Cuốn sách được viết vào dịp kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của ngài (01/11/1946-1996). Ban đầu, ngài không có ý định viết cuốn sách này. Ngài nói: “tôi có chút hơi do dự, với đôi chút ái ngại”. Nhưng sau đó, vì những lời thỉnh cầu chính đáng, ngài đã đồng ý viết cuốn sách này. Cuốn sách có 10 phần, viết theo dòng chảy cuộc đời của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, nó không phải để kể về cuộc đời của ngài, cho bằng ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa, như “Ơn ban và nhiệm mầu”, là hai chìa khóa trong lịch sử đời ngài.
Nội dung
Mở đầu cuốn sách là bức thư tri ân: “Xin tri ân Đức Thánh Cha” của Đức cha Joseph Duval, chủ tịch hội đồng giám mục Pháp. Trong bức thư có đoạn: “chúng con xin tri ân Đức Thánh Cha, đã cho chúng con được chiêm ngưỡng những bước đường đời thấm đẫm hồng ân và nhiệm mầu của mình”.
Tiếp đến, là những lời của Đức Thánh Cha nói về ý nghĩa của cuốn sách. “Chính vì muốn làm chứng cho Tình yêu thương của Chúa mà cuối cùng, tôi không ngần ngại cống hiến chứng từ này một cách rộng rãi, Cho tất cả anh em linh mục và toàn thể dân Chúa”.
Phần chính của cuốn sách gồm 10 phần, được đánh dấu thứ tự từ 1 đến 10:
Phần 1: Khởi đầu
Trong phần này, Đức Thánh Cha nói về những dấu chỉ ơn gọi của ngài, những năm tháng ngài học triết tại Đại học Jayellon, thế chiến thứ hai bắt đầu. Ngài xác tín: “Ơn gọi là một mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa”. Dấu chỉ ơn gọi đầu tiên của ngài là việc ngài được chọn để đọc diễn từ chào đón Tổng giám mục thành Cracovie. Tuy vậy, “vào thời điểm này, ơn gọi linh mục vẫn chưa chín muồi nơi tôi, mặc dù nhiều người thân cận vẫn đồn rằng tôi sẽ vào chủng viện” ngài nói. Tháng 5/1938, ngài bắt đầu học triết học Ba Lan. Nhưng ngài chỉ học được một năm, vì ngày 1/9/1939 thế chiến thứ II bùng nổ. Điều này làm thay đổi cuộc đời ngài. Để khỏi vào các trại tập trung lao động bên Đức, mùa thu năm 1940, ngài xin vào làm công nhân trong một cống trường đá. Trong xưởng đá, có ông Franciszek Labus, thỉnh thoảng, ông lại ngoái lại và nói với ngài những câu như: “Karol, anh phải đi tu làm cha nghe, anh có giọng tốt, hát hay và anh sống tốt lành”.
Phần 2: Quyết định vào chủng viện
Mùa thu năm 1942, ngài quyết định vào Chủng viện Cracovie. Là một Chủng viện “chui”, hoạt động kín đáo và âm thầm. Hai năm triết học, ngài vừa học, vừa tiếp tục làm công nhân đập đá. Vào năm thứ 5, ngài được Đức Tổng Giám Mục gửi đi Rô-ma để tiếp tục học. Vì thế, ngài được truyền chức trước, vào ngày 01/11/1946.
Phần 3: Những ảnh hưởng trên ơn gọi của tôi
Sự ảnh hưởng đầu tiên ngài nói đến là gia đình. Năm 9 tuổi, mẹ của ngài qua đời. Sau đó, người anh của ngài cũng ra đi mãi mãi. Khi đó, chỉ còn bố ngài, một ông bố vô cùng khả kính, đã sống cảnh “gà trống nuôi con” từ rất sớm. Chính ông bố ấy đã là gương sáng cho ngài. Từ khi mẹ mất, cuộc đời của bố dường như trở thành một đời cầu nguyện. “Gương sáng của bố đối với tôi, một cách nào đó đã là một chủng viện đầu đời, một chủng viện tại gia của tôi rồi”.
