Vấn đề về cộng đoàn đã và đang là đề tài suy tư và đối thoại với nhau, vì đời sống thánh hiến luôn bao hàm chiều kích cộng đoàn như là một trong những đặc điểm cốt yếu của đời sống thánh hiến. Chắc hẳn là đa số các thành viên trong cộng đoàn thánh hiến đều tin là đời sống cộng đoàn có một giá trị. Tuy nhiên, nếu giá trị đó có thể suy diễn từ các hành vi, thì cuộc sống hằng ngày của họ ít cho thấy bằng chứng về niềm tin của họ và chắc chắn là người ta phải nghi ngờ niềm tin nơi họ. Vì thế, cuốn sách “ Cộng đoàn đời sống thánh hiến” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ phần nào về đời sống cộng đoàn. Cuốn sách gồm có 3 chương:
Chương I. Bản chất đời sống cộng đoàn thánh hiến.
Trước hết, chúng ta phải phân biệt được cộng đoàn và hội đoàn cũng như phân biệt đời sống cộng đoàn và đời sống gia đình. Trong cộng đoàn, các thành viên đem tất cả con người mà đến với nhau và đời sống chung của họ cũng được biểu lộ bằng những cơ cấu hữu hình. Ngoài ra, cộng đoàn tu trì đòi hỏi phải có mối tương quan hỗ tương giữa những người trưởng thành. Mọi thành viên trong cộng đoàn đều chia sẻ trách nhiệm đối với nhau. Hơn nữa, khi các thành viên của cộng đoàn tự nguyện quy tụ lại với nhau để dấn thân cho Chúa Giê-su và phục vụ dân Người, họ không thể chờ đợi kinh nghiệm thân mật và hỗ tương trọn vẹn như đời sống hôn nhân. Cộng đoàn không phải là nơi nối dài và các thành viên của cộng đoàn cũng không phải là đồng nghiệp mà họ là những người chung chia ơn gọi độc thân, những mối ưu tư khi thực hành thừa tác vụ và sẽ được hỗ trợ, đáp ứng cũng như chia sẻ với nhau trong cầu nguyện, nhu cầu thờ phượng....
Tiếp đến, trong tư cách là người thánh hiến, các thành viên trong cộng đoàn cũng phải cởi mở và vươn mình ra mà đến với Dân Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên thực tế các thành viên trong cộng đoàn thường cảm nghiệm được sự hiệp thông bên ngoài cộng đoàn tu trì của mình và hẳn là chúng ta không bao giờ giải quyết được hết mọi chuyện liên quan đến nỗ lực xây dựng sự thân thiện và tình yêu trong đời sống cộng đoàn thánh hiến. Do đó, cộng đoàn phải cố gắng làm thế nào để mọi thành viên có thể cảm thấy mình được chấp nhận và yêu thương chứ không phải lạc lõng trong cộng đoàn của mình. Nên cộng đoàn là nơi có thể chia sẻ tình cảm yêu thương, nhận ra mình được quan tâm và được chấp nhận vì con người thật của tôi. Vì thế, xây dựng một cộng đoàn đích thực quả là điều khó khăn mà chúng ta phải thực hiện.
Gương mẫu quan trọng nhất của cộng đoàn thánh hiến là cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi, thành viên của mỗi cộng đoàn này là các ngôi vị trưởng thành, đầy yêu thương và tự do, bình đẳng nhưng khác biệt. Vì thế, cộng đoàn thánh hiến là một thực tại phong phú, khó hiểu, ấm áp, hết sức có ý nghĩa đòi hỏi các thành viên phải liên kết với nhau một cách thích hợp. Hơn nữa, đời sống cộng đoàn đích thực đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp và có ý nghĩa giữa cá nhân và nhóm phải là tương quan hỗ tương và các cá nhân phải được phép, thậm chí là được khuyến khích duy trì nét độc đáo của mình, nhưng cá nhân phải trao ban một điều gì là của mình, khi thuộc về cộng đoàn.
