Tác phẩm cung cấp một cách thức để những người trưởng thành sử dụng khả năng sáng tạo của họ để viết về biến cố trong cuộc đời họ. Dựa vào các kinh nghiệm và những hiểu biết đã thu thập, tác giả Richard Johnson đã vạch ra những hoa trái của cuộc đời người trưởng thành. Tác phẩm gồm 2 phần chính:
Phần 1: Nhìn lại cuộc đời
Phần 2: Nhận xét về cuốn sách
Nội dung phần 1 nói về việc nhìn lại cuộc đời. Mỗi cuộc sống đều xứng đáng ghi lại bằng 1 cuốn sách tự thuật, nó cần được khơi lên với tính cách là một lời diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới này. Phần 1 được tác giả chia làm 9 chương nhỏ.
Từ chương 1 đến chương 4 là thời gian từ lúc mới sinh ra cho đến khi 40 tuổi. Kỷ niệm thời thơ ấu của chúng ta có 1 tầm quan trọng đặc biệt. Đôi khi chúng xuất hiện đột ngột trên màn hình nội tâm của chúng ta, chúng dường như chẳng dính dáng gì với các sự khác. Thực ra, chúng không phải là hình ảnh của các kỉ niệm, nhưng là các cảm xúc gắn liền với các kỷ niệm đó.
Từ việc hồi tưởng lại các kỷ niệm thời thơ ấu, chúng ta đi bước kế tiếp đến với tuổi thiếu niên. Ở lứa tuổi này, chúng ta khó tránh khỏi những lầm lỗi. Tuy nhiên, việc hồi tưởng tích cực cho chúng ta một cái nhìn mới về quá khứ, một cái nhìn cho phép chúng ta nhận ra rằng: những lầm lỗi này đã cho chúng ta những bài học để thành con người chúng ta như đang có hôm nay. Trong những cách thức sâu xa, chúng ta đánh giá cao những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho mình.
Tiếp đến, trong những năm tháng của tuổi trưởng thành, chúng ta tìm đến ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta mong mỏi nắm bắt được kế hoạch bao quát toàn bộ. Chúng ta cũng cảm thấy lo lắng, thất vọng trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn chăm sóc chúng ta ngay cả khi chúng ta không nhận ra Ngài.
Từ tuổi 31 đến 40 là lúc chúng ta nhận biết một chiều kích sâu xa hơn của việc sống độc lập, chúng ta có thể tìm thấy một niềm hy vọng mới vượt quá những gì chúng ta đã trải nghiệm. Tuy nhiên, sự bận bịu của tuổi này ngăn cản chúng ta dùng thời giờ để lo việc thiêng liêng cần thiết.
Chương 5: Độ tuổi trung niên từ 41 đến 50 tuổi. Trước đây, chúng ta có dư thừa thời gian, nhưng nay bị giới hạn rồi. Chúng ta tìm thấy một khuynh hướng bảo thủ hơn đang lẻn vào toàn cảnh của chúng ta. Chúng ta nhìn sâu hơn vào những công việc của mình, và tìm kiếm ở đó một ý nghĩa rộng hơn về bản ngã, một khu vực không chỉ là hoàn thành các công việc nhưng là một diễn đàn, nơi chúng ta có thể diễn tả tốt hơn cái tôi đích thực của mình.
Chương 6: Độ tuổi từ 51 đến 60. Ở độ tuổi này, nỗi khao khát làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa trở nên mãnh liệt hơn. Chúng ta bắt đầu khám phá các đề tài, các thành công và các thất bại, những điều đã làm nên 1 kinh nghiệm duy nhất là cuộc đời chúng ta. Ở độ tuổi này chúng ta duyệt lại những nơi chốn và thời gian khó khăn mà chúng ta đã từng biết và từng đến. Bây giờ chúng mang một ý nghĩa mới khi chúng ta nhìn lại. điều chúng ta nhận ra ở độ tuổi này là có nhiều câu chuyện để kể, hiểu được một lịch sử hào phóng trong cuộc đời mình.
