Tự do và lề luật là hai phạm trù luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Nhưng thường khi nhắc đến hai phạm trù này, con người lại thường nghĩ đến chúng như là những mặt trái đối lập không thể dung hòa. Nếu tôi được tự do hoàn toàn thì cần gì đến lề luật nữa hoặc nếu tôi thực thi lề luật thì tự do của tôi ở đâu? Đó là những câu hỏi thường được nhắc đến mỗi khi ta đề cập đến tự do và lề luật. Con người, xuất phát từ tận đáy tâm hồn, ai cũng khao khát được sống tự do và muốn tự do thực hiện các hành vi của mình. Nhưng cũng cùng một trật tâm hồn đó, con người thấy như có một mệnh lệnh chỉ cho phép họ làm những điều tốt và không cho phép họ thực thi những điều xấu. Từ kinh nghiệm rõ ràng đó, tự do và lề luật phải là hai mặt bổ túc cho nhau trong cuộc sống của con người, nói cách khác, sống theo tự do cũng là sống theo luật lệ, luật tự nhiên, luật xã hội.
Cuốn sách được trình bày một cách trình tự có ý đồ theo bố cục gồm ba chương. Chương một trình bà
y tự do là điều căn bản trong đời sống của con người. Chương hai nhấn mạnh vì lợi ích của con người mà Thiên Chúa đã ban cho con người lề luật. Chương ba nêu lên mối liên hệ giữa tự do và lề luật.
Trước hết, con người được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, tự do là điều căn bản của một con người và cũng là dấu chỉ nói lên phẩm giá của con người đó có được tôn trọng hay không. Tự do là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa muốn cho con người tự định liệu cuộc đời của mình đến nỗi Ngài không có quyền can thiệp vào.
Là hình ảnh của Thiên Chúa, sự tự do của con người đến từ Thiên Chúa và đến từ chính mầu nhiệm Thiên Chúa là Tình Yêu. Sự tự do là điều căn bản của con người, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài tự do trong việc biểu lộ tình yêu. Chính bởi Tình Yêu mà Thiên Chúa đã tự do tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài và để họ thông phần vào hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài. Cũng chính bởi Tình Yêu mà Thiên Chúa đã tự do trong việc trao ban Con Một của Ngài cho thế gian, để ban ơn cứu độ cho thế gian. Thiên Chúa đã ban sự tự do cho con người trong tự do khi tạo dựng nên họ và trả lại tự do đích thực mà họ đánh mất khi cứu chuộc họ.
Chỉ có Tình Yêu Thiên Chúa mới giải thích đầy đủ ý nghĩa tự do của con người. Thiên Chúa không có lợi ích gì khi tạo dựng nên con người. Nếu không phải vì Tình Yêu và sự tốt lành, Thiên Chúa đã không dựng nên con người, nhất là tạo dựng con người để họ phạm tội và chống lại Ngài. Như thế, sự tự do đích thực diễn tả vẻ đẹp, mầu nhiệm, sự lớn lao của phẩm giá của con người. Sự tự do này chỉ ra rằng con người là thụ tạo duy nhất được tự do trong mối liên hệ của họ với Thiên Chúa. Họ được tự do tìm kiếm yêu mến Đấng Sáng Tạo của mình. Điều này cho thấy sự tự do của con người không những là điều Thiên Chúa mong muốn mà còn cho thấy con người có khả năng tìm kiếm và yêu mến Ngài để chiếm hữu Ngài.
Sự tự do là điều tốt đẹp, nhưng Thiên Chúa đã không chỉ ban riêng sự tự do cho con người nhưng Ngài còn ban cho họ lề luật, và lề luật cũng biểu lộ sự tốt lành của Thiên Chúa đối với con người. Đó là nội dung của chương hai.
Trước hết, cần khẳng định lề luật không phải là quà tặng để Thiên Chúa kim hãm sự tự do của con người. Nhưng, khi tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, con người xa lánh tội lỗi, không làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ; và nhờ đó, họ có được sự tự do đích thực, sự tự do của những người con cái Thiên Chúa.
Về lề luật tự nhiên, luật này đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người, bởi vì không những nó là nền tảng cho tất cả các lề luật trong các tổ chức xã hội mà hơn nữa nó còn là lề luật được khắc ghi trong tâm hồn mỗi con người. Thiên Chúa là chủ thể của lề luật tự nhiên và Ngài không phân biệt người nào. Như thế, luật tự nhiên mang tính phổ quát.
