Kinh Thánh là một tác phẩm vĩ đại của mọi thời. Theo dòng lịch sử, đã có biết bao tác giả không ngừng đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu nhiều khía cạnh của Kinh Thánh. Theo đó, hàng loạt cuốn sách được ra đời, nhất là vào thời của chúng ta. Mỗi cuốn đều cho ta một lối nhìn riêng của tác giả, hay trình bày về một khía cạnh của Kinh Thánh. Cuốn sách trên đây của cha Nguyễn Quang không phải là một ngoại lệ. Nó cho chúng ta những suy tư về một vài đoạn Kinh Thánh nổi bật cũng như kinh nghiệm truyền giáo của tác giả.
Bài điểm sách này gồm có 2 phần: phần đầu nói đến cấu trúc và nội dung của cuốn sách; phần còn lại là nhận định của người viết.
I. Cấu trúc và nội dung
1. Cấu trúc
Dựa vào tên gọi, chúng ta dễ dàng phân biệt được 2 phần của cuốn sách. Phần I là suy tư của tác giả về 7 đoạn trong Kinh Thánh: 5 đoạn từ Tân Ước và 2 đoạn trong Cựu Ước. Phần II là suy tư riêng của tác giả trong vài vấn đề của thời đại: dịch covid 19, di dân và kinh nghiệm truyền giáo của tác giả.
12 suy tư trên đây của tác giả được tổng hợp lại từ 12 bài viết hoặc 1 phần trong bài tiểu luận. Do vậy, chúng đứng độc lập với nhau. Đây không phải là cuốn sách theo dạng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, hay dạng có 1 sườn chính. Chúng ta có thể đọc được bất kì bài viết nào trong cuốn sách, vì nó không ảnh hưởng tới nhau.
2. Nội dung
Với thể loại đã nêu trên, ta khó có thể tóm kết được nội dung cuốn sách mà không dùng cách liệt kê. Tuy vậy, một cách chung nhất, ta có thể đưa ra một vài điểm như sau:
- Trong phần I, tác giả khởi đi bằng việc đặt nền móng. Việc này được khởi sự từ bản văn Kinh Thánh. Tác giả cũng phân tích cả hoàn cảnh xã hội, lịch sử để độc giả hiểu nội dung bản văn. Từ đây, cha rút ra những tư tưởng chính yếu.
- Tiếp đó, tác giả trình bày những tư tưởng thần học dưới lăng kính truyền giáo.
- Phần suy tư này là chất liệu để áp dụng sang vài vấn đề của thời đại chúng ta.
Chúng ta cùng lấy một vài ví dụ:
Trong đoạn Kinh Thánh trình bày về ngôn sứ Giôna, tác giả đã phân tích bản văn và đưa ra 3 tư tưởng: Giôna và 2 bài sai, Thiên Chúa và lý do Giôna bỏ chạy. Bài này được tác giả sử dụng như một chất liệu để nói về virus Sars-Cov-2 như là một ngôn sứ của thời đại mới.
II. Nhận định
1. Điểm tích cực
Mỗi bài viết có cấu trúc rất rõ ràng, người đọc dễ nhận thấy nội dung chính. Trước khi nêu hay phân tích các tư tưởng thần học, tác giả đều trích dẫn bản văn. Tiếp đó, cha nêu ra các phần sẽ trình bày. Ngay từ đầu người đọc đã nắm được toàn bộ nội dung của bài viết.
Phần chuẩn bị của tác giả cũng rất chu đáo. Trước khi phân tích, cha nói về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa để người đọc dù là người chưa hiểu về Kinh Thánh cho lắm vẫn có thể đi sát sườn và hiểu được nội dung thần học sau đó. Ví dụ như trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đến gặp người phụ nữ Samari, tác giả làm rõ vấn đề thù địch giữa người Samari và người Israel về vấn đề lịch sử. Như thế người phụ nữ ngạc nhiên khi một người đàn ông Israel đến giao tiếp với mình.
