Tu là gì?
Hiểu theo nghĩa thông thường hiện nay, tu là dâng mình cho Chúa trong một hội dòng với khả năng và ý thức của mỗi người, có lời khấn hứa công khai và được Hội thánh công nhận. Bên cạnh đó, còn có hình thức tu mới nữa cũng được Hội thánh công nhận. Đó là các hội tu giữa đời, trong đó các thành viên chỉ có ý dâng mình cho Chúa bằng cách thực hiện các lời khuyên của Tin Mừng ngay trong môi trường mình sống. Như vậy, nét chính yếu của việc đi tu là tìm kiếm Chúa, hay nói cách khác, tu là đi tìm Chúa để thấy Chúa rồi đem Chúa cho loài người.
Đi tu là đi tìm Chúa. Đó là lý do chính yếu của người đi tu. Tác giả chỉ cho ta thấy ba con đường để thấy Thiên Chúa: gặp Thiên Chúa thì phải qua Người Con là Đức Giê-su Ki- tô, thấy Chúa qua những suy tư tìm tòi trong sách vở, trong tĩnh tâm chiêm niệm, thấy Chúa trong thời đại qua những đổi thay về con người, về xã hội và các trào lưu tư tưởng hòa nhịp các diễn biến lịch sử.
Đi tu là đi tìm Chúa nhưng còn có bổn phận là đem Chúa đến với mọi người. Đem Chúa đến với mọi người là việc tông đồ bằng lời giảng dạy, các công cuộc giáo dục, bái ái và nhiều hình thức khác nhau. Thực ra, nếu có đầy Chúa ở nơi mình thì người ta như có một thứ hương thơm ngào ngạt, tự nhiên hương sẽ tỏa ra chứ chưa cần phải làm gì vội.
Khi ta tham dự vào đời sống thánh hiến là mỗi người đã cam kết với Đức Ki-tô phục sinh một lời cam kết- lời khấn và tác giả nêu ra sự tương quan giữa lời khấn khi rửa tội và khi khấn dòng. Khi chịu phép Thanh Tẩy, con người chết cho tội lỗi của mình, lời hứa khi chịu phép rửa nhằm từ bỏ ma quỷ và những phù hoa của nó. Khi khấn hứa trong các cộng đoàn tu trì, tu sĩ tuyên khấn và mình thuộc trọn về Chúa và nhận Ngài là chủ nhân tuyệt đối của đời mình. Vì thế, bậc tu trì là bậc tách biệt mà không tách biệt, gỡ mình ra khỏi những sự ràng buộc của thế gian: tiền tài, danh vọng, thú vui vật chất để cảm nếm trước hương vị của thiên đàng ngay tại trần thế. Như thế, tu sĩ phải là người góp mặt với trần gian. Chính Công Đồng Vaticanô II đã nhân danh sự hiến thân của tu sĩ mà xác nhận là tu sĩ không được xa lạ với người đời và vô ích với xã hội. Bởi vậy, Hội Thánh lại càng ca ngợi và khuyến khích các tu sĩ sống trong các tu viện, trường học hay nhà thương hãy lấy sự trung thành với lời cam kết hiến thân và sự tận tâm phục vụ thân nhân làm đồ trang sức cho Hội Thánh. Tại sao lại phải như vậy? Thưa vì cốt yếu của đời tu là đi tìm Chúa và đem Chúa đến cho mọi người bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả đan sĩ suốt đời giam mình trong đan viện.
Tuy nhiên, lại có những tu sĩ nhân danh Hội Thánh trong thế giới ngày nay, quá lăn lộn gần gũi với đời đến nỗi quên căn tính của mình mà đồng hóa với người đời cả trong tư tưởng lẫn hành động. Cho nên, vừa trung thành với Chúa và vừa góp mặt với đời chính là thách đố cho bậc tu trì ngày nay. Trong tác phẩm này, tác giả cũng đã đề cập đến những phương án để bảo vệ ý nghĩa và giá trị đời tu.
- Đặt trung tâm và ưu vị vào Chúa. Chính Chúa là lý do ta đi tu, Ngài phải chiếm chỗ nhất trong đời người tu sĩ.
- Biến mình thành người tự do. Đó là con người thanh thoát, nhẹ nhàng và không bị ràng buộc.
- Yêu quý và cổ vũ sự yên lặng. Vì trong thinh lặng dễ kết hiệp với Chúa hơn.
- Cố thực hành đời sống chung. Bởi vì, đi tu không phải là trốn nợ đời mà là để phục vụ đời cách hiệu quả.
Cuộc đời là hành trình đến sự Thiện tuyệt đối, nhưng cũng đầy cạm bẫy. Đi tu, theo Chúa chắc chắn cũng sẽ có những cám dỗ, thử thách đòi ta phải vượt qua để theo Chúa đến cùng.
- Satan là quỷ. Nó cám dỗ ta làm điều bất chính. Đó là tình trạng do tội nguyên tổ và lòng ham mê dục vọng có sẵn của con người.
- Danh và lợi: làm việc ai cũng nghĩ về bản thân để phục vụ bản thân mình. Sáng danh Chúa không thấy đâu nhưng đã làm sáng danh mình rồi.
- Dục: là lòng ham muốn đủ thứ và đây chính là điều tu sĩ đã tự nguyện từ bỏ khi chấp nhận sống độc thân vì nước Trời.