Cộng đoàn tiên vàn là một giao ước nên cộng đoàn thánh hiến là một giao ước giữa anh em hay chị em. Cộng đoàn thánh hiến hiện hữu là vì Nước Thiên Chúa. Cộng đoàn thánh hiến là một cộng đoàn huynh đệ được kêu gọi để phản ánh sự tươi trẻ và nhiệt huyết của Thần Khí bên trong cơ cấu Giáo hội qua đời sống hoạt động hay đời sống chiêm niệm. Theo quan điểm Giáo hội tiên khởi, đời sống cộng đoàn biểu lộ và thực hiện hoá giáo huấn của Chúa Giê-su: “Để tất cả nên mộ
t, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21). Cộng đoàn thánh hiến là lời đáp trả của một nhóm người, vì đã nghe theo Chúa Ki-tô mời gọi trở nên một như Người với Chúa Cha là một. Và trong cộng đoàn thánh hiến, tình yêu Ki-tô giáo là nguồn mạch, sức mạnh và hoa quả của cộng đoàn thánh hiến.
Mọi cộng đoàn thánh hiến đều có một số đặc điểm chung. Vì cộng đoàn thánh hiến ở trong Giáo hội và là một phần của đời sống thánh thiện trong Giáo hội, nên cộng đoàn thánh hiến có nhiều đặc điểm giống như Giáo hội:
Thứ nhất, mọi người thánh hiến là thành phần Dân Thiên Chúa. Điều đó muốn nói rằng mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và tự do. Mỗi người đều được Thánh Thần kêu gọi và có chung một Thần Khí.
Thứ hai, nhờ Chúa Ki-tô và trong cùng một Thần Khí, mọi người đều hiệp nhất với nhau trong một mối dây hiệp thông. Sự hiệp thông nhờ Chúa Ki-tô và trong Chúa Thánh Thần là nền tảng của mối tương quan liên vị trong cộng đoàn thánh hiến.
Thứ ba, nhờ Thánh Thần mà mọi người thánh hiến thể hiện mối dậy hiệp thông yêu thương bằng việc phục vụ lẫn nhau.
Rõ ràng là cộng đoàn thánh hiến đặt nền tảng trên việc hoán cải, giao ước với Chúa Ki-tô và mở lòng ra với Chúa Thánh Thần mà mỗi thành viên quyết tâm thực hiện.
Chương II. Linh hoạt đời sống cộng đoàn thánh hiến.
Đời sống cộng đoàn đòi hỏi các thành viên phải gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn và giao tiếp lành mạnh với nhau. Việc gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn là kết quả của những nhân tố phức tạp. Có một số yếu tố cơ bản, khả dĩ giúp người thánh hiến dấn thân cho tu hội hay cộng đoàn của mình. Nếu thiếu một vài yếu tố hay những yếu tố ấy tỏ ra mờ nhạt, người thánh hiến sẽ cảm thấy thiếu gắn bó với cộng đoàn.
Cộng đoàn nâng đỡ đời sống đức tin của người thánh hiến vì đức tin là trung tâm của đời sống cộng đoàn thánh hiến và đời sống cầu nguyện chung là sự nâng đỡ đầu tiên và quan trọng nhất, đặc biệt là qua Bí tích Thánh Thể
Chấp nhận các mục tiêu của cộng đoàn để các thành viên phải gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn và mục tiêu của các thành viên phải liên kết với mục tiêu chung của cộng đoàn. Các thành viên cần có hai nhận thức cốt yếu sau:
Thứ nhất, các thành viên phải tin rằng các mục tiêu của cộng đoàn thì có giá trị và để đạt tới các mục tiêu ấy thì cộng đoàn và mỗi thành viên cần phải đầu tư tài nguyên của mình.
Thứ hai, họ phải nhận biết sự thật này là những việc họ thực hiện trong tư cách là thành viên, thúc đẩy họ hướng đến các mục tiêu riêng của mình, tức là lòng tự trọng được người khác nhìn nhận vì thành tựu của họ và trưởng thành.
Các nhu cầu của các thành viên được đáp ứng trong cộng đoàn và nhờ cộng đoàn, các thành viên sẽ không bị thôi thúc phải tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Khi các nhu cầu ấy không được đáp ứng trong cộng đoàn họ sẽ cảm thấy thất vọng và bất an cách âm ỉ, thậm chí là họ có thể cảm thấy hằn học với cộng đoàn. Trong giáo luật nói rằng các thành viên phải được cung ứng những điều cần thiết cho cuộc sống, ngõ hầu để tuân giữ lối sống phù hợp.
