Trong lịch sử triết học phương tây, Nietzsche được mệnh danh là triết gia của mặt đất. Rất nhiều độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ đã tìm đọc và yêu mến nhiều tác phẩm của ông bởi tư tưởng mang âm hưởng mãnh liệt và hân hoan của ông trong hành trang của cuộc đời mình, cùng với tình yêu, hoài bão và đổ vở. Tác phẩm “Lời của Nietzsche dành cho người trẻ” là những lời giản dị và thiết thực mà ông muốn gửi cho các bạn trẻ. Qua đó, làm cho những người trẻ này có thêm những bài học, động lực và niềm tin trên hành trang của cuộc sống. Cuốn sách gồm 9 phần, mỗi phần đều đề cập đến những chủ đề rất gần gũi và gắn liền với thế hệ trẻ.
Phần I: Bàn về cuộc sống
Cái ở trường này, ông đã dạy cho người trẻ phải can đảm lên chứ đừng chờ đợi, đừng có chỉ biết nằm để mong ai đó đến cứu mình. Hãy sống một cuộc sống của riêng mình, tự đôi bàn chân của mình bước đi. Phải không ngại khổ, ngại khó với công việc, bởi chính công việc sẽ khiến bản thân trở nên mạnh mẽ. Phải rèn giũa được tâm hồn và nhân cách. Khi công việc đến dù có thất bại cũng đừng chùn bước, cũng không hoang mang, không bất an hay dao động. Tiếp đến cũng đừng quá lưu luyến quá khứ, nếu không con người sẽ khó có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị mới mẻ của nhiều sự vật liên tục được xảy ra trong cuộc đời mỗi người.
Phần II: Tình yêu
Ở đây Nietzsche đã bàn về tầm quan trọng của tình yêu, tình yêu sửa chữa, khôi phục, điều chỉnh và chỉnh đốn. Tình yêu với sức mạnh sáng tạo mới trở thành người dẫn đường mọi việc. Tuy nhiên, triết gia cũng cảnh tỉnh đến mọi người mối nguy hiểm của việc quá yêu. Tình yêu không phải cứ mãnh liệt thì càng tốt, ngược lại cũng không nên quá đơn giản. Cụ thể, cũng đừng cuồng tín quá sâu sắc một ai đó ngoài đời thực mà thiếu người đó mình không thể sống được nhưng hãy phân định để không sa vào một tình yêu mù quáng.
Phần III: Cái tôi
Hãy biết đặt mục tiêu vượt qua bản thân, dù là mục tiêu nào đi chăng nữa, dù lớn hay nhỏ đều phải đặt ở một nơi vượt qua chính mình. Hãy thể hiện bản thân bằng cách nói rõ ràng giá trị quan và chủ trương mà mình tin tưởng. Đừng trở thành những kẻ nhút nhát, tự ti, yếu hèn, bất lực, không có cái tôi rõ ràng, chỉ biết bắt trước giống con vẹt. Hãy liên tục lột xác, nhìn bản thân trần trụi và biết biến những sự yếu đuối và nghèo nàn trở nên đẹp đẽ hơn.
Phần IV: Ngôn từ
Triết gia đã cho độc giả cái nhìn về nghệ thuật dùng từ, nói lúc nào, phải nói gì trong khi giao tiếp. Giả dụ như khi bản thân tranh cãi với một ai đó về chuyện bất đồng, đừng nên mắng chửi bằng những lời khó nghe, cũng không cần kiêu ngạo, chỉ cần nói ra sự thật một cách rõ ràng như nó vốn có là được. Bên cạnh đó, khi hỏi người khác, hãy hỏi sao cho người đó dễ trả lời, dễ hiểu đừng đưa ra những câu hỏi khiến cho người khác suy nghĩ, khó trả lời kẻo bạn sẽ bị người khác xa lánh. Tuy nhiên, cái này chỉ áp dụng trong giao tiếp bình thường chứ không phải áp dụng cho mọi tình huống.
PhầnV: Con người
Khi trong lòng ta đang ôm ấp nỗi bất an, hoặc đang cảm thấy bất lực về cuộc sống, hãy nghĩ đến những người mà bạn đã thật sự tin tưởng lâu nay một cách rõ nét, họ chính là một phần lớn lao trong bản thân bạn, chính tư thế, thái độ của những người như họ là tư thế bạn phải hướng đến gần. Tiếp theo, khi kết bạn với ai đó, hãy chọn người chăm chỉ, bởi những người yêu lao động, hết mình với công việc thường là những người tử tế. Ngược lại, những kẻ không chú tâm vào công việc hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ngoài miệng nói lời đao to búa lớn, còn liên tục thay đổi công việc, có khi rảnh rỗi họ tán hươu tán vượn những chuyện hão huyền không tồn tại và chỉ biết nói xấu người khác, đáng ngại hơn khi họ còn là kẻ gây chuyện rắc rối cho mình và cho người khác.