Luật tự nhiên không thay đổi theo thời gian, luôn tồn tại trong tâm hồn mỗi con người. Thời gian không ngừng trôi, các sự vật không ngừng biến chuyển, con người với sự tiến bộ trong các lĩnh vực khoa học kĩ thuật, sinh học... đang làm thay đổi bộ mặt thế giới. Thế nhưng con người không thể xóa bỏ được luật tự nhiên trong tâm hồn họ. Nhìn vào lịch sử, ta thấy không một quyền lực nhân loại nào, dù là cá nhân hay tập thể, dẫu rằng trong xã hội đó phẩm giá và quyền lợi của con người có thể bị xâm phạm, nhưng người ta không thể phá hủy được phẩm giá của con người vốn đã được thiết lập trong luật tự nhiên đã được khắc ghi trong tâm hồn con người.
Luật tự nhiên là luật của sự tự do, diễn tả phẩm giá con người. Thiên Chúa đặt trong lương tâm mỗi con người một tiếng nói. Tiếng nói đó nhắc nhớ con người hãy ở lại trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Chính bởi tiếng nói đó mà con người nhận biết những điều cần phải làm và những điều cần phải tránh. Tuy nhiên, con người được quyền tự do khi giữ luật tự nhiên, tức là họ tự do thực thi hay không thực thi theo tiếng nói bên trong tâm hồn. Khi tuân giữ luật tự nhiên, con người không mất tự do, trái lại, con người lại tự do chấp nhận giới hạn của bản thân mình. Dẫu được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài nhưng họ vẫn chỉ là một thụ tạo.
Luật tự nhiên là nền tảng là trường tồn, nhưng do hậu quả của tội lỗi, luật này cũng bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là trước khi con người phạm tội nguyên tố, con người chỉ cần luật tự nhiên khắc ghi trong tâm hồn là có thể sống mật thiết và tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thế nhưng sau khi con người đã phạm tội nguyên tổ, con người trở nên mê muội, họ có thể lầm lẫn trong việc phân biệt điều xấu điều tốt. Do đó họ cần luật mạc khải của Thiên Chúa. Giờ đây luật tự nhiên không còn đủ cho con người sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa nữa.
Luật mạc khải bao gồm luật cũ trong Cựu Ước và luật mới được Chúa Giêsu kiện toàn trong Tân Ước. Luật cũ là luật thánh thiện, công chính và tốt lành, bởi vì luật cũ đã chỉ cho con người đường đến với Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, là Đấng công chính, là nguồn của mọi sự tốt lành. Tuy nhiên, luật cũ cần phải được kiện toàn, cần phải có Đức Kitô thì lề luật mới trở nên viên mãn. Như thế luật mạc khải là luật thập điều và luật yêu thương.
Cuối cùng là mối liên hệ giữa tự do và lề luật. Với sự phân tích ở hai chương đầu, ta thấy giữa tự do và lề luật để gắn kết chúng lại, để chúng không xung khắc. Vậy đó là điều gì? Chúng ta biết rằng con người cần phải có lề luật để tồn tại, để được sống trong trật tự và hạnh phúc. Thế nhưng nhờ những điều răn của Thiên Chúa mạc khải và điều răn mới của Chúa Giêsu đã để lại, con người nhận ra rằng tình yêu phải là điều căn bản cho tất cả các lề luật của con người. Chính tình yêu nối kết tự do và lề luật. Nếu không có tình yêu thì lề luật sẽ trở nên gánh nặng đè bẹp con người và dẫn đến cảm giác mất tự do. Trái lại, nếu có tình yêu, con người cảm nhận được sự tự do đích thực khi thực thi lề luật. Như chính Thiên Chúa vì tình yêu đã tự do tạo dựng nên con người, sẵn sàng chấp nhận con người có thể phản bội. Tình yêu là lời giải thích cho tự do và lề luật. Tình yêu dẫn đến hành động tự do và dẫn đến một cái gì đó khác lạ lề luật. Thiên Chúa đã tự do bước vào cuộc chơi với con người, trong đó Ngài cũng đã thực hành luật do chính Ngài tạo ra. Ngài cũng chấp nhận cả luật của kiếp nhân sinh đó là cái chết. Tuy nhiên, Ngài hoàn toàn tự do vì Ngài thực thi ý muốn của Chúa Cha vì tình yêu.
Thế giới hôm nay vẫn còn đó nhiều chủ thuyết lầm lạc, nhất là chủ thuyết tự do và chủ thuyết vật chất đang làm băng hoại xã hội hiện đại, đang làm cho con người ngày nay trở thành nỗ lệ cho chính mình, cho chính mong muốn tự do thái quá và những đam mê vật chất của mình. Con người cần nhận thức sự tự do của con người có giới hạn và chỉ khi nào con người dùng sự tự do theo khuôn phép lề luật của Thiên Chúa, con người mới nhận ra mình đang tự do đích thực.
(Chủng sinh Đa Minh Đinh Văn Khang)