Câu hỏi cho cả cuốn sách chính là: liệu có thể có cơ hội cho sự hoà hợp giữa những quan điểm của giới khoa học và giới tâm linh trong kỷ nguyên mới của vũ trụ học, sự tiến hoá và của hệ gen người hay không? Tác giả đã cố gắng trình bày dựa trên đức tin và sự hiểu biết khoa học của mình để đưa ra con đường kết hợp giữa đức tin và khoa học. Tác giả cho rằng cần kết hợp sức mạnh của cả khoa học và tôn giáo mới có thể thấu hiểu được những điều có thể nhìn thấy và không thể nhìn thấy.
Phần I: Sự khác biệt lớn giữa khoa học và tôn giáo.
Tác giả đặt ra vấn đề về những khác biệt lớn giữa khoa học và tôn giáo. Để dẫn dắt độc giả không có đức tin, tác giả đã thuật lại hành trình từ vô thần tới có đức tin của chính mình. Song song với hành trình này là các thay đổi về lĩnh vực khoa học của tác giả: từ hoá học tới hoá sinh, rồi sinh học, y học và cuối cùng là quá trình giải mã gen người. Tác giả cũng nêu ra luật đạo đức là cơ sở vững chắc cho niềm tin của mình vào Chúa. Tác giả như ngầm cho độc giả thấy khoa học và đức tin có thể kết hợp với nhau như trong chính con người của ông. Ông cũng đưa ra cuộc chiến của những quan điểm với bốn câu hỏi lớn:
- Phải chăng ý niệm về Chúa chỉ là ảo tưởng?
- Những tổn hại nhân danh tôn giáo thì sao?
- Tại sao Đức Chúa đầy yêu thương lại có thể để cho sự đau khổ diễn ra trên thế giới này?
- Làm sao một người duy lý có thể tin vào những điều kỳ diệu?
Với kiến thức của mình, tác giả đã đưa ra những quan điểm để trả lời cho bốn câu hỏi trên một cách khách quan nhất có thể để bênh vực cho tôn giáo. Hay đúng hơn là tác giả chỉ ra những quan điểm sai lầm về tôn giáo và khơi dậy cảm thức tâm linh của độc giả.
Phần II: Những câu hỏi lớn liên quan tới sự tồn tại của con người.
Tác giả đưa ra những câu hỏi lớn liên quan tới sự tồn tại của con người. Thứ nhất là câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ. Thứ hai là về sự sống trên hành tinh của những con vi trùng và loài người. Thứ ba là thành công trong việc giải mã cuốn sách chỉ dẫn của Chúa đưa ra những bài học về hệ gen người. Với kiến thức khoa học sâu rộng của mình, tiến sĩ Collins đã đưa ra những luận điểm khoa học hiện thời nhất trả lời cho ba câu hỏi trên. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những giới hạn của khoa học và đưa ra những quan điểm tôn giáo để trả lời cho ba câu hỏi trên về những khía cạnh khác nhau và bổ sung cho nhau. Ví dụ như khoa học có thể tìm ra câu trả lời cho “sự sống vận hành như thế nào”, nhưng không thể giải đáp “tại sao có sự sống” và “tại sao tôi ở đây” và điều này cần đến tôn giáo. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra quan điểm sai lầm của một số người thuộc tôn giáo khi cố gắng coi Kinh Thánh như một quyển sách chỉ dẫn về khoa học hay coi khoa học là phản tôn giáo và có thái độ chống đối khoa học. Tác giả chỉ ra “ thuyết Big Bang” hoàn toàn có thể phù hợp với quan điểm thần học về Chúa của các tôn giáo; vai trò của Chúa trong việc hình thành sự sống; và AND như là cuốn sách chỉ dẫn của Chúa. Tác giả cũng cảnh báo những người có đức tin cần thận trọng để tránh rơi vào cách tiếp cận “Chúa của những lỗ hổng” – gán một hoạt động thần thánh của Chúa vào những lĩnh vực khác nhau còn thiếu những bằng chứng khoa học.
