Khởi đi từ một bài viết trong tạp chí Lumen Vitae (1971) của Thượng phụ Bloom, đại diện Tòa Thượng Phụ Nga tại Tây Âu với nhan đề “Chúng ta hãy trở về lại với mùa xuân cuộc đời”, trong đó có viết:“Tôi không biết có bao giờ bạn để ý đến chuyện, ở chương 28, cuối Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ Ngài phải trở về Galile”, tác giả đã chú tâm và nhận ra ý nghĩa nơi biến cố đó và viết thành cuốn sách này.
Với 9 đề tài xoay quanh biến cố Đức Giêsu hiện ra tại Galile, nơi mà Ngài đã tiên báo và báo cho các phụ nữ đi viếng mộ lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần. Trước hết, tác giả đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Tại sao Đức Kitô Phục sinh lại hiện ra tại Galile chứ không phải là một nơi nào khác?”. Sở dĩ như thế là vì Galile là quê hương của hầu hết các môn đệ. Nơi đó, Người đã làm phép lạ đầu tiên tại Cana, công bố các Mối Phúc Thật, nơi khởi đầu rao giảng của Đức Giêsu, kêu gọi các môn đệ và cho các môn đệ biết quyền năng của Người qua những phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ…Như thế, tại nơi đó, Chúa Phục sinh đã hiện ra để giúp các môn đệ tìm lại con người rất gần gũi của Đức Giêsu không tách biệt với Đức Chúa vinh quang. Biến cố đó cũng giúp các môn đệ nhận thấy chiều kích khai mở với thế giới trong ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa.
Hơn nữa, tác phẩm mời gọi Giáo Hội hãy luôn trở về với Galile để tìm lại bản chất đích thực sự thể hiện của Vương quyền là quay trở về với nẻo đường hèn mọn để gặp Chúa. Đó là con đường từ bỏ vinh quang, của cải, những điều tạo khoảng cách với Chúa để bước theo và làm chứng cho vương quyền của Người, noi gương Thánh Phaxico Assisi.
Cuối cùng, tác giả cũng mời gọi mỗi người hãy mặc lấy cái nhìn của Gioan để trở về Galile trong chính nội tâm của mình. Cuộc trở về này là lắng nghe tiếng mời gọi của chính lương tâm để gặp được chính Chúa, Đấng hằng chờ đợi ta trở về trong cõi lòng chân thực.