Nội dung của cuốn sách “Thánh Piô V- Giáo Hoàng Của Kinh Mân Côi” trong tập sách “Những vị thánh dòng anh em” trình bày về cuộc đời của thánh Giáo hoàng Piô V là người lãnh đạo Giáo hội của Thiên Chúa trong việc bảo vệ chân lý đức tin qua hai sự kiện lớn là: trận chiến tại vịnh Lêpantô (1571) và ra án vạ tuyệt thông Nữ hoàng Êlisabét (1570). Nhưng trên hết, sách còn muốn trình bày về cuộc đời của thánh Giáo hoàng Piô V trong việc ngài yêu mến cầu nguyện với kinh Mân Côi và yêu thương người nghèo. Hơn nữa, ngài có lòng yêu mến đặc biệt cuộc khổ nạn của Chúa và sốt sắng hôn Năm Dấu Thánh như thói quen hằng ngày. Để hiểu rõ hơn về cuộc đời của ngài, chúng ta cùng đi vào tìm hiểu nội dung của các chương sau đây.
Chương I: “Tập sinh gương mẫu (1504-1528)” trình bày về hành trình ơn gọi của thánh Giáo hoàng Piô V, từ khi sinh ra đến khi ngài trở thành linh mục dòng Đa Minh, đặc biệt là về đời sống thánh thiện của ngài. Thánh Giáo hoàng Piô V tên thật là Micae Ghítliêri, chào đời và được lãnh phép Thanh Tẩy ngày 17 tháng 1 năm 1504 (trùng với ngày lễ kính thánh Antôn, viện phụ) trong một gia đình rất nghèo ở Bosco. Ngay từ nhỏ, ngài đã siêng năng học hành và yêu thích cầu nguyện. Ngài thường dành nhiều giờ để cầu nguyện, siêng năng lần chuỗi Mân Côi - là lời kinh mà ngài hết lòng yêu mến. Trong thâm tâm, ngài quyết chí đi tu và khao khát phục vụ Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện và học hành, được khoác tu phục của một dòng tu lớn nào đó. Năm 1518, ngài chào cha mẹ và bước vào tu viện dòng Đa Minh Vôghêra khi chưa đầy 14 tuổi rưỡi. Sau hai năm thử luyện, tháng 5 năm 1520, ngài lãnh tu phục từ cha bề trên tu viện Vôghêra, trong nhà nguyện được dâng kính cho Đức Mẹ Sầu Bi. Trong thời gian sống trong tu viện, ngài thông minh, lôi cuốn, khiêm tốn, làm việc chăm chỉ, say mê tinh thần dòng và được mọi người yêu quý. Đặc biệt, ngài là nhân chứng sống của câu Lời Chúa: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21). Đầu năm 1528, được các bề trên chấp thuận, ngài lãnh chức linh mục tại Gênoa “với tình yêu và lòng khiêm hạ của một vị thánh”.
Chương II: “Vị bề trên mẫu mực (1528-1543)” trình bày về đời sống đạo đức và dũng cảm của cha Micae – vị tu viện trưởng mẫu mực tại Sôncinô và Vigêvanô. Cha Micae là vị bề trên ứng xử nhẹ nhàng nhưng ngài cũng là người nguyên tắc, nghiêm khắc và sẵn sàng đưa ra những lời phê bình khi cần thiết. Đối với anh em trong dòng, ngài rao giảng bằng gương sáng hơn là lời nói. Bên cạnh đó, cha Micae cũng có đức tính can đảm phi thường và xử trí khôn khéo, khi đứng ra bảo vệ các anh em trong dòng khỏi các cuộc chiến tranh, cướp bóc và chống lại lạc giáo Calvin, Luthêrô. Đặc biệt, cha Micae đã lãnh trách nhiệm làm uỷ viên toà điều tra tại đồn quan trọng là Cômô khi Thánh Bộ đề nghị, để nhằm chống lại lạc giáo Luthêrô và bảo vệ thẩm quyền của Giáo hoàng.
