Tập sách dẫn độc giả trải qua một chuyến du lịch Kinh Thánh nhờ Thánh Lễ, từ dấu Thánh giá khởi đầu, cho đến lời kết thúc “Tạ ơn Chúa”. Theo một nghĩa nào đó, có thể xem sách này như một “bài nghiên cứu” với Kinh Thánh về Thánh lễ. Việc khảo sát các phần chính của Thánh lễ bằng lăng kính Kinh Thánh sẽ đem lại cho chúng ta một cái nhìn mới về phụng vụ được cử hành mỗi Chúa nhật. Điều này giúp chúng ta nhận biết nhiều hơn tính sâu sắc của những điều đang xảy ra trước mắt, đồng thời nắm bắt ý nghĩa của những lời chúng ta đọc, những việc chúng ta làm khi tham dự các mầu nhiệm này.
Trước hết, tác giả khái quát lên Thánh Lễ là gì? Để trả lời, Dr Edward Sri đưa ra 1 luận điểm chính Thánh Lễ là Hy tế, là sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, là sự cầu xin Đức Emmanuel, xin hãy đến và là sự hiệp thông linh thánh. Từ thời các Tông đồ, Thánh lễ đã là hoạt động trung tâm của phụng tự Kitô giáo. Bởi lẽ, Thánh lễ không là gì khác hơn việc cử hành Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập trong bữa tiệc ly, khi Người truyền cho các Tông đồ “hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Thánh lễ nối kết với một hy tế thực sự - Hy tế của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng nhờ sự chết trên thập giá, đã dâng lên Chúa Cha đời sống mình như một lễ vật toàn vẹn và cứu độ trần gian. Thánh Lễ không đơn thuần là nhớ lại hoặc tượng trưng cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thánh lễ hiện tại hóa, một cách bí tích, hy tế cứu độ của Chúa Giêsu trên đồi Canvê, đến nỗi sức mạnh cứu độ của Thánh lễ có thể được áp dụng vào đời sống chúng ta cách đầy đủ hơn. Nói đến sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, tác giả có nói đến sự biến đổi bản thể “transubstantiatio”, cho thấy nhờ việc thánh hiến bánh và rượu “đã diễn ra sự biến đổi trọn vẹn bản thể Bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, Chúa chúng ta, và biến đổi trọn vẹn bản thể Rượu thành bản thể Máu Thánh Người”.
Tiếp theo trong những nghi thức mở đầu bao gồm: làm Dấu Thánh giá, Lời chào, Kinh thú nhận, Xin Chúa thương xót chúng con, Kinh vinh danh và lời Tổng nguyện. Dấu Thánh giá không chỉ là một cách bắt đầu cầu nguyện. Chính dấu Thánh giá là một lời cầu nguyện tuôn đổ ơn lành trên đời sống chúng ta. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta kêu cầu Thiên Chúa hiện diện và xin Người chúc lành, giúp đỡ và bảo vệ chúng ta khỏi muôn điều ác hại. Các thánh thời Tân Ước được đóng ấn bằng dấu tương tự. Lấy lại hình ảnh từ sách Êdêkien, sách Khải huyền mô tả các thánh trên trời là những người có dấu ấn trên trán (Kh 7,3). Lời chào "Chúa ở cùng anh chị em” nói làm thực tại về sự hiện diện của Chúa Giêsu với cộng đoàn tín hữu đang họp nhau nhân danh Người. Kinh thú tội - tự vấn lương tâm - xét mình. Trong kinh Thú nhận, chúng ta thú nhận tội lỗi không chỉ cùng Thiên Chúa toàn năng, nhưng còn với anh chị em, vì thế thành này thể hiện lời khích lệ của thánh Giacôbê “hãy thú tội với nhau” (Gc 5.16), đồng thời cũng nêu bật ảnh hưởng của tội. Tội lỗi ảnh hưởng đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Kính Thú nhận cũng đòi hỏi chúng ta nghiêm túc suy xét bốn lãnh vực mà chúng ta có thể phạm tội trong “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Bốn điểm này như là một cách tự vấn lương tâm tuyệt vời; Xin Chúa thương xót chúng con - được xem như là một khẩn nguyện, một kinh nguyện tiêu biểu cho tiếng kêu than của dân Chúa xin Người trợ giúp trong cuộc sống “Lạy Con vua Đavit, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27; 20,30-31). Anh mù hành khất Batimê cũng làm như thế (Mc 10, 46-48; Lc 18,38-39). Tương tự mười người phong cùi lớn tiếng kêu xin Chúa Kitô: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Kinh Vinh danh và lời Tổng nguyện. Câu mở đầu của kinh Vinh danh được lấy từ những lời ca của các thiên thần trên cánh đồng Bêlem, loan báo cho những người chăn chiên Tin Mừng Chúa Kitô giáng sinh. Kinh nguyện này theo một mô hình Ba Ngôi, bắt đầu với lời ca tụng Chúa Cha, ca tụng Thiên Chúa là vua trên trời. Điều này cũng cho thấy Thiên Chúa là Đấng toàn năng khi gọi Chúa Giêsu là “Con Một Thiên Chúa”. Trong kinh Vinh danh, chúng ta nhận ra Người không chỉ là một thầy dạy, một sứ giả, hoặc một ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến.
