Phỏng vấn Thầy Giêsu- một cuốn sách được ra đời từ những khó khăn trong việc soạn bài giảng lễ. Tác giả muốn nối kết mọi ý tưởng trong Tin Mừng thành một thể hài hoà xuyên suốt. Tác giả thấy rất khó khi giải thích những đoạn Tin Mừng sao cho đúng, làm sao đưa ra những bài học cho giáo dân thế kỷ 21 này cách hiệu quả nhất. Bản văn Tin Mừng đã được viết cách đây hơn 2000 năm trước, trong nền văn hoá hoàn toàn khác với chúng ta hiện nay. Chính vì thế, việc quan trọng là làm sao để mọi người hiểu được ý nghĩa thực sự của bản văn Tin Mừng. Việc này quá gian nan và thách đố.
Nhận thấy vai trò đó, tác giả cho rằng cần có sự đi vào chính bối cảnh, đặt mình vào khung cảnh bản văn được đề cập, được thấy Thầy Giêsu, được nghe Ngài, gặp gỡ bạn bè của Ngài và cảm nhận bản văn sống động thì mới có thể hình dung và cắt nghĩa rõ ràng nhất. Từ khao khát đó, tác giả sắp xếp một chuyến tham quan Đất Thánh, tự mình khám phá, cảm nhận những không gian, địa điểm cổ xưa để có thể hiểu sâu xa nhất về Kinh Thánh và Chúa Kitô.
Cuốn sách được hình thành bởi sự tưởng tượng ra một cuộc trò chuyện. Trong đó tác giả đóng vai người khách hành hương tên là Rudy, cùng gặp gỡ thưa chuyện thân mật với Chúa và đưa ra những thắc mắc về những địa điểm, những sự kiện được nhắc đến trong Tin Mừng. Qua lời giải đáp của Thầy Giêsu, tác giả muốn giải thích những thắc mắc đó tới bạn đọc và những ai thấy khó hiểu hoặc hiểu sai các bản văn Tin Mừng trong thời đại chúng ta hôm nay.
Nội dung
Cuốn sách gồm 311 trang, được trình bày qua 19 số, mỗi số gắn liền với cuộc phỏng vấn, trao đổi giữa nhân vật Rudy và thầy Giêsu tại địa điểm cụ thể được nhắc tới trong các sách Tin Mừng. Nơi mỗi địa điểm, tác giả gợi ra những biến cố, câu chuyện, nhân vật liên quan và từ đó nhờ Thầy Giêsu giải đáp, cắt nghĩa. Việc giải thích mọi sự trong bối cảnh văn hoá Do Thái thời bấy giờ giúp cho người đọc thấy rõ ràng hơn, hiểu hơn ý muốn của các tác giả viết sách Tin Mừng. Các khung cảnh của cuộc trò chuyện là những địa điểm nổi tiếng trong sách Tin Mừng và tác giả cố gắng đến tận nơi để thực sự sống lại không khí của thời Chúa Giêsu đã sống và rao giảng.
- Tại Israel
Số đầu tiên tác giả giới thiệu khung cảnh vùng đất Israel và thực trạng cuộc sống nơi đó ra sao. Tiếp đến tác giả bắt đầu cuộc hành hương và giới thiệu việc Thầy Giêsu đến gặp gỡ, trò chuyện cùng tác giả trong vai trò người khách hành hương Rudy. Cuộc phưu lưu cùng Thầy Giêsu bắt đầu.
- Biển hồ Galile
Đia điểm này, tác giả thắc mắc: tại sao Thầy Giêsu bắt đầu sứ vụ tại biển hồ này mà không phải tại Giêrusalem? Tại sao Thầy Giêsu chọn Caphacnaum là tổng hành dinh cho sứ vụ mà không phải ở quê hương Nadaret hay địa điểm khác? Những câu hỏi đó được Thầy Giêsu ân cần giải thích cặn kẽ khi cho thấy bối cảnh văn hoá, lịch sử chính trị thời Ngài như thế nào.
- Tabgha
Đây là nơi Thầy Giêsu gặp các môn đề đầu tiên. Nơi này, tác giả mong muốn được hiểu rõ về ý nghĩa phép lạ “hoá bánh ra nhiều”. Những con số mà sách Tin Mừng trình bày khác nhau có ẩn ý gì? Trong Tin Mừng Macco kể lại phép lạ thứ nhất 5000 người, 5 chiếc bánh và 12 thúng; phép lạ thứ 2: 4000 người ăn, 7 chiếc bánh và 7 thúng dư. Đâu là ý nghĩa của bánh mì và các được nói đến?
