I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tại Buenos Aires, con trai của một nhân viên đường sắt thuộc vùng Piemont. Jorge Mario Bergoglio trở thành tập sinh dòng Tên lúc 21 tuổi, đến năm 1969 ngài được thụ phong linh mục. Năm 1992, ngài được tấn phong làm Giám mục phụ tá giáo phận Buenos Aires và Tổng giám mục năm 1998. Năm 2001, ngài được chọn làm Hồng y. Ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài được bầu làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công Giáo Rôma, với Tông hiệu Phanxicô. Ngài cũng là vị Giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử.
2. Tác phẩm
Mười lời: Giáo lý về Mười điều răn là tập hợp những bài giáo lý ngày thứ 4 hằng tuần của ĐTC Phanxicô về Mười điều răn, diễn ra từ ngày 13 tháng 06 đến ngày 28 tháng 11 năm 2018.
Nhưng tại sao lại Mười lời thay vì Mười điều răn như truyền thống Giáo hội quen gọi? Có thể nói, tâm thức của đa phần con người đương đại rất nhạy cảm với phẩm giá tự do của mỗi người, và thường dị ứng với những gì bó buộc lương tâm con người. Trong bối cảnh ấy, thuật ngữ điều răn dễ bị xem là nặng tính bó buộc, như thể những mệnh lệnh áp đặt của bề trên đối với những thân phận nhỏ, không còn không gian cho tự do lương tâm; trong khi đó, lời được hiểu là ngôn ngữ đối thoại và trao đổi thân tình, ví như cuộc trò chuyện của bậc cha mẹ với những đứa con trong bầu khí giáo dục gia đình.
Bối cảnh ra đời của Mười lời xác định và soi sáng ý tưởng trên. Từ Ai Cập, qua Biển đỏ và Sinai, đến Đất hứa là hành trình giáo dục tự do của Thiên Chúa dành cho dân Ngài.
II. Nội dung
Để dẫn vào chủ đề, ĐGH bắt đầu từ đoạn Tin Mừng (Mc 10, 17-21) về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một chàng thanh niên đến quỳ xuống hỏi Người làm thế nào để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Và trong câu hỏi này có một thách đố cho đời sống chúng ta: ước mơ một sự sống sung mãn, vô tận. Nhưng phải làm thế nào mới đạt được ước mơ này? Phải đi con đường nào?... Từ đây, ĐTC nêu lên thực trạng của nhiều bạn trẻ ngày nay sống trong sợ hãi, ù lì một chỗ, không thể tiến triển, không có thành tựu: “Kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là những vấn đề cụ thể dù là những vấn đề nghiêm túc và đầy bi kịch. Nguy hiểm lớn nhất của đời sống chính là tinh thần thích ứng kém cỏi, không phải tính hiền lành hay khiêm nhường nhưng là tính tầm thường và nhát đảm” và để đạt được một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc chúng ta phải trưởng thành khi biết chấp nhận những giới hạn của mình và nhận ra “điều còn thiếu”. Ngài nhắc đến các Kitô hữu nửa vời trông thật xấu, những Kitô hữu “lùn tịt”. Chúng ta phải vươn lên sống đúng với những điều răn của Chúa: “Toàn thể Kitô giáo là sự vượt qua từ lề luật bằng chữ viết đến Thần khí ban sự sống. Chúa Giêsu là lời của Thiên Chúa chứ không phải là sự kết án của Chúa Cha. Chúa Giêsu đã đến cứu độ chúng ta bằng Lời của Người.
Trong Kinh thánh, những Điều răn không tồn tại vì chúng nhưng là thành phần của mối liên kết, mối tương quan. Và mối tương quan đó chính là Giao ước giữa Thiên Chúa với dân dân của Ngài. Truyền thống Do thái sẽ luôn gọi Mười điều răn là “Mười lời”. Và đó cũng là ý nghĩa thực của cụm từ “Mười điều răn”. Tuy nhiên, chúng mặc hình thức của lề luật; nhìn cách khách quan, đó là các điều răn. Đâu là sự khác biệt giữa một điều răn và một lời? Điều răn là sự truyền đạt không cần phải có sự đối thoại. Trái lại lời là phương tiện thiết yếu của tương quan giao tiếp, hiểu như một cuộc đối thoại. Một cuộc đối thoại thì vượt xa hơn việc truyền đạt một sự thật.
