Lời của Thiên Chúa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Giáo hội. Cùng với Bí tích Thánh Thể, Lời Chúa trở thành hai trụ cột nâng đỡ Giáo hội ngày nay trước bao biển động thử thách. Điều đặc biệt ở đây, dù là lời và ngôn ngữ của con người, nhưng Hội thánh lại công bố: Đó là Lời Chúa. Một Thiên Chúa ngỏ lời với con người. Một cử chỉ thật gần gũi làm sao! Đi xa hơn nữa, không chỉ dừng lại ở lời nói, Lời đó còn đụng chạm đến tâm hồn con người, giúp con người tìm thấy nguồn sức sống, biến đổi con người và làm cho họ trở nên giống Thiên Chúa.
Giá trị của Lời là lớn như vậy! Trong cuốn sách này, tác giả đã cố gắng làm rõ tinh thần trên đây. Từ đó giúp mọi người nhận ra giá trị của Lời Thiên Chúa, bắt tay vào đọc, tìm hiểu, nghiền ngẫm và sống Lời Chúa. Đó là cách ta tìm thấy giá trị đời sống và trở nên giống Thiên Chúa.
I. NỘI DUNG
Trong bảy chương sách khá ngắn gọn, tác giả đã trình bày ba phần chính. Phần I được coi như phần mở đầu nhưng tóm gọn nội dung cũng như đường hướng của sáu chương còn lại. Phần II, tác giả bàn về Lời Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Ki-tô và Giáo hội. Phần III nói về Lời Chúa trong vai trò của chính độc giả. Họ được mời gọi sống và trở nên giống Chúa Giê-su.
PHẦN 1
Trong phần mở đầu này, tác giả giới thiệu hai phần chính yếu mà ngài sẽ trình bày bên dưới: Lời Thiên Chúa và lời con người.
Về Lời Thiên Chúa, tác giả dựa vào nền tảng trên câu đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Gio- an: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời...” (Ga 1, 1). Điều này ám chỉ rằng khi mọi sự bắt đầu hiện hữu thì đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời đã hiện hữu rồi. Lời đó có sức mạnh tạo thành tất cả. Điều này về Ngôi Lời mở ra sự không đơn độc của Thiên Chúa trong sự độc nhất của Ngài. Thiên Chúa không hề nín thinh. Ngài ngỏ lời với con người. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng, kiểu nói “Thiên Chúa nói với" là cách nói nhân hình, muốn diễn tả sự sống động. Và trong Kinh Thánh Cựu Ước, ta có thể tìm ra nhiều cách thức Thiên Chúa nói và diễn tả ý định của Ngài cho con người. Đến Tân Ước, chúng ta thấy một bước tiến vĩ đại trong cách mạc khải tiệm tiến của Thiên Chúa: Lời của Ngài chính là Đức Giê-su Ki-tô, một Ngôi Vị, một con người đến và ở cùng nhân loại chúng ta. Ngài ngỏ lời và con người có thể nghe bằng tai thể lý. Đó là một hồng ân vô cùng cao cả.
Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài. Ngài cho họ có khả năng nghe nói, truyền đạt, diễn tả và thiết lập các mối tương quan. Giá trị của ngôn ngữ thật cao đẹp. Điều sâu xa hơn là con người đã được tạo nên “theo” hình ảnh Thiên Chúa rồi, họ cần phải nên “giống" Thiên Chúa. Khả năng của con người là không đủ. Họ cần bắt chước cách Thiên Chúa nói.
PHẦN 2
Phần này gồm có 3 chương diễn tả về ba khía cạnh Lời của Thiên Chúa nơi Chúa Ki-tô, nơi Giáo hội và nơi Chúa Thánh Thần.
Lời Thiên Chúa được mạc khải qua chính Đức Ki-tô. Ngài trở thành chủ thể của chính sự rao giảng. Điều này sẽ khác với các Tông đồ rao giảng, khi Đức Ki-tô trở thành đối tượng. Chúa Giê-su rao giảng Lời Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng từ mọi hành vi và cử chỉ của Ngài đều có tính cách truyền đạt sứ điệp và đều qui hướng về việc cứu độ con người. Lời Thiên Chúa không còn là những lời nói nhưng trở nên sống động trong một con người - Chúa Giê-su Ki-tô.
Tiếp đó, Lời này được Giáo hội chính Đức Ki-tô thiết lập loan báo cho mọi dân mọi thời. Như đã nói ở trên, đến giai đoạn này thì Đức Giê-su rao giảng đã chuyển thành Đức Ki-tô được rao giảng. Và chúng ta, những Ki-tô hữu ngày nay, được hưởng nhờ hiệu quả từ công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Qua thời gian với nhiều cách thức, biết bao nhiêu con người đã quảng đại lên đường để đem Tin Mừng cho những người chưa nhận biết. Họ là những người đã học từ nơi Chúa Giê-su, Vị Thiên Chúa đã từ bỏ ngai vàng xuống làm người để trở nên Lời Hằng Sống cho con người.
