Trong thế giới hiện nay, con người và các quốc gia sống tương quan với nhau bởi các quy luật khắc nghiệt. Sự đố kị, hận thù và cạnh tranh luôn tồn tại trong đời tại mọi quốc gia, dân tộc và đời sống con người. Phải chăng thế giới đang thiếu một lối nhìn, lối sống đem đến sự hài hoà? Đó phải là Lòng thương xót.
Từ nói về người bất toại 38 năm bên hồ nước Betdatha được Đức Giêsu chữa lành, tác giả viết những trang sách này với mục đích suy niệm và ước ao được nhào vào hồ nước tái sinh lớn lao của Lòng Thương Xót.
Theo tác giả giải thích, thuật ngữ “lòng thương xót” được sử dụng trong Cựu Ước và Tân Ước theo 2 ngữ cảnh và 2 nghĩa khác nhau. Nghĩa nguyên thuỷ là nói lên tình cảm của Thiên Chúa đối với các thụ tạo; nghĩa thứ 2 cho thấy tình cảm mà thụ tạo phải có đối với nhau. Sự thương xót mang ý nghĩa là ân huệ nhưng cũng là bổn phận hay đúng hơn là món nợ.
Vì thế, trong phần đầu của cuốn sách, tác giả hướng người đọc suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, về những cách bày tỏ trong lịch sử cứu độ và nơi Đức Kitô; và những phương thế nhờ đó chúng ta bắt gặp nó trong các bí tích của Giáo hội. Phần thứ 2, chúng ta sẽ suy niệm về bổn phận phải thương xót và về những công việc của lòng thương xót, đặc biệt về bổn phận của Giáo hội và của các thừa tác viên phải tỏ lòng thương xót đối với các tội nhân như Chúa Giêsu đã thương xót họ.
Phần đầu: Suy niệm về lòng thương xót.
Trước hết, tác giả dẫn chứng lời của thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Tình yêu bày tỏ trong tình yêu Ba Ngôi. Nó là một ân sủng, ân huệ và có tính cho không. Tình yêu Thiên Chúa có trước tội lỗi con người, vì thế ân huệ này biến thành sự thứ tha. Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót qua việc tha thứ cho con người khi sa ngã và hứa ban ơn cứu dộ cho họ.
Thiên Chúa đã thực hiện lòng thương xót cách mới mẻ: Ngôi Lời Nhập Thể. Thiên Chúa thường phán với những giọng điệu về lòng thương xót qua các tiên tri. Hôm nay, Ngài phán với chúng ta qua “Con của Ngài”. Biến cố nhập thể khởi tạo một lòng thương xót hiện hữu cho con người.
Lòng thương xót ấy tiếp tục được thực thi cụ thể và sống động trong đời sống Đức Giêsu Kitô. Đấng Thương Xót đã đến với những người tội lỗi, những người bị xã hội khinh ghét, những người bị loại trừ. Chúa đã tha thứ và bảo vệ họ. Người dùng lòng thương xót của Thiên Chúa mà biến đổi, cảm hoá, thay đổi lối sống và phục hồi phẩm giá cho họ.
Hiệu quả của lòng thương xót đó chính là “niềm tin”. Tin vào Thiên Chúa sẽ đạt đến ơn cứu độ. Ở đây, tác giả dẫn chúng ta vào thái độ của Phêrô và Giuđa, người trộm lành và tên trộm dữ. Ông Phêrô, sau khi đã chối Thầy thì ăn năn khóc lóc vì tin vào sự tha thứ, vào tình yêu của Chúa. Người trộm lành đặt niềm tin vào sự cứu rỗi của Đức Kitô nên đã nhận được sự tha thứ, ân sủng của Chúa. Ngược lại, Giuđa ném trả túi tiền và đi tự tử; tên trộm dữ không ngừng nguyền rủa Đức Giêsu nên cả 2 đã đánh mất ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Qua lời rao giảng của Đức Giêsu, Lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện cho mọi người khi đi vào trong những câu chuyện: Con chiên lạc, Đồng bạc bị bỏ rơi và Người con hoang đàng dẫn chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Khi yêu thương, Thiên Chúa tự đặt mình vào điều kiện phải hy vọng một điều gì đó từ chúng ta, ngay cả từ một kẻ phạm tội nặng nề nhất. Chính đó là một sự mới mẻ khiếm chúng ta ngã ngửa, một sự đảo lộn mọi sự.
Cuộc khổ nạn của Đức Kitô, bằng chứng cuối cùng của lòng thương xót. Nơi mới mẻ mà cuộc khổ nạn của Đức Kitô liên hệ đến lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài không hài lòng với việc tha thứ cho con người tội lỗi của họ, Ngài còn làm nhiều hơn đến vô cùng. Trước khi chết, Đức Giêsu tỏ lộ nét cao cả thần linh của việc Người tha thứ, ban ơn cho kẻ thù dữ tợn nhất. Thay vì buộc tội kẻ thù của mình, thì Người lại bảo vệ họ.