Con người thấy mình đứng trước ngã ba đường: Thiên Chúa áp đặt lên tôi điều này điều nọ hay Ngài quan tâm đến tôi? Những điều răn của Người chỉ là một lề luật hay chứa đựng lời để chăm sóc tôi? Thiên Chúa là ông chủ hay người cha? Thế giới không cần luật lệ nhiệm nhặt nhưng cần sự chăm sóc. Thế giới cần những Kitô hữu mang trái tim của con người. Mười lời bắt đầu như thế này: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ”. Trước tiên Ngài giải thoát, trao tặng, sau đó Ngài mới đòi hỏi. Mười lời khơi nguồn từ lòng quảng đại của Thiên Chúa – một Thiên Chúa tốt lành.
Với tinh thần đó, ĐGH đi vào giáo huấn về từng “lời”:
- Lời thứ nhất: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta” (Xh 20,3). Điều răn này cấm chúng ta tạo ra các ngẫu tượng hay hình ảnh của bất cứ loại thụ tạo nào. Đây là điều khác biệt: Thiên Chúa là Đấng hằng sống, còn những thứ khác đều chỉ là ngẫu tượng, những hình thức tôn thờ ngẫu tượng vốn dĩ chẳng giúp được ích gì. Các ngẫu tượng biến con người thành nô lệ. Chúng hứa hẹn hạnh phúc nhưng không mang lại hạnh phúc như đã hứa và chúng ta nhận ra chúng ta đang sống cho một điều gì đó hay một ảo tưởng nào đó, bị cuốn hút vào vòng xoáy tự huỷ hoại và chờ đợi một kết quả vốn chẳng bao giờ đến. Thiên Chúa thật không đòi sinh mạng nhưng đem đến cho chúng ta sự sống đời đời.
- Lời thứ hai: “Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng” (Xh 20,7). Chúng ta là Kitô hữu, đã được rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Mang Danh Thiên Chúa trên mình nghĩa là đảm nhận thực tại Thiên Chúa nơi bản thân mình, là bước vào mối tương quan mãnh liệt và mật thiết với Ngài. Nhưng tiếc thay, một số người lại mang danh Thiên Chúa cách giả hình. Chúng ta chưa phó thác tất cả cho Chúa thì chúng ta chỉ có mối tương quan trên lý thuyết với Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta mang danh Thiên Chúa trên mình cách không giả tạo để Đức Kitô ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Và khởi từ thập giá của Đức Kitô, không ai có thể khinh khi chính mình và nghĩ xấu về đời mình nữa. Không ai và không bao giờ! Dù người đó có làm gì đi nữa! Bởi vì tên của mỗi chúng ta ở trên vai Đức Kitô. Người mang lấy tên chúng ta! Thật quý giá khi chúng ta được mang trên mình danh Thiên Chúa, bởi vì Người đã mang lấy tên chúng ta trên Ngài cho đến cùng, cả sự dữ đang tồn tại trên chúng ta.
- Lời thứ ba: điều răn liên quan đến ngày nghỉ. Thoạt nghe có vẻ như đây là một điều răn dễ dàng tuân giữ, nhưng đó là một cảm tưởng sai lầm. Nghỉ ngơi thật sự thì không đơn giản và có cả sự nghỉ ngơi giả tạo. Theo điều răn này nghỉ ngơi là thời gian để chiêm ngưỡng và ngợi khen Thiên Chúa chứ không phải là lúc trốn chạy thực tại. Đó là lúc nhìn vào thực tại và thốt lên: cuộc sống tươi đẹp biết bao! Chúa nhật là ngày để làm hoà với cuộc sống bằng cách chiêm niệm rằng: cuộc sống thật quý giá. Khi nào đời sống trở nên tươi đẹp? Đó là khi chúng ta bắt đầu nghĩ tốt về nó, cho dù quá khứ chúng ta có như thế nào. Để trở nên tươi đẹp khi tâm hồn biết mở rộng cho Thiên Chúa quan phòng “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2.6).
