• Có người đã từng nói: Học chữ nghĩa thì dễ, học làm người mới khó. Quả vậy, học làm người là việc học suốt đời, không chỉ với tôi, nhưng với tất cả những ai muốn nên hoàn thiện bản thân.
• “Cái biết” không chỉ là sự hiểu biết để thành công. Nhiều người biết nhiều, hiểu rộng nhưng vẫn thất bại trong cuộc sống. Thế nhưng, những ai biết mình, biết người mới thực sự biết sống.
• Với mỗi người, đạo đức mới thực sự làm nên một con người. Ta không thể đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, nhưng cái “tốt gỗ” mới bền vững qua thời gian so với cái “nước sơn” hào nhoáng và dễ tróc vỏ bên ngoài. Vậy sống như thế nào để cho đẹp, cao thượng. Trong phần 1 này, tác giả gợi ý những điều tuy nhỏ nhưng giúp nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và lan tỏa cho mọi người. Đó là những đức tính: chân thành, giản dị, khiêm tốn, nhường nhịn, vui tính, vô tư, biết hướng thượng, vị tha, nhân đạo, bao dung, quảng đại.
- Chân thành
• Lòng chân thành là một tình cảm giúp con người dễ dàng đến với nhau. Lòng chân thành phản ánh chân thực hình ảnh cá nhân của mình với mọi người. Trong giao tiếp, lòng chân thành không thể thiếu
• Nếu không có sự chân thành, con người dễ lừa lọc, xảo trá, đề phòng và không được mọi người quý mến.
• Lòng chân thành không cần phải nói thật nhiều, nhưng nhiều khi chỉ là một ánh mắt, một lời động viên an ủi hay một cái bắt tay chân thành.
- Giản dị
• Là tính đơn giản, không khách sáo, lập dị, sống thật lòng, không màu mè hay câu nệ. Cuộc sống bình dị, đơn giản giúp ta dễ hòa nhập với mọi người.
• Tập cuộc sống bình dị giúp con người tránh cám dỗ của thị dục, nuôi dưỡng lòng thanh khiết, tập quen với khó khăn, thiếu thốn, tránh được cuộc sống xa hoa, kiêu sa, nhưng biết sống với mọi người, tạo cho mình một tư cách thanh cao, nhã nhặn.
- Khiêm tốn
• Không đánh giá quá cao bản thân, không tự kiêu, tự mãn
• Người biết khiêm tốn thì hạ mình, biết học hỏi nơi người khác, biết trau dồi mọi
mặt, biết thăng tiến bản thân.
• Muốn thành công con người phải biết hướng thượng, nhìn về phía trước, không ỷ lại vào bản thân nhưng biết học hỏi nơi cuộc sống
“Trời cho ta giàu sang để ta dễ làm điều lành. Trời bắt ta nghèo khổ để mài giũa ta kiên gan, bền chí" - Butler.
- Nhường nhịn
Trong cuộc sống con người hay ganh đua và ít nhường nhịn. Vì sao vậy? Vì ai cũng muốn mình được tốt đẹp, được hơn người khác. Đa số họ không xem nhường nhịn là dung hòa, nhưng coi nhường nhịn là thua thiệt, là thất bại.
• Theo tác giả, nhường nhịn không là đầu hàng, thua thiệt, mà là sự thông cảm cho nhau.
- Vui tính
• Những người vui tính thì dễ gần người khác, biết lạc quan, yêu đời. Nhiều người thành công không phải do tài cán, nhưng là do sự vui tính
• Biểu hiện của sự vui tính là nụ cười. Nụ cười đúng lúc, đúng chỗ sẽ dễ dàng đem niềm vui cho mọi người.
- Vô tư
• Là biết chấp nhận lẽ phải, công bằng, liêm chính
• Có lỗi thì biết nhận và sửa sai, sẵn sàng đón nhận những phê bình. Không đặt quyền lợi cá nhân mình trên người khác.
