Nội dung: Cuốn sách gồm 4 phần chính
Phần 1: Không ai sống mà không tin
Phần 2: Tin Thiên Chúa- hành vi nhân linh
Phần 3: Tin là đáp trả Mạc khải
Phần 4: Được cứu nhờ tin
Là Ki-tô hữu hay tín đồ của bất kì tôn giáo nào đều phải tin. Người Kitô hữu tin vào Thiên Chúa, còn những người đặt niềm tin vào các tôn giáo khác đều phải tin vào những vị thần linh của tôn giáo đó. Tuy nhiên, ngày nay do ảnh hưởng của tinh thần duy khoa học mà con người cho rằng khoa học có thể giải thích được tất cả, hoặc có nhiều điều khoa học thực nghiệm, thuần lý hay nhân văn hiện tại chưa lý giải hoặc chứng minh được nhưng chắc chắn trong tương lai những sự kiện này sẽ được giải thích thỏa đáng. Có lẽ, những con người này chủ trương không có gì vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Để giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn về đức tin Ki-tô giáo và không mặc cảm về hành vi tin của mình, nên sách này trình bày 4 khía cạnh.
Phần thứ nhất đề cập đến chủ đề “ Không ai sống mà không tin". Ở phần này, tác giả sẽ giải đáp những vấn đề chỉ dựa vào lý trí và suy luận mà không dựa vào bất cứ một uy quyền nào qua 3 khía cạnh: niềm tin nền tảng của khoa học, niềm tin nền tảng của tri thức siêu hình và cuối cùng là chân lý và sự thực. Đầu tiên là niềm tin nền tảng của khoa học. Ở đây tác giả phân biệt ý kiến, tin và tri thức khoa học. Ý kiến là chấp nhận một mệnh đề nhưng có phần nghi ngại sợ sai. Tin là ý kiến được biện luận và cuối cùng tri thức khoa học là tri thức đúng đắn, và tin là “ tri thức không chắc chắn”. Vậy cách quan niệm về tri thức khoa học và về tin có hoàn toàn đúng không?. Tác giả đã đưa ra một số lập luận về niềm tin phủ nhận tri thức khoa học qua việc đưa ra thuyết hoài nghi của Platon và Aristote. Platon cho rằng có những chân lý vĩnh cửu mà con người nhớ lại vì linh hồn đã chiêm ngắm chúng ở trên thế giới ý niệm. Aristote tin rằng ý niệm con người có về sự vật là do lý trí trừu xuất. Như vậy, chân lý là sự tương đồng tương hợp giữa lý trí và sự vật. Tuy nhiên, những người chủ thuyết hoài nghi lại không đồng ý với quan điểm của Platon và Aristote, họ hoài nghi những tri thức mà người khác gọi là chân lý hoặc tri thức vĩnh cửu. Tác giả đã đưa ra lập luận của thuyết hoài nghi, đồng thời cũng đưa ra lập luận phản bác thuyết hoài nghi. Nhằm bác bỏ thuyết hoài nghi và những người thuộc phái Tân-Hàn-Lâm, Thánh Augustino đã chứng minh sự chắc chắn khách quan bằng lập luận “ Tôi sai lầm, nên tôi hiện hữu". Như vậy, tôi hiện hữu là một chân lý khách quan. Tiếp đến, tác giả đề cập đến khía cạnh niềm tin nền tảng của siêu hình. Trong mục này, cuốn sách trình bày về lập trường của những người theo chủ trương vô thần và hữu thần. Những người theo chủ trương duy vật khẳng định không có gì hiện hữu ngoại trừ vật chất. Và ngược lại, những người hữu thần tin có một thực tại tuyệt đối siêu vượt và thực tại siêu việt là nền tảng và căn nguyên của mọi thực tại hiện hữu.