Chương III: “Thánh Bộ (1543-1557)” trình bày về việc Đức Giáo Hoàng Phaolô III đã ra sắc chiếu thành lập Toà điều tra Rôma (ngày 21 tháng 7 năm 1542). Năm 1543, cha Micae được bổ nhiệm làm uỷ viên toà ấy tại Cômô và Grisôn, Thuỵ Sĩ. Ngài nhận chức vụ với tất cả lòng khiêm tốn. Và như thánh Phêrô tử đạo, ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đức tin. Trong suốt thời gian làm uỷ viên Toà điều tra Rôma, ngài cương quyết lên án chống lại lạc giáo và các người theo lạc giáo. Thậm chí, nhiều lần ngài gặp nguy hiểm đến tính mạng nhưng ngài vẫn không sợ. Do đó, ngài được các Hồng Y và Giáo Hoàng yêu quý. Bởi vì, qua tất cả những công việc ngài đảm nhiệm, người ta đều thấy nơi ngài chỉ có một mong muốn duy nhất là làm vinh danh Thiên Chúa. Tháng 6 năm 1551, ngài được cử làm Cao uỷ Toà điều tra. Sau đó, ngài được phong chức Giám mục của Nêpi và Xutơri vào tháng 9 năm 1556. Đến ngày 15 tháng 3 năm 1557, ngài đã được thăng Hồng Y, mang hiệu toà Santa Maria Sopra Minerva.
Chương IV: “Hồng Y của Thiên Chúa (1557-1566)” trình bày về đời sống thánh thiện, kiên định và gương mẫu của Hồng y Alêxanrin. Ngày 15 tháng 3 năm 1557, cha Micae được Đức Giáo hoàng Phaolô IV phong tước Hồng y và lấy danh xưng là Hồng y Alêxanrin. Đến ngày 14 tháng 9 năm 1558, Đức Hồng y Alêxanrin lại được đặt làm Thẩm phán tối cao Toà điều tra. Trước quyền bính lớn lao như thế, ngài không sống xa hoa và phô trương nhưng vẫn giữ nếp sống thánh thiện và nghiêm ngặt của dòng tu Đa Minh như: giờ giấc, kỷ luật, chay tịnh và cầu nguyện. Người ta kể lại rằng: “Đức Hồng y Alêxanrin không bao giờ ăn quá hai lần trong một ngày, kiêng thịt và thường mang tu phục của một tu sĩ đơn sơ dòng Đa Minh”. Đặc biệt, ngài còn đưa ra nội quy sống cho các người phục vụ như: lãnh các bí tích ba lần một tuần, mỗi tuần dành một giờ đọc sách thiêng liêng và dành nhiều giờ cầu nguyện. Bên cạnh đó, ngài cũng là một Hồng y dũng cảm và kiên định khi đứng lên phản đối các hành động lạm dụng quyền bính trong hàng giáo sĩ (có cả Đức Giáo Hoàng Piô IV). Đồng thời, ngài cũng nỗ lực sửa đổi và thiết lập lại kỷ luật cho hàng giáo sĩ.
Chương V: “Người Cha của Kitô giới (1566-1570)” trình bày việc thánh Piô V cố gắng sống lý tưởng hoàn thiện với cương vị là người cha của các Kitô hữu và là vị hướng dẫn tâm linh của toàn thế giới. Thật vậy, sau khi ngài đăng quang Giáo Hoàng vào ngày 17 tháng 1 năm 1566. Ngài đã bắt tay vào việc cải tổ Giáo hội, từ hàng ngũ giáo sĩ đến hàng giáo dân qua việc đưa ra các khoản luật, các quy định và những biện pháp xử lý rất mạnh và quyết liệt với ai vi phạm. Đồng thời, ngài cũng cố gắng giải quyết các mối nguy lớn đe doạ Hội Thánh như: nguy cơ bị quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng; sự lan truyền nhanh chóng của nhóm lạc giáo Cải cách ở Đức, Thuỵ Sĩ, Anh và Pháp; sự thờ ơ của người Công giáo trước những hiểm hoạ này, cùng với sự chống đối trong nội bộ trước những cải tổ cần thiết.
Chương VI: “Án vạ tuyệt thông Nữ hoàng Êlisabét (1570)” trình bày về sự kiện Đức Thánh Cha Piô V đã ra án vạ tuyệt thông đối với Nữ hoàng Êlisabét ngày 25 tháng 2 năm 1570. Đây là một trong hai sự kiện lớn của thế giới khiến người ta biết đến ngài. Thật vậy, trước thái độ bội giáo, chống lại đức tin và bách hại đạo của Nữ hoàng Êlisabét trên nước Anh, Đức Thánh Cha Piô V đã mạnh mẽ lên án và khuyên bảo. Nhưng Nữ hoàng Êlisabét đã không nghe và không chịu hoán cải. Do đó, ngài đã cương quyết ra án vạ tuyệt thông và truất phế Nữ hoàng Êlisabét.