Phần VI: Tri thức
Có một điều mà nhiều người ngày nay chưa thực sự nhận biết cách sâu sắc đó là con người càng có trí tuệ, càng có tri thức thì càng làm giảm tức giận trong người. Nói cách khác, trí tuệ càng tăng lên, sự tức giận và phẫn nộ sẽ ít đi. Ngược lại, thường những người thiếu trí tuệ và thiếu sáng suốt là dễ dàng tức giận, bộc lộ sự phẫn nộ, nói lời phàn nàn, bực bội không kiềm chế. Trí tuệ chính là vũ khí giúp ta có cái nhìn đa chiều và làm cho chúng ta thoát khỏi sự trói buộc và mang lại cho ta giá trị quan. Nhiều tình huống trong cuộc sống làm ta phân vân và nó nằm bên ngoài kinh nghiệm của bản thân, chỉ khi đó, trí tuệ sẽ giúp ta giải quyết vấn đề.
Phần VII: Thế gian
Ở chương này, nội dung chính được nói đến là con người có cái nhìn như thế nào trong thế gian này. Không nhìn sự vật như nó vốn là. Con người được phú ban cho đôi mắt tinh tường và được ví như máy ảnh, nhưng không phải có thể nhìn thấy mọi thứ phản chiếu trong ống kính như máy ảnh. Có lẽ đây còn là ẩn ý theo một nghĩa khác đó là nhiều lúc trong cuộc sống, sự việc hoặc hành động xảy ra ngay trước mắt chúng ta nhưng chúng ta vẫn không thể nhận ra được, có thể do thiếu kiến thức, do mù quáng hoặc do thiếu chiều sâu chăng hay là một lý do nào khác. Vì vậy, hãy tập nhìn sự vật, nói chung là thế gian cách cẩn thận, có chiều sâu nội tâm, đừng để những cơn sóng mù quáng lôi kéo chúng ta đi. Ở phần này, triết gia cũng đề cao vai trò của người phụ nữ và ví họ như là mật ngọt của thế gian. Họ chính là những người hay nghĩ một cách đơn giản để cố gắng tạo niềm vui cho người khác và cho chính họ, yêu thích những gì lộng lẫy, không chút cay cú, nghịch ngợm như trẻ nhỏ. Tính cách như vậy không phải biến người phụ nữ trở nên nhạt nhẽo, hạ cấp, nông cạn, nhưng có lẽ bản tính thiên phúc của người nữ thường mang dáng dấp như thế.
PhầnVIII: Cái đẹp
Ở đây nói về thẩm mỹ, nói về cái đẹp. Trong cuộc sống có rất nhiều cái đẹp, nhưng theo triết gia, cái đẹp xếp hạng đầu tiên là con người, chỉ con người, chỉ những gì liên quan đến con người mới là đẹp. Để trở thành nghệ sĩ tạo ra nghệ thuật về một lĩnh vực nào đó cần phải có niềm đam mê. Ngược lại nếu tác giả không đam mê điều gì đó, sẽ không thể sản sinh ra nghệ thuật. Đam mê xuất phát từ lòng ham muốn mạnh mẽ, lễ hội, đấu tranh và phiêu lưu, tàn khốc và phá hủy, khí hậu, ý chí mãnh liệt. Nhưng có một điểm chung đó là yếu tố nào cũng giúp nâng cao sức mạnh.
Phần IX: Trái tim
Chương cuối này, tác giả đã hướng con người về chiều sâu tâm hồn. Để hạnh phúc trong nội tâm, con người cần tránh thực hiện những hành vi bất chính, hành vi xấu. Không phải chỉ vì đạo đức, cũng không phải chỉ là sợ người khác la mắng, trách cứ hay vị phạt, nhưng quan trọng hơn hết là vì sự bình yên trong nội tâm của bản thân, không để gây tổn thương đến hạnh phúc nội tâm. Kế đến, khi làm việc gì hãy làm với tâm trạng hưng phấn, hạnh phúc chứ đừng làm với tâm trạng bất an, như thế chúng ta làm sẽ kém hiệu quả, hoặc chỉ làm cho xong việc. Tuy nhiên, đừng quên rằng những phiền muộn, thử thách trong cuộc sống sẽ tôi luyện chúng ta. Nếu cứ khổ sở bởi những nỗi đau nhỏ bé, sẽ khiến chúng ta trở nên nhỏ bé nhưng nếu ôm trọn lòng nỗi đau to lớn, điều đó sẽ khiến chúng ta trở thành con người to lớn.
(Chủng sinh: Đaminh Nguyễn Văn Giang)