Nhà máy Solvay, mùa thu năm 1942, ngài vừa tiếp tục làm việc ở nhà máy, vừa theo học tại Chủng viện “chui”. Ngài có những kinh nghiệm của một “chủng sinh thợ”. “Khi lao động chân tay như thế, tôi hiểu thế nào là nỗi khổ của những cố gắng trong cơ thể con người. Hằng ngày, tôi sát cánh cùng những công nhân lam lũ khổ cực. Tôi sống và biết môi trường, gia đình, những ưu tư hàng đầu, những giá trị nhân bản và phẩm cách của họ”.
Giáo xứ Debniki, các tu sĩ Salesieus Don Bosco. “Một trường Salesien ở đây đã giữ một vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo ơn gọi linh mục của tôi”. Các cha dòng Camelo. Ngài thường xuyên đến đây và đã tới cấm phòng một lần, với sự hướng dẫn của cha Leonard de Notre Dame des Daileurs. Đã có lúc, ngài nghĩ đến khả năng tu dòng Camelo.
Một ảnh hưởng nữa, đến từ cha Kamierz Fihlexicz, là cha linh hướng và giải tội của ngài.
“Nói về khởi nguồn ơn gọi linh mục, dĩ nhiên tôi không thể quên Mẹ Maria. Lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa là do truyền thống gia đình và giáo xứ Wadowice của tôi”. Ngài luôn xác tín rằng Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô. “Đúng thế, Mẹ Maria dẫn đưa ta lại gần Đức Ki-tô với điều kiện chúng ta cũng sống mầu nhiệm của Mẹ trong Chúa Ki-tô con Mẹ”. “Ngay từ tuổi thơ, rồi tới linh mục, giám mục, tôi luôn được dẫn đi trên những nẻo đường mang thánh danh Maria”.
Những ảnh hưởng đến ơn gọi của ngài còn đến từ nơi thánh sư huynh Alnert, những kinh nghiệm chiến tranh. Những hy sinh của các linh mục Ba Lan và những lòng tốt được thể hiện nơi cuộc chiến.
Phần 4: Linh mục
Lễ truyền chức Linh Mục của ngài được chọn vào ngày 1/11, kính trọng thể các thánh nam nữ. Chỉ có một nhóm nhỏ gồm vài người bà con và bạn thân âm thầm đến dự. Ngài tưởng nhớ đến một người anh em trong ơn gọi linh mục. Đó là Jerzy Zachta, một chủng sinh bị Đức Quốc Xã bắt và xử bắn. Veni Creator Spiritus. “Tôi thường thấy chính mình trong ngôi nhà nguyện Tòa Tổng Giám Mục, khi hát kinh Veni Creator Spiritus và kinh cầu các thánh”.
Nền đá. Nền đá là phần nói về hình ảnh khi các tiến chức nằm phủ phục sấp mặt xuống nền đá của đền thờ. “Nghi thức này khắc ghi một ấn tượng rất sâu đậm trong đời linh mục của tôi”.
Thánh lễ đầu tiên. Vì được thụ phong vào ngày lễ Các Thánh, nên ngài cử hành “Thánh lễ đầu tiên vào ngày lễ Các Linh Hồn, 2/11/1946
Phần 5: Rô ma
Ngài đến Rôma vào những ngày cuối tháng 11/1946. Những bước đầu học ở Rôma. Ngài học ở Học viện Angelicum “tại giáo đô Rôma này, dưới ánh sáng của các thánh, nơi có nhiều quốc tịch thường xuyên gặp gỡ và sát cánh nhau, biểu hiện cách nào đó một thế giới vượt trên mọi chia rẽ, hận thù, mặc dù thảm trạng chiến tranh có thể vẫn còn hằn sâu dấu vết nơi mỗi người”.
