Mục đích của tác phẩm này không muốn chỉ đơn thuần là một tập hợp những bản văn mà là giới thiệu tính đa dạng của tư tưởng triết lý một cách rộng rãi nhất từ khởi thủy đến đương đại, trong sự tôn trọng tính đa nguyên của các học thuyết và các trào lưu đã tạo nên dòng tư tưởng nhân loại. Triết học là một mà cũng là nhiều, và chính sự đa dạng trong nhất tính này đã mang lại vẻ toàn mãn phong phú cho triết học.
Nhằm mục đích đó, trong khi vẫn trang trọng dành cho các tác giả minh chủ và các bản văn kinh điển của lịch sử triết học vị trí xứng đáng, tác giả còn mở rộng khuôn khổ các bản văn, đến những tác giả, những trào lưu tư tưởng, những thời đại mà các giáo trình thông thường ít dành chỗ; và nhiều khi, chẳng dành cho một chỗ đứng nào. Chẳng hạn, nguyên cả một thời kỳ trải dài từ đầu thời Trung cổ cho đến cuối thời Phục Hưng, nghĩa là khoảng 10 thế kỷ, triết học thường bị lặng lẽ bỏ rơi cho một số ít chuyên gia, thì trong tác phẩm này, đã tìm lại vị trí triết học cho dòng chảy liên tục từ Thượng cổ...
“Tất cả những gì quý thì cũng khó và hiếm”, Spinoza đã viết như thế ở cuối quyển Đạo Đức Học. Chẳng có một bản triết văn nào để cho ta dễ dàng đi vào mà không cần phải cố gắng động não. Nhưng người đọc nào chấp nhận cố gắng đó sẽ cảm thấy được tưởng lệ bởi niềm vui chưa bao giờ lỡ hẹn trong cuộc hành trình tìm đại tri kiến. Niềm vui đó, khi dấn thân vào cuộc nghiên cứu riêng tư sẽ còn được tài bồi bởi bao niềm mãn nguyện khác. Niềm vui đó cũng còn được chia sẻ trong những cuộc tranh luận tự do. Thay vì, giam mình trong một cuộc độc thoại, những bản triết văn mở ra cho một hội sống tinh thần và chỉ trở nên sinh động qua cuộc sống đó.