Và cuối cùng, phần này nói đến Chúa Thánh Thần là nền tảng của việc loan báo Tin Mừng. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, nhiệm vụ rao truyền Lời Chúa trở nên một sứ mạng không thể ngăn cản của các Tông đồ. Và Ngôi Ba cũng là nhân tố giúp con người hiểu được Lời Chúa. Việc hiểu ở đây không chỉ nói đến việc hiểu chữ viết nhưng sâu xa hơn, Ngài giúp con người đón nhận được Lời, làm cho Lời đụng chạm và biến đổi con người, giúp họ thay đổi tận căn chính mình. Chính khi sống được tinh thần đó, là ta đang loan báo Tin Mừng cho người khác rồi.
PHẦN 3
Phần này hướng chủ thể về với con người. Thật vậy, dù là Lời Thiên Chúa nhưng hướng đến đối tượng là chính con người. Thành ra, Thiên Chúa ước muốn việc con người lắng nghe Lời Ngài. Trước hết, tác giả lập luận rằng: muốn trở nên giống Thiên Chúa, ta phải nói giống như Ngài. Ngày nay, con người nói nhiều lời vô bổ, gây hận thù, chia rẽ, gây ra sự tội... Với kinh nghiệm, ta có thể dễ dàng thấy được điều đó. Nhưng nếu biết cách tận dụng, lời nói cũng có tác dụng chữa lành, yêu thương, nâng đỡ và nhiều giá trị cao đẹp khác. Do đó, vấn đề là chúng ta biết cách sử dụng cho nên. Tác giả cũng ví việc phí phạm hay sử dụng lời nói để gây đến điều xấu là trở nên những ngôn sứ giả. Họ không nói Lời của Thiên Chúa nhưng của phàm nhân. Vậy chúng ta, rất có thể trong thời gian hoặc cách thức nào đó, cũng đã trở nên những ngôn sử giả.
Chúa Giê-su chính là gương mẫu cho chúng ta. Ngài không nói cho con người những điều vô bổ, không giá trị. Những gì Ngài nói đều có giá trị chữa lành không chỉ về thể xác mà còn cả về tinh thần. Hơn cả, chính cuộc đời Ngài trở thành Lời có giá trị cứu độ con người
Sau cùng, tác giả hướng đối tượng cụ thể là từng người chúng ta. Trước hết, chúng ta phải đón nhận Lời Chúa bằng cách lắng nghe, nhất là trong bầu khí phụng vụ. Tiếp đó, để Lời đừng bị trôi đi, chúng ta phải suy niệm, làm cho Lời được nghiền ngẫm trong tâm trí chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ đến và đụng chạm vào chúng ta. Chính tinh thần mới này sẽ tạo ra động lực giúp ta thay đổi. Lúc này, chúng ta ra đi để hành động và nói lời yêu thương giống như Chúa. Như vậy, chúng ta được biến đổi trở nên giống Chúa nhiều hơn.
II. NHẬN ĐỊNH
1. Dựa trên nền tảng Kinh Thánh
Một nhà thần học chân chính hay việc chú giải thần học đều phải đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Khoa giải thích học đã xác minh cho chúng ta điều đó. Trong tác phẩm này, tác giả đã bám sát điều đó. Điều này làm cho độc giả có cảm giác rất chắc chắn về những gì được truyền đạt. Và phải dựa trên một nền tảng kiến thức rất sâu về Kinh Thánh mới có thể làm được như vậy.
2. Cách trình bày
Độc giả còn học được nơi tác phẩm này sự logic trong nội dung cũng như cách trình bày. Về nội dung, ngay trong chương 1, tác giả đã trình bày khái quát về nội dụng nền tảng tất cả các chương theo sau. Nếu quan sát tinh tế một chút, ta có thể thấy điều này. Điều này giúp độc giả hiểu rõ nội dung tác giả muốn trình bày.
Tiếp đến là về cách trình bày nội dung trong từng chương. Tác giả thường theo cách thức bàn đến đối tượng trước như Chúa Giê-su, Giáo hội, con người. Sau đó, ngài cụ thể hóa hình ảnh đó. Và cuối cùng là đến ví dụ. Ngoài ra những lập luận của ngài rất hay và chắc chắn, có tính thuyết phục cao
(Chủng sinh: Vinh sơn Trần Quang Thế)