Nguyễn Hồng Dương, thuộc viện nghiên cứu tôn giáo, là một tác giả lớn với nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo. Ông cũng viết về nhiều tác phẩm liên quan tới đạo Công giáo như: Công giáo trong văn hóa Việt Nam, Những nẻo đường phúc âm hóa Công giáo ở Việt Nam,... Ông cho xuất bản cuốn Tôn giáo trong văn hóa ở Việt Nam vào năm 2004, nhưng vẫn còn nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại, cũng như có những cách nhìn nhận về tôn giáo tại Việt nam.
Trong phần mở đầu, ông cho độc giả thấy cái nhìn khái quát về tôn giáo tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam là một nước đa tôn giáo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự có mặt của hầu hết các tôn giáo lớn: Về mặt địa lý, Việt Nam là cầu nối giữa 2 nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Về văn hóa, Văn hóa Việt Nam là văn hóa mở, luôn biết đón nhận và tiếp thu văn hóa từ bên ngoài truyền vào, trong đó có tôn giáo. Ông cũng đánh giá vai trò của các tôn giáo đối với văn hóa Việt Nam là không thể phủ nhận. Ông cũng khái quát các tôn giáo lớn ở Việt Nam cũng như những tư tưởng của nó trong sự liên hệ với văn hóa Việt Nam, góp phần phát triển văn hóa.
Tác Phẩm có 11 phần chính:
1. Tôn giáo, mấy vấn đề lý luận
2. Phật giáo trong văn hóa và phát triển
3. Nho giáo trong văn hóa và phát triển
4. Đạo giáo trong văn hóa và phát triển
5. Công giáo trong văn hóa và phát triển
6. Đạo tin lành với văn hóa Việt Nam
7. Vai trò của tôn giáo nội sinh với văn hóa và phát triển ở Nam Bộ
8. Vai trò của lễ hội tôn giáo với văn hóa Việt Nam
9. Ảnh hưởng của Balamon giáo, Phật giáo và Hồi giáo đối văn hóa của người Chăm ở Việt Nam
10. Hiện tượng tôn giáo mới
11. Chính sách đối với văn hóa tôn giáo
Chúng ta có thể thấy rõ 2 phần chính trong các chương: Thứ nhất là các tôn giáo trong văn hóa và phát triển; thứ hai là vai trò cũng như các hiện tượng tôn giáo mới với văn hóa Việt Nam
Chương 1, Tác giả cho thấy những khái niệm căn bản về ngữ nghĩa của từ “Văn hóa", tiếp theo là văn hóa đối với sự phát triển cả về tinh thần, và là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ông cũng cho thấy những hướng tiếp cận văn hóa, tôn giáo trong thời đại trước và thời hiện đại. Cuối cùng, ông phân tích về tôn giáo trong văn hóa và phát triển của đất nước.
Từ chương 2 đến chương 6, khái quát về các tôn giáo lớn có mặt và phát triển ở Việt Nam, cũng như những đóng góp của nó trong sự phát triển của văn hóa và sự phát triển đất nước. Motip chung cho 5 chương nói về những tôn giáo này đó chính là ông nêu lên những tư tưởng của tôn giáo đó cùng với những nét giáo lý khái quát chung; tiếp theo là những đóng góp của tôn giáo đó trong các lĩnh vực văn hóa như trên linh vực văn học nghệ thuật như văn thơ, âm nhạc; tiếp theo đó là những đóng góp trên lĩnh vực kiến trúc và điêu khắc; các ngày lễ, ngày hội của tôn giáo đó trong năm, cách thức tổ chức các lễ hội; và những đóng góp về mặt xã hội, những ảnh hưởng của tôn giáo trên xã hội và con người.
Vì Tin Lành là đạo mới du nhập từ thế kỉ XX, những đóng góp và những hạn chế của nó chỉ được tác giả nêu lên một cách khái quát và chung nhất, ông đưa ra những số liệu về tín hữu, những cách truyền giáo và những ảnh hưởng nơi cộng đồng của những người theo Tin Lành với văn hóa Việt nam.