Những năm được đào tạo tại Rôma cũng ảnh hưởng đến đường hướng mục vụ của ngài. “Nó giúp tôi tiếp cận với nhiều hình thức hoạt động tông đồ tiên phong, đang bắt đầu phát triển trong Giáo Hội”. Vì được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, các quan điểm khác nhau, mang tính bổ túc cho nhau, ngài thấy được viễn tượng của Châu Âu: Một Châu Âu bị tục hóa cách đáng lo ngại. Ngài hiểu và cảm nhận được những thách đố dành cho Giáo Hội. Những người di dân cũng được ngài quan tâm. Ngài nói: “được tiếp xúc với họ là một kinh nghiệm rất phong phú” của ngài. Ngoài ra, thánh Gioan Maria Vianey cũng ảnh hưởng đến ngài. Một lần trên đường từ Bỉ về Rôma, ngài dừng chân tại Ars. Ngài nói, đó là một trải nghiệm không thể quên đối với ngài. Trong phần này, ngài cũng nói lên lời cảm ơn với mọi thành phần của trường Bỉ. Đầu tháng 7/1948, ngài về Ba Lan.
Phần 6: Khi trở về
“Bài sai” đầu tiên của ngài là đi Niegowic, một giáo xứ miền quê. Ngài ở đó một năm, sau đó ngài được chuyển đến xứ thánh Florian ở Cracovie. Sau đó hai năm, ngài được chuyển hướng sang một công việc mang tính khoa học. Ngài dạy 2 môn Đạo đức học và Thần học luân lý.
Phần 7:
Trong chứng từ của ngày Hồng ân này, ngài nói lời tri ân đến Giáo Hội Ba Lan. Một giáo hội chịu nhiều thử thách trong thế kỉ XX, nhưng đã toàn thắng nhờ lòng hy sinh của các Giám mục, linh mục và đông đảo giáo dân. “Chính trong bầu khí ấy mà sứ vụ linh mục và giám mục của tôi được triển nở”.
Vào dịp mừng 50 năm linh mục, ngài cũng hướng về linh mục đoàn của giáo phận Cracovie. Nơi mà ngài vừa là linh mục, vừa là Tổng giám mục. “Tôi hoàn toàn xác tín rằng linh mục đoàn của giáo phận, giữ vai trò quyết định trong đời tư của mỗi linh mục”. Ngài cũng nghĩ đến các tầng lớp dân Chúa. Đối với ngài, họ là những ân ban độc nhất.
Phần 8,9,10:
Ba phần cuối, ngài dành để nói về chức linh mục. Linh mục là ai? Là linh mục hôm nay, và lời nhắn nhủ riêng với anh em trong chức linh mục.
Bình luận
Cuốn sách giúp ta thấy được hành trình ơn gọi của Đức Gioan Phaolo II. Một chuỗi những khó khăn, thách đố, nhưng ngài luôn xác tín rằng tất cả trong sự quan phòng của Chúa. Chính từ những khó khăn ấy; do thời cuộc, chế độ, chiến tranh, sự ra đi của những người thân,…Tất cả góp phần làm nên một Gioan Phaolo II, vị thánh, vị chủ chăn gần gũi, nhiệt thành của Giáo Hội. Tất cả được ngài đặt trong “ơn ban và mầu nhiệm” của Thiên Chúa.
Qua đó, chúng ta thấy chính hình ảnh mình nơi đây. Trên hành trình ơn gọi, ta luôn thường gặp những khó khăn, những cản bước. Nếu không vững lòng, ta rất dễ vấp ngã và dừng bước.
Những câu nói hay:
- Ơn gọi là mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa
- Gương sáng của bố tối, một cách nào đó, đã là một chủng viện đầu đời, một chủng viện tại gia của tôi rồi.
- Linh mục là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
(Chủng sinh: Giuse Phạm Văn Tuyến)