Tác giả: Ronald Rolheiser
Chuyển ngữ: Nhóm Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
Chủ biên: Nt. Maria Lê Kim Yến
Nhà xuất bản: Đồng Nai
- Mục đích của cuốn sách này chính là nỗ lực làm sáng tỏ những câu hỏi như:
+ Sự khôn ngoan ẩn sâu bên trong thập giá Chúa Giê-su là gì?
+ Đau khổ của ta có liên hệ với đau khổ của Đấng đã chết trên thập giá như thế nào?
+ Quan trọng hơn hết, ta đón nhận thử thách, lấy cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá làm mẫu gương để bước theo như thế nào trong chính cuộc sống mình?
- Với văn phong nhẹ nhàng, tư duy thanh thoát và hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, cha Rolheiser sẽ đem đến cho ta những ý tưởng mới, cái nhìn mới nhưng cũng không thiếu sự sâu sắc về mầu nhiệm trung tâm của đức tin Ki-tô giáo.
- Sách được trình bày với 5 chương:
Chương I: Cuộc thương khó và vườn Giệtsimani.
Chương II: Thập giá Chúa Ki-tô, cuộc cách mạng đạo đức lớn nhất lịch sử.
Chương III: Thập giá - Mạc khải sâu sắc nhất về Thiên Chúa.
Chương IV: Thập giá cứu độ “được rửa sạch trong máu con chiên”
Chương V: Phục sinh – các cửa mồ mở ra.
Nội dung
Tác giả đã dành chương đầu tiên của cuốn sách để miêu tả về những nỗi đau khổ mà Chúa Giê-su phải trải qua nơi vườn Giệtsimani và đặc biệt là trên cây Thập giá. Cha nhấn mạnh, cuộc thương khó của Chúa Giê-su là một bi kịch trong tinh thần chứ không phải về thể lý, nỗi cô đơn là điểm chính của trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giê-su chứ không phải là những đánh đập, roi vọt, dây thừng, đinh nhọn hay đau đớn thể xác.
Tác giả so sánh, Chúa Giê-su đau khổ như một người yêu. Nỗi đau đớn thực sự của Chúa là nỗi đau của một người yêu bị hiểu lầm và bị từ chối, bị giết chết và làm cho nhục nhã, xấu hổ.
Chúa Giê-su đã sẵn sàng đối diện với tất cả những gì xảy đến, trao hiến thân mình trong sự tự do. Đồng thời, Ngài chịu chết và tha thứ cho những người bách hại mình trong sự yêu thương. Qua việc miêu tả cách Chúa Giê-su đối diện với đau khổ thập giá, tác giả đã liên hệ tới những khó khăn và thách đố mà chúng ta đang gặp phải mỗi ngày trong đời sống, và ơn gọi làm cho chúng ta những thái độ cần có để đối diện và vượt qua chúng. Chúa mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Người trong những lúc gặp thử thách, gian nan. Khi chấm dứt cuộc đời, ta sẽ chết như thế nào? Ta để tâm hồn chìm trong tức giận, khắc khoải, oán hận và cay đắng vì cuộc đời bất công với ta? Hay tâm hồn ta sẽ tha thứ, biết ơn, cảm thông và ấm áp như trái tim Chúa Giê-su.
Làm thế nào để hiểu được thập giá?
Thập giá là một mầu nhiệm phong phú và giá trị vô biên. Ta chỉ có thể hiểu được phần nào, còn những phần khác vượt trí khôn của ta không tài nào hiểu được.
Bằng sự hiểu biết về thần học và ngòi bút của mình tác giả đã gợi lên cho ta biết phần nào về những bài học Thập giá dạy ta và cách Thập giá cứu chuộc ta. Nói cách khác, Thập giá mặc khải cho ta điều gì và tại sao Thập giá là công trình cứu độ. Lại nữa, với những suy tư và ý tưởng đầy mới mẻ, tác giả đã giải thích ý nghĩa của một vài hình ảnh được các trình thuật Tin Mừng nói đến như “màn trong nhà thờ bị xé ra làm hai; tảng đá thợ xây nhà loại bỏ; xuống ngục tổ tông”. Qua đó trả lời cho câu hỏi mà Ngài đã nêu lên trước đó.
Mạc khải của thập giá chính là Thiên Chúa hiện diện trong Đấng chịu đóng đinh. Chính thập giá Chúa Giê-su đã xé tan bức màn ngăn cách giữa con người phàm trần chúng ta với trái tim thánh thiêng Chúa Giê-su. Sẽ không còn bức màn nào ngăn cách ta với Thánh Tâm Chúa. Chúa Giê-su đã mang lấy tội lỗi bằng cách biến đổi nó, mang tội vào mình và không hoàn trả lại. Chúa Giê-su đã xóa bỏ tội lỗi của trần gian bằng cách nhận lấy thù ghét để trao ban yêu thương; nhận lấy giận dữ để trao ban khoan dung, độ lượng; nhận lấy đố kỵ để trao ban ân sủng; nhận lấy đau khổ, đắng cay để trao ban ấm áp dịu dàng; nhận lấy nhỏ nhen, đê tiện để trao ban bao dung; nhận lấy hỗn loạn để trao ban bình an; và nhận lấy tội lỗi để trao ban ktha thứ.
Qua việc liên hệ với những đau khổ của Chúa Giê-su, chúng ta có thể hiểu chắc chắn rằng, bằng cách nào đó, những đau khổ đều đem lại ơn cứu độ. Sâu xa hơn ta thấy đau khổ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Đau khổ giúp chúng ta lớn mạnh hơn, khoan dung hơn và mở lòng ra lắng nghe tiếng Chúa và tiếng lòng của tha nhân.
Cuốn sách này thật giống hương vị của một chai rượu thơm ngon: ta không thể nào nghe kể mà cảm nhận được hương vị của nó. Vì thế, hãy cầm trên tay cuốn sách và thưởng thức nó. Tôi tin chắc bạn sẽ thấy được những điều tuyệt vời và thú vị mà cuốn sách đem lại.
(Chủng sinh: Vinh sơn Đỗ Văn Đức)