Tiếp đến, chúng ta sẽ đi đến phần 2 của cuốn sách với nội dung “ Tin Thiên Chúa- hành vi nhân linh". Ở phần này chúng ta sẽ phân tích hành vi tin Thiên Chúa và nhận ra tin Thiên Chúa là hành vi nhân linh. Chúng ta tin Thiên Chúa hiện hữu. Nếu ai đó nói rằng cần kiểm chứng Thiên Chúa cách thực nghiệm hay bằng giác quan thì đối tượng chúng ta kiểm chứng sẽ không còn là Thiên Chúa nữa, mà chỉ là một thực thể thực nghiệm mà thôi. Tin là siêu vượt, nghĩa là không ở lì nơi vật chất nhưng phải vượt qua vật chất để vươn tới thực tại siêu vật chất. Tuy nhiên, chỉ theo sức lực con người, thì lý trí con người khó mà có thể nhận biết Thiên Chúa. Vì thế con người cần ân huệ và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tin là tri thức tự do, nghĩa là con người có tự do để lựa chọn tin hay không tin, và con người chỉ có tự do đích thực khi con người thuận theo ý dục (khuynh hướng theo lý trí thấy đúng thấy tốt). Tin là tri thức tình yêu. Ân sủng là tình yêu, tri thức đức tin là tri thức tình yêu, được ban nhờ yêu và cảm nhận cũng nhờ tình yêu (đón nhận, chấp nhận và thuận lòng).
Trong phần 3, cuốn sách bàn về tính khả tín của đức tin Ki-tô giáo. Tin không chỉ là siêu việt mà còn là sự đáp trả mạc khải của Thiên Chúa. Con người có tính xã hội, nên niềm tin của con người vào Thiên Chúa cũng có tính xã hội. Để cứu độ con người và để con người tin và nhận ra Thiên Chúa, Thiên Chúa đã can thiệp vào trong dòng lịch sử. Qua kinh nghiệm dân Do Thái, cụ thể là qua Abraham, Môsê, Giuse, các tiên tri, ngôn sứ,... Có những người tin vào Thiên Chúa nhờ siêu vượt qua những dấu chỉ tự nhiên mà còn qua những kinh nghiệm đặc biệt trong đời sống của họ. Họ không chỉ tin Thiên Chúa mà còn phó thác trọn vẹn bản thân nơi Ngài. Abraham lắng nghe thiên Chúa, được Thiên Chúa hiện ra qua thị kiến và phán bảo, đã được gặp gỡ và nói chuyện với Thiên Chúa như nói chuyện với con người. Gia-cóp đã mơ thấy Thiên Chúa, đã vật lộn với Thiên Chúa. Giuse được Thiên Chúa can thiệp trong cuộc đời lưu lạc của ông.......Tuy nhiên, chỉ do lý trí của con người thì con người không thể nhận biết và đặt niềm tin vào Thiên Chúa được, nhưng cần Ân Sủng của Chúa Thánh Thần tác động giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh, Ngài là Đấng Bào Chữa, Thần Khí Sự Thật. Ngài ở trong và ở nơi các tín hữu, làm chứng cho Đức Ki-tô, nhắc cho chúng ta nhớ những gì Đức Giêsu đã nói, loan báo những điều sẽ đến và dẫn chúng ta vào tất cả sự thật. Ngoài ra, Chúa Thánh Thần lôi kéo con người tin phó thác nơi Thiên Chúa, thánh hóa con người, giúp con người sống yêu thương.
Phần Cuối cùng, chúng ta đề cập đến nội dung “Được cứu nhờ tin". Con người được cứu độ nhờ tin phó thác nơi Thiên Chúa, chứ không phải nhờ tin một số công thức diễn tả đức tin và các tín điều. Tin là cuộc gặp gỡ giữa ngôi vị với ngôi vị, và như vậy, chúng ta phải siêu vượt trên những công thức hoặc tín điều, để bắt gặp thực tại mà tín điều diễn tả. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc làm giảm giá trị của Hội Thánh cũng như các tín điều và tín khoản trong Hội Thánh. Các tín điều cũng như các tín khoản của Hội Thánh Công giáo là phương tiện tốt nhất để giúp con người gặp gỡ và tin thác nơi Thiên Chúa. Nếu người Ki-tô hữu biết tất cả các tín điều Hội Thánh dạy và chấp nhận là đúng nhưng không tin thác vào Thiên Chúa thì người đó vẫn không được cứu độ. Nhưng ngược lại, thậm chí một người không sống trong Hội Thánh Công giáo, không nhận biết các tín khoản đức tin của Hội Thánh mà tín thác vào Thiên Chúa, thì họ vẫn được cứu độ. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra một vài việc làm để minh chứng đức tin như nghe theo tiếng lương tâm, yêu thương mọi người như Chúa đã yêu.
(Chủng sinh: Đa Minh Nguyễn Văn Giang)