- Lời thứ tư: Điều răn này bàn về sự thảo hiếu đối với cha me. Hãy thảo kính cha mẹ: các ngài đã cho ta sự sống! Cho dầu không phải mọi cha mẹ nào cũng tốt lành, cũng như không phải mọi tuổi thơ đều được sống thanh bình, nhưng mọi đứa trẻ đều có thể hạnh phúc, bởi lẽ việc đạt được một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc tuỳ thuộc vào sự nhìn nhận thích đáng đối với những ai đã mang chúng ta đến với thế giới này. Đừng bao giờ lăng mạ cha mẹ người khác. Chúng ta không được phép sỉ nhục một người làm cha làm mẹ nào cả. Và điều răn này là lối dẫn tới tới Đức Kitô: thật vậy, nơi Người phản chiếu dung nhan Chúa Cha và qua Người, chúng ta được làm con Thiên Chúa, chúng ta chỉ có một Cha duy nhất là Đấng ngự trên trời.
- Lời thứ năm: “Ngươi không được giết người”. Mọi sự ác xảy ra trên thế gian này được tóm gọn trong một điều: sự khinh thường đối với sự sống. Thật đáng giá để đón nhận mỗi đời sống vì mỗi người đều mang giá máu của chính Đức Kitô. Không ai được đo lường sự sống bằng những dối lừa của thế gian này, nhưng phải tiếp nhận chính mình và người khác nhân danh Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Và không ai trong chúng ta có thể tồn tại nếu không có lòng thương xót; tất cả chúng ta đều cần đến sự tha thứ. Vì vậy, “ngươi không được giết người” diễn tả lời mời gọi sống yêu thương, tha thứ.
- Lời thứ sáu: “Ngươi không được ngoại tình”. Điều răn này trực tiếp kêu gọi lòng trung thành. Đó là yếu tính của mối tương quan tự do, trưởng thành và trách nhiệm giữa con người với nhau. Bí tích hôn nhân cần phải được xây dựng trên nền tảng chắc chắn là tình yêu trung tín của Thiên Chúa. Kẻ ngoại tình, dâm đãng, bội bạc là người thiếu trưởng thành, là kẻ chỉ sống cho riêng mình mà thôi. Như vậy, điều răn này mời gọi một hành trình đi từ cái tôi đến cái chúng ta, từ suy nghĩ một mình đến suy nghĩ chung với nhau. Một khi chúng ta không còn chỉ quy chiếu vào chính mình nữa, thì mọi hành động của chúng ta đều có tính hôn ước. Mọi ơn gọi Kitô hữu đều mang tính hôn ước, là tình yêu hôn ước trọn vẹn và chung thuỷ mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải và trao ban cho chúng ta.
- Lời thứ bảy: “Ngươi không được trộm cắp”. Chúng ta chỉ nghĩ đến vấn đề trộm cắp và việc tôn trọng tài sản của người khác. Ý nghĩa tích cực và mở rộng là mọi sự phồn vinh đều mang chiều kích xã hội. Khi sử dụng của cải, con người không chỉ đem lại lợi ích cho mình và còn phải cho những người khác nữa. Việc sở hữu của cải làm cho chủ sở hữu thành một người quản trị của Chúa quan phòng. Mọi tài sản tách khỏi lý lẽ quan phòng của Thiên Chúa đều bị phản bội. “Ngươi không được trộm cắp” có nghĩa là hãy yêu thương bằng tài sản của chúng ta, hãy sử dụng chúng để yêu thương cách tốt nhất có thể.
