I. Giới thiệu tác giả
Cha Bernard Having mất năm 1998 vì căn bệnh ung thư thanh quản. Nhà thần học luân lý lừng danh này có một giai đoạn cuối đời hẩm hiu vì những giải pháp mục vụ táo bạo của ngài, làm cho nhiều người nghi ngại. Đáng kể nhất là những giải pháp liên quan đến việc săn sóc mục vụ cho những người li dị và tái hôn.
II. Giới thiệu khái quát
Đứng trước hiện tượng ngày càng gia tăng hiện tượng li dị và trước những nỗi đau khổ ngoài sức chịu đựng của những người trong cuộc. Giáo hội ngày nay được mời gọi thể hiện sự khôn ngoan và khuôn mặt đích thực của mình: một Giáo hội xót thương và truyền thông ơn cứu độ, liệu Giáo hội có tìm ra được cách thế để giúp người ta nhận thức về hôn nhân một cách đúng đắn, hiểu hôn nhân như một ơn gọi trung thành, trong khi vẫn không quên xem xét các yếu tố thực tiễn ở đây và bây giờ, để đưa ra các phương thế mục vụ mới mẻ cho những người đã li dị và tái hôn. Trong bối cảnh đó, tác giả đã giới thiệu đến chúng ta cuốn sách “không lối thoát”. Trong đó, tác giả nêu ra những thực trạng đang diễn ra nơi đời sống gia đình. Đó là những gian nan cho chính những người đó và cho cả Giáo hội. Tác giả cũng nêu ra những gợi ý dùng nguyên tắc khoan dung (oikonomia) của Giáo hội Đông phương vào lĩnh vực mục vụ cho những người li dị và tái hôn trong Giáo hội Công giáo Rôma. Những tư tưởng của ngài được nhắc đến xung quanh các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng Giám mục (10-2015) về mục vụ gia đình.
III. Nội dung
Là một nhà thần học luân lý lừng danh, cha Having đã có những nghiên cứu về vấn đề trong đời sống hôn nhân gia đình. Cha đã không ngần ngại nêu ra những vấn đề khó khăn cần được bàn luận trong Giáo hội về việc mục vụ cho những người li dị và tái hôn.
Trước hết, trong chương đầu, với những kinh nghiệm mục vụ thực tế, tác giả đã kể ra cho chúng ta trường hợp đã có sự đổ vỡ trong hôn nhân. Họ là những người như chúng ta, nhưng khổ sở hơn chúng ta rất nhiều. Họ vẫn giữ được nghị lực và niềm tin kiên vững trong đau khổ. Tuy nhiên họ lại chưa nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Giáo hội. Qua đó, tác giả nói lên tính cấp thiết của việc đổi mới và sáng tạo hơn trong đường hướng mục vụ đối với những người gặp đau khổ vì vấp ngã trong đời sống hôn nhân.
Chương II. Tác giả tiếp tục tiến sâu hơn một bước nữa, đi vào vấn đề luật và ân sủng, nhằm nêu ra vấn đề làm sao chúng ta có thể có cái nhìn mới hơn để thi hành luật nhưng vẫn mang ân sủng của mầu nhiệm cứu độ. Cần nhìn nhận luật về hôn nhân gia đình của Giáo hội trong các khảo sát nền tảng nhân loại học ngày nay.
Chương III. Tác giả đã dũng cảm đưa ra một gợi ý cho Giáo hội, là chúng ta có thể tham khảo linh đạo và thực hành Oikonomia của những người anh em Chính thống Đông phương.
Oikonomia hay nhiệm cục cứu độ có nghĩa là toàn bộ trật tự ơn cứu độ của Thiên Chúa trong tư cách là người Cha nhân hậu.
Chương IV. Tác giả nêu lên sự cần thiết của việc thực hành của một linh đạo dựa trên nguyên tắc nhiệm cục. Qua đó chúng ta hướng tới một Giáo hội của Đức Kitô chứ không phải một Giáo hội với một lòng trung thành cứng ngắc.
Chương V và VI. Tác giả nêu lên những bước đầu tiên cần phải có để có thể cải cách luật phù hợp với cảm thức về công lý và công bằng trong Giáo hội và xã hội hiện nay.
(Chủng sinh: Vinh sơn Đỗ Văn Đức)