Sự nóng giận là một tính cách có trong mỗi con người. Dĩ nhiên chúng ta không ai phủ nhận điều đó. Ít hay nhiều lần chúng ta bực tức, khó chịu, cáu kỉnh, điên tiết với người này hay người kia vì một số lý do. Có nhiều sự việc, hoàn cảnh khiến chúng ta cảm thấy bực mình, khó chịu, thường làm chúng ta nổi cơn thịnh nộ giận dữ khi sự việc không xảy ra theo ý mình. Chúng ta muốn như thế này, nhưng nó lại không theo ý ta, vậy là ta nổi giận.
Quả thực không thiếu những gì những trường hợp làm chúng ta nổi giận. Nếu chịu khó quan sát phản ứng lời nói của chúng ta trong đời sống hằng ngày, ta sẽ thấy nhiều lúc mất bình tĩnh hoặc không kiềm chế được cơn giận.
Sự nóng giận biểu lộ qua cung cách, thái độ, nét mặt, giọng nói gắt gỏng và lớn tiếng; và đôi khi không còn kiềm chế được, chúng ta bắt đầu quát tháo, la hét, đấm đá, đập bàn đập ghế hoặc thậm chí hành hung một người nào đó. Cũng có người đã lên cơn đột quỵ vì quá tức giận.
CHƯƠNG 1: TÂN PHÚC ÂM HÓA VỚI KITÔ HỮU THỜI ĐẠI HÔM NAY
Trước tiên, tác giả giới thiệu nguồn gốc cụm từ “tân phúc âm hóa”. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sử dụng cụm từ này đầu tiên trong chuyến công du tại Ba Lan. Người dùng thuật ngữ này để đánh thức và khơi dậy lại những cố gắng canh tân trong công cuộc mới về truyền giáo và rao giảng Tin Mừng tại Châu lục này.
Tân phúc âm hóa không phải là làm lại một cái gì đã làm không đầy đủ hay không đạt được mục đích, như thể hoạt động mới này là một sự phê phán mặc nhiên về thất bại của cuộc phúc âm hóa thứ nhất. Trái lại, đây là một sự dũng cảm mở ra những con đường mới để đáp lại những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi mà Hội thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay.
Thứ đến, tác giả cũng đề cập việc giữ đạo của các Kitô hữu ngày hôm nay. Tác giả đưa ra một thực tế rằng, tại nhiều nơi, người Kitô hữu chỉ theo đạo với hình thức bên ngoài mà đời sống nội tâm để sống và thực hành đạo, những điều mình tin theo thì lại rất ít. Và đôi khi chúng ta đã quá chú trọng trong việc “cử hành các bí tích” mà không chú trọng đủ vấn đề “sống và loan báo Tin Mừng”. Sự thiếu xót này làm cho người Kitô hữu không sống phù hợp với đức tin của họ.
CHƯƠNG 2: SỰ NÓNG GIẬN TRONG CUỘC SỐNG
Không ai phủ nhận là mình chưa từng giận giữ, vì quả thực giận giữ luôn tiềm ẩn ở trong mỗi con người.
1. Có 3 loại người nóng giận
Loại người nóng giận thứ nhất như viết trên đá: người này rất dễ nóng giận hay hận thù và nhớ dai. Cũng như chữ viết đã khắc sâu vào đá, rất khó phai mờ dù bão táp phong ba, nét chữ vẫn lộ rõ. Người này rất dễ làm tổn hại đến nhiều người, vì họ dễ giận, lại giận lâu và sinh ra thù hằn, dễ sinh ra tiêu cực và trù dập người khác, đặc biệt khi họ có quyền hành trong tay.
Loại người nóng giận thứ hai như chữ viết trên đất: người này đỡ hơn người thứ nhất, vì chữ viết trên đất thì có thể xóa được, khi nghe lời trái ý mà lòng sôi sục lên thì rất nguy hiểm. Nếu không biết kìm giữ sẽ có đấu tranh, nặng thì xô xát, nhẹ thì dùng lời hằn học, khó nghe. Tuy dễ nóng nhưng lại mau nguội. Loại người này thật thà, ngay thẳng nên không để bụng.
Loại người nóng giận thứ ba như chữ viết trên nước: loại người này dù có viết bao nhiêu cũng không thành chữ, nhờ vậy họ sống an vui hạnh phúc. Nếu lời thế nhân có nói đúng thì họ tiếp thu sửa sai, lỡ mà nói không đúng thì họ lắng nghe và thông cảm.
2. Động lực của nóng giận: có 3 loại động lực
Nóng giận nhằm làm thay đổi hành vi của người khác
Nóng giận để bệnh vực quyền lợi
Nóng giận có thể là 1 công cụ để bày tỏ ước muốn
3. Tác hại của nóng giận
Nóng giận làm phát sinh bệnh tật nơi con người.
Nóng giận có thể đưa đến hành động giết người, nhất là khi có quyền trong tay.