Ngoài ra, điều cần thiết là cộng đoàn phải nhìn nhận những thành viên có năng lực và tạo ra điều kiện để họ thăng tiến vì con người luôn khao khát thăng tiến bản thân, nhưng chúng ta không nên xem là theo đuổi hư danh. Nếu nơi nào các thành viên không có cơ hội thăng tiến thì trong cộng đoàn họ sẽ chết vì thờ ơ, lãnh đạm thậm chí còn xa lạ với chính mình.
Hơn nữa, trong bất cứ tổ chức nào, rõ ràng là các thành viên phải chấp nhận và tuân thủ đường lối chung. Các thành viên có thể tham gia vào việc lấy quyết định bằng nhiều cách. Để các thành viên gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn, họ phải được tôn trọng như những người thông minh, được lắng nghe và tham gia vào những quyết định then chốt của cộng đoàn.
Ngày nay, vấn đề về truyền thông rất phát triển nên cũng cần có sự linh hoạt trong đời sống cộng đoàn thánh hiến. Truyền thông có thể là một hành vi cố ý hay không cố ý, việc truyền thông bao gồm những mạng lưới ngôn ngữ bằng lời hay không lời, giúp cho các thành viên trong nhóm tương quan với nhau. Qua truyền thông các thành viên gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đối với nhau. Việc truyền thông trong cộng đoàn không bao giờ là cùng đích tự thân. Việc truyền thông có mục đích cổ võ sự hiệp thông giữa các thành viên. Khi nó đưa đến sự hiệp thông đích thực, bấy giờ chúng ta đang xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Tuy nhiên, chướng ngại vật trong truyền thông rất nhiều như ngôn ngữ, và sự im lặng là một khía cạnh của ngôn ngữ và nó có thể là con dao hai lưỡi. Ngoài ra, một chướng ngại khác là động lực hay mục đích. Chúng ta phải nhận ra điều chính yếu của việc truyền thông là phải chia sẻ sự hiểu biết của mình, ngõ hầu chúng ta đến gần sự thật hơn và rốt cuộc chúng ta cùng nhau sống trong sự thật của Thiên Chúa. Bên cạnh những lợi ích mà truyền thông mang lại, cũng như chướng ngại mà nó gặp phải nơi cộng đoàn thánh hiến thì nó cũng cần có những quy tắc cơ bản để phát triển những thái độ cần tránh và vun đắp trong đời sống cộng đoàn để duy trì và củng cố lòng tin trong đời sống cộng đoàn thánh hiến.
Chương III. Khía cạnh mục vụ của đời sống cộng đoàn thánh hiến.
Cộng đoàn thánh hiến về đời sống rất đa dạng với những sự khác biệt giữa các thành viên trong cộng đoàn và không một cộng đoàn nào có thể bao trùm hết mọi lãnh vực và đáp ứng hết mọi nhu cầu. Qua các thời đại, hình như các tu sĩ cũng đã đi theo một tư tưởng và một kiểu hành động giống nhau. Hình thức quá cứng nhắc ấy đã tạo ra một tiêu chuẩn và khuôn mẫu đồng nhất trong đời sống cộng đoàn. Rõ ràng có nhiều yếu tố chung mà mọi tín hữu phải thực hiện. Hiệp nhất trong các yếu tố là cần thiết. Giống như vậy, đa dạng trong linh đạo là một điều tuyệt đối cần thiết và để có sự hiệp nhất và nội dung mạc khải và đa dạng về cách thức mạc khải.
