“40 ngày dưới chân Thánh giá” được viết dưới hình thức lời cầu nguyện hằng ngày, qua đó mời gọi độc giả chiêm ngắm mầu nhiệm sâu thẳm nhất này trong niềm tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi đến dưới chân Thánh giá và nhìn lên Đấng chịu đóng đinh với tâm hồn mở ra trước mầu nhiệm cái chết của Người. Khi thực hiện điều đó, chúng ta hãy yên tâm rằng Đức Giêsu có nhiều điều chỉ dạy và tỏ lộ về những đau khổ của chính Người. Những bài học ấy sẽ được giảng dạy bằng chính lời chứng và hành động cứu độ yêu thương. Chúng ta được mời gọi đi vào hành động của tình yêu hiến tế này và hợp nhất chính mình một cách sâu xa hơn với sức mạnh và chân lý.
Quyển sách cung cấp 40 đề tài suy niệm về thập giá Đức Kitô qua đôi mắt từ mẫu của Mẹ Maria. Cuốn sách này dùng để suy niệm và cầu nguyện trong các hoàn cảnh sau đây: Giúp chúng ta tiến sâu hơn vào mầu nhiệm thánh giá của Đức Kitô trong suốt mùa chay. Giúp thêm ý tưởng cho những ai đã và đang chịu đau khổ với thánh giá nặng của riêng mình. Giúp chúng ta tĩnh tâm bởi thập giá Đức Kitô là mầu nhiệm trung tâm của đức tin.
40 đề tài suy niệm này xin được tóm lại trong 3 câu hỏi: Câu hỏi thứ 1: Mẹ đã suy nghĩ gì khi đứng chiêm ngắm cái chết của Con Mẹ? Câu hỏi thứ 2: Những ký ức nào đã đi qua trong tâm trí của Mẹ? Câu hỏi thứ 3: Những cảm xúc và cảm nghĩ nào đã tràn ngập trái tim Mẹ khi chứng kiến hành động cuối cùng của tình yêu?
Câu hỏi thứ nhất: Mẹ đã suy nghĩ gì khi đứng chiêm ngắm cái chết của Con Mẹ?
Mẹ Maria không chỉ có 1 trái tim vô nhiễm nhưng mẹ còn có một tâm trí được trở nên sâu sắc và nhạy bén nhờ một đức tin trọn hảo. Hình ảnh mẹ Maria đang chăm chú nhìn con yêu dấu của mình phải chết tàn nhẫn và chịu đau khổ cùng cực, Mẹ biết rằng nỗi kinh hoàng đó xảy ra bởi chính ý muốn của Chúa Cha. Tâm trí của Mẹ sẽ nắm được chân lý sâu xa nhất rằng: Con Mẹ đang hoàn thành một sứ mệnh thiêng liêng. Mẹ biết rằng đây không phải là tấm bi kịch nhưng đúng hơn đó là hành động yêu thương vĩ đại nhất chưa từng thấy.
Câu hỏi thứ 2: Những ký ức nào đã đi qua trong tâm trí của Mẹ?
1. Lời cầu nguyện xin vâng trong vườn cây dầu đã vọng lại lời xin vâng của Mẹ với Chúa Cha trong biến cố truyền tin. Khi đứng dưới thập giá hẳn là Mẹ đã suy gẫm về sự hiệp nhất giữa lời xin vâng của Mẹ với lời xin vâng của con mình. Mẹ thấy rằng khoảnh khắc này chính là đỉnh cao của lời vâng phục mà cả hai cùng dâng lên để chu toàn thánh ý Chúa Cha.
2. Trái tim đau đớn của Mẹ khi nhìn thấy sự tàn bạo giáng xuống trên người con của Mẹ. Lời tiên báo của cụ Simeon đã thực sự xuất hiện lúc này và tính trung thực của những lời đó đã giúp Mẹ hiểu được sự hy sinh của con Mẹ trên thánh giá là người đang hoàn thành sứ mạng của mình.
3. Mẹ nhớ lại cuộc chạy trốn qua Ai Cập với thánh Giuse để bảo vệ Hài nhi khỏi sự tìm bắt của vua Herode. Nhưng giờ đây, sự tàn bạo đó đã đổ xuống Người, Người bị chống đối, vác thập giá và chết nhục nhã dưới cây thập tự.
Câu hỏi thứ 3: Những cảm xúc và cảm nghĩ nào đã tràn ngập trái tim Mẹ khi chứng kiến hành động cuối cùng này của tình yêu?
- Mẹ không thể quên khoảnh khắc gặp con vác thánh giá lên đồi Canvê. Mẹ và Người đã sống khoảnh khắc âu yếm nhất như thể nên 1. Nỗi buồn sầu lấp kín cả trái tim cực thánh của Chúa Giêsu và trái tim vô nhiễm của Mẹ, cả hai đều nhìn thấy nỗi đau sâu xa nhất của nhau.
- Mẹ đau buồn trước cảnh tượng con mình ngã xuống đất tới 3 lần vì kiệt sức và gần như không thể tiếp tục vác được nữa.
- Nhìn con bị quân lính lột hết y phục Mẹ nhớ lại ngày sinh hạ Đấng Cứu Thế bước vào trần gian với hai bàn tay không. Mẹ chứng kiến sự khởi đầu cuộc sống con Mẹ và giờ đây Mẹ cũng chứng kiến sự kết thúc của Người.
- Dưới chân thánh giá Mẹ đã lấy tình yêu của mình mà tôn thờ những vết thương nơi tay chân của Chúa. Những chiếc đinh đã gây nên sự đau đớn thật khủng khiếp. Tất cả mọi sự mà Mẹ có thể làm là dõi theo con Mẹ trong sự yêu thương và suy gẫm về những vết thương con Mẹ phải chịu.
- Khi chứng kiến con mình bị treo trên thập giá thì trái tim của Mẹ đã thực sự bị đâm thâu. Mặc dù ánh nhìn gây nên nỗi đau khổ và buồn sâu thẳm nhưng Mẹ vẫn nhìn thấy phúc lành của con Mẹ khi bị treo trên thập giá.
- Điều đặc biệt khi Mẹ nghe được 7 lời cuối cùng của Chúa trên thánh giá: “Lạy cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm ” x. Lc 23, 34. “Hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng” x. Lc 23, 43. “Thưa bà, đây là con của bà” x.Ga 19, 26-27. “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con sao Ngài đành bỏ con” x. Mc 17, 34. “Tôi khát” x. Ga 19, 28. “Thế là đã hoàn tất” x. Ga 19, 30. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” x. Lc 23, 46. Những lời trên đây của Chúa Giê su đã đâm thấu trái tim Mẹ. Đức Maria đứng kề bên thánh giá, nhìn con với ánh mắt đầy yêu thương, tôn thờ những thương tích mà người đã trao ban cho nhân loại và Mẹ đã lắng nghe những tiếng khóc than tha thiết từ sâu thẳm trong cõi lòng con Mẹ.