Ba cái lăng nhăng là những cơn cám dỗ Satan bày ra để tấn công mọi người, cách riêng là những người sống trong đời tu trì. Người đời thì tranh nhau đi tìm thứ đó bằng mọi cách, nhưng người đi tu thì phải tránh xa, như chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “ Tu sĩ là người tìm điều thế gian tránh và tránh điều thế gian tìm”. Đây là cả một công trình huấn luyện lâu dài và khó khăn, phải nhờ ơn Chúa trợ giúp mới mong thực hiện được.
Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến tính tự ái, đó là yêu mình quá mức hay cảm thấy mặc cảm và hiếu thắng. Căn cứ của tính kiêu căng là lòng kiêu ngạo và trong chúng ta ai cũng có tính tự ái không ít thì nhiều. Để sử tính này, ta cần tập từ bỏ và tập luyện các nhân đức nhân bản. Đi tu là từ bỏ, là xa lánh thế gian, là không mong những chuyện người ta ham thích ở đời. Thật ra, nói đến từ bỏ thì ai cũng ngại, nên muốn từ bỏ phải tập cách vun trồng và nuôi dưỡng tinh thần từ bỏ, thứ đến là áp dụng sự từ bỏ vào những điều thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Tiếp đến, tác giả còn nêu lên những điều ta cần tập và tuân theo: cần tập đức tính khiêm nhường, hiền lành, sự tha thứ, bình an, đối thoại trong cộng đoàn và vâng phục. Trong đời tu, ta cần tập các nhân đức để bản thân mình trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và cần sự đối thoại cộng đoàn để ta cảm thấy bình an và hạnh phúc.
Tiếp đến, tác giả còn cho ta biết về lời khấn, đời sống đan tu, các yếu tố căn bản của đời sống chiêm niệm và một số vị thánh có đời sống thánh thiện để nêu gương cho chúng ta noi theo. Ba yếu tố căn bản và cần thiết của đời sống chiêm niệm là sống trong nơi thanh vắng, yêu yên lặng; chuyên cần cầu nguyện và hân hoan đền tội. Ba yếu tố này cần được giữ gìn cẩn thận và thực hành liên lỉ, nếu muốn sống cho đúng nghĩa của đời sống chiêm niệm. Như thế, ta có thể hiểu rằng bản chất đời sống đan tu là đời sống tình yêu giam mình nơi thanh vắng, ít đi lại, tiếp xúc với người đời. Đêm ngày đọc kinh cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa để nghĩ về Chúa, đến phần rỗi của mình và của anh em đồng loại. Nếu Hội Thánh là mầu nhiệm thì đời đan tu cũng là mầu nhiệm theo nghĩa vừa là dấu hiệu vừa là bí ẩn. Đời sống đan tu là một dấu hiệu về nước Trời. Vì thế, đời sống đan tu cần thiết cho Hội Thánh.
Tác giả còn nêu ra các vị thánh với đời sống nổi bật để hướng dẫn và là mẫu gương cho chúng ta, cách riêng người sống đời tu. Ở mỗi thánh nhân ta sẽ học hỏi được điều gì đó: nơi thánh Vinh Sơn Liêm – ta học được sự can đảm, công bằng và công chính: nơi thánh nữ Catarina hay Têrêsa ta thấy nơi các ngài niềm trông cậy, tín thác trọn vẹn nơi Chúa và sự cộng tác với ơn Chúa nơi các ngài: còn nơi thánh Têrêsa Calcuta ta thấy được sự hy sinh và tình yêu người nghèo đặc biệt nơi ngài. Nhưng nhìn chung nơi các ngài đều có một đức tin và một tình yêu trọn vẹn vào Thiên Chúa. Nhưng các ngài cũng không phải là những người mạnh mẽ, hay luôn được sự ủng hộ của gia đình, của mọi người khi vâng theo tiếng Chúa. Các ngài cũng là con người, chúng ta cũng là con người nên trên đường đi sẽ có những khó khăn, thất bại nhưng liệu chúng ta có như các ngài biết dấn thân theo Chúa không? Theo Chúa sẽ có những khó khăn, theo Chúa sẽ bị người đời chống đối nhưng liệu chúng ta có can đảm để theo chân Người tới cùng không? Các thánh là gương mẫu cho chúng ta noi theo để vững bước cùng Chúa. Hãy biết rằng mình ta không thể làm gì được, hãy cộng tác với ơn Chúa, tin tưởng và trọn niềm trông cậy nơi Người.
Nhận định:
Tác phẩm đã nêu ra những điều rất cần thiết trong thời đại ngày nay dành cho những người sống đời sống thánh hiến.
- Trách nhiệm và bổn phận của mọi tín hữu, cách riêng là người sống đời thánh hiến là truyền giáo.
- Tác giả đã nêu lại nhưng lời khấn, những nhân đức nhân bản cần thiết đối với người sống đời thánh hiến.
- Sự cần thiết của đời sống đan tu trong xã hội ngày nay.
- Những mẫu gương là các vị thánh không phải nơi khác thời khác mà có cả những vị trong thời đại chúng ta, nơi mảnh đất chúng ta.
(Chủng sinh: Vinh sơn Ngô Văn Lợi)