Khi cơn nóng giận được xả, ta có thể đánh mất sự tôn trọng nơi người khác và làm cho người ta xa lánh mình.
Nóng giận có thể làm hoang phí sức lực.
Tự ái khiến chúng ta nóng giận làm phương hại đến bản thân nhiều khi kéo dài đến cả đời.
Sự nóng giận thường để lại cảm giác hổ thẹn và tội lỗi.
Nóng giận làm tâm trí ta mất khôn.
Nóng giận làm ta phản ứng theo cảm tính, có thể dẫn đến những lời nói và hành động đáng tiếc.
Tóm lại, khi nóng giận, ta gây thiệt hại cho chính bản thân ta.
CHƯƠNG 3: PHẢN ỨNG TRƯỚC CƠN NÓNG GIẬN
1. Cùng một sự kiện nhưng có 2 phản ứng khác nhau: một là tỏ ra tức giận, hai là tỏ ra thông cảm
2. Dấu hiệu báo trước cơn nóng giận đến:
1.1. Thấy trái ý
1.2. Không muốn nghe
1.3. Ngột ngạt khi thở, tức là hơi thở ngắn và nhanh
1.4. Cảm thấy nóng trên đầu
1.5. Gằn giọng, nhấn mạnh lời mình nói
1.6. Lặp đi lặp lại lời đã nói nhiều lần
1.7. Tiếng nói càng lúc càng to
1.8. Gào thét gắt gỏng
1.9. Trừng mắt, chỉ mặt, vung tay, giậm chân
1.10. Tấn công cá nhân đối phương
Cẩn trọng canh giữ cảm xúc của mình và coi chừng cảm xúc của người đối thoại với ta. Vậy ta cần kiềm chế và bình tĩnh
Rèn luyện bằng cách: trong khi nóng giận thì không làm gì hết; học cách im lặng.
CHƯƠNG 4: TIẾN TRÌNH CHỮA TRỊ NÓNG GIẬN
Bản chất nóng giận đã có sẵn ở trong ta, trong tâm thức của ta. Vì vậy cơn nóng giận sẽ xuất hiện khi nó có cơ hội:
Thứ nhất, đối diện với cơn nóng giận, mỉm cười với nó và tìm cách hòa giải.
Thứ hai, nhìn nhận cơn nóng giận không phải kẻ thù mà là một phản ứng tự nhiên. Ta cần thời gian và phương cách để làm nguôi cơn giận.
CHƯƠNG 5: CHỮA TRỊ CƠN NÓNG GIẬN
Một số nguyên nguyên làm ta nóng giận:
1. Thức ăn ảnh hưởng trên sự nóng giận của con người, cơn giận là một hiện tượng tâm sinh lý.
2. Thức ăn tinh thần cũng ảnh hưởng trên sự nóng giận của con người. Tất cả những gì ta đọc trên sách báo, xem trên truyền hình đều có thể độc hại vì có thể chứa đầy những yếu tố kích động, bức xúc, hận thù...
Mặc dù sự nóng giận của mỗi người cũng như nguyên nhân của chúng không giống nhau, nhưng có cùng một số nguyên nhân chung như sau:
1. Bị tổn thương
2. Bị quấy rối
3. Xung đột giữa các cá nhân về tinh thần cũng như thể xác
4. Nhận thấy những nguy hiểm đối với những thứ mà chúng ta yêu quý
Tìm ra nguyên nhân sẽ hết nóng giận:
Trong phần lớn trường hợp, nếu chúng ta chịu suy xét, tìm hiểu về nguyên nhân một sự việc, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ. Chúng ta sẽ nhận ra rằng rất nhiều khi đối tượng cơn giận của ta vốn dĩ đã phải chịu đựng những lời tương tự từ người khác. Nếu hiểu được như vậy, ta không còn giận nữa. Đó là nguyên nhân gần, nhưng còn nguyên nhân xa hơn nữa, chẳng hạn, người ấy đã lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn nói với anh ta bằng những lời cau có, bực dọc. Anh ta tập nhiễm thói quen nói những lời cau có bực dọc, nhưng không hẳn trong lòng anh ta có gì đáng ghét.
Hoặc một người bạn ăn nói cộc cần, thô lỗ sẽ không đáng giận, nếu như ta hiểu được rằng anh ấy đã mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ và không hề được cắp sách tới trường...
Chúng ta trách móc, hờn giận người khác cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, bởi vì nhiều khi chúng ta không chịu tìm hiểu nguyên nhân, không chịu lắng nghe từ người khác dẫn tới việc có nhiều chuyện chúng ta giận hờn bực dọc vô cớ.
