Tác phẩm nói tới những căn bệnh về đức tin mà người tín hữu Việt Nam mắc phải cần được chữa trị, đó là quan niệm giữ đạo hơn là sống đạo, sống đạo không phải là hồng phúc mà như một gánh nặng phải vác để có thể đạt được cuộc sống đời đời. Tác giả dùng từ “đạo” để nói về những căn bệnh đó. Vấn nạn đưa ra là làm sao để người Kitô hữu có thể gặp gỡ cá vị với Đức Kitô nhiều hơn chứ không chỉ là tham dự sinh hoạt tôn giáo? Làm sao để người Kitô hữu tìm thấy được niềm vui chân thật? Làm thế nào để người Kitô hữu gặp gỡ chính Chúa để được biến đổi... Cụ thể đó là: 1. Đạo sinh hoạt: Người Kitô hữu thường sống đạo theo kiểu gắn đời mình vào trong những sinh hoạt giáo xứ, ít quan tâm tương quan cá vị với Thiên Chúa... 2. Đạo kính sợ: Dễ thấy trách nhiệm với Chúa nhưng lại khó nhận ra tình thương của Chúa.. 3. Đạo thiêng liêng: Đức tin được biểu lộ trong sinh hoạt tôn giáo, trong nhà thờ nhưng lại tách rời cuộc sống, thiếu bác ái trong đời sống hằng ngày... 4. Đạo luân lý: Ít bận tâm đến nỗ lực tu sửa và tập luyện nhân đức nhưng thường xuề xòa với các tính xấu của mình... 5. Đạo thực dụng: quan tâm đến những lợi ích trong mọi sự, tính toán được hay mất (danh dự, nhân phẩm, vật chất). Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến những căn bệnh “nhẹ” khác như: bệnh sáo ngữ, bệnh hình thức, bệnh đoàn lũ và bệnh chủ quan nơi tầng lớp giáo sĩ.