- Caphacnaum
Thầy Giêsu và các môn đệ trú ngụ tại đây. Cụ thể là nhà ông Phêrô, để giảng dạy và chữa bệnh. Nơi đây Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, vì thế chủ đề “phép lạ” được tác giả nêu trong cuộc trò chuyện này. Để rồi, người đọc hiểu được phép lạ là gì? Điều kiện phép lạ hình thành?
- Tại bờ hồ Tabgha
Chủ đề được đề cập đến tại đây là biến cố sau Phục sinh, khi các môn đệ vất vả cả đêm mà không bắt được cá. Chỉ khi Chúa Giêsu đứng trên bờ và chỉ cho họ chỗ, họ mới bắt được cá. Một số thắc mắc tại đây: con số 7 môn đệ, 5 người được nêu tên, 2 người thì không? Ý nghĩa mẻ cá 153 con? Cuối cùng ông Phêrô minh chứng tình yêu với Thầy. Tình yêu là gì?
- Trên núi Bát phúc
Nội dung xoay quanh Bài giảng trên núi của Thầy Giêsu. Tại sao Đức Giêsu là Môse thứ 2? Ý nghĩa các mối phúc trình bày trong Tin Mừng Mátthêu? Ý nghĩa hình ảnh Đức Giêsu là mục tử và đàn chiên?
- Tảng đá trở thành satan
Địa điểm này liên quan đến câu chuyện Phêrô tuyên xưng Thầy là Đấng Mêsia, ông được gọi với tên mới là Kêpha và biến cố ông bị coi là vật cản Thầy thực thi sứ vụ. Ông bị gọi là Satan. Trong cuộc trò chuyện này, Thầy Giêsu cho thấy ý nghĩa của 2 từ Kêpha và Satan, con số 12 Tông đồ là gì? Ngài cũng chỉ ra vấn đề mà nhiều người hiểu sai các tên gọi của Phêrô.
- Nadaret
Tác giả đến thăm Nadaret và cuộc phỏng vấn diễn ra sau khi tác giả rời nơi đó. Nội dung nói đến việc Thầy Giêsu Kitô không? Đâu là ý nghĩa của từ Kitô hữu?
- Giữa các phế tích Sephonis
Dừng chân ở địa điểm này, tác giả giúp người đọc hiểu đúng về công việc của dưỡng phụ Chúa Giêsu - thánh Giuse. Chúng ta sẽ hiểu công việc của người, không đơn thuần là thợ mộc, mà đúng hơn là thợ thủ công chế tác các vật liệu cứng. Tại Sephonis, công việc làm ăn được bảo đảm và cung cấp lương thực đầy đủ nuôi sống gia đình nghèo của Chúa Giêsu tại Nadaret.
- Lãnh địa dân ngoại Tyne và Sidon
Cuộc trao đổi tại nơi này, Thầy Giêsu giúp cho người đọc hiểu đúng về câu chuyện giữa Ngài với bà giáo xứ Syo-Ploerixi. Có cách hiểu sai về thái độ Chúa dành cho bà. Cụ thể hình ảnh “con chó” được giải thích lại và cho thấy việc dịch bản văn còn nhiều hạn chế.
- Tại Bếtplage
Câu hỏi đặt ra khởi đi từ thuật ngữ “chúng” trong bản văn Mt 21,1-7 tác giả thắc mắc: tại sao Thầy tiến vào Giêrusalem có thể cưỡi trên 2 con lừa được? Giải thích của Chúa Giêsu dựa vào đoạn văn ngôn sứ Dacania, một điển hình cho loại thi ca Do Thái. Dòng thứ 2 nhắc lại những gì ở dòng thứ nhất. Ở đây đã có sự hiểu không đúng về bản văn Mt.
- Nghỉ ngơi tại Betania
Bêtania là nơi ở của 3 chị em Macta, Maria và Ladaro. Tại đây, Thầy Giêsu cho thấy công việc của họ cùng những người thuộc nhón Étxeno phục vụ, chăm sóc những người bệnh tật và những người không được phép sống ở Giêrusalem vì không thanh sạch. Cũng nơi đó, Thầy Giêsu giải thích ý nghĩa việc làm cho Ladaro hồi sinh khác với Phục sinh. Đó là việc làm tự do của Thầy nhằm củng cố niềm tin còn yếu nơi các môn đệ.
- Tại Giênikho, thành phố cổ
Tác giả nêu ra 3 câu hỏi: cơn cám dỗ của Thầy? Có thật Thầy ở trong hoang địa 40 ngày? Tiếp đến là thắc mắc về cuộc gặp gỡ của Thầy với Giakêu, những lẫn lộn về việc chữa lành người mù tại đây. Thầy Giêsu bật mí cho chúng ta những sứ điệp rất giá trị về những cuộc gặp gỡ này.
