I. NỘi DUNG
- Lời mở
Đức Thánh cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ mối quan tâm của ngài trong Giáo hội về việc chuẩn bị tốt hơn và kỹ lưỡng hơn cho hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một hành trình tương đối rộng, được truyền cảm hứng từ việc dự tòng rửa tội, cho phép họ sống Bí tích Hôn nhân một cách ý thức hơn, bắt đầu từ kinh nghiệm đức tin và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.
Những đường hướng mục vụ trong tài liệu này không được hiểu như một “khoá học tiền hôn nhân” đã được cấu trúc và hoàn chỉnh, trong hình thức và nội dung, sẵn sàng để được sử dụng trong việc mục vụ thông thường. Ngược lại, mục đích là đặt ra một số nguyên tắc chung và một số đề nghị mục vụ cụ thể và toàn diện, mà mỗi Giáo hội địa phương được mời gọi lưu ý trong khi soạn thảo một hành trình dự tòng cho đời sống hôn nhân, như vậy mới đáp ứng một cách sáng tạo đối với lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng.
2. Chỉ dẫn chung
Ý tưởng xây dựng lại các hành trình dự tòng cho hôn nhân không phải là mới trong việc suy tư của Giáo hội. Việc dự tòng có thể truyền cảm hứng cho mọi thời đại những con đường đổi mới đức tin vì nó đề nghị một phong cách đồng hành mang tính sư phạm, tiệm tiến, nghi lễ cho con người. Việc dự tòng hôn nhân không phải chỉ là một bài giáo lý hôn nhân đơn thuần, cũng không phải để truyền tải một giáo lý. Nó nhằm mục đích làm vang dội giữa các cặp vợ chồng mầu nhiệm của ân sủng bí tích, vốn thuộc về họ nhờ bí tích: làm cho sự hiện diện của Chúa Kitô sống với họ và ở giữa họ.
Toàn thể Giáo hội, như là thân thể của Chúa Kitô, tự mình đảm nhận và cảm thấy cần phải phục vụ các gia đình tương lai. Những người chịu trách nhiệm về hoạt động mục vụ (Giám mục, Linh mục quản xứ, Tu sĩ) thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là hoạt động và điều phối. Các cặp vợ chồng Kitô hữu và các tác viên mục vụ. Đôi vợ chồng đã kết hôn phải đóng vai trò chính, là một chủ thể mục vụ.
Con đường đổi mới mục vụ có thể được chỉ ra bắt đầu từ ba điều cần lưu ý cụ thể: tính xuyên suốt, tính hiệp hành và tính liên tục. Tính xuyên suốt có nghĩa là mục vụ trẻ em, mục vụ thanh thiếu niên, mục vụ gia đình và kể cả mục vụ xã hội cần phải đồng hành cùng nhau, trong sự hiệp lực. Tính hiệp hành mời gọi mọi người trong Giáo hội phải cùng “đảm nhận” cách có trách nhiệm. Tính liên tục ở đây không phải là “từng đoạn” mà là “kéo dài theo thời gian”.
3. Đề xuất cụ thể
a. Giai đoạn tiền dự tòng: chuẩn bị từ xa
+ Mục vụ chăm sóc trẻ em
+ Mục vụ giới trẻ
Mục đích của việc chuẩn bị từ xa (đất đai) là. 1) Giáo dục trẻ em biết quý trọng bản thân và người khác, biết phẩm giá của mình và tôn trọng phẩm giá của người khác. 2) Trình bày cho trẻ em về nhân học Kitô giáo và viễn cảnh ơn gọi đã có trong bí tích Rửa tội sẽ dẫn đến hôn nhân hoặc đời sống thánh hiến; 3) Giáo dục thanh thiếu niên về tình cảm và tính dục trong tầm nhìn về tương lai được mời gọi đến với một tình yêu quảng đại, riêng biệt và chung thuỷ. 4) Đề xuất cho những người trẻ một con đường trưởng thành về nhân bản và thiêng liêng để vượt qua sự non nớt, sợ hãi và phản kháng để mở ra các mối quan hệ của tình bạn và tình yêu, không chiếm hữu hay tự ái, nhưng tự do, rộng lượng và tùng phục.
