Cuốn sách được viết ra với ý định cùng mọi người trải qua một cuộc hành trình cầu nguyện chung với nhau. Tác giả sử dụng sách Tin Mừng theo thánh Luca vì sách này nói với ta về cầu nguyện nhiều hơn các sách Tin Mừng khác. Thánh Luca cho ta nhiều mẫu gương về cầu nguyện và tác giả sẽ giúp ta suy niệm dựa trên các gương mẫu này. Theo tác giả, ta có thể vượt thắng những khó khăn bằng cách đưa nó vào trong lời cầu nguyện của mình. Thinh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, ta bày tỏ với Ngài những gì ta cảm thấy, những khó khăn ta phải đương đầu và biết rằng Thiên Chúa đang tỏ mình ra trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Hơn hết, tác giả khuyên ta hãy cầu nguyện theo như lời Chúa Giêsu đã dạy.
Phần I: Cùng cầu nguyện với Thánh Luca
Theo tác giả, trước hết để có thể cầu nguyện, ta cần có bầu khí cầu nguyện và ghi nhớ hai nguyên tắc trong cầu nguyện. Nguyên tắc đầu tiên là tất cả mọi lời cầu nguyện đều quy về việc bất cứ ai đã sống hết mình đều cảm thấy muốn cảm tạ, ngợi khen và dâng hiến. Nguyên tắc thứ hai là khi ta cầu nguyện, đó không phải chỉ là phản ứng của ta trước cảnh vật chung quanh mình mà là chính Thánh Thần cầu nguyện ở trong tôi.
Một khung cảnh cầu nguyện phù hợp cũng giúp ta có bầu khí cầu nguyện một cách tốt nhất. Khung cảnh cầu nguyện đòi hỏi ta có một tư thế xứng hợp của thân xác. Điều kiện cầu nguyện đối với ta là phải khẩn cầu phát xuất từ cõi lòng. Hơn hết, một trang Kinh Thánh giúp ta có thể cầu nguyện. Tất cả đều làm nên khung cảnh cầu nguyện sao cho phù hợp với việc cầu nguyện của ta.
Tác giả cũng cho biết rằng cầu nguyện cũng như cuộc sống có nhịp điệu riêng của nó, một nhịp điệu đều đặn có thể kéo dài mà không gây mệt mỏi. Khi ta có một nhịp điệu cầu nguyện, và khi đã quen với nó, thì ta có thể kiên trì nói chuyện với Thiên Chúa. Ta sẽ vui mừng, thoải mái, cảm thấy sung mãn và chân thành tự đáy lòng.
Để gợi ý cho ta về việc cầu nguyện, tác giả đưa ra các mẫu gương cầu nguyện. Trước hết là Đức Maria, Mẹ là mẫu gương tuyệt với về cầu nguyện. Khi được sứ thần truyền tin, Mẹ biết cuộc sống của Mẹ sẽ biến đổi. Mẹ sống một kinh nghiệm hoàn toàn khác hẳn với những gì đã sống từ trước đến nay. Mẹ giữ kỹ bí ẩn đó trong lòng, không thể chia sẻ với bất cứ ai và suy nghĩ về điều đó không ngừng. Chắc hẳn đó là một tin vui cho mẹ hoan hỉ. Mẹ không giữ niềm vui đó nhưng đem niềm đến người xung quanh, mà ở đây là bà Êlisabet. Chính tại đây, Mẹ cảm thấy được giải thoát và có thể tự do diễn tả các cảm nghĩ của mình. Mẹ hát lên bài ca Magnificat. Bài ca khởi đầu với những gì Mẹ cảm nghiệm được và còn quy hướng về niềm vui hân hoan, về các cảm xúc của Mẹ nhưng dần dần Mẹ thay đổi khi Mẹ chỉ nói về Thiên Chúa. Để từ đây, Mẹ nhìn mình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trong bối cảnh mầu nhiệm, Mẹ sẽ được dự phần từ đây. Mẹ có thể làm được vậy vì Mẹ đã sống kinh nghiệm ơn cứu độ, kinh nghiệm Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ trong cuộc đời của Mẹ.