- Qumran – nơi hoang giã
Đây là nơi Chúa Giêsu dành thời gian chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng. Ngài sống với nhóm người Etxeno. Ngài chỉ ra nhiều tương đồng giữa nhóm này với các Kitô hữu đời đầu.
- Những con hẻm ở Giêrusalem
Những trao đổi về việc chữa lành anh mù bằng bùn và nước bọt và sai đi tới suối Silôac giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của hành động lạ lùng, bẩn thỉu đó; và cho ta thấy sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa trong cuộc đời ta.
- Núi đền thờ
Tại đây, cuộc trò chuyện nhắc tới sự kiện Chúa đánh đuổi những người buôn bán trong Đền thờ. Thầy Giêsu cho thấy được tại sao Ngài lại hành động như thế và giải thích cho chúng ta về tình trạng thối nát của các tư tế Đền thờ lúc đó.
- Golgotha
Tại địa điểm này, chúng ta được nghe Chúa Giêsu giải thích tại sao cái chết của Ngài được gọi là “lễ tế đền tội nhân loại” và có thể ban ơn cứu độ. Điểm nhấn của cuộc trò chuyện bàn đến cái chết của Ngài trên đỉnh Golgotha và tác giả đưa ra thắc mắc về cách miêu tả của các sách Tin Mừng không giống nhau. Thầy Giêsu giúp cho tác giả và người đọc hiểu được mục đích của từng biến cố một cách cụ thể và hoàn toàn có dụng ý đối với từng cộng đoàn đón nhận.
- Phục sinh
Hai Thầy trò gặp nhau tại ngôi mộ đã an táng Thầy. Ở đây, những thắc mắc về biến cố Phục sinh của Thầy được bàn đến, qua sự mô tả của các thánh sử. Thầy Giêsu đã lần lượt giải đáp cho tác giả hiểu rõ mục đích của từng biến cố này. Cuối cùng, 2 thắc mắc: việc Thầy ra khỏi mộ như thế nào? Và Mẹ Maria ở đâu khi Thầy sống lại? đó quả là những khúc mắc mà nhiều người muốn biết.
- Vương quốc của Thiên Chúa
Lần trò chuyện cuối cùng được sắp xếp tại hồ Galile, địa điểm đầu tiên của các cuộc phỏng vấn. Tác giả muốn hiểu rõ một trong những giáo huấn nền tảng của Thầy: ‘Nước Thiên Chúa”. Nhờ giải thích của Thầy, chúng ta hiểu rằng Vương Quốc của Thầy Giêsu mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với các vương quốc trần gian. Đó là một Vương quốc đến qua bình an và công lý, những ai được chúc phúc thì đều xứng đáng làm công dân Nước Trời.
Kết thúc các cuộc trao đổi, cũng chính là lúc tác giả kết thúc chuyến hành hương Đất Thánh. Một chuyến đi ý nghĩa và thu lượm được nhiều thành quả. Hơn nữa, tác giả giúp cho nhiều người thêm sự hiểu biết , say mê học hỏi Lời Chúa hơn.
Đánh giá
Cuốn sách này khá hay và hữu ích cho những người muốn hiểu biết thêm về Kinh Thánh, hiểu biết về văn hoá Do Thái thời Chúa Giêsu cũng như tình hình chính trị. Từ đó thấu hiểu mục đích các tác giả Tin Mừng viết ra.
Những cuộc gặp gỡ tuy chỉ là sự tưởng tượng của tác giả đã làm cho người đọc thêm cuốn hút, có cảm tưởng như mình được tham gia vào cuộc trò chuyện đó. Đọc từng trang sách, được giới thiệu các địa điểm tại cùng Đất Thánh, người đọc có sự thích thú khi được hoà mình vào chuyến đi. Mỗi địa điểm, tác giả đặt chân tới là thêm 1 chân trời tri thức về Kinh Thánh được khai sáng.
Ngôn từ đơn sơ, chân thành, tinh thần khiêm tốn học hỏi, tác giả cho thấy một không khí rất cởi mở, chia sẻ chân thành trong từng cuộc trò chuyện.
Một điểm hay, khéo léo của tác giả là khi mở đầu cuộc trò chuyện là hồ Galilê (nơi khởi đầu sứ vụ của Chúa) và khi kết thúc cũng là Galile. Từ đó, tác giả nhắn nhủ người đọc: sau khi đã hiểu biết về Tin Mừng thì cần làm mới lại cuộc đời, làm mới lối suy nghĩ, sự hiểu biết và yêu mến Chúa.
Một hạn chế nơi cuốn sách là thiếu sự mạch lạc trong các địa điểm tác giả nêu ra. Vì thế, người đọc khó sắp xếp các địa điểm, biến cố liên quan và khó ghi nhớ biến cố xảy ra.
(Chủng sinh Giuse Vương Văn Từ)