Tiếp theo là phần vai trò của tôn giáo. Trước hết là vai trò của các tôn giáo nội sinh tại Nam bộ. Trong những thập kỉ mới trở lại đây, tại Nam bộ xuất hiện những tôn giáo mới, có ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa và xã hội tại Việt nam, tiêu biểu như các đạo: Cao Đài, đạo Hòa Hảo, Tứ Ân... các tôn giáo này phát sinh từ nguồn gốc của những tôn giáo lớn khác như Phật giáo... nhưng có những sự biến đổi để phù hợp với cộng đồng người dân tại nơi đây, nhất là với tâm thức chung của người dân Nam Bộ. Các tôn giáo lớn khác như Công giáo, Phật giáo cũng phát triển một cách mạnh mẽ tại vùng đất này, các tôn giáo tại nơi đây, theo Nguyễn Hồng Dương có vai trò cụ thể thể hiện trên 3 lĩnh vực là: Cố kết cộng đồng, khai hoang lập ấp và giáo dục lối sống. Các cuộc khai phá thời kì đầu tại nam bộ mang tính tự phát, không có gắn kết, thiếu sự quản lý từ nhà nước, gặp rất nhiều khó khăn tại các vùng đất mới, vì vậy họ cùng tập hợp lại để giúp đỡ và cùng nhau phát triển, và tạo nên không gian văn hóa tôn giáo riêng của họ. Khai hoang lập ấp cần rất nhiều sự hợp tác, hiệp lực của mọi người. Vì vậy tôn giáo nội sinh giữ vai trò tập hợp, thu hút mọi người cùng phát triển xã hội và tín ngưỡng và có vai trò giáo dục lối sống. Đây là vai trò cốt yếu của các tôn giáo, vừa để phát triển đạo, vừa phù hợp với những tâm thức của người Việt nặng tình nghĩa.
Tiếp theo là vai trò của lễ hội tôn giáo đối với văn hóa Việt Nam. Đối với tôn giáo nào cũng luôn có nghi thức của riêng nó, và bên cạnh đó là phần lễ hội. Lễ hội có vai trò: Lễ hội làng tuyên truyền giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục thẩm mỹ, duy trì thuần phong mỹ tục; Lễ hội tạo nên sự cố kết cộng đồng, đoàn kết cư dân; lễ hội sáng tạo ra các hình thức văn hóa; lễ hội tạo ra sự cân bằng tâm thái con người. Bên cạnh đó ông cũng cho thấy mặt những mặt tiêu cực của lễ hội trong thời nay, nó tạo ra những thủ tục, những mặt trái khi những người khác lợi dụng lễ hội để làm lợi cách quá đáng; làm mất cảnh quan thiên nhiên môi trường. Theo ông cần có những chính sách mới để làm giảm những phần tiêu cực này.
Chương 9. Ảnh hưởng của Balamon giáo, Phật giáo và Hồi giáo đối văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Trong phần này, tác giả đã cho thấy những nét đặc biệt của cộng đồng người Chăm tại Việt Nam.
Nơi họ có những ảnh hưởng của Phật giáo, ảnh hưởng của Balamon giáo và Hồi giáo. Những tôn giáo này đã được du nhập vào cộng đồng người Chăm, và họ biến những tôn giáo này thành nét của riêng họ, tạo thành bản sắc riêng trong văn hóa của người chăm, những nét đặc sắc đó còn lưu lại trên những kiến trúc mang đậm tính hòa hợp tôn giáo bên ngoài và tôn giáo bản địa của người Chăm. Chính những nét văn hóa này đã góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nên bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Chương 10 nói về hiện tượng tôn giáo mới. Ông cho thấy tại Việt nam cũng đang xuất hiện những tôn giáo mới, vừa có tính chất du nhập, vừa là tôn giáo tự thành lập trong nước, những hiện tượng tôn giáo mới này vẫn có những nét tiêu cực, cần phải thay đổi, hủy bỏ hoặc có những biện phát phù hợp với nền văn hóa tôn giáo ở Việt Nam.
Kết luận:
Tác phẩm của PGS. Ts Nguyễn Hồng Dương là một tác phẩm khái quát được những nét chính yếu về tôn giáo, vai trò của nó đối với văn hóa và sự phát triển cả tinh thần và vật chất đối với Việt Nam. Tuy nhiên trong tác phẩm này, do chịu ảnh hưởng của định hướng cộng sản, tác phẩm vẫn mang những nét “cộng sản” vô thần rõ nét. Và cách nhìn của ông với đạo Công giáo cũng có những cái nhìn còn sai lạc.
(Chủng sinh Antôn Phan Văn Hưng)