Thánh Đa Minh đã nói rằng “ sau Thánh lễ và kinh Phụng vụ không có sự tôn kinh nào đẹp lòng Chúa Giê-su và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân Côi”. Đức Mẹ đã hiện ra với ngài và dạy thánh nhân đọc kinh Mân Côi. Tựa đề tác phẩm là lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ngài được gọi là Giáo Hoàng Mân Côi với khẩu hiệu “Totus tuus”. Qua lời nói của Thánh Giáo Hoàng, tác giả đã đặt làm tựa đề cho tập sách này và mong sẽ trở thành một mời gọi, một tấm biển quảng cáo để độc giả thấy được giá trị và thêm lòng yêu mến với kinh Mân Côi.
Phần I: Kinh Mân Côi.
Để có được hình thức như ngày nay, kinh Mân Côi cũng có lịch sử phát triển. Một số tài liệu cho rằng nguồn gốc kinh bắt nguồn từ đời sống đan tu, vì không có thời gian để đọc trọn vẹn 150 thánh vịnh nên thay bằng 150 kinh Lạy Cha về sau thay bằng 150 kinh Kính Mừng. Lúc đầu chỉ có lời chào của thiên thần Gapriel về sau thêm lời chào của bà Êlisabet. Đến thời của Đức Urbano IV Thánh danh Giê-su được thêm vào và năm 1569, Đức Pio V thêm phần thứ 2 của kinh và thêm kinh Sáng danh như ngày nay. Năm 2002, trong tông thư Rosarium Virginis Marie, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm mầu nhiệm sự Sáng để mọi người chiêm ngắm Chúa Giê-su trong cuộc đời trần thế.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi kinh Mân Côi là “bản tóm lược Phúc Âm”
Trong lịch sử Giáo hội còn ghi lại sức mạnh phi thường của kinh Mân Côi như là những bằng chứng về giá trị của kinh Mân Côi: như thời Trung cổ, bè rối Albigense phát triển mạnh mẽ ở Pháp. Vì thế, thánh Đa Minh và cộng đoàn dân Chúa đã kêu cầu Mẹ bằng kinh Mân Côi, đã làm cho vô số những tội nhân trở về cùng Giáo hội. Sang thế kỷ XVI, người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm chiếm toàn bộ đất Công giáo Châu Âu, Đức Pio V đã tổ chức các cuộc rước kiệu tôn kính Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó, quân Hồi giáo bại trận. Chính vì giá trị, sức mạnh đặc biệt của kinh Mân Côi mà Giáo hội khuyến khích con cái mình thực hành với nhiều hình thức: Tông huấn, Thông điệp, Tông thư,.. của các Đức Giáo Hoàng.
Kinh Mân Côi là một kinh nguyện rất gần gũi với mọi người Công giáo. Trong Giáo hội Việt Nam, kinh Mân Côi có một chỗ đứng rất đặc biết, mọi người tập trung để lần chuỗi hằng ngày trong tháng Mân Côi. Đó là điểm tốt cần giữ gìn nhưng vì kinh Mân Côi rất đơn giản, dễ đọc nên có thể dẫn đến xem thường hay không có giờ để dành cho kinh Mân Côi và đặc biệt không nhận ra trung tâm của kinh là chính Đức Ki-tô như lời dậy của Đức Gioan Phaolô II.
Phần II: 20 mầu nhiệm kinh Mân Côi.
Trong tông thư “ Virginis Mariae" từ số 29 đến 35, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hướng dẫn cách thực hành kinh Mân Côi rất cụ thể và chi tiết như là kim chỉ nam cho con cái mình. Nếu được như lời của Đức Thánh Cha thì kinh Mân Côi sẽ ngày càng gần gũi và ngọt ngào với mọi người, là cánh cửa dẫn đưa con người đến với những mạc khải trong Thánh Kinh, cũng như làm cho đời sống nội tâm thêm phong phú hơn.
Năm mươi kinh Mân Côi đầu tiên, năm sự Mừng mang dấu ấn của niềm vui tỏa chiếu từ biến cố Nhập Thể và điềm báo khó hiểu của mầu nhiệm Khổ Nạn Cứu Độ. Đức Maria dẫn dắt chúng ta khám phá bí mật của niềm vui Ki-tô giáo, khi nhắc nhở chúng ta; Ki-tô giáo tiên vàn là Tin Mừng, mà trung tâm và toàn bộ nội dung của Tin Mừng là con người Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi lời mặc lấy xác phàm, là Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới.
Đi từ cuộc đời thơ ấu và ẩn dật tại làng Nadaret đến cuộc đời công khai của Người, việc chiêm ngưỡng dẫn chúng ta đến những mầu nhiệm có thể được gọi là các mầu nhiệm ánh sáng. Mỗi mầu nhiệm trên là một mạc khải về Nước Thiên Chúa đang hiện diện trong chính bản thân Đức Giê-su. Trong các mầu nhiệm này, ngoại trừ phép lạ Cana, sự hiện diện của Đức Maria là ở hậu cảnh. Các sách Tin Mừng chỉ nhắc đến hiện diện tình cờ của Đức Maria lúc này lúc nọ trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê- su và không đưa ra chỉ dẫn nào cho thấy Mẹ hiện diện trong Bữa tiệc ly hay trong thời điểm thiết lập Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, vài trò Mẹ đảm nhận trong tiệc cưới Cana cách nào đó đã đồng hành với Đức Ki-tô suốt sứ vụ của Người.
Các sách Tin Mừng đặt để một tầm quan trọng lớn cho các mầu nhiệm thương khó của Đức Ki-tô. Từ khởi đầu, lòng đạo đức Ki-tô giáo. Đặc biệt là trong mùa Chay qua việc đi đàng thánh giá, dừng lại ở mỗi giai đoạn cuộc khổ nạn, nhận thức rằng cao điểm của mạc khải về tình yêu Thiên Chúa và nguồn mạch ơn cứu độ. Kinh Mân Côi chọn lựa một vài giai đoạn của cuộc khổ nạn để mời gọi các tín hữu chiêm ngưỡng trong tâm hồn và sống lại thời điểm ấy. Các sự Thương giúp người tín hữu sống lại cái chết của Đức Giê-su, đứng dưới chân Thánh giá bên cạnh Đức Maria, cùng với Mẹ tiến vào chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và kinh nghiệm năng lực trao ban sự sống của nó.
Việc chiêm ngắm dung nhan của Đức Ki-tô không thể dừng lại ở hình ảnh về Đấng chịu đóng đinh. Người là Đấng sống lại! Kinh Mân Côi đã luôn diễn tả sự hiểu biết phát sinh từ đức tin này và mời gọi người tín hữu vượt lên trên bóng tối của cuộc Khổ Nạn để chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm sống lại và lên trời. Khi chiêm ngắm Đấng Phục Sinh, người tín hữu tái khám phá lý do của niềm tin. Vì thế, các sự Mừng dẫn đưa các tín hữu đến niềm hy vọng mạnh mẽ hơn về cánh chung. Kinh Mân Côi đặt trước chúng ta mầu nhiệm vinh quang thứ ba, lễ Hiện xuống tỏ lộ dung nhân của Giáo hội như một gia đình tụ họp cùng với Đức Maria, tràn đầy sức sống nhờ sự tuôn đổ sức mạnh của Thần Khí. Điều đó không thể không thúc đẩy họ can đảm làm chứng về Tin Mừng đã đem lại ý nghĩa cho toàn thể cuộc đời họ và sẵn sàng chu toàn sứ mệnh truyền giáo.
(Chủng sinh: Vinh sơn Ngô Văn Thắng)