Chương 1. “Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng” (Mầu Nhiệm Lời Chúa trong lịch sử cứu độ)
Khởi sự bằng việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu trong Mc 1,14: “Thời giờ đã mãn, triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chính Thiên Chúa đã nói với chúng ta và chúng ta “hãy nghe lời của Người”. Trong Cựu ước, Thiên Chúa nói với con người qua trung gian là các ngôn sứ. Giờ đây, Ngài đích thân dạy chúng ta qua Thánh Tử. Chính Người Con sẽ mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa Giêsu Kitô, khi chúng ta đọc Kinh Thánh. Trong Giáo hội, sự phong phú và đa dạng của Lời Chúa vẫn luôn hiện diện nơi Thánh Kinh & Thánh Thể. Chúa Kitô tiếp tục hiện diện cách sống động với con người.
Chương 2. “hãy đi và rao giảng Tin Mừng” (Lời Chúa trong Giáo hội)
Thánh Eprem Xyria ví Lời Chúa như một dòng suối liên tục trào tràn dòng nước mát. Chúng ta không thể múc cạn hay lãnh hội hết mọi khía cạnh của nguồn suối Lời Chúa. Hãy mang tâm trạng của khách lữ hành khát bỏng để kín múc và tiếp sức lên đường, tiếp tục hành trình.
Giáo hội được cưu mang bởi Lời Chúa, nhưng đồng thời lại mang Lời Chúa. Giáo hội như hòm bia Giao ước mới, giữ gìn Lời Chúa và được Lời Chúa đỡ nâng. Công đồng Vaticano II xác định: Thánh truyền và Thánh Kinh hợp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa (DV 10).
Chương 3. “Khi tôi gặp được Lời Ngài” (Lời Chúa trong đời sống người rao giảng)
Lời Chúa vang lên trong thinh lặng (1V 19,1-13). Hãy làm cho cái tôi hoàn toàn trống rỗng để dành riêng cho Phúc Âm. Thánh Kinh là cuốn sách vừa ngọt vừa đắng. Lời Chúa được “nhập thể” trong người rao giảng, lời đã trở thành thịt. Lời sống động và đầy hiệu năng, khác với việc đọc và nghiên cứu. Tuy nhiên, lời càng càng ngọt ngào để thuyết phục và dễ dàng đến với tha nhân, thì càng trở nên đắng trong lòng người rao giảng.
Chương 4. “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa” (Nội dung việc rao giảng Kitô giáo)
Biến cố Đức Giêsu tử nạn và phục sinh là bước chuyển tiếp vĩ đại. Người rao giảng giờ trở thành Người được rao giảng. Bí quyết của người rao giảng Phúc Âm là mối tương giao mật thiết, cá vị với Đức Giêsu Kitô.
Chương 5. “Vì mọi lời hư từ…” (Lời Chúa và lời chúng ta)
Kn 16,12 “Lời Người là thuốc chữa lành moi sự”. Lời của Chúa được rao giảng, được vang lên qua người rao giảng: từ lời nói, việc làm và lối sống. Toàn bộ cuộc sống của người rao giảng đều được thấm nhuần bởi Lời của Chúa, khác với những lời nói trống rỗng trên môi miệng.
Chương 6. “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh từ Chúa Thánh Thần” (Chúa Thánh Thần và công cuộc rao giảng Lời Chúa)
Linh hồn của việc rao giảng là chính Chúa Thánh Thần. Người rao giảng luôn ý thức mình rao giảng về Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần.
Chương 7. “Đón nhận Lời Chúa” (Lời Chúa trong đời sống người tín hữu)
Đón nhận Lời Chúa trong lịch sử cứu độ, qua đời sống Giáo hội và từng cá nhân. Lời Chúa có 3 cấp độ: lịch sử, bí tích và luân lý (Gc 1,18-25). Hành trình Lời Chúa đến với mỗi người: Lắng nghe, suy niệm và thực hành trong đời sống. Thánh Thể cũng có một lộ trình tương tự: Lãnh nhận, suy niệm và noi gương để sống hiệp nhất với Chúa.
Linh hồn soi mình trong tấm gương Lời Chúa sẽ biết được bản thân, hiểu được chính mình, khám phá mình và thấy mình quá khác so với hình ảnh Thiên Chúa và hình ảnh Chúa Kitô. Tuy nhiên, nơi tấm gương Lời Chúa, chúng ta thấy dung nhan Thiên Chúa và tấm lòng của Thiên Chúa. Do vậy, nhờ chiêm nghiệm Lời Chúa, ta có thể biết mình và biết Chúa.
Thực hành Lời Chúa là phương cách tốt nhất để hiểu biết Lời Chúa vì nhờ Lời Chúa mà ta có thể biết được Thánh Ý Chúa và biết phân biệt thần khí.
Chương 8. “Văn tự thì giết chết, Thần Khí mới tác sinh” (Chú giải Thánh Kinh theo nghĩa tinh thần)
2 Tm 3,16: “ Tất cả Thánh Kinh đều được linh hứng bởi Chúa”. Các thánh sử đã đón nhận Chúa Thánh Thần và đã đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa “nhập thể” trong ngôn ngữ nhân loại. Thánh Kinh có nền tảng không bao giờ cạn kiệt về nguồn sức mạnh và sinh lực thần linh của Lời Chúa. Thánh Âutinh gọi là chiều sâu lạ lùng của Thánh Kinh.