- Biết hướng thượng
• Tỉnh thần hướng thượng là tinh thần cao cả, luôn biết vươn lên chân, thiện, mỹ
• Tinh thần hướng thượng là hiện thân của tinh thần cầu tiến, biết khát vọng vươn lên lý tưởng cao đẹp
- Lòng vị tha
Là tinh thần quên mình, sống vì người khác. Con người thường chỉ sống cho quyền lợi cá nhân mình mà quên đi người khác. Lòng vị tha là biết sống vì người khác, biết nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình
- Lòng nhân đạo
• Con người cần có lòng nhân đạo. Khi gặp khó khăn mà ta làm ngơ thì thật là thiếu sót. Gandhi có một phương châm: chinh phục được mọi người ai cũng cho là khó, nhưng tạo tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn. Điều duy nhất để tạo sự kính yêu và mến phục với mọi người tốt nhất là làm sao phát huy lòng nhân đạo đến tột độ vậy.
- Lòng bao dung
• Khi gặp khó khăn, con người cần sự tha thứ cho nhau, thông cảm lẫn nhau. Khi con người càng xích lại gần nhau, càng thông cảm, hiểu biết lẫn nhau thì cuộc sống sẽ vui tươi hơn. Lòng bao dung giúp con người yêu thương nhau. Chỉ có tình thương mới xóa tan sự xa cách giữa tâm hồn con người.
- Tính quảng đại
• Trong xử thế, con người cần tu luyện cho bản thân lòng quảng đại. Để có lòng quảng đại, con người cần có đức tính tha thứ, yêu thương và thông cảm cho người khác. Những ai thực sự yêu thương người tức là đã tạo cho mình lòng quảng đại vậy. Người ấy luôn rộng lượng, đón nhận người khác bằng sự chân thành, biết thông cảm và tha thứ cho người khác.
Phần 2: Thu phục lòng người
Tác giả trình bày 25 lời khuyên giúp ta sống tốt với mọi người. Đó là những đức tính cần thiết để trở thành người hoàn thiện. Ở đây, người viết xin trình bày một số đức tính nổi bật. Những đức tính như: cảm thông, khen ngợi, quan tâm, nụ cười, nhớ tên, lắng nghe, chân thành, tôn trọng, dịu dàng, thiện cảm...
- Đừng khắt khe, hãy cảm thông người khác
• Khi chỉ trích người khác là đẩy họ vào thế tự vệ, tổn thương lòng tự ái và gây nên mối oán thù. Thay vì kết tội người khác, ta hãy tìm hiểu tại sao họ làm như vậy, điều đó tốt hơn là chỉ trích người khác.
• Ngay cả Thượng Đế cũng không muốn xét xử con người trước khi con người kết thúc cuộc sống. Vậy tại sao chúng ta lại khắt khe hơn cả Thượng Đế?
- Khen ngợi chân thành và khích lệ mọi người
• Con người có lòng ham muốn trở nên quan trọng. Do đó, ta hãy biết khích lệ người khác cách chân thành
- Hãy đặt mình vào địa vị của người khác
• Đa số mọi người quá chú trọng vào bản thân mình, tự xem mình là trung tâm của vũ trụ. Do đó, hãy biết lắng nghe người khác.
- Hãy quan tâm chân thành đến người khác
• Mọi người thường mong muốn người khác quan tâm đến mình bằng mọi giá, thường là việc làm vô ích. Đó là việc làm vô ích. Nếu cố gắng gây ấn tượng đến mọi người, tìm cách thu hút sự chú ý, thì bạn sẽ không bao giờ có một người bạn chân thành. Thay vào đó, ta hãy phá vỡ vỏ bọc lạnh lùng, mà hãy chân thành và quan tâm đến người khác.
- Nụ cười
• Nụ cười không tốn kém gì, nhưng nó sinh lợi rất nhiều. Không ai có thể mua được nụ cười. Nụ cười mang đầy sức sống và thu hút mọi người xung quanh.
- Nhớ tên mọi người
• Con người ai cũng quý trọng cái tên của mình. Cái tên song hành với ta suốt cuộc đời. Đối với người khác, tên của họ là một từ ngữ êm dịu nhất và quan trọng nhất trong mọi từ ngữ. Do đó, nhớ tên một người là sự thể hiện việc quan tâm đến họ và làm cho họ thấy sự quan trọng. Nhớ tên cũng tạo nên sự thiện cảm, niềm tin với họ.