Giáo hội thường sử dụng hình ảnh “hai bàn tiệc” để diễn tả tính liên tục giữa hai phần chính của Thánh lễ: Phung vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Trước tiên, dân Chúa được nuôi dưỡng từ bàn tiệc Kinh Thánh, được công bố trong phụng vụ Lời Chúa. Sau đó, họ được nuôi dưỡng bằng Thân Mình Chúa chúng ta tại bàn tiệc Thánh Thể.
Trong khi Thánh Thể thực sự là Mình và Máu Chúa Giêsu và là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Kitô giáo, thì Kinh Thánh dẫn chúng ta tới sự hiệp thông thâm sâu với Chúa Giêsu Thánh Thể. Phụng vụ Lời Chúa - các bài đọc từ Kinh Thánh không chỉ đem đến cho chúng ta những lời khích lệ trong đời sống luân lý và những suy tư về đời sống thiêng liêng. Kinh Thánh không chỉ nói về Thiên Chúa, nhưng còn là chính lời Thiên Chúa. Vì thế, trong phụng vụ Lời Chúa, chúng ta gặp gỡ những lời của chính Thiên Chúa nói riêng cho mỗi người chúng ta. Việc bao gồm bài đọc Cựu Ước trong Thánh lễ giúp chúng ta bước vào câu chuyện của Israel và vì thế, nhận ra sự thống nhất của Kinh Thánh cách rõ ràng hơn. Vì như Công đồng Vatican II, vang vọng lại những lời của thánh Âu Tinh, đã dạy: “Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước”. Thực vậy, dù Đức Kitô thiết lập Giao Ước Mới trong máu Ngài (Lc 22,20; 1Cr 11, 25), nhưng các sách Cựu Ước vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Phúc Âm, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước (Mt 5,17). Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước.
Trong phần sau của Thánh lễ, được gọi là Phụng vụ Thánh Thể, hy tế của Chúa Giêsu trên Thập giá được hiện tại hoá do bàn tay linh mục, sẽ thực hiện điều Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly và điều Chúa truyền cho các Tông đồ phải làm để tưởng nhớ đến Người. Trong phụng vụ Thánh Thể, bánh và rượu được cộng đoàn dâng lên như là lễ vật và sau đó được thánh hóa và biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, để chúng ta lãnh nhận khi hiệp lễ. Tác giả xem xét mục này trong ba phần chính: 1) chuẩn bị lễ vật, 2) Kinh nguyên Thánh Thể, 3) Nghi thức Hiệp lễ. Việc dâng lễ vật trong phụng vụ có nguồn gốc từ Giáo hội sơ khai. Từ năm 155, thánh Giutino Tử đạo đã đề cập đến thói quen của một số người đem bánh và rượu đến cho vị chủ sự sau lời chuyển cầu. Trong Thánh lễ, phần này cũng được gọi là nghi thức “Dâng lễ vật”, dựa trên thuật ngữ La Tinh offerre, có nghĩa là tặng, mang, dâng. Việc dâng bánh và rượu trong Thánh lễ có nền tảng vững chắc trong sách Thánh. Ngoài việc được sử dụng trong lễ Vượt qua thời Chúa Giêsu, và trong bữa tiệc ly, bánh và rượu được tiến dâng thường xuyên trong các nghi lễ hiến tế của Israel. Qua bánh và rượu, chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa lễ vật từ thụ tạo và công khó của mình- hoặc như lời cầu nguyện trong thánh lễ gọi đó là “hoa màu ruộng đất và lao công của con người”. Tiếp theo là việc hòa trộn nước với rượu mặc dù việc pha loãng rượu bằng một chút nước là thói quan phổ biến trong thế giới cổ xưa, nhưng các Kitô hữu nhận ra ý nghĩa thần học sâu sắc khi trộn nước với rượu tại thời điểm này trong phụng vụ Thánh lễ. Ý nghĩa như thế được diễu tả trong lời cầu nguyện kèm theo: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”. Việc linh mục chủ tế rửa tay trong Thánh lễ là giống như các tư tế thuộc dòng tộc Lêvi trong Cựu Ước, ngài sắp đứng trước nơi Cực Thánh - một nơi thậm chí còn đáng kinh sợ hơn lều hội ngộ ngoài đền thờ.