Sự phục sinh của Đức Kitô là sự chiến thắng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đáp lại tội lỗi nặng nề nhất, tội giết Con của Ngài bằng một hành vi thương xót nhất. Đức Giêsu đã được cho sống lại không phải để trả thù chúng ta, nhưng để cho chúng ta được nên công chính. Thiên Chúa công chính khi tỏ lòng thương xót. Đó là một mặc khải lớn lao. Thánh Phaolo viết: “Thiên Chúa công chính và làm cho nên công chính” nghĩa là Ngài công chính với chính mình và làm cho con người nên công chính. Con người nên công chính nhờ lòng thương xót chứ không do công trạng. Thánh Phaolo đã ý thức mình là hoa trái, là chiến lợi phẩm của lòng thương xót.
Tha thứ tội lỗi là cách biểu lộ cao cả nhất của lòng thương xót. Bí tích Hoà Giải trở thành Bí tích của Lòng thương xót, nơi hối nhân thống hối, gặp gỡ và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Cha giải tội là người ban phát thật sự lòng thương xót của Đức Kitô trong Bí tích này.
Thánh lễ không những nhắc nhớ lòng thương xót của Thiên Chúa mà còn là nơi chúng ta đón nhận Ngài, có kinh nghiệm về Ngài, ăn uống với Ngài. Trong năm phụng vụ, Giáo hội cử hành lễ kính Lòng thương xót của Thiên Chúa, mang một ý nghĩa mới thêm vào một Chúa nhật trong năm. Nhưng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới thực sự là lễ nhớ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Phần cuối sách: suy niệm về bổn phận phải thương xót và công việc của lòng thương xót của Giáo hội, của chúng ta.
Đã đến lúc từ lòng thương xót của Thiên Chúa bước sang lòng thương xót của chúng ta; từ ân huệ đến bổn phận. Chúng ta phải thương xót vì chúng ta đã được thương xót. Nếu không, lòng thương xót của Thiên Chúa không có hiệu quả nơi chúng ta và sẽ được rút khỏi chúng ta. Ân sủng luôn báo trước và tạo ra một bổn phận. Thiên Chúa đặt ra mối liên hệ chặt chẽ giữa lòng thương xót của Ngài với chúng ta và của chúng ta đối với người khác. Bởi vì, Ngài đã trao ban tình yêu của Ngài cho mọi người. Tất cả được thực thi đức bác ái như nhân đức và được tham dự vào chính tình yêu của Thiên Chúa.
Lòng thương xót như một thái độ và một đức tính nhân loại đưa Kitô giáo xích lại gần Phật giáo và cách nào đó như thuật tính của Thiên Chúa đưa nó tới gần Do Thái giáo và Hồi giáo.
“Hãy mặc lấy lòng dạ thương xót”. Tác giả muốn suy niệm không phải về những “việc” thương xót hơn cho bằng về “lạ” thương xót, không phải thương xót bằng bàn tay nhưng bằng con tim. Thương xót của cái nhìn. Chúng ta có phương tiện ưu đãi để thương xót là cái nhìn của mình. Đó có thể là một thứ thoa dịu vết thương hoặc là dấm chua đổ trên đó. Thương xót cần được thực hiện trên phán đoán của mỗi người. Lòng thương xót là nhân đức cho mọi người và nhất là nhân đức của người không có gì để cho.
Đọc lại dụ ngôn người Samari tốt lành để thấy Đức Giêsu dạy chúng ta về lòng thương xót. Lề luật đôi khi phải nhường bước cho lòng thương xót. Không cần phải chia sẻ cùng một đức tin và xác tín tôn giáo để thực hành lòng thương xót.
Vì được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, an ủi kẻ sầu khổ và làm mọi việc của lòng thương xót. Ngài cũng là chìa khoá mở ra mọi vấn đề tế nhị giữa Luật và lòng thương xót. Hoạt động chủ yếu của Chúa Thánh Thần là mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa và làm cho tình yêu Thiên Chúa đổ tràn lòng chúng ta. Nhờ tình yêu đó, Ngài yêu chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng mến Thiên Chúa và yêu người thân cận.
Phần kết luận, tác giả nhận định rằng: vẻ đẹp của Đức Kitô là lòng thương xót của Người, và chính lòng thương xót ấy sẽ cứu thế giới. Chúng ta phải lên tiếng kêu gọi thế giới: hãy giải huyền thoại báo thù. Chúng ta cần khám phá ra con đường “rộng” của báo thù dẫn tới đâu; và con đường “hẹp” của tha thứ và thương xót dẫn tới đâu.
Nhận định
Bằng những lời mạnh mẽ và chính xác, tác giả dìm chúng ta vào trong tâm điểm của mầu nhiệm đã làm thay đổi vận mệnh của con người, dẫn chúng ta tới chỗ nhìn lòng thương xót trước hết như một ân huệ, như một bổn phận hoặc đúng hơn là món nợ.
Qua chủ đề suy niệm này, người đọc cảm nhận được tình yêu thực sự mà Thiên Chúa dành cho con người. Đó là một hồng ân lớn lao, một lòng thương xót vĩ đại chiến thắng tội lỗi thế gian.
Cuốn sách rất hay và ý nghĩa, từ ngữ đơn giản giúp người đọc dễ dàng đi vào tâm tình cầu nguyện và kết hiệp với lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, mỗi người có cái nhìn thương xót như Đức Kitô.
Chủng sinh Giuse Vương Văn Từ