Đôi nét về tác giả: Gina Loehn có học vị thạc sĩ thần học tại Đại học Phan Sinh Stenbenvill và hiện đang dạy thần học bán thời gian đại Đại học Thánh Mẫu Wisconsin. Al Giambnone là cựu giáo sư toán, đã dạy 38 năm tại trường cao đẳng Sinclair ở Payton, Ohio. Ông cũng là nhà nghiên cứu về các thánh.
Bố cục:
Cuốn sách được trình bày với 5 chương. Mở đầu mỗi chương là những lời trích dẫn từ hai Đấng Phanxicô, tiếp đó là xét xem điều gì Đức Giêsu đã dạy chúng ta về giá trị của Tin Mừng mà chúng ta đang phân định. Rồi tác giả đưa ra những ví dụ làm thế nào thánh Phanxicô và ĐGH Phanxicô đã minh chứng sự cam kết với những giá trị đó. Sau cùng, mỗi chương kết thúc với một giáo huấn có liên quan của Giáo Hội và một câu hỏi để giúp chúng ta phân định làm thế nào chúng ta có thể đem những giá trị đó vào trong cuộc sống của chúng ta.
Nội dung:
Tập sách được viết ra không phải với mục đích phân biệt 2 con người nổi bật là thánh Phanxicô và ĐGH Phanxicô. Nó cũng không là sự so sánh đơn giản về tiểu sử của 2 vị, nhưng cuốn sách này sẽ nhận định làm thế nào những con người này, mỗi người theo cách của mình, đã đón nhận tầm nhìn chung là yêu mến Đức Kitô và sống Tin Mừng.
Chương I: Sự khiêm nhường.
Hai vị Phanxicô giống nhau ở điểm này là các ngài cùng tán dương nhân đức khiêm nhường. Khái niệm về khiêm nhường tự nó có thể là trừu tượng và mơ hồ, nhưng những thực hành đặc biệt về nghèo khó và lãnh đạo phục vụ đem lại bản chất cho nhân đức này. Khi trở lại với đời sống và các tác phẩm của thánh Phanxicô cũng như của ĐGH Phanxicô, chúng ta thấy những mẫu gương cụ thể làm thế nào đón nhận giá trị Tin Mừng của đức khiêm nhường.
Chúng ta sẽ thấy một vị thánh được biết đến là người nghèo bé nhỏ, yêu mến thực hành cách khiêm tốn đức khó nghèo. Ngài yêu mến người nghèo và muốn nghèo như Đức Kitô đã nghèo. Ngài là một lãnh đạo phục vụ qua việc cố gắng hướng dẫn người khác bằng gương mẫu và tránh bất cứ sự lạm dụng nào về lãnh đạo.
Cũng như thánh Phanxicô, ĐGH Phanxicô cũng chọn sống nghèo. Ngài yêu thương phục vụ người nghèo và noi gương sự khó nghèo của Đức Kitô. Đối với Ngài, quyền bính đích thực là phục vụ.
Chương II: Bác ái
Trong chương này, tác giả cho thấy cả hai vị đều là những người hành động. Hai vị đều cắm rễ sâu trong tình yêu đối với Đức Kitô và cam kết sống đời cầu nguyện. Tuy nhiên con đường thiêng liêng của các ngài xung quanh việc làm cho Tin Mừng trở thành hiện thực. Các ngài làm gương cho chúng ta về tình yêu thiết thực- bác ái- Caritas- của Đức Kitô
Như chúng ta đã thấy thánh Phanxicô và ĐGH Phanxicô mỗi vị đều dành ưu tiên cho việc sống bác ái với người khác, thể hiện cách cụ thể bằng tình thương dành cho những người nghèo, những người thấp cổ bé họng, những người nhỏ bé trong xã hội.