Mẫu gương thứ hai là cụ già Si-mê-on. Lời cầu nguyện của cụ bắt đầu với hai từ “giờ đây” như muốn diễn tả Thiên Chúa tỏ mình trong những gì cụ đang sống “bây giờ, ở đây”. Nếu ta nhẩm đi nhẩm lại lời kinh của cụ già Si-mê-on, ta nhận ra những điểm chính của mầu nhiệm cứu độ: bình an, lời Thiên Chúa, ơn cứu độ, ánh sáng, vinh quang của Israel và dân ngoại. Lời cầu nguyện của cụ như một lời yêu cầu: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi”. Sau đó, cụ nêu lý do: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”. Điều này diễn tả nỗi khắc khoải nội tâm, nỗi đau khổ của cả một đời người, một con người sống bằng đức tin, biết kính sợ Thiên Chúa, tuân giữ lời Ngài và muốn thấy điều mình hy vọng.
Một mẫu gương mà ta không thể không nói đến đó là Đức Giêsu. Chúa Giêsu cầu nguyện mọi lúc mọi nơi. Khi Ngài vui mừng, Ngài đã cầu nguyện với niềm hớn hở, reo vui và ngợi khen. Ngài để mặc cho niềm vui sáng tạo lan toả. Ngài mời gọi ta diễn tả niềm vui sáng tạo, vượt thắng sức trí tuệ của những điều làm ta bực mình, mệt nhọc, chán chường và mất kiên nhẫn. Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu ngợi khen và tạ ơn vì những gì đã xảy ra cho mình. Rồi Ngài thấy cả những gì đáng reo mừng và tạ ơn nơi những người khác nữa. Trong giờ thử thách, trước những nỗi lo âu, sợ hãi và khiếp đảm khi trong vườn cây Dầu, Đức Giêsu cũng cầu nguyện. Ngài quỳ xuống và cầu nguyện. Việc Ngài quỳ xuống nói lên một điều quan trọng: thân xác có vai trò trong cầu nguyện bởi vì một tư thế thích hợp có thể diễn tả tâm tình cầu nguyện. Đây là gợi ý cho ta khi cầu nguyện một mình, ta có thể diễn tả tâm tình một cách riêng tư, để cho thân xác cũng tham dự vào việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu bao gồm hai điểm chính. Trước hết, tiếng kêu “Lạy Cha” là một thái độ trông cậy của người Con hoàn toàn phó thác cho tình yêu của Cha. Đồng thời, đó cũng là một tiếng lòng tha thiết và khẩn trương: “Xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con mà làm theo ý cha”. Điều này minh chứng Chúa Giêsu cầu nguyện để phó thác và vâng phục. Vì thế, Chúa Giêsu đã chiến thắng cơn thử thách, để qua Ngài ta cũng chiến thắng cơn thử thách.
Thậm chí, ngay trên thập giá, Đức Kitô cũng cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trong sự cô đơn, trong sự chống đối, những lời tố cáo và trong sự thách đố. Ngài chết trong tình cảnh đó để chứng minh một Thiên Chúa liều mạng sống mình để phục vụ con người. Ngài làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu. Ngài cũng cho thấy sự trung tín đối với Chúa Cha khi kêu lên: “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha”. Điều này cũng muốn nói rằng lời cầu nguyện của Ngài là phó thác trong tình con thảo. Ngài mời gọi ta hãy cầu nguyện như chính Ngài với những thái độ chân thành ấy và bằng lời kinh chính Ngài đã dạy chúng ta.
Phần II: Cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta
Từ các sách Tin Mừng, ta biết khi Chúa Giêsu đề cập đến Thiên Chúa, Ngài thường gọi Thiên Chúa là “Cha”. Đây là một từ thân mật, nó gợi lên một sự tin tưởng, phó thác. Ngài đã sống tình thân mật của một người con thảo hiếu đối với Cha và dạy ta gọi Thiên Chúa là “Cha” giống như Ngài đã gọi. Còn với các môn đệ, họ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu. Và mặc dù họ ở với Chúa Giêsu, họ không có bảo đảm hơn về bánh ăn, nhà ở hay sự đón tiếp của người đời. Vì thế, đối với họ, lời cầu xin với Cha là một hành vi đầy tín thác: vì Cha biết về ta, biết rõ thân phận mỏng dòn, bấp bênh của ta và Ngài sẽ cung ứng mọi sự cần thiết cho ta. Cha trong kinh nghiệm của các Kitô hữu. Đây không phải là kinh nghiệm thuần tuý của con người nhưng do Thánh Thần ban cho. Chúng ta có thể cảm nghiệm được tiếng “Lạy Cha” khơi lên nhiều cảm xúc trong tâm hồn ta, khi ta kêu lên tiếng này với tất cả lòng thiết tha. Hơn nữa, tác giả còn cho biết khi ta kêu danh xưng “Cha” thì nó đang đối nghịch với lời nguyện kiêu căng, không có sự xác tín.