Sau khi mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa, linh mục chủ tế thưa với Thiên Chúa trong một lời nguyện tạ ơn. Lời mở đầu được gửi tới Chúa Cha, và diễn tả những điều chúng ta đã thấy trong toàn sách Thánh: bổn phận của dân Chúa là tạ ơn Người. Kinh Sanctus, giúp chúng ta ngắm nhìn với cặp mắt của các thiên thần điều đang thực sự diễn ra trong phụng vụ Thánh Thể. Ngay lập tức, những lời mở đầu “Thánh, Thánh, Thánh” đưa chúng ta lên trời một cách thiêng liêng. Những lời này lấy từ Is 6,3 kể lại việc vị ngôn sứ nhận được một thị kiến về Đức Vua trên trời, ngự trên ngai uy nghi lộng lẫy, và có cả triều thần thờ lạy.
Những lời thiết lập và thánh hiến. Trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 12 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao II có đề cập “Chúa Giêsu không những chỉ nói “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”, nhưng Người đã thêm “bị nộp vì anh em” và “đổ ra vì nhiều người” (Lc 22,19-20). Người không chỉ xác quyết những gì Người ban cho họ ăn và uống là thịt náu Người mà thôi, trái lại Người vùng diễn tả giá trị hy tế của chúng nữa, bằng cách hiện tại hóa một cách bí tích hy tế của Người được hoàn tất trên thập giá một vài giờ sau đó để cứu rỗi mọi người. Do đó, như tưởng niệm bữa tiệc của Chúa, Thánh Thể làm cho các biến ở tại Phòng Tiệc ly và trên đồi Canvê hiện diện một cách bí tích cho chúng ta ngày nay. “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Hiệp với tâm tình biểu lộ sự kinh ngạc của linh mục chủ tế trước mầu nhiệm cao siêu này, cộng đoàn tung hô câu chuyện về ơn cứu độ được tóm tắt trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.
Sau khi nghe linh mục chủ tế tung hô rằng mọi danh dự và vinh quang là của Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời, chúng ta đáp lại giống như các thiên thần, hăm hở kết hiệp với là ca tụng Thiên Chúa. Chúng ta tung hô: “Amen”. Lời tung là này không phải là thưa “Amen” thông thường. Nhưng trong đó, chúng ta hợp với các vĩ nhân trong lịch sử cứu độ - các thầy Lêvi, với ông Ét-ra, với thánh Phaolô và toàn thể các thiên thần và các thánh trên trời với lời đồng thanh tán tụng không ngớt.
Tác phẩn đề cập đến tiệc cưới Con Chiên - Đó là bữa tiệc của Chúa, là Thánh Thể. Trước hết, bữa tiệc và Con Chiên gợi lại bữa tiệc Vượt qua, trong đó những người Do Thái sát tế một con chiên và ăn thịt con chiên ấy như món ăn chính của bữa ăn. Hơn nữa, khi chúng ta đọc về Tiệc Cưới con Chiên trong hợp xướng Thánh vịnh ca ngợi- giống như những lời Alleluia trong các câu 1- 6, những ám chỉ về lễ vượt qua trở nên rõ ràng hơn. Vây nên, bữa tiệc đỉnh cao này là một kiểu bữa ăn Vượt qua nào đó, và dưới ánh sáng của bối cảnh phụng vụ trong sách Khải huyền, bữa tiệc này được hiểu như lễ Vượt qua mới, tức là Thánh thể.
(Chủng sinh Tôma Aq. Trần Văn Cẩn)