Phần III: Niềm tin vào khoa học – Đức tin vào Chúa.
Tác giả đưa ra những luận điểm giữa niềm tin vào khoa học và đức tin vào Chúa để độc giả có thể lựa chọn. Tác giả nêu ra những hiểu lầm về thuyết tiến hoá của Darwin cũng như cách giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen là nguyên cớ lớn nhất cho mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo ngày nay. Tác giả cũng nhắc lại bài học từ vụ án Galilêô để cho thấy sự hoà hợp giữa đức tin và khoa học có thể xảy ra, trước khi ông đưa ra cho độc giả những lựa chọn:
- Lựa chọn 1: Chủ nghĩa vô thần và thuyết bất khả tri – khi khoa học chiến thắng tôn giáo. Tác giả đã đưa ra quan điểm của hai chủ nghĩa này và phản bác lại để chỉ ra sự sai lầm của chúng: “Bản thân chủ nghĩa vô thần là một dạng niềm tin mù quáng ở chỗ nó chấp nhận một hệ thống niềm tin không được bảo vệ trên cơ sở những lập luận thích đáng. Khoa học chỉ hiệu quả trong việc giải thích tự nhiên”; “Bất khả tri có nguy cơ một thứ thoái thác trách nhiệm. Dễ chịu nhưng là một sự không chắc chắn khi chưa nỗ lực kiểm nghiệm thực tế”.
- Lựa chọn 2: Sáng tạo luận – khi tôn giáo chiến thắng khoa học. Sáng tạo luận là quan điểm chung của những người cho rằng Chúa tồn tại và tham gia trực tiếp vào việc sáng tạo vũ trụ. Nhưng ngày nay, nó được gán mác cho những người khăng khăng bám sát vào nghĩa đen của chương 1 và 2 sách Sáng Thế trong việc mô tả quá trình sáng tạo ra vũ trụ và hình thành sự sống trên trái đất. Những người này cho rằng thuyết tiến hoá là một lời nói dối và khoa học là mối đe doạ. Đây là những quan điểm sai lầm với khoa học hiện đại. Phải cẩn trọng giữ mình luôn cởi mở trước mọi tia sáng, phải tôn vinh những khám phá về thế giới tự nhiên do Chúa tạo ra.
- Lựa chọn 3: Thiết kế thông minh – khi khoa học cần sự trợ giúp thần thánh. Đây là một lập luận khoa học dựa trên những thất bại đã được kiểm nghiệm của thuyết tiến hoá trong việc lý giải sự phức tạp kì diệu của cuộc sống với ba luận điểm: sự tiến hoá thúc đẩy quan điểm vô thần và do vậy chắc chắn bị những người tin vào Chúa bác bỏ (điều này không sinh ra từ nền tảng khoa học); thuyết tiến hoá về cơ bản là chưa hoàn thiện vì nó không thể lý giải cho sự phức tạp của tự nhiên (lập luận khoa học thể hiện trong ngôn ngữ của sinh hoá học, di truyền và toán học); và nếu như tiến hoá không thể lý giải sự phức tạp không thể giản lược thì chắc chắn cần phải có một người thiết kế thông minh tham gia ít nhiều vào quá trình đó để đưa ra các thành phần cần thiết cho quá trình tiến hoá. Tuy nhiên, học thuyết này đã sụp đổ vào năm 1991 với những phản đối của cả khoa học và thần học.
- Lựa chọn 4: Biologos – lời sinh sự sống – sự hoà hợp giữa khoa học và tôn giáo. Tác giả đưa ra tiến hoá hữu thần với sáu định đề:
+ Vũ trụ hình thành từ hư vô cách đây xấp xỉ 14 tỉ năm.
