Trong Lời giới thiệu cho cuốn sách, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đưa ra một số nhận định về tình trạng học hỏi Kinh Thánh của người Công giáo ngày nay: Đó là vấn nạn ít tiếp cận và học hỏi Kinh Thánh. Đứng trước vấn đề này thì những người có trách nhiệm cần phải làm gì để người Công giáo có sự yêu mến Kinh Thánh hơn? Đức cha gợi ý về cuốn sách của Bergsma. Bởi lẽ, tác giả cuốn sách đã có cách tiếp cận độc đáo trong quyển Những điều căn bản về Kinh Thánh cho người Công giáo.
Tác giả sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về toàn bộ Kinh Thánh, lịch sử cứu độ: từ A-đam đến Nô-ê, Áp-ra-ham, Mô-sê, các ngôn sứ và đỉnh cao là Đức Giêsu Ki-tô. Khi đọc cuốn sách này mọi người sẽ tìm được câu trả lời cho các câu hỏi: Đâu là ý nghĩa và mục đích tối hậu của cuộc đời? Ý nghĩa thờ phượng và giá trị đích thực của người môn đệ Đức Ki-tô là gì?
Phần dẫn nhập, tác giả bày tỏ sự thật về việc ít học hỏi Kinh Thánh của người Công giáo. Bạn có thấy mặc cảm về việc bạn không đọc Kinh Thánh nhiều hay không? – đây là câu hỏi mà Bergsma đặt ra cho chúng ta. Tác giả nói thêm rằng: Bạn cũng có thể đã tham gia một khóa học Kinh Thánh nào đó, xong khóa học thì bạn học được gì, hiểu hơn hay bị rối bời? Chính tác giả đã lấy ví dụ về mình, về việc ông đã loay hoay 12 năm học Kinh Thánh để có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về Kinh Thánh. Tác giả đã nhận ra sự phong phú và tính chất cốt lõi của Kinh Thánh khi ông được mời dạy Kinh Thánh cho sinh viên. Lúc này ông hiểu ra “tính duy nhất" của Kinh Thánh nhờ vào khái niệm giao ước. Bergsma đã dùng những hình vẽ dạng que, những nét vẽ dường như có chút nghuệch ngoặc nhưng lại rất hữu ích, thực tế, nhất là giúp cho việc dạy giáo lý.
Ở đây, ông đề cập tới 3 thuật ngữ chính và quan trọng cho toàn bộ Kinh Thánh, đó là: Giao ước, Vị trung gian và Ngọn núi.
- Giao ước: là sự cam kết giữa Thiên Chúa và con người, điều này không thể tách biệt.
- Vị trung gian: là người đại diện tập thể ký kết giao ước.
- Ngọn núi: là nơi ký kết giao ước, nơi con người cảm thấy gần Thiên Chúa.
Tác giả kết luận phần dẫn nhập với lời mời gọi tiến vào “trải nghiệm đỉnh cao” qua các tổ phụ.
Mục 1: Giao ước với A-đam
Bergsma sẽ dẫn chúng ta trở lại với sách Sáng thế, nhìn lại bức tranh với nhân vật A-đam. Qua đó, chúng ta nhận được câu trả lời cho câu hỏi: Ý nghĩa cuộc sống là gì? Điều đầu tiên, bức tranh về gia phả, bởi gia phả luôn làm người ra hứng thú. Sự qui chiếu về mục đích sống của từng người theo gương A-đam. Kinh Thánh nói cụ thể lý do A-đam được dựng nên và vai trò của ông là gì trong vũ trụ.
Tác giả đề cập đến tiến trình “sáu ngày tạo dựng” với những hình ảnh minh họa hết sức giản dị nhưng hấp dẫn. Trong 6 hình vuông biểu trưng, chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn ứng với 2 hình vuông: 1. Thời gian, 2. Không gian, 3. Môi trường sống. Kết cấu tạo nên một ngôi nhà cao tầng với mái là ngày thứ bảy - ngày Sa-bát. Nổi bật ở đây là ta đặt một cây Thánh giá phía trên cùng để tạo nên một bức tranh đền thờ mà Thiên Chúa đã dựng nên trong bảy ngày.