- Lời thứ tám: “Ngươi không được làm chứng dối hại người”. Điều răn này cấm xuyên tạc chân lý trong các mối tương quan với tha nhân. Sống với những thông tin dối trá là điều nghiêm trọng, vì nó cản trở các mối tương quan với tha nhân. Sống với những thông tin dối trá là điều nghiêm trọng, vì nó cản trở các mối tương quan và do đó cản trở luôn cả tình yêu thương. Ngươi không được làm chứng dối hại người nghĩa là sống như con cái Thiên Chúa, bằng cách không bao giờ tự mâu thuẫn với mình, không bao giờ nói dối. Mỗi hành động của ta phải phản chiếu sự thật tuỵêt đỉnh này: Thiên Chúa là Cha và chúng ta có thể tin tưởng vào Ngài. Tôi tin Thiên Chúa: đó là sự thật vĩ đại. Từ đó, chúng ta sống yêu thương, sống thật như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
- Lời thứ chín và lời thứ mười: “ngươi không được ham muốn vợ người ta” và “ngươi không được thèm muốn bất cứ vật gì của người ta”. Qua những lời cuối cùng này, có một sự thật được nhấn mạnh đó là mọi tội lỗi của đều phát sinh từ một cội rễ chung trong tâm hồn: những ước muốn xấu. Do đó, chúng ta hiểu rằng toàn bộ hành trình được hoạch định bởi Mười lời sẽ không có ích gì nếu hành trình này chưa chạm đến con người. Và đích điểm của hành trình ấy – nghĩa là điều răn cuối cùng – là tâm hồn, nếu tâm hồn chưa được giải phóng, những phần còn lại sẽ chẳng hữu ích bao nhiêu. Điều răn của Thiên Chúa không thể bị giảm thiểu vào lối sống bề ngoài, tuy có vẻ đáng kính, nhưng vẫn mãi là lối sống nô lệ, không phải lối sống con thảo. Thay vào đó, chúng ta cần chấp nhận để cho mình được tháo gỡ cái mặt nạ giả hình ấy bởi các điều răn khuyên dạy về lòng ước muốn, để các điều răn ấy có thể chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo hèn của bản thân, nhằm dẫn đưa chúng ta tới cảm giác nhục nhã thánh thiện. Sự nhục nhã này giúp chúng ta khám phá ra chỉ tự sức riêng ta không thể giải thoát bản thân, giúp ta biết kêu cầu Thiên Chúa hầu được Ngài cứu độ. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể đổi mới tâm hồn chúng ta, với điều kiện là ta phải mở rộng tâm hồn ra với Ngài. Nếu những ước muốn xấu xa làm vẩn đục nhân loại, thì Thần Khí lại đặt vào trong tâm hồn chúng ta những ước muốn thánh thiện của Ngài, vốn là những hạt mầm của sự sống mới.
Qua hành trình Mười lời, ĐTC đã chỉ cho ta thấy sự kiện toàn lề luật mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta. Trong Chúa Kitô, và chỉ trong Người mà thôi, Mười lời không còn là một lời kết tội, nhưng trở thành chân lý xác đáng về đời sống con người, nghĩa là khát vọng yêu thương - ở đây nảy sinh khát vọng điều thiện và làm việc thiện, khát vọng niềm vui, bình an, hào hiệp, rộng lượng, từ tâm, trung tín, dịu hiền, tự chủ. Đây là ý nghĩa của Mười lời đối với các Kitô hữu chúng ta: chiêm ngắm Chúa Kitô để mở trái tim chúng ta ra đón nhận trái tim của Người, ý chí của Người và Thần khí của Người.
III. Nhận định
Với thuật ngữ Mười lời vừa cũ và vừa mới này; cùng với những ví dụ, thực trạng của đời sống ngày nay, ĐGH đã khơi dậy trong tâm hồn Kitô hữu một cảm thức đức tin chân thực và sống động, trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, bản thân và tha nhân giữa lòng thế giới thụ tạo. Một phương pháp đọc và hiểu Mười lời cách thích hợp giúp lý trí tín hữu khai mở sự khôn ngoan vô tận của Thiên Chúa và từng bước đạt đến sự nhận thức sáng suốt về các chân lý đức tin đến từ Thiên Chúa. Nhận thức này giúp ý chí tín hữu khai mở với tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho loài người và từng bước đạt đến khả năng yêu mến Ngài hết lòng hết dạ, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Điều này giúp trái tim tín hữu khai mở với tình thương chân thật dành cho bản thân và tha nhân trong đời sống, theo thể thức Thiên Chúa hằng yêu thương mỗi con người và mong muốn mọi người sống yêu thương nhau. Tình thương này sẽ giúp mỗi người khai mở với công lý và tình thân dành cho mọi loài thụ tạo trong vũ trụ, vốn là môi sinh thiết yếu của loài người trong tương quan với Tạo hoá và với nhau trong cuộc đời. Vì thế, tập sách Mười lời: giáo lý về Mười điều răn thật sự rất hữu ích cho các Kitô hữu và mọi người thiện tâm tìm kiếm phẩm giá tự do và chân phúc của cuộc đời mình, đặc biệt là những ai đang khao khát tìm hiểu nội dung giáo lý và thần học Kitô giáo cũng như những ai mang trách nhiệm giáo dục đức tin Kitô giáo cho tha nhân.
(Chủng sinh: Giuse Đỗ Văn Thụ)