CHƯƠNG 6: CHUYỂN HOÁ CƠN GIẬN
Hơn một thập kỷ trước tại Nhật Bản, một khảo sát đã cho thấy rằng khoảng 10.000 người quản lý chết mỗi năm do làm việc quá sức (hội chứng karoshi) và nguyên nhân là do tức giận cực độ nhưng bị dồn nén gây ra. Vì vậy, sau đó người ta nghĩ ra “căn phòng trút giận”. Nếu người quản lý cảm thấy cơn nóng giận sắp đến, họ nên đến căn phòng này và dùng gậy bóng chày đập thật mạnh vào tường, để cho cảm xúc tức giận được giải phóng khỏi cơ thể. Hai năm sau, các chuyên gia kiểm tra lại kết quả và ngạc nhiên khi thấy mức độ tức giận của từng người khi đến đây không giảm mà còn tăng lên. Tại sao lại như vậy? Sau nhiều cuộc điều tra, cuối cùng họ cũng nhận ra rằng càng bước vào căn phòng trút giận này thường xuyên, người ta càng có cơ hội để thực hành tức giận và càng củng cố thêm thói quen ấy.
Thông điệp ở đây là: bạn không nên kìm nén, ngăn chặn cảm xúc của mình, nhưng cũng đừng bộc lộ ra ngoài qua lời nói và hành động, mà hãy chuyển hóa chúng.
Có nhiều cách chuyển hóa, tác giả đề ra hai cách: chuyển hóa bằng một số thủ thuật và chuyển hóa bằng con đường tâm linh.
- Chuyển hóa bằng một số thủ thuật: giải tỏa với điệp khúc “thì đã sao”
Ông chủ chọn đồng nghiệp của tôi làm quản lý thay tôi. Thì đã sao, vì tôi còn thiếu một điểm nào nữa chăng?
Đội bóng tôi yêu thích bị thua trận. Thì đã sao, như vậy mới là bóng đá.
- Thủ thật với 6 tuyệt chiêu làm nguội cơn nóng giận.
Bỏ đi> nhắm mắt trong giây lát> tìm không gian yên tĩnh> uống nước> hít thở sâu> nghe nhạc
3. Chuyển hóa cơn giận bằng con đường tâm linh:
- Rèn luyện lòng từ bi nhân hậu
- Ta mở rộng lòng mình với sự thật về trải nghiệm của bản thân
- Ta thay đổi mối quan hệ của ta với cuộc sống
Từ cách chuyển hóa cơn giận bằng tâm linh này, tác giả hướng độc giả tới mẫu gương Chúa Giêsu
CHƯƠNG 7: MUỐN CHUYỂN HOÁ NÓNG GIẬN BẰNG TỪ BI NHÂN HẬU, HÃY HỌC NƠI THIÊN CHÚA QUA CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu đã biểu lộ cơn giận của mình trong đền thờ trước những kẻ buôn bán, đổi tiền, đồi bạc. Ngài nổi giận vì bọn họ đã biến đền thờ thành nơi buôn bán, đổi trác, thành hang trộm cướp.
Điều nữa khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ. Thật là bất công và tệ hại hơn nữa khi người ta nhân danh tôn giáo để trục lợi.
Chúa Giêsu đã sử dụng sự nóng giận một cách hết sức hiệu nghiệm khi để lại cho dân chúng bài học về sự tôn kính đền thờ, và động lực của sự giận giữ ấy là “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa”.
Chuyển hóa sự nóng giận bằng từ bi nhân hậu qua dụ ngôn “người cha nhân hậu”. Một người cha luôn muốn con được hạnh phúc nhưng không cưỡng bách chúng. Một người cha luôn khắc khoải tìm kiếm, ngóng trông người con từng giây phút.
Nhận định:
Nội dung cuốn sách cho mỗi người chúng ta cái nhìn chung nhất về tính nóng giận để từ đó ta biết cách xử lý trong từng tình huống cụ thể.
Cuốn sách đã phần nào lột tả được tính cách nóng giận nơi mỗi con người, từ nguyên nhân, đến biểu hiện của sự nóng giận, cách chữa trị cũng như thấy được tác hại của nó. Nhờ vậy ta có được sự phản ứng cũng như chuyển hóa cơn nóng giận và làm chủ được cảm xúc
Điểm hay và mới là tác giả đã mang cái sự nóng giận vào trong tân phúc âm hóa, theo lối nhìn Tin Mừng, theo gương Chúa Giêsu qua dụ ngôn điển hình về lòng thương xót của Thiên Chúa: “người cha nhân hậu”; đây là một phương pháp mới. Tuy nhiên mỗi người mỗi hoàn cảnh, môi trường khác nhau và tính cách mỗi người cũng khác nhau. Vì vậy, mỗi phản ứng cũng như xử lý cơn nóng giận cũng khác nhau. Có những phương cách làm nguội cơn giận phù hợp với người này, nhưng lại không phù hợp với người khác. Hoặc có nhiều phương cách khác nữa mà cuốn sách không đề cập; hoặc có phương cách hữu hiệu khác mà mỗi người đang áp dụng. Vì vậy những phương cách trong cuốn sách đưa ra có thể cũng không phù hợp với một số người.
(Chủng sinh Giuse Đoàn Văn Doanh)