Tiếp nữa, những bài viết ở đây là một công trình công phu, cung cấp cho ta rất nhiều dữ liệu để hiểu biết thêm về Kinh Thánh. Từ việc cho so sánh các trình thuật ở các Tin Mừng, phân tích về cách dùng chữ, từ ở bản văn gốc để hiểu được nguyên nghĩa. Vì ta đang tiếp cận với bản dịch Việt ngữ nên nhiều câu phải dịch theo văn hoá, từ ngữ hay để phù hợp với mọi người.
Và cuối cùng, tác giả giúp ta thoát khỏi một số sai lầm khi đọc Kinh Thánh. Điển hình trong số đó là cách đọc qua loa, đi tắt đón đầu. Với việc phân tích từng từ ngữ, từng hình ảnh, cử chỉ trong Kinh Thánh, tác giả mời gọi ta đi chậm lại để cảm nghiệm sức mạnh của Lời Thiên Chúa. Nhờ đó, ta phát hiện ra những giá trị tuyệt vời. Trong câu chuyện ngôn sứ Giôna, ta thường chú ý đến dân thành Ninivê. Thế nhưng, khi phân tích nhân vật Giôna, ta nhận ra nhiều điểm khác biệt. Sau khi lệnh của Thiên Chúa, ông làm ngược lại chỉ vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Tác giả tiếp tục liên hệ với vấn đề thời đại: virus corona. Sử dụng hình ảnh của một ngôn sứ, cha ví virus này như là dụng cụ để Chúa gửi đến cho con người nhằm thức tỉnh họ. Sự sống môi sinh của trái đất đang bị tàn phá nghiêm trọng ở rất nhiều loại và mặt. Tác giả sử dụng lại 2 định nghĩa mới trong thông điệp Laudatusi của Đức Thánh Cha Phanxicô: mở rộng đối tượng Caritas và sám hối môi sinh.
2. Điểm tiêu cực
Đầu tiên đó là việc phân tích ý nghĩa của Kinh Thánh theo nghĩa đen. Điều này có vẻ không quá trở ngại trong cuốn sách này nhưng phương pháp mà tác giả dùng có thể gây sai lầm cho những người đọc Kinh Thánh, nhất là những người bình dân. Kinh Thánh có chiều kích lịch sử nhưng truyền tải lịch sử tính không phải điều đầu tiên của Lời Chúa, mà là các chân lý đức tin. Chính Giáo hội đã gặp phải những khó khăn lớn khi áp dụng việc giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen cũng khiến nhiều lập trường đối lập nhau. Ẩn sâu trong câu chữ đó phải là ý định của Thiên Chúa, các chân lý đức tin, giáo huấn của Người.
Chính những kết luận mà tác giả đưa ra làm người viết không đồng ý. Tác giả dựa vào đoạn Tin Mừng Madalena không nhận ra Chúa, hai môn đệ trên đường Emmau cũng như vậy để kết luận: Đức Kitô phục sinh vẫn là Đức Giêsu trong thời đi loan báo Tin Mừng, nhưng dung mạo và giọng nói của Người đã thay đổi. Chúng ta chưa bàn đến vấn đề việc đúng sai nhưng đó là việc không cần phải bàn đến cho bằng ý nghĩa thần học đứng đằng sau đó.
Kết luận:
Mặc dù đây là 1 cuốn sách gồm 12 mảnh ghép rời rạc nhưng ta thấy một công trình dày công của tác giả. Đặc biết, với việc đi sát hơn với bản văn Kinh Thánh, dùng từ, dùng câu, các hình ảnh, ý nghĩa, hoàn cảnh lịch sử văn hoá, tác giả cho chúng ta thấy những góc nhìn mới, cách tiếp cận khác nhau về cách đọc, suy niệm bản văn Kinh Thánh. Cùng với việc mới chỉ dừng lại ở một vài bản văn, tác giả cũng đóng góp phần mình vào trong kho tàng tri thức Kinh Thánh mà nhiều người đang thực hiện.
(Chủng sinh: Vinh sơn Trần Quang Thế)