Trước hết, tác giả Viktor E. Frankl là một bác sĩ tâm thần ở Áo. Tháng 9 năm 1942, cả gia đình ông bị phát xít bắt, trong 3 năm ông đã bị chuyển qua 4 trại tập trung. Trong tù, ông vẫn trị liệu tâm lý cho những người cùng cảnh ngộ. Năm 1945 khi thoát khỏi trại ông tiếp tục làm việc ở Vienna, chữa trị cho các nạn nhân chiến tranh.
Vào năm 1946 trong vòng 9 ngày, ông đã viết xong cuốn sách này và trở thành một trong những quyển sách kinh điển của thời đại.
Frankl luôn quan điểm: “ Những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát của bạn có thể lấy đi mọi thứ mà bạn có chỉ trừ một thứ, đó là sự tự do lựa chọn cách bạn phản ứng trước hoàn cảnh. Chính những trải nghiệm kinh hoàng của ông trong trại đã củng cố một trong những quan niệm của ông: “Cuộc sống không phải chỉ là tìm khoái lạc như Freud tin tưởng, hoặc tìm quyền lực, như Alfred Adler giảng dạy, mà là đi tìm ý nghĩa cuốc sống”. Vì thế, Frankl đã nhìn thấy 3 nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người.
- Thành tựu trong cuộc sống.
- Sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu.
- Lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc của cuộc sống.
Phần I: Những trải nghiệm trong trại tập trung
Những người bên ngoài thường không có cái nhìn chính xác về cuộc sống trong trại, họ thường nhìn nhận về cuộc sống của các tù nhân bằng con mắt xót xa, thương cảm. Họ hoàn toàn không biết rõ về cuộc đấu tranh sinh tồn, cuộc chiến không ngừng nghỉ vì miếng ăn hằng ngày, vì sự sống còn, vì lợi ích bản thân hay vì một người bạn tù.
Trong trường hợp vận chuyển tù nhân, họ không biết mình sẽ được chuyển tới một trại khác có nơi để giết các tù nhân như một nơi có phòng hơi ngạt và lò thiêu hay đến một nơi mà không có những thứ đó như ở trại Dachau, nơi mà những tuần cuối cùng tác giả được chuyển đến và làm một công việc như một bác sĩ.
Những trải nghiệm trong trại cho tác giả thấy rõ con người có thể thay đổi chỉ vì để sống, những Capo- những người sau nhiều năm lê lết từ trại này sang trại khác, đã đánh mất lương tâm của mình, họ sẵn sàng sử dụng bất cứ hình thức nào để được sống. Tuy nhiên, trong những người này vẫn còn đó những con người tốt để chỉ dẫn cho các tù nhân cách sống sót, bằng cách luôn phải giữ gương mặt hồng hào, luôn phải khỏe mạnh và đi thẳng bằng cách luôn cạo râu dù không có hay cố gượng để làm được điều đó, mặc dù họ phải làm việc suốt ngày không có thời gian nghỉ ngơi... hay là đồ ăn không đủ với chỉ một bát súp toàn nước, được phân phát một lần trong ngày kèm theo mẩu bánh và còn luôn phải phơi mình hứng chịu thời tiết lạnh buốt khi không đủ quần áo mặc. Chính vì thế mà ý nghĩ về thức ăn đã in sâu trong tâm thức của các tù nhân.
Ngoài ra, dù tình trạng bị quản thúc về thể xác và áp lực căng thẳng về tinh thần nhưng đời sống về nội tâm của các tù nhân trong trại vẫn rất sâu sắc và kiên cường để họ có thể tự rút mình ra khỏi hoàn cảnh khủng khiếp đó. Điều này lý giải vì sao các tù nhân nhìn bề ngoài yếu đuối lại có thể tồn tại trong trại tốt hơn những người bình thường. Đối với tác giả luôn nghĩ về tình yêu của mình, đó là người vợ, là niềm hạnh phúc duy nhất. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời Frankl nhìn thấy chân lý loài người: Tình Yêu là mục đích cuối cùng và là mục đích cao cả nhất của nhân loại.
Một trạng thái sâu xa khi họ được trả tự do là họ không biết như thế nào là tự do và cũng chẳng biết thể nào là vui vẻ. Về mặt tâm lý được gọi là “ trạng thái mất nhân cách” và để có thể có lại được cảm giác này, họ phải học lại từ từ.
Phần II: Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa
Liệu pháp ý nghĩa so với phân tâm học là một phương pháp ít hồi tưởng về quá khứ và ít quán xét nội tâm hơn. Liệu pháp này tập trung vào tương lai, tức là vào những ý nghĩa cuộc sống sẽ được bệnh nhân xây đắp trong tương lai, bệnh nhân phải thực sự đối mặt và thay đổi thái độ về ý nghĩa cuộc sống, nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống chính là thúc đẩy con người. Con người có thể sống và thậm chí hy sinh vì lý tưởng và các giá trị của mình. Việc mong muốn tìm thấy lẽ sống cũng có thể khiến một người thất vọng, liệu pháp ý nghĩa gọi là “nỗi thất vọng về sự tồn tại" và chúng có thể dẫn đến chứng rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, sự đau khổ không phải lúc nào cũng là một bệnh lý, tuy nó thường được xem là một nguyên nhân của chứng rối loạn tinh thần. Nỗi đau khổ cũng có thể đánh dấu một bước trưởng thành của con người, đặc biệt là khi nó có khả năng đưa con người vượt lên nỗi thất vọng về sự tồn tại của bản thân.
Theo liệu pháp ý nghĩa, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này trong cuộc sống theo ba cách khác nhau:
- Tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó
- Trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó
- Bằng thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ
Bên cạnh đó tác giả cũng đưa ra cụm từ “bộ ba bi kịch" theo cách gọi trong liệu pháp ý nghĩa. Bộ ba bi kịch ấy bao gồm những khía cạnh trong đời sống con người mà ta có thể xét:
- Sự đau khổ
- Cảm giác tội lỗi
- Cái chết
Tuy nhiên, tác giả cũng nói rằng hãy tạo ra điều tốt nhất trong bất kỳ tình huống nào của cuộc sống, tức là thái độ lạc quan trọng hoàn cảnh bi thương. Theo cái nhìn về tiềm năng con người, ở mặt tốt nhất và năng lực con người luôn cho phép:
- Chuyển sự đau khổ thành sự trưởng thành và thành tựu con người.
- Chuyển tội lỗi thành cơ hội để thay đổi bản thân tốt đẹp hơn.
- Chuyển tính chất tạm thời của cuộc sống thành sự khích lệ để hành động có trách nhiệm.
Kết luận: Viktor E. Frankl rất thất vọng khi cuốn sách “đi tìm cuộc sống" của mình được bán rất chạy khi được xuất bản. Điều này cho thấy ngay khi con người có tự do nhưng họ vẫn không thể tìm ra được ý nghĩa hay mục đích cuộc sống của mình. Qua cuốn sách, hy vọng mỗi người sẽ tìm được ý nghĩa cuộc sống trong mọi khoảnh khắc, ngay cả khi đau khổ, bệnh tật, khó khăn và cả khi đối diện với cái chết.
(Chủng sinh: Vinh sơn Ngô Văn Thắng)