Ngoài ra, sự khác biệt thế hệ cũng cần quan tâm. Thuật ngữ “khác biệt thế hệ” muốn nói đến sự chênh lệch giữa người trẻ và người già, trong việc hiểu biết và quan niệm về đời sống, càng ngày chúng ta càng thấy tu sĩ trẻ và tu sĩ già khó sống và làm việc chung với nhau. Khi các tu sĩ trẻ thường thuộc về một nền văn hoá hoàn toàn khác với các tu sĩ lớn tuổi. Sự khác biệt thế hệ chủ yếu là sự khác biệt giữa hai loại não trạng, một bên là suy tư dựa trên cơ cấu và bên kia là suy tư các nhân. Não trạng bộc lộ thấy xu hướng của chủ thể trước khi lấy quyết định. Vì thế, vấn đề về quyền cũng đang lưu tâm. Nếu trong quá khứ, phần lớn các cộng đoàn đều nhấn mạnh đến các nhu cầu đời sống cộng đoàn và những hoạt động tông đồ mà cộng đoàn thực hiện. Thật vậy, nhu cầu của cộng đoàn thì ưu tiên hơn sở thích, khả năng lợi và ích của cá nhân. Ngày nay, chúng ta nhạy bén hơn đối với các nhu cầu riêng tư của từng thành viên trong cộng đoàn thánh hiến, nhấn mạnh hơn đến hoàn cảnh và sự nhạy cảm của thành viên. Tuy nhiên, dù lợi ích cá nhân đã được ưu tiên hơn nhu cầu của cộng đoàn, sự căng thẳng gay go vẫn diễn ra và còn tồn tại, làm cho các thành viên lẫn cộng đoàn phải chịu nhiều đau đớn.
Câu hỏi được đặt ra là trong cộng đoàn thánh hiến đông đảo, liệu các thành viên có một ý thức cộng đoàn chân thực không? Theo kinh nghiệm trong cộng đoàn lớn thì họ không thể có một ý thức cộng đoàn đích thật và chúng ta càng cảm thấy thất vọng khi cố gắng kiến tạo tinh thần cộng đồng trong một cộng đoàn như thế. Chúng ta có thể suy nghĩ, tìm ra những giải pháp và có lẽ, chúng ta nên thành lập các phân nhóm trong một cộng đoàn lớn vì các nhóm nhỏ có thể vận hành như cá nhân tác động đến toàn thể cộng đoàn. Chỉ khi nào các thành viên mở lòng đón nhận kinh nghiệm yêu thương trong phân nhóm nhỏ, bấy giờ họ mới có thể yêu thương các thành viên trong cộng đoàn cách trọn vẹn được. Dù là cộng đoàn lớn hay nhỏ đều có những quy định hay tiêu chuẩn. Tuy nhiên cả hai đều có những thuận lợi và bất lợi khác nhau. Với mỗi chúng ta, nhà xứ hẳn là tổ chức trung tâm của đời sống giáo xứ và rõ ràng nhà xứ kiến tạo đời sống Ki-tô hữu cho toàn thể giáo xứ. Vì càng ngày người ta quan niệm đời sống Ki-tô hữu như đời sống đức tin cộng đoàn, nhà xứ phải trở nên bằng chứng rõ ràng hơn về đời sống như thế.
Điều khác biệt mà cộng đoàn thánh hiến hôm nay là phải đề nghị với con người bận rộn, lo âu, xao xuyến và hối hả là sống thoải mái với một não trạng khác. Đó là thái độ thanh thản, Công đồng Vaticano II tuy không nói nhiều về việc giải trí của người thánh hiến nhưng trong sắc lệnh “Chức vụ và đời sống Linh mục” cũng đã khuyến khích các Linh mục hãy sẵn sàng và hân hoan quy tụ lại để giải trí chung với nhau. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã lưu ý các tu sĩ về thời khoá biểu hằng ngày của họ trong Tông thư Giáo hội thánh thiện và để hướng tới cộng đoàn trong tương lại. Nhất là sau Công đồng Vaticano II nhiều người thánh hiến đã có thái độ lạc quan, khi những thay đổi nhấn mạnh đến chiều kích nhân bản trong cộng đoàn. Nhiều người thánh hiến cảm thấy được tái sinh nhờ một đời sống nhấn mạnh đến sự thân mật và mối tương quan hài hoà giữa các thành viên để họ biết rằng cộng đoàn thánh hiến là tập hợp những người thật lòng muốn có kinh nghiệm về Thiên Chúa và hiểu biết lẫn nhau, khi họ phục vụ Dân Thiên Chúa như mục đích chung. Nói cách khác, họ là những người hiệp thông và truyền thông nên có thể nói rằng đó là phẩm chất của các mối tương quan sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đoàn. Thay đổi là điều cần thiết và không tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta đừng để cho tinh thần trần gian điều khiển chúng ta, nhưng hãy để cho Thánh Thần của Chúa, là Đấng ban sự sống hướng dẫn chúng ta trong đời sống cá nhân và trong đời sống cộng đoàn.
(Chủng sinh Vinh Sơn Ngô Văn Thắng)