b. Giai đoạn trung gian (vài tuần hoặc cũng có thể vài tháng):
+ Thời gian tiếp nhận ứng viên
+ Thời gian tiếp nhận vào dự tòng (kết thúc thời gian tiếp đón)
Giai đoạn tiếp nhận không nên giới hạn ở một cuộc hẹn chính thức để giới thiệu nhau và làm như thủ tục bàn giấy, thay vào đó, nó nên được trải nghiệm như một thời gian gặp gỡ và hiểu biết nhau. Phong cách tương quan và tiếp đón do nhóm mục vụ thực hiện sẽ mang tính quyết định.
c. Giai đoạn dự tòng
- Giai đoạn đầu: Chuẩn bị gần (khoảng một năm)
+ Nghi thức đính hôn (kết thúc giai đoạn chuẩn bị gần)
+ Tĩnh tâm ngắn để chuẩn bị tức thì
- Giai đoạn thứ hai: Chuẩn bị liền trước khi cử hành hôn lễ
+ Chuẩn bị ngay tức thì (vài tháng)
+ Tĩnh tâm ngắn để chuẩn bị cho lễ cưới (vài ngày trước lễ cử hành)
- Giai đoạn thứ ba: Đồng hành trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân (2-3) năm
Hành trình dự tòng không kết thúc bằng việc cử hành hôn lễ nhưng đòi hỏi phải có một sự “thường huấn” cụ thể, được hình thành bằng việc suy tư, đối thoại và giúp đỡ từ phía Giáo hội. Vì vậy, cần phải “hộ tống” ít nhất những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân và không để các đôi vợ chồng mới cưới trong sự cô đơn. Đôi vợ chồng vẫn luôn là một “dự án mở”, không phải là một “công việc đã hoàn thành”.
Mục đích của việc đồng hành trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân là: 1) Trình bày, trong “sư phạm giáo lý hôn nhân”, các hiệu quả thiêng liêng và hiện thực của Bí tích được cử hành trong đời sống cụ thể. 2) Giúp các cặp vợ chồng, ngay từ đầu, thiết lập mối tương quan liên vị một cách đúng đắn khi đã kết hôn. 3) Đào sâu các chủ đề về tính dục trong đời sống vợ chồng, sự truyền sinh và giáo dục con cái. 4) Truyền cho các cặp vợ chồng ý chí vững chắc để bảo vệ mối quan hệ hôn nhân trong bất kỳ tình huống khủng hoảng nào phát sinh. 5) Đề nghị gặp gỡ với Chúa Kitô như một nguồn không thể thiếu để đổi mới ân sủng hôn nhân và có được một linh đạo vợ chồng. 6) Để gợi lại ý thức về sứ mạng cụ thể của vợ chồng Kitô hữu.
II. NHẬN ĐỊNH VÀ BÀI HỌC
Đồng hành hôn nhân như một hành trình dự tòng. Vấn đề không phải là truyền đạt ý niệm hay thu nhận kỹ năng, mà là hướng dẫn, giúp đỡ và gần gũi các đôi bạn trên một cuộc hành trình cùng nhau tiến bước. Dự tòng hôn nhân không phải là sự chuẩn bị một “kỳ thi để được thông qua”, mà là cho một “cuộc đời cần phải sống” (x. số 20).
Sự sáng tạo trong mục vụ sẽ là điều cần thiết, cũng như sự linh hoạt đối với hoàn cảnh cụ thể của các cặp vợ chồng khác nhau: thực hành đạo, động lực xã hội và kinh tế, tuổi tác, thời gian sống chung, sự hiện diện của con cái và các yếu tố khác liên quan đến quyết định kết hôn (số 18)
Đề xuất một hành trình cho các cặp vợ chồng đang gặp “khủng hoảng”, lấy cảm hứng từ cuộc hành trình của Chúa Giêsu với các môn đệ Emmaus (Lc 24,13-35):
1- Cuộc gặp gỡ đầu tiên (cá nhân) của sự tiếp đón và hiểu biết.
2- Một số cuộc gặp gỡ (cá nhân) để vợ chồng nói với Chúa và với người bạn đời lý do khiến họ có “bộ mặt ảo não”.
3- Những cuộc gặp gỡ (mở rộng) với nhiều cặp vợ chồng khác nhau để “soi sáng” những khủng hoảng.
4- Những cuộc gặp gỡ (nhóm) lấy Sách Thánh làm trung tâm.
5- Chầu Thánh Thể và Bí tích Hoà giải.
6- Cử hành Thánh Thể.
7- Kết thúc cuộc hành trình.