Văn minh là trạng thái tiến bộ về cả hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội loài người, tức là trạng thái phát triển cao của nền văn hoá. Cuốn sách “lịch sử văn minh thế giới” này khái quát cho chúng ta biết về các nền văn minh nổi bật trong lịch sử loài người, những thành tựu mà con người đã đạt được và những diễn tiến sự phát triển của loài người.
Trong chương I, tác giả giới thiệu cho chúng ta ba nền văn minh thời kỳ Cổ đại. Đầu tiên, văn minh Ai Cập Cổ đại tập trung dọc theo vùng hạ lưu của lưu vực sông Nin. Nhà nước Ai Cập Cổ đại ra đời từ cuối thiên niên kỷ IV TCN. Những thành tựu chủ yếu của văn minh Ai Cập Cổ đại là chữ viết (chữ tượng hình); về văn học (truyện thần thoại); về tôn giáo (thờ các vị thần); về kiến trúc và điêu khắc (Kim Tự Tháp, đền, miếu…); về khoa học tự nhiên là thiên văn (12 cung hoàng đạo, sao Thuỷ, sao Hoả, sao Mộc, sao Thổ, lịch 365 ngày theo sao Lang); về toán học (thập tiến vị, phép cộng trừ, cách tính diện tích hình tam giác, hình cầu, số pi (π) bằng 3,16, thể tích hình tháp đáy vuông); về y học (ướp xác, tim và óc, chữa các bệnh về dạ dày, đường hô hấp, bệnh ngoài da…). Tiếp đến, văn minh Lưỡng Hà là một vùng màu mỡ giữa hai con sông Tigrơ và Ơphrát. Quốc gia Accat thuộc tộc Xêmít lập nên từ thiên niên kỷ III TCN. Những thành tựu chủ yếu là: về chữ viết (chữ tượng hình, chữ hài thanh, chữ tiết hình); về văn học (anh hùng ca, sử thi,…); về tôn giáo (thờ thần trời, thần đất, thần mặt trăng,..); về luật pháp (bộ luật cổ nhất thế giới); kiến trúc và điêu khắc (tháp, đền miếu, cung điện, thành, vườn hoa); về toán học, thiên văn, y học (lấy số 5 làm cơ sở của phép đếm, cách tính độ một vòng tròn, cộng trừ nhân chia, phân số, luỹ thừa, căn bậc 2 và 3, giải phương trình có 3 ẩn số,…). Cuối cùng là nền văn minh Ả Rập. Nhà nước Ả Rập thành lập từ thế kỷ VII, tôn giáo chủ yếu là đạo Hồi. Do sự ảnh hưởng của đạo Hồi nên nghệ thuật ở đây kém phát triển nhưng họ cũng đã biết ký âm từ thế kỷ VII và phát minh ra nhiều nhạc cụ. Các lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt được nhiều thành tựu như: đại số học, lượng giác học, chu vi trái đất, quang học, phân biệt bazơ với axít,…
Sang chương II, tác giả viết về văn minh Ấn Độ cổ Trung đại. Ấn Độ nằm ở khu vực sông Ấn và sông Hằng. Nhà nước Ấn Độ ra đời khoảng đầu thiên niên kỷ III TCN. Thành tựu chủ yếu là toán học như: hệ thống 10 chữ số, chữ viết Kharosthi; về văn học (sử thi và vêđa); nghệ thuật (chùa, đền, hoàng cung,…); về thiên văn (lịch năm nhuận và không nhuận, 5 hành tinh, các chòm sao); về vật lý học (thuyết nguyên tử, lực hút của trái đất,…). Tôn giáo gồm có đạo Balamôn, Hinđu và Phật.
Chương III nói về văn minh Trung Hoa Cổ đại nằm ở khu vực có hai con sông lớn chảy qua là sông Hoàng Hà và sông Trường Giang. Nhà nước thành lập khoảng thế kỷ XXI TCN. Những thành tựu chính: chữ viết (chữ giáp cốt, tượng hình); về văn học (thơ đường, kinh thi, tiểu thuyết Minh – Thanh); về toán học (quan hệ giữa 3 cạnh của tam giác, số pi chính xác); thiên văn (lịch âm). Đặc biệt, bốn phát minh lớn về kỹ thuật là giấy, in, thuốc súng và kim chỉ nam.
Chương IV nói về văn minh khu vực Đông Nam Á. Đây là một khu vực thời tiết nhiệt đới gió mùa rất thuận lợi cho những bước đi đầu tiên của con người. Văn hoá của Đông Nam Á ảnh hưởng rất nhiều từ Ấn Độ và Trung Quốc. Các công trình kiến trúc cũng mang đậm nét hoa văn của Ấn Độ và Trung Quốc. Nền tảng văn hoá Nam Á lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế chính.
Chương V nói đến văn minh khu vực Trung – Nam Mĩ. Văn minh ở Trung – Nam Mĩ có nền văn minh Olmec nổi bật về kiến trúc đô thị; nền văn minh của người Maya (III – XVI) với kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ với trình độ tinh xảo; nền văn minh của người Aitec (XIII – XVI). Nền văn minh Andes ở Nam Mĩ là nền văn minh của người Inca, vì thời tiết khắc nghiệt nên người Inca đã xây dựng một hệ thống ruộng bậc thang men theo các sườn đồi để sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, kỹ thuật dệt lại đạt đến mức độ cao.
Chương VI nói về văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại. Thành tựu chủ yếu của văn minh Hy Lạp và La Mã gồm: về văn học (thần thoại); về sử học (truyền thuyết và sử thi); về nghệ thuật (đền miếu, rạp hát, sân vận động,..); về khoa học tự nhiên (Talét, Pitago, Ơcơlít, Acsimét, Arixtác, Hipôcrát,…). Nơi đây còn là quê hương của nền triết học Phương Tây. Tôn giáo ban đầu là Do Thái giáo, về sau xuất hiện Đạo Kitô.
Chương VII trình bày về nền văn minh Tây Âu thời trung đại bao gồm: sự thành lập của các quốc gia mới ở Tây Âu, sự hình thành và phát triển của chế độ phong kiến, vai trò và thế lực của giáo hội La Mã, văn hoá phục hưng thời Carêlanhgiêng, sự thành lập các trường đại học. Đặc biệt, văn hoá Tây Âu thời phục hưng là một bước nhảy vọt về văn hoá và đã đạt được những thành tựu rực rỡ về mọi mặt, nhất là về văn hoá nghệ thuật. Những sự tiến bộ về kỹ thuật và sự tiếp xúc giữa các nền văn minh đã thúc đẩy sự phát triển công thương nghiệp và hình thành thị trường thế giới.
Trong hai chương cuối, tác giả cho ta thấy sự phát triển mạnh mẽ của văn minh công nghiệp nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp, những phát minh khoa học-kỹ thuật, những thành tựu văn học nghệ thuật. Và cuối cùng là thế giới thế kỷ XX, bước đầu chuyển sang nền văn minh thông tin. Kết luận của tác giả là những thách thức đối với văn minh thế giới.
Cuốn sách này đóng góp một cách khái quát những nền văn minh trên thế giới qua các thời kỳ lịch sử của nhân loại. Mong rằng nó sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích và cái nhìn tổng quát về thế giới mà chúng ta đang sống.
(Chủng sinh: Giuse Vũ Văn Lượng)