Từ chương 7 - 9 nói đến độ tuổi nghỉ hưu. Dĩ nhiên việc nghỉ hưu được định nghĩa theo 1 cách khác nhau với mỗi người. Nó không có nghĩa là ngồi yên 1 chỗ. Đúng hơn nghỉ hưu trở thành một diễn đàn mới cho việc tìm ý nghĩa của cuộc sống. Nghỉ hưu là làm mới lại, quân bình lại. Nghỉ hưu tác động đến mội khu vực trong những cách thức sâu xa.
Khi chúng ta bước vào tuổi già, chúng ta có được niềm an ủi của sự chấp nhận và một viễn tượng thiêng liêng sắc sảo hơn. Một điều xảy ra trong quá khứ dường như là một hành động bất thường và không muốn thấy trong vở kịch cuộc đời chúng ta, thì nay được nhận ra như là 1 bước ngoặt thực sự đem đến một sự lớn lên đáng ngạc nhiên, mà trong tình trạng khác sẽ bị che giấu khỏi chúng ta.
Phần II: là phần nhận xét về cuốn sách theo tạp chí “New life”, Trong phần II này cũng được chia thành 2 chương nhỏ.
Chương I: Nói về tuổi già. Nhiều người bắt đầu cảm nhận mình đã già khi các cơ chế xã hội như luật bắt buộc về hưu đã đặt họ ra ngoài cái vòng của những người tự khẳng định mình qua những gì họ làm họ kiếm được. Những người không còn khả năng tham dự vào cuộc tranh đua của thế cuộc cảm thấy họ mất đi phẩm giá của mình. Khi chúng ta thấy người già cố gắng bám lấy các thói tục cổ hủ, lỗi thời, chúng ta ngạc nhiên nhưng thực ra họ chỉ muốn bám lấy những gì giúp họ tự khẳng định bản thân giữa một thế giới chú trọng đến thành tựu.
Chương 2: Về việc chăm sóc người già. Mặc dù người già cần nhiều sự giúp đỡ cụ thể, nhưng điều có ý nghĩa với họ hơn cả là có ai đó dùng chính cái tôi đang trở nên già đi của mình như một nguồn mạch chăm sóc cho họ.
Khi chúng ta để cho một cụ già vào trong chính trung tâm kinh nghiệm của mình, khi chúng ta cụ già đó trong chính cái tôi đang già đi của mình lúc đó chúng ta có thể vẽ bức chân dung của chính mình theo cách thức có thể chữa lành cho những ai đang chịu đau khổ. Bao lâu tuổi già còn xa lạ với chúng ta thì việc chăm sóc khó đạt được ý nghĩa thực sự của nó.
Tuổi già xa lạ phải trở thành một phần của cái tôi thâm sâu của chúng ta, và trở thành một người bạn được đón tiếp nồng hậu trong chính ngôi nhà tâm hồn của chúng ta. Những người chăm sóc các cụ già phải có nhiều đức tính, nhưng điều quan trọng nhất là: nghèo khó và lòng trắc ẩn. Nghèo khó như lời nhắc nhở nhẹ nhàng về tiếng mời gọi của chúng ta hãy trao ban, hãy mở lòng ra cho những ai đang cần đến sự giúp đỡ. Lòng trắc ẩn giúp chúng ta gỡ bỏ khoảng cách, mặc dù nó không cất bỏ những nỗi đau và thống khổ, nhưng tạo nên một nơi để nỗi yếu đuối có thể được biến đổi thành sức mạnh, nó còn giúp ta sống trong kiên nhẫn. Vì thế, lòng trắc ẩn là phẩm tính của trái tim con người.
Nhận xét về cuốn sách:
Cuốn sách cung cấp cách thức để người đọc sử dụng khả năng của họ để viết về những biến cố quan trọng, đầy ý nghĩa trong cuộc đời của mình. Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến vấn đề tuổi già, sức khoẻ, nhu cầu của người cao tuổi và chăm sóc họ một cách đầy đủ và ý nghĩa.
(Chủng sinh Giuse Nguyễn Văn Sơn)