+ Những đặc tính của vũ trụ dường như đã được điều chỉnh để phù hợp với sự sống một cách chính xác.
+ Khoa học chưa biết đích xác cơ chế nguồn gốc của sự sống thì ngay khi sự sống hình thành, quá trình tiến hoá và chọn lọc tự nhiên đã tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng sinh học và sự phức tạp qua nhiều giai đoạn rất dài.
+ Khi tiến hoá diễn ra, không đòi hỏi phải có can thiệp nào của siêu nhiên.
+ Con người là một phần của quá trình này, có cùng tổ tiên với loài khỉ dạng người loại lớn.
+ Nhưng con người cũng độc đáo ở chỗ phủ nhận lý giải tiến hoá và chỉ ra bản chất tâm linh của chúng ta. Điều này bao gồm sự tồn tại của luật đạo đức và việc tìm kiếm Chúa, cơ sở cho việc xác định rõ đặc điểm của toàn bộ nền văn hoá loài người trong suốt chiều dài lịch sử.
Tác giả cũng đưa ra những hạn chế của thuyết này khiến nó chưa được phổ biến rộng rãi và chưa được nhiều người đón nhận. Đồng thời, ông cũng biện minh những lập luận chống đối chỉ là những sự thiếu hiểu biết về một lãnh vực tôn giáo hoặc khoa học. Quan điểm này đã đem lại sự hài hoà giữa những quan điểm khoa học và tâm linh. Cả hai đều tôn sùng Chúa và sử dụng các công cụ của khoa học để mở ra những bí mật đáng kinh ngạc về sự sáng tạo của Người. Việc quay lưng lại với tôn giáo hay khoa học đều phủ nhận sự thật và điều không cần thiết. Chúa của Kinh Thánh là Chúa của Hegel. Chỉ chúng ta, những con người không hoàn hảo – mới bắt đầu những cuộc chiến và chỉ chúng ta mới có thể chấm dứt chúng.
Cuối cùng, tác giả đưa ra những luận điểm khiến ta tin là có Chúa. Tuy nhiên, ông không ép buộc ai phải tin theo niềm tin của ông mà kêu gọi mỗi độc giả hãy thực hiện cuộc tìm kiếm tâm linh của mình để tìm ra sự thật. “Khoa học mà không có tôn giáo là khập khiễng, tôn giáo mà không có khoa học là mù quáng” Albert Einstein.
Đây là một tác phẩm về chủ đề rất khó, đề cập tới nhiều khái niệm khoa học và tôn giáo của một học giả hàng đầu thế giới. Vì thế, đây là một tác phẩm không dễ đọc và bản dịch cũng còn nhiều chỗ gây khó hiểu. Nhưng nó cũng rất cuốn hút, mang lại nhiều tri thức, quan điểm mới mẻ. Việc tác giả nêu ra những trải nghiệm tâm linh của chính tác giả tạo ra một sự gần gũi nhất định nhưng lại khó đón nhận đối với những người chưa có trải nghiệm tâm linh như thế. Tác giả đã khéo léo sắp xếp bố cục các chương để dẫn đắt độc giả đến với quan điểm của mình một cách nhẹ nhàng, lôi cuốn. Đồng thời, tác giả bỏ ngỏ các câu hỏi ở cuối các chương tạo cảm giác cho độc giả tự đi tìm câu trả lời của mỗi người. Tác phẩm đã phần nào giải quyết được xung đột giữa khoa học và đức tin, chứng minh được rằng đức tin và khoa học có thể đồng thời cùng tồn tại, thống nhất với nhau và bổ sung cho nhau. Tác phẩm giúp độc giả có đức tin nhìn nhận khoa học như một con đường khác dẫn đến Chúa và sự thật; còn độc giả chưa có đức tin thì được gợi mở về những cảm thức tâm linh để tiến tới một sự thật trọn vẹn.
(Chủng sinh: Giuse Đỗ Văn Thụ)