Tôi muốn rước lễ, thì tôi phải xưng tội. Quá quen thuộc phải không? Với nhiều tín hữu công giáo, việc xưng tội chỉ có nghĩa là một sự chấm dứt: thanh tẩy tội lỗi để chúng ta có thể rước lễ. Nhưng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết: việc xưng tội rất quan trọng, không chỉ là đến “tiệm giặt ủi”. Đó là một cuộc đối diện với Chúa Giêsu, Đấng chờ đợi ta xứng đáng được như vậy.
Cuốn sách này có tựa đề “7 Bí mật về Bí tích Hoà Giải” nhưng không hề có các bí mật thực sự ở đây, mà là những kinh nghiệm qua những lần tác giả đi xưng tội, và đã thấy ý nghĩa hoàn toàn mới của việc xưng tội, và mới gọi bạn hãy bắt đầu chuyến hành trình cá nhân thú vị với việc chữa lành và thánh hoá.
Trong cuốn sách này ngụ ý muốn nói về những miếng ghép của bức tranh về bí tích Hoà Giải, để tìm hiểu xem làm thế nào mà những miếng ghép này đính lại với nhau để đem lại sự sống mới.
Thứ nhất, tác giả muốn chúng ta hiểu được rằng tội không chỉ hệ tại nơi hành vi sai trái, nhưng còn ở mối tương quan với Thiên Chúa nữa. Tội là khi chúng ta khước từ tình Cha của Thiên Chúa đối với chúng ta, là khi chúng ta từ chối sống trong mối tương quan với Thiên Chúa như con cái của Người. Tội lỗi không làm thay đổi Thiên Chúa, nhưng làm thay đổi chúng ta, vì nó tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Người. Bởi đó, vấn đề không nằm ở những hành vi tội lỗi, nhưng ở tâm hồn mỗi người chúng ta. Chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa. Tội lỗi đã làm thay đổi chúng ta, chúng ta cần để ân sủng Thiên Chúa đưa chúng ta trở về với Người. Việc xưng tội mời gọi chúng ta sám hốivà hoán cải. Điều đó có nghĩa là mời gọi chúng ta thay đổi triệt để cách sống: để quay về với Chúa, ra khỏi bóng tối đời mình và bước vào ánh sáng dịu êm và ấm áp của tình yêu Thiên Chúa.
Thứ hai, tác giả muốn dẫn chúng ta tiến xa hơn một chút. Như đã biết tội lỗi tự nó không phải là vấn đề thực sự, cho nên chỉ riêng sự tha thứ thôi thì cũng chưa phải là một giải pháp đích thực. Chúng ta không chỉ cứ xưng thú tội lỗi, lãnh nhận ơn xá giải, rồi sau đó lại ngự quen đường cũ. Tội lỗi gây ra những vết thương cho mỗi người, và ngay cả khi đã được tha thứ, chúng ta vẫn cảm thấy đau đớn, bối rối và yếu nhược về tinh thần. Tha thứ chỉ là bước đầu tiên trong toàn bộ tiến trình chữa lành và công chính hoá nhờ ân sủng – một phương cách mang lại sự sống mà Thiên Chúa đã đổ tràn vào tâm hồn mỗi người chúng ta, để nhờ đó mà chúng ta được trở nên giống như Người.
Thứ ba, tác giả muốn chúng ta nhận thấy rằng mỗi người được mời gọi đi vào mối tương quan riêng tự, liên vị với Thiên Chúa. Mỗi người được gọi cách khác nhau và nếu chúng ta chỉ đáp lại lời mời gọi đó bằng sự tuân phục như cỗ máy “phải làm hoặc không làm” thì quả thực là chưa đủ. Việc thú tội mời gọi ta thay đổi thái độ của mình. Lại nữa, nó còn mời gọi chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa với hết cả tâm hồn, sống với lối sống làm Người vui thích, đáp lại lời Người gọi và thi hành những gì Người dạy bảo chúng ta trong từng khoảng khắc cuộc đời.
Thứ tư, tác giả muốn chúng ta biết được rằng toà giải tội là nơi mỗi người trải nghiệm cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Ba Ngôi, ra như toàn cõi thiên quốc đang theo dõi và hân hoan vui mừng khi trông thấy cuộc gặp gỡ ấy. Tại sao tất cả lại vui mừng? Bởi lẽ chính sự ăn năn, hối lỗi, lòng thống hối và quyết tâm hối cải sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta. Trong cuộc gặp gỡ cá vị với Ba Ngôi, sự biến đổi sâu thẳm bên trong tâm trí và cõi lòng chúng ta, sẽ để cho Chúa Kitô qua quyền năng Chúa Thánh Thần, dẫn đưa chúng ta trở về cùng Chúa Cha để chúng ta được phục hồi toàn vẹn phẩm giá là con Thiên Chúa.
Cuối cùng, tác giả muốn chúng ta tìm được phương cách tốt nhất để mỗi người có được một cuộc biến đổi tất yếu nơi sâu thẳm cõi lòng chính là những “giọt lệ ăn năn” qua việc suy niệm về cuộc thương khó của Đức Kitô, thừa nhận những lầm lỗi của bản thân và nhận biết rằng: Đức Kitô đã chịu khổ hình và đã chết trên thập giá vì từng người chúng ta. Và như thế, vì Đức Kitô sống trong hiện tại vĩnh cửu, nên lối sống từng ngày của tôi có thể xoa dịu hay tăng thêm nỗi đau cho Người.
Điểm chung cho các vấn đề mà tác giả mà tác giả đã trình bày trên đây đó là sự thay đổi – thay đổi tâm hồn và trí hiểu về Bí tích Hoà Giải.
Qua kinh nghiệm nhiều lần đi xưng tội thì tác giả đã đưa ra 7 bước xét mình:
- “Danh mục” những điều cần xưng thú là gì? (Thói quen, hành vi, tội xấu, ham muốn nào mà tôi thấy khó thay đổi nhất).
- Đâu là vấn đề căn cốt khiến tôi không thể trưởng thành hơn trong những lãnh vực này?
- Đâu là những khía cạnh trong đời sống mà tôi chưa thuận theo uy quyền của Đức Kitô? Đâu là điểm mà tôi thấy bất an.
- Đâu là những tổn thương cần được chữa lành? Tôi đang bị tổn thương ở đâu?
- Tôi vẫn còn thù hằn, chua xót hoặc tức giận với ai, trong tình huống, sự kiện nào? Tôi cần tha thứ cho ai (bản thân hay tha nhân).
- Bí tích Giao hoà mời tôi thay đổi toàn bộ lối sống. Đâu là điều khiến tôi không giống với Đức Giêsu? Tôi cần phải thay đổi như thế nào?
- Đâu là điều tôi có thể quyết tâm sửa đổi ngay lúc này, tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa chăng?
(Chủng sinh: Giuse Đỗ Văn Thọ)