Tiếp theo, Bergsma vẽ lên bức tranh về việc Thiên Chúa tạo dựng A-đam. Qua đó, chúng ta nhận được câu trả lời về vai trò của mình qua vai trò của A-đam:
1. Người con được sinh ra đầu tiên, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.
2. Vương đế: Thiên Chúa trao quyền thống trị muôn loài.
3. Tư tế: canh tác và trông nom đất đai.
4. Ngôn sứ: quyền đặt tên cho các thụ tạo.
5. Chú rể: chính khi ông đọc bài thơ “Xương bởi xương tôi – thịt bởi thịt tôi". Lúc này, A-đam tuyên bố E-và là họ hàng của ông.
Mục 2: Giao ước với Nôê
Tác giả đi lần lượt theo hành trình từ A-đam đến Nô-ê với sự trừng phạt của Thiên Chúa. Một bức tranh về sự sa đọa giữa “con trai Thiên Chúa” (Sết – con thứ 3 của TC) và “con gái loài người". Về mục này, tác giả gọi Nô-ê là “một người rao giảng sự công chính”. Lịch sử cứu độ đến giai đoạn này nơi giao ước với Nô-ê là sự phục hồi giao ước với A-đam, trận lụt hồng thủy là một cuộc tái tạo dựng, xuất hiện một A-đam mới.
Tiến trình tiếp tục với mục 3 Giao ước với Áp-ra-ham. Tác giả đề ra nghi vấn cho vấn đề sự sa ngã của Nô-ê: Tại sao khi lụt hồng thủy xảy ra, người xấu đã bị chôn vùi hết, Thiên Chúa cứu sống người tốt mà lại xẩy ra sự sa ngã, sự trừng phạt? Và rồi, Thiên Chúa chọn một người tên là Áp-ram để đem lại lời chúc phúc cho dân Ngài.
Ở đây, tác giả đưa ra một vòng lặp: Sự sa ngã của Áp-ram. Ông đã nghe lời Sara để lấy người hầu của bà. Đứa con sinh ra không phải là con của Thiên Chúa. Bergsma nói thêm: Kinh Thánh dùng hình ảnh này như muốn nói tới “sự chỉ trích ngầm hôn nhân đa thê”. Và rồi, giao ước lại được làm mới lại. Hình ảnh một lưỡi dao xuyên suốt biến cố cắt bì đến việc sát tế I-sa-ác.
Để kết thúc một nửa lịch sử cứu độ, tác giả nêu lên 1 bức tranh có sự nối kết giữa biến cố I-sa-ác và của Đức Giêsu Ki-tô. Bergsma khám phá ra một chi tiết rất hay: Người mang củi trong biến cố hiến tế I-sa-ác là một thanh niên khỏe mạnh, chính anh đã “tự nguyện bước vào hy tế của mình”. Đây là hình ảnh báo trước hy tế của Đức Ki-tô trên thập giá. Sáng thế chương 22 là đồi Can-vê của Cựu ước.
Mục 4: Giao tước qua Môsê
Cũng khởi đi từ việc hạ sinh một người con trai. Tác giả lấy ví dụ về việc đặt tên của người Mỹ, rằng họ chỉ quan tâm tới việc đặt tên. Nhưng ở đây, tên gọi với người Do thái xưa thì mang một ý nghĩa sâu xa. Biến cố Môsê hỏi Danh của Thiên Chúa và Ngài trả lời: Ta là Đấng Ta là. Đó không phải là từ Gia-vê mà chúng ta hay dùng, nhưng là Đức Chúa.
Tác giả nói thêm về 10 điều luật của Thiên Chúa như “những nội quy gia đình”. Nơi ấy, mọi thành viên đều phải nắm được nội quy mà thực hành. Bergsma đưa ra một vấn đề: Hành trình của Ít-ra-el đáng lẽ ra ngắn ngủi nhưng lại dài lê thê, bởi vì có nhiều cuộc nổi loạn. Và rồi, sách Đệ Nhị Luật ra đời bởi dân Ít-ra-el qua nhiều thế hệ vẫn rơi vào sự phản bội Thiên Chúa.
Mục 5: Giao ước với Đa-vít
“Đa-vít” có nghĩa là người được yêu. Ông là nhà thơ và nhà vua được yêu quý nhất Ít-ra-el. Tác giả đề cập đến 2 kênh truyền hình, đó là “Kênh truyền hình Môsê” với 800 lần được nhắc tới (từ Sáng thế đến Giô-suê) và “Kênh truyền hình Đa-vít” với 1000 lần được nhắc tới (từ sách Rút tới cuối sách Cựu ước).
Bergsma cho chúng ta thấy một bức tranh về Đa-vít vĩ đại:
Về mặt chính trị: là một tướng lĩnh mưu lược.