Chương III: Giáo hội
Một vị thánh và một vị Giáo Hoàng, không còn gì Công giáo hơn. Có một loại tương quan cộng sinh giữa hai vị: một vị có một phẩm chất chính thức được Giáo hội công nhận, một sự thánh thiện mà mỗi Kitô hữu được mời gọi noi gương; một vị có quyền bính làm lan toả những phẩm chất. Cả hai vị nỗ lực làm cho giáo hội trở thành khí cụ của công trình của Đức Kitô trên trái đất. Và theo nghĩa nào đó, mỗi vị hiện diện như một biểu tượng của một khía cạnh đặc biệt của căn tính Giáo hội. Vị thánh tượng trưng cho cộng đồng những người tin Thiên Chúa. ĐGH biểu trưng cho Giáo Hội thể chế, cho khía cạnh phẩm trật của Giáo hội, hiện diện để dạy dỗ, chăn dắt và thánh hoá Dân Thiên Chúa
Chương IV: Sự bình an
Cả hai vị Phanxicô đều biết trọng tâm của sự bình an trong niềm tin Kitô giáo. Như chúng ta sẽ thấy các ngài là chứng nhân về sức mạnh của sự bình an của Đức Kitô nơi tâm hồn chúng ta và các ngài đã làm việc, mỗi người theo cách của mình để thúc đẩy hoà bình giữa con người.
Một loạt câu hỏi được tác giả gợi ý: tôi phản ứng lại với nỗi khổ và khó khăn như thế nào? Tôi có thể đưa ra giải pháp thiêng liêng nào để nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn? Tôi có những ý nghĩ nào về những người khác niềm tin với tôi? Làm sao tôi có thể thiết lập hoà bình trong các mối tương quan với những người mà tôi không cùng chia sẻ quan điểm của họ?
Chương V: Niềm vui
Thánh Phaxicô tự xem mình là “anh hề của Thiên Chúa” khi ngài đi khắp nơi ca vang lời tán dương Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm cho cả hai phòng họp vỗ tay nhiệt liệt vào đêm được chọn khi ngài nói với các Hồng y: “Xin Chúa thứ tha cho anh em”.
Thánh Phanxicô có một thói quen là vui mừng khi nhảy lên trước những sự việc không mong muốn; và, Đức Giáo hoàng nói rõ ràng niềm vui cả khi vác thập giá. Hai đấng đã trao ban mọi sự, dâng hiến trọn cuộc sống vì Nước trời và các ngài đã tìm được nơi đó niềm vui lớn lao.
Nhận định cuốn sách
Cuốn sách ra đời với những tìm hiểu sâu sắc, cảm nhận thực tế qua nhiều người và nơi tác giả. Hai con người được nhắc đến tuy ở hai thời đại khác nhau nhưng đều có những điểm chung làm nổi bật những giá trị rất cao thượng của mình qua lối sống và các tương quan.
Bạn đọc sẽ nhận được nhiều điều hữu ích khi cầm và đọc cuốn sách này. Cuốn sách thuộc thể loại tu đức giúp cho mỗi người nhận ra một động lực giúp bản thân luôn cố gắng mỗi ngày theo cách thức mà hai đấng Phanxicô đã thực hiện để lan toả ánh sáng Đức Kitô vào trong thế giới.
Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ cảm nhận rằng: ơn gọi nền tảng của người Kitô hữu là làm chứng cho đức tin và nên thánh. Việc nên thánh không đòi hỏi thời gian, khả năng nhưng ngay hiện tại và trong khả năng Chúa ban, mỗi người được kêu mời sống thánh qua đời sống khiêm hạ và phục vụ.
Lối viết văn rất dễ hiểu, từ ngữ đơn giản giúp truyền tải thông điệp, kiến thức giáo lý, Kinh Thánh tới người đọc cách dễ dàng, dễ được đón nhận. Đây là cuốn sách hay và làm gia tăng thêm lòng yêu mến thánh Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhất là yêu mến Đức Kitô.
(Chủng sinh: Vương Văn Từ)