- Hãy chú ý lắng nghe và khuyến khích mọi người nói về họ
• Người đang nói chuyện với ta thường quan tâm và muốn các vấn đề của họ được giải quyết là trên hết, khi chưa được giải quyết, họ dường như không quan tâm tới việc khác.
• Ai cũng muốn mình được lắng nghe, vì thế ta nên học cách lắng nghe khi nói
chuyện với mọi người và chân thành quan tâm đến họ.
- Biết nhìn nhận sai lầm của mình
• Khi mắc sai lầm, chúng ta hãy chân thành nhận lỗi cách thành tâm. Đó là lời khuyên hết sức thực tế. Hãy dũng cảm đón nhận lỗi của mình. Tâm lý chung của con người là thường né tránh lỗi lầm. Nhưng khi chân thành nhận lỗi, chúng ta sẽ nhận được sự khoan dung và tha thứ hơn là bị bới móc và truy đuổi.
- Chân thành tìm hiểu quan điểm của người đối thoại
• Khi người khác sai lầm, chúng ta đừng vội kết án họ, thay vào đó, hãy tìm hiểu nguyên nhân của sự cố. Hãy tự đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ kĩ hơn và thông cảm với họ.
• Chúng ta thường thất bại vì chỉ muốn nói bằng ngôn ngữ của mình mà không chân thành tìm hiểu quan điểm của họ. Như thế, chúng ta chỉ nhận được sự hững hờ, bất cần hoặc sự đối kháng kịch liệt.
- Hãy khen chân thành
• Hãy bắt đầu câu chuyện với lời khen chân thành. Khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc sẽ tự nhiên, thành thật, tạo nên sự cảm thông và hỗ trợ cho cuộc tiếp xúc.
• Những lời khen giả dối vẫn đạt được mục đích, nhưng nó làm hạ thấp nhân cách người phát biểu. Đừng làm tổn thương ai theo cách đó.
- Đừng đụng chạm đến lòng tự ái của người khác, hãy để cho họ giữ thể diện
• Hãy biết quên mình đi, quên sự tự ái của mình và dành cho người khác. Đừng làm tổn thương lòng tự ái của người khác. Nó đơn giản như thế nhưng không dễ để thực hiện, nó đòi hỏi phải thường xuyên rèn luyện mình.
• Trong khi giao tiếp ứng xử, bạn hãy luôn tôn trọng thể diện của người khác.
Phần 3: Một số câu danh ngôn xử thế
Phần 3 này tác giả đưa ra một số câu danh ngôn xử thế giúp người đọc có thể hiểu hơn về cách ứng xử trong cuộc sống. Một số câu tiêu biểu như:
- Làm chuyện gì cũng phải nghĩ đến nhân tâm. Thắng trăm trận không bằng chiếm được lòng người
- Người hoàn thiện nhất là người giúp ích cho người khác nhiều nhất
- Nên khoan thứ với lỗi nhỏ của bạn, nếu bạn không sửa được, nhưng đối với lỗi nhỏ của mình thì nên nghiêm khắc
- Cách duy nhất để có bạn là chính bản thân mình phải là một người bạn
- Biết đủ, coi là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ.
Phần 4: Nhận định cá nhân về cuốn sách
- Điểm tích cực
- Cuốn sách dễ đọc, phù hợp với mọi người để tham khảo, đặc biệt với người trẻ
- Tác giả viết ngắn gọn, súc tích, có trích dẫn các ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về những đức tính của con người. Cuối mỗi bài học có một số câu nói hay để tham khảo.
- Điểm hạn chế
Tác giả dùng nhiều mỹ từ, nhất là những lời động viên có vẻ mỹ miều, một mặt tác giả có ý khích lệ các đức tính nơi người đọc, nhưng mặt khác, nếu không quân bình trong sử dụng từ ngữ, ta rất dễ rơi vào sự giả dối, hai mặt và không thật lòng trong giao tiếp.
(Chủng sinh Tôma Aq. Nguyễn Văn Tuynh)