Về mặt phụng vụ: là người đầu tiên đưa ca hát vào trong thờ phượng. Ông là hình ảnh báo trước của Đức Giêsu Ki-tô.
Mục 6: Giao tước mới nơi các ngôn sứ.
Tác giả đưa ra một nhận định: Tiếp tục là một sự thất bại của các vua. Ngay cả Sa-lô-môn, được xem là vị vua của sự khôn ngoan. Vị vua này cũng phản bội Chúa, nghe lời các bà vợ mà thờ thần dân ngoại. Bergsma tiếp tục chuỗi lịch sử cứu độ với việc đề ra các giao ước với các ngôn sứ: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-đê-ki-en. Cuối cùng, vinh thắng nhất nơi Giao ước Thánh Thể.
Một sâu chuỗi lịch sử cứu độ nơi Đức Giêsu có liên quan tới các tổ phụ. Đức Giêsu họa lại vai trò như A-đam xưa: Tư tế, ngôn sứ và chú rể. Đức Giêsu cũng là hình ảnh nhắc lại biến cố hiến tế I-sa-ác. Các vị trung gian được tác giả họa lại qua các hình ảnh một cách cụ thể trước khi bước vào Giao ước hoàn tất là Tiệc cưới Con Chiên.
Tác giả đặt câu hỏi: Chúng ta đang đi về đâu? Và ông gợi ý đó là “thiên đàng”. Và Thiên Chúa có đang hướng dẫn chúng ta về cùng đích đó không? Thưa rằng, có. Tiệc cưới Con Chiên sẽ diễn ra khi Đức Giêsu trở lại, Giáo hội sẽ được thanh tẩy, và lịch sử sẽ kết thúc.
Bergsma nói về sách Khải Huyền – 1 quyển sách nói nhiều nhất về sự kết thúc của lịch sử. Trong đó, có biến cố về thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70, sự nổi loạn của con người chống lại Thiên Chúa dẫn đến các trận ôn dịch. Nhưng trên hết, niềm tin chúng ta đặt nơi Thiên Chúa rằng: Ngài sẽ kéo chúng ta xuyên qua mọi khốn khó để chúng ta tận hưởng niềm vui mừng nơi “Tiệc cưới của Con Chiên”. Tác giả minh họa nơi Tiệc cưới Con Chiên ấy bằng hình lập phương – biểu trưng cho Nơi Cực Thánh.
Sau cùng, tác giả đúc kết lại toàn bộ các giao ước. Tác giả thao thức chúng ta sẽ dễ dàng hiểu Giáo lý của Giáo hội hơn, sẽ chia sẻ với các lớp Giáo lý, các sinh viên bằng những hình minh họa như trên. Tác giả cổ vũ sự sáng tạo của chúng ta trong việc truyền tải nội dung Kinh Thánh. Điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo “tính duy nhất” của Kinh Thánh. Câu chuyện về Kinh Thánh là “Câu chuyện tuyệt vời nhất mọi thời đại”.
Hình ảnh đẹp trong Kinh Thánh đó là cây thánh giá, chứa đựng sức mạnh thần học sâu sắc. Một điều không thể thiếu trong cuốn sách về học hỏi Kinh Thánh mà Bergsma đã lưu tâm đến, đó là việc đặt các câu hỏi ôn tập và thảo luận để giúp người đọc lượng giá lại kiến thức mà mình đã học được ở phần trước.
PHẦN II: NHẬN ĐỊNH CÁ NHÂN
- Ưu điểm
- Một cuốn sách hay dành cho những ai đang đi tìm phương pháp truyền đạt Giáo lý.
- Một cuốn sách dễ hiểu với những hình minh họa dạng que thực tế và phù hợp với các lớp Giáo lý.
- Đọc cuốn sách giúp chúng ta tóm tắt toàn bộ lịch sử một cách chi tiết không theo một cách nhìn cũ nhưng là một cách nhìn mới, con gọi đó là “tam giác cứu độ” qua 3 cụm từ quan trọng: Giao ước, Vị trung gian, Ngọn núi.
2. Nhược điểm
- Tác giả không đặt chú thích ở ngay phần dưới trang mà để tất cả về phía sau cuốn sách nên khó theo dõi trực tiếp.
- Với những ai chưa từng đọc Kinh Thánh thì khi đọc và nghiên cứu cuốn sách này sẽ nắm rất nhanh nội dung Kinh Thánh. Nhưng người ấy sẽ không rõ được tên các cuốn sách trong Kinh Thánh, thứ tự chúng.
(Chủng sinh: Antôn Nguyễn Văn Đang)