Chương VII: “Trận chiến tại vịnh Lêpantô (1571)” trình bày về sự kiện Đức Thánh Cha Piô V đã thành lập một liên minh Đạo binh Thánh Giá để chống lại sự tàn độc của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trước sự tàn ác và bách hại đạo của quân Thổ đang lan rộng, Đức Thánh Cha tuy đang phải vật lộn với những đau đớn do bệnh tật, nhưng vẫn không ngừng lo lắng và cố tìm ra phương sách hữu hiệu. Do đó, ngài đã đứng lên thành lập liên minh cùng với sự gia nhập của các nước như: Tây Ban Nha, Cộng hoà Venice và Ý để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, thánh Piô V đã kêu gọi mọi người cùng với ngài cầu nguyện và dâng toàn bộ cuộc viễn chinh đặt dưới sự che chở, bảo vệ của Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Chuỗi Mân Côi không chỉ là lời kinh mà người lính trên tàu chiến vẫn đọc hàng ngày, nhưng còn là vũ khí mà những người ở hậu phương thực hành. Nhờ sự phù hộ của Đức Mẹ, quân đội Kitô giáo đã chiến thắng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lêpantô ngày 21 tháng 10 năm 1571. Do đó, mỗi khi nhớ đến Lêpantô, mọi người Kitô hữu cùng hát: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”.
Chương VIII: “Giáo hoàng của Kinh Mân Côi (1566-1572)” trình bày về đời sống thánh thiện của thánh Piô V. Ngài không chỉ là một người lãnh đạo vĩ đại của Hội Thánh trong việc cải cách, bảo vệ và hướng dẫn Hội Thánh. Ngài còn là người Cha của mọi người nghèo, là mẫu gương sáng cho mọi người con Kitô hữu noi theo. Đặc biệt, thánh Piô V là người rất yêu mến cây Thánh giá, kinh Mân Côi và bí tích Thánh Thể. Thật vậy, ngài cầu nguyện nhiều giờ mỗi đêm với cây Thánh giá trong tay, sốt sắng hôn Năm Dấu Thánh như thói quen ngài vẫn làm từ khi lãnh chức linh mục năm 1528. Bên cạnh đó, ngài cũng có lòng sùng kính mến yêu Chúa trong bí tích Thánh Thể, ngài thiết tha mến yêu Mẹ Maria đầy ơn phúc. Chính thánh Piô V đã công bố thiết lập lễ truyền Truyền tin cho Đức Mẹ và lễ kính Đức Mẹ Chiến thắng trong toàn thể Giáo hội. Đồng thời, ngài cũng ban nhiều ơn xá cho những ai đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ.
Chương IX: “Về nhà Cha – In Patria (1572)” trình bày về cuộc hành trình những ngày cuối cùng của thánh Piô V trên trần gian trước khi ngài được rước về Nước Thiên Đàng (nhà Cha). Thật vậy, thánh Piô V đã phải chịu nhiều đau đớn vì bệnh tật nhưng ngài vẫn lo lắng cho đoàn chiên và yêu mến các việc đạo đức như: xưng tội mỗi ngày, rước Mình Thánh Chúa, dâng lễ, thờ lạy Thánh giá và hôn kính Năm Dấu Thánh… Đặc biệt, vào giờ phút cuối cùng trên trần gian, ngài chỉ nói chuyện với Chúa. Ngài nằm và nhắm chặt đôi mắt, hai bàn tay luôn cầm Thánh giá và hôn kính Năm Dấu Thánh nơi tượng chịu nạn, đôi môi ngài mấp máy, thì thầm cầu nguyện. Sau đó, khi đôi môi đang dần bất động của ngài hôn kính chân Chúa chịu đóng đinh, ngài đặt chéo đôi tay lên ngực, và linh hồn người con cao cả nhất của thánh Đa Minh bước vào niềm vui Phục Sinh trên Thiên Đàng. Lúc ấy là 5 giờ chiều, ngày 1 tháng 5 năm 1572, thánh nhân hưởng thọ 68 tuổi và là năm thứ 7 triều đại Giáo hoàng của ngài. Ngài được an táng với nghi lễ long trọng và di hài ngài được đặt tại ngôi mộ trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Năm 1671, Đức Clêmetê X tiến hành phong chân phước cho Đức Piô V. Rồi đến ngày 22 tháng 5 năm 1711, lễ phong thánh cho Đức Piô V được diễn ra do Đức Clêmetê XI tổ chức sau khi ký Sắc lệnh phong thánh. Lễ kính nhớ ngài được ấn định vào ngày 5 tháng 5 (sau đó dời vào 30 tháng 4) và được đưa vào lịch phụng vụ của Giáo Hội.
(Chủng sinh Bênađô Trần Minh Chiến)