng ta là người Kitô hữu, chúng ta là các người nam nữ của niềm hy vọng.
Đức Giáo Hoàng đã đưa ra 2 nguồn hy vọng đó là hy vọng của thế gian và hy vọng từ thập giá. Chúa Giêsu đã đem vào thế giới một niềm hy vọng mới, và đã làm điều ấy giống như một hạt lúa: Ngài đã trở thành bé nhỏ như hạt lúa; Ngài đã bỏ vinh quang trên trời của Ngài để đến giữa chúng ta: “Ngài đã rơi xuống đất”. Từ thập giá, hãy nhìn Chúa Kitô chịu đóng đinh và từ đó sẽ tới với bạn niềm hy vọng, không biến mất nữa, niềm hy vọng kéo dài cho tới cuộc sống vĩnh cửu. Và niềm hy vọng này đã nảy mầm chính nhờ sức mạnh của tình yêu: bởi vì tình yêu “hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”, và Đức Kitô phục sinh là niềm hy vọng của chúng ta.
Đức Maria, Mẹ là chứng nhân của niềm hy vọng, bởi vì chúng ta thấy mẹ trong ngày đầu tiên của Giáo hội, Mẹ là Mẹ của niềm hy vọng giữa cộng đoàn môn đệ rất mong manh: một người đã chối Chúa, nhiều người đã bỏ chạy, tất cả đều sợ hãi. Ta hãy học nơi Mẹ sự tín thác nơi mầu nhiệm Thiên Chúa.
Phần 3 niềm hy vọng của chúng ta
Hãy nhìn nên gương các thánh, những chứng nhân và cũng là sự đồng hành của niềm hy vọng. Bởi các ngài là những người đi trước chúng ta được cảm nếm niềm hy vọng. niềm hy vọng đó được thể hiện các hữu hình nơi các thánh tử đạo. Đọc tiểu sử của các ngài ta thấy biết bao vị tử đạo hôm qua và ngày nay – nhiều hơn các thời kỳ ban đầu, chúng ta kinh ngạc trước sức mạnh của các vị khi đương đầu với thử thách. Sức mạnh đó là dấu chỉ của niềm hy vọng lớn lao: niềm hy vọng rằng không có gì và không có ai có thể tách rời các vị khỏi tình yêu của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô.
Và kết thúc chủ đề niềm hy vọng Kitô giáo, Đức Giáo Hoàng cho thấy đích điểm của niềm hy vọng là thiên đàng. Bởi vì thiên đàng là một trong những từ sau cùng mà Chúa Giêsu nói trên thập giá, nói với người trộm lành. Chúa Giêsu đã hứa thiên đàng cho một con quỷ tội nghiệp là người, mà trên thập giá gỗ đã có can đảm để nói với người một yêu cầu khiêm tốn nhất của anh ta: “ông Giêsu ơi, khi nào ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và lời sám hối khiêm nhường ấy đã đủ để chạm vào trái tim của Chúa Giêsu. Đây cũng là lời mời gọi của đức thánh cha cho thế giới, mỗi người Kitô hữu hãy lặp lại lời cầu xin đơn sơ của tên trộm lành: “Giêsu ơi, xin nhớ đến con”. Thật vậy thiên đàng không phải là một nơi mơ mộng hay một khu vườn quyến rũ, nhưng là một cái ôm với Thiên Chúa, tình yêu vô biên và chúng ta đi vào đó nhờ Chúa Giêsu Đấng đã chết trên thập giá vì chúng ta.
Vài nhận định về tác phẩm
- Tác phẩm niềm hy vọng Kitô giáo, Đức Giáo Hoàng đã làm rõ được niềm hy vọng của chúng ta không hão huyền nhưng là một thực tại.
- Với gần 200 trang tác phẩm cũng giúp chúng ta tái khám phá cùng đích của chúng ta là thiên đàng, nơi Thiên Chúa đã hứa cho những ai hy vọng và tìm kiếm Ngài.
(Chung sinh Giuse Nguyễn Văn Dương)