Thánh Phaolô đã viết bức thư này gửi giáo đoàn Rôma, nơi có các Kitô hữu ngoại giáo chiếm đa số và các tín hữu gốc Do Thái. Ngài đã giới thiệu bản thân với các anh em tín hữu ở Rôma, nhưng nhất là để giới thiệu lời giảng - ngài gọi là Tin Mừng - với các anh em ở Rôma.
Tác giả trình bày một hành trình tái Phúc Âm hóa và canh tân đời sống thiêng liêng dựa trên thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma. Đây không phải là một bài bình giải, cũng không phải một khảo luận thần học, nhưng là “để chia sẻ với các tín hữu Rôma và tất cả các tín hữu sau này phần nào ân huệ của Chúa Thánh Thần, nhờ đó họ được củng cố và vững mạnh trong đức tin chung”. Mục đích mà thánh Phaolô viết lá thư này là để xây dựng đức tin. Đó là điều làm cho thư gửi tín hữu Rôma trở thành một công cụ lý tưởng cho công cuộc Phúc Âm hóa. Thư Rôma là một Phúc Âm cô đọng, không chỉ lần lượt đề ra những chân lý mạc khải rất quan trọng, mà còn cống hiến nhiều hơn và vạch ra một con đường đi từ cuộc sống cũ của tội lỗi và sự chết, đến cuộc sống của thụ tạo mới trong Đức Kitô, từ việc sống cho mình đến việc sống cho Chúa. Đó cũng là ý tưởng chính cho nhan đề của cuốn sách: Đời sống mới trong Chúa Kitô - Sứ điệp thiêng liêng của thư Rôma.
Cuốn sách được chia làm hai phần hoặc những thời điểm căn bản: phần thứ nhất mang tính khởi giảng, trình bày công trình Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta trong lịch sử (từ chương I - IX), phần thứ hai mang tính khuyến thiện, trình bày cho chúng ta công việc con người phải làm (từ chương X - XIII). Nói cách khác, phần thứ nhất giới thiệu Đức Kitô như một hồng ân mà chúng ta lấy đức tin đón nhận, phần thứ hai giới thiệu Đức Kitô như một mẫu mực để chúng ta bắt chước, qua việc thủ đắc các nhân đức và đổi mới cuộc sống của chúng ta.
Giáo huấn quan trọng nhất của thư Rôma là ở trong thứ tự được bàn. Thánh tông đồ không bàn trước tiên các bổn phận của người Kitô hữu (bác ái, khiêm nhường, vâng lời, phục vụ...) rồi sau đó mới đến ân sủng, như thể ân sủng là hệ quả của những bổn phận đó. Nhưng trái lại, ngài bàn trước về sự công chính hóa và ân sủng, rồi sau đó mới đến các bổn phận mà ân sủng đòi hỏi chúng ta phải thi hành và giúp chúng ta có khả năng thi hành.
Tác giả đã viện dẫn những tiếng nói lớn của văn hóa hiện đại, bên cạnh những tiếng nói của truyền thống Giáo hội, không nhằm củng cố hay tô điểm Lời Chúa, nhưng nhằm phục vụ Lời Chúa. Lý do chính khiến mỗi thời đại có thể tra vấn Kinh Thánh và từ đó rút ra một ý nghĩa ngày càng sâu sắc hơn, là vì mỗi thời đại tra vấn Kinh Thánh một trình độ và với một kinh nghiệm sống khác nhau và ngày càng phong phú hơn so với quá khứ. Từ đó, có thể nâng cao trình độ nhận thức của con người và góp phần đặt ra cho Lời Chúa những câu hỏi và thách thức ngày càng phong phú và sâu sắc hơn.
Trong Rm 14,7-9, thánh Phaolô đã dẫn chúng ta đến một tình huống mới, ở đó không còn sống cho chính mình nhưng là cho Chúa. Nghĩa là bỏ đi lối sống tự mình và sống vì mình, hướng đến sự thỏa mãn và vinh quang cho riêng mình. Thay vào đó, sống vì Chúa và vinh quang của Người. Nguyên lý, trung tâm của đời sống không còn là tôi nữa mà là Thiên Chúa. Đây mới thực sự là cuộc sống mới. Cuối hành trình đổi mới đời sống thiêng liêng, chúng ta phải có một quyết tâm, đó là lại chọn Chúa Giêsu làm Chúa duy nhất của đời sống chúng ta. Câu hỏi Thiên Chúa dành cho mỗi người: Con muốn gì? Thật phúc cho những ai mạnh dạn can đảm đáp lại: Con muốn Chúa, muốn sống cho Chúa.
(Chủng sinh Giuse Phạm Viết Duy)