Kinh Lạy Cha bắt đầu với tiếng “Lạy Cha” và kết thúc với chữ “sự dữ” là để ta biết hoàn toàn cậy trông và phó thác bản thân cho Thiên Chúa, hầu có một sức mạnh mà thắng vượt nỗi sợ hãi của mình. Ta thấy có một thứ tự mang tính khôn ngoan về các lời cầu xin của kinh Lạy Cha. Nó bắt đầu từ các thực tại quan trọng nhất, liên quan đến Thiên Chúa như: sự thánh thiện của Danh Thiên Chúa, việc ngự đến của Nước Thiên Chúa và việc hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa. Rồi mới đến thực tại gần gũi với ta như: cơm bánh, cám dỗ, nợ và sự dữ. Tác giả thú nhận rằng đã cảm thấy rung động trước lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Bởi vì lời kinh này vượt qua sự tưởng tượng của ta. Và để hiểu nó, ta cần phải đi sâu vào các tâm tình của Chúa Giêsu, đi sâu vào cõi lòng của Ngài. Khi xem xét các lời cầu trong kinh Lạy Cha, tác giả đưa ra ba nhận xét sau đây.
Trước hết, đây là một lời cầu nguyện đơn sơ và ngắn gọn so với các lời kinh khác dài hơn ngay cả trong Tân Ước. Đây cũng là một lời kinh có tính tổng quát. Điều này có nghĩa là tín hữu của mọi tôn giáo, khi họ nhắc đến mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa đều có thể lặp lại từng lời trong kinh nguyện này. Mặt khác, đây cũng là một lời kinh có tính tổng quát, một lời kinh tóm gọn toàn thể Tin Mừng, và người ta chỉ hiểu trọn vẹn các lời cầu trong kinh này bằng việc đọc chúng trong ánh sáng Tin Mừng. Tuy vậy, lời kinh này chỉ tỏ lộ các bí ẩn của nó trong mức độ nó được hiểu trong ánh sáng cuả Tin Mừng. Đây là một tổng hợp của toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu và là chìa khoá để hiểu cả cuộc sống của Ngài. Khởi đầu kinh này là “Lạy Cha của chúng con”. Đây là cách chúng ta học để gọi Cha. Đây là cách Đức Giêsu, Con của Cha đã dạy ta. Đây là một kinh nguyện trong Kinh Thánh bắt đầu với một cảm thán từ “Cha” – là một điều bất thường. Ví dụ, các Thánh vịnh không bao giờ bắt đầu với một cảm thán từ. Đây là đặc tính của lối cầu nguyện của Chúa Giêsu và là cách mà Chúa Giêsu đã muốn thông truyền với chúng ta. Tác giả muốn giải thích từ “Cha” có ý nghĩa trong kinh nghiệm của Chúa Giêsu, trong kinh nghiệm của các môn đệ của Ngài và trong kinh nghiệm của mỗi Kitô hữu.
Tác giả cũng đưa ra một cách sắp xếp có tính sư phạm. Nó bắt đầu với những điều mà ta có nhiều kinh nghiệm như: sự dữ, cám dỗ, tội lỗi và đói khát.
“Xin cứu chúng con khỏi sự dữ”. Trong lời cầu khẩn cuối cùng trong kinh Lạy Cha, sự dữ được nói đến ở trong hình thức phá hoại nhất của nó. Chúa Giêsu muốn đề cập đến sự dữ về mặt luân lý là cội rễ sâu xa nhất của mọi sự dữ khác. Vậy Thiên Chúa giải thoát ta khỏi sự dữ như thế nào? Chính Chúa Giêsu đã muốn giải thoát ta khỏi sự dữ. Ngài đã lãnh hậu quả của loài sự dữ này. Ngài đã chịu đánh đòn, hành hạ bởi sự gian ác của con người nhưng Ngài đã chiến thắng bởi sự tha thứ và dâng hiến chính mình trên thập giá vì chúng ta. Ngài cứu chúng ta bằng cách ban cho ta sức mạnh để chịu đựng sự dữ và chiến thắng chung trong niềm hy vọng.
“Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”. Bánh ăn và sự tha thứ là hai điều cần thiết căn bản của con người. Bánh ăn ở đây mang ý nghĩa là lương thực, sức khoẻ, nhà ở, việc làm và sự tự do. Sự tha thứ là mối liên hệ tốt đẹp, sự hoà giải trong gia đình, trong thành phố, trong xã hội và sự hoà bình giữa các cá nhân và cơ cấu xã hội. Ai là người cầu xin “lương thực hằng ngày”. Đó là những người đang đói về thân xác và những người không đói khẩn cầu Chúa với ba điều kiện: họ là những người nhận ra mình có nhu cầu về một điều gì đó, là những người không kiêu ngạo và tự mãn. Họ là những người khao khát biết rằng họ có một người Cha, Đấng luôn quan tâm chăm sóc họ và luôn nhìn họ với đôi mắt yêu thương. Họ là người đặt sự thật tình yêu và sự công chính của Nước Thiên Chúa lên mọi giá trị khác. Lời nguyện này như một lời mời gọi xem xét lại những điều ta ưu tiên, chú trọng nhất có ngược với Nước Thiên Chúa không. Nếu thao thức trong trái tim của ta là sự thật, sự lương thiện, sự công chính và tình bạn thì lúc đó trật tự các giá trị ưu tiên của ta là đúng đắn và lời cầu nguyện của ta cũng chân chính. Vậy ai là người xin ơn tha thứ với Chúa Cha? Tất nhiên là người sẵn sàng tha thứ và đón nhận sự tha thứ của những người khác, người nhận ra ý nghĩa của sự tha thứ và được tha thứ.
“Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Để hiểu điều ta xin trong lời nguyện này, tác giả giúp ta phân tích từng từ một: ý muốn của Thiên Chúa, được thực hiện, được hoàn tất, dưới đất cũng như trên trời. Ý muốn của Thiên Chúa: Trước hết, ý muốn của Thiên Chúa là tất cả kế hoạch của Thiên Chúa dành cho vũ trụ và lịch sử. Ta cũng có thể nói ý muốn của Thiên Chúa là tình yêu đầy hiệu quả của Ngài dành cho ta, là kế hoạch mà Thiên Chúa muốn thực hiện và không ngừng làm việc để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Xin cho ý Cha được hoàn tất, ở dưới đất cũng như trên trời. Trời ở đây là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọn vẹn, là nơi Thiên Chúa hiển trị, là nơi Chúa Kitô được tôn vinh. Câu “ở dưới đất cũng như trên trời có thể nhập vào ba lời khẩn cầu đầu tiên: Nguyện Danh Cha được hiển vinh dưới đất cũng như trên trời, Nước Cha trị đến dưới đất cũng như trên trời, kế hoạch cứu độ của Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
“Xin cho Nước Cha trị đến” giống như một tổng hợp các nỗi khao khát đã khích động của Chúa Giêsu. Đây là ngọn lửa mà Ngài đã có bên trong tâm hồn của mình. “Xin cho Nước Cha trị đến” là cầu xin then chốt trong kinh Lạy Cha. Bởi vì mọi lời cầu xin khác đều nối kết với nó. Việc Nước Thiên Chúa ngự đến là một con đường cụ thể mà với nó Danh Thiên Chúa được tôn vinh. Nước Thiên Chúa ngự đến qua việc hoàn tất ý muốn của Chúa Cha, ở dưới đất cũng như ở trên trời. Trong lời kinh, ta cầu xin sự thật, công lý, tình yêu, hoà bình và việc này bắt đầu với các hoạt động của Chúa Giêsu, được tiếp tục nơi các môn đệ của Ngài. Để qua đó, Nước Thiên Chúa đến qua hành động của Giáo Hội với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đến trong các hoạt động dấn thân phục vụ với sự khiêm tốn của con người.
Tóm lại, với tư cách là những người hành hương, ta đã đáp trả lời mời gọi của Đức Thánh Cha là hãy nhìn mọi sự qua nhãn quan của Chúa Kitô. Nhờ đào sâu và lời kinh quen thuộc nhất, ta cố gắng đi vào sâu hơn những cảm xúc của Chúa Giêsu, đi vào các mầu nhiệm của Ngài, để qua đó ta có thể cầu nguyện đúng theo như Chúa đã dạy.
(Chủng sinh: Đa Minh Đinh Thanh Tùng)