Cuốn sách này ưu tiên ngỏ với những Kitô hữu đang sống trong bậc vợ chồng. Từ ngọn nguồn của Lời Chúa, vừa giữ được tính đặc trưng của hôn nhân Kitô giáo trong truyền thống Giáo hội, vừa chỉ ra con đường thánh hóa đôi vợ chồng trước các cuộc khủng hoảng lứa đôi, Geogrette Balaquière mạnh dạn đề nghị sống Tình Yêu. Đó như là một sự chọn lựa táo bạo để sống giao ước hôn nhân giữa bao thử thách.
Tác giả không phải là một tu sĩ hay giáo sĩ. Bà là một tín hữu có gia đình với 4 người con. Tác phẩm không cho ta nhiều thông tin về tác giả nhưng những gì cho thấy, bà là một người tri thức từng là giáo sư trung học, một nhà giảng thuyết. Bằng kinh nghiệm rút ra từ những cuộc tĩnh tâm cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là ở Cộng đoàn Bát Phúc, cũng như Đan viện Martha và Maria Bêtania ở Nouan-le-Fuzelier, tác giả không những giúp độc giả hiểu hơn và đón nhận bằng một tâm thế mới không còn là ép buộc, gò bó về giáo huấn của Chúa và Giáo hội trong hôn nhân Kitô giáo. Là một người thuộc giới tri thức, nên những gì tác giả đưa ra không hề thuyết phục độc giả chỉ bằng những lời lẽ thiên về tình cảm nhưng còn với một cái nhìn sâu sắc chú giải những bản văn Kinh Thánh và những văn kiện của huấn quyền liên hệ, tác giả giúp cho độc giả đón nhận sứ điệp với một tâm thế hoàn toàn mới. Đó là những cánh cửa giúp ta ngạc nhiên trước sự khôn ngoan và táo bạo về sự tín nhiệm lớn lao mà Giáo hội biểu lộ nơi con người. “Dám sống tình yêu” cũng là một lời chất vấn đối với con người thời đại cổ súy thái quá cho phong trào nữ quyền, cũng như phá tan nền văn hóa sự chết dưới lá cờ chủ nghĩa tự do quá trớn.
Tác phẩm cũng dành cho tất cả chúng ta, những tu sĩ, linh mục những người cần lòng can đảm sống tình yêu để chiếu sáng Tình Yêu.
Bố cục của tác phẩm: Gồm 4 phần
Lời nói đầu
Phần Một. Dự án của Thiên Chúa
Phần Thứ Hai. Từ Cựu Ước đến Tân Ước
Phần Thứ Ba. Cuộc sống qui theo Tin Mừng của đôi vợ chồng
Phần Thứ Tư. Những con đường tình yêu
Kết luận
Tóm lược một số điểm nhấn trong nội dung của sách
Dự án của Thiên Chúa: Cuộc khủng hoảng đôi lứa nằm ở ngay trung tâm các vấn đề của gia đình. Khủng hoảng về sự sống. Thật thế, thế giới hiện đại khi nói đến tình yêu, quá thường xuyên tự đặt mình trong logic của cái chết. Một vấn đề mang tính thời sự hết sức đau đớn. Là một trong những lý do chính yếu khiến một người trẻ khi phải sự dụng các phương tiện ngừa thai, họ từ chối không chấp nhận rằng “tình yêu bộc phát – mối tình một đêm” lại có thể đưa đến cái chết. Những gì Kitô giáo đề nghị về tình yêu đối với cặp vợ chồng dù là một đòi hỏi cao đi chăng nữa, có lẽ là cách duy nhất để cứu vãn tình yêu trong tất cả chiều kích của nó.
Sự hiện diện của tôi là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban tặng. Đành rằng có những quy luật tự nhiên chi phối giải thích quá trình hình thành nên tôi qua sự kết hợp của cha mẹ, nhưng sự ngẫu nhiên là không đủ để giải thích tại sao lại như thế. Tại sao, tôi được mời gọi để chào đời nếu không phải là do sự tuyển chọn của một Thiên Chúa trước cả khi tạo thành vũ trụ, đã chọn và đã muốn tôi có mặt trên đời này. Đấng đã biết cá nhân tôi là duy nhất đối với Ngài, Ngài biết mặt tôi như một người cha biết mặt con mình. Điều này thách thức một cái nhìn phiến diện, biếm họa về sự tiền định của một vì Thiên Chúa sẵn sàng phân loại một số người như vật phế thải không tránh được trong khi tạo dựng. (So sánh tư tưởng: Nghệ thuật phân định, Thiên Chúa là một người điều khiển các con rối, hay Ngài là một thợ sửa đồng hồ, hoặc Ngài là một người cha của những đứa con).
Một đứa con mang nơi mình hình ảnh của người cha, người mẹ. Con người được tạo dựng giống Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa. Giới tính của con người không phải là một điều tất yếu tự nhiên, một nhu cầu, hoặc một lạc thú để lưu truyền giống nòi như động vật, mà là một tiếng gọi thiêng liêng nên giống Thiên Chúa là chính sự sống và là người ban phát sự sống. Thế nên, cho dù là tiến hóa hay là từ một con khỉ cao cấp đi chăng nữa thì sứ điệp sự sống của con người đến từ Thiên Chúa vẫn không thay đổi.
Những con đường tình yêu: Người ta thường lẫn lộn những cuộc khủng hoảng dẫn đến đổ vỡ và những cuộc khủng hoảng làm cho lớn lên, tăng trưởng. Đó là quy luật của cuộc sống nên không thể tránh được và cần đối diện cách nghiêm túc: không phải là bi kịch, và để đón nhận ơn Chúa. Qua những vui buồn của cuộc sống, Thiên Chúa tự bộc lộ và có điều để bộc lộ cho chúng ta nữa. Vì thế, những cuộc khủng hoảng trong đời sống vợ chồng mang một chiều kích thiêng liêng. Việc cầu nguyện trong đời sống vợ chồng là việc dành thời gian và không gian cho Thiên Chúa ngự trị nơi gia đình.
Bí tích Hôn nhân mở ra cho đôi lứa bước vào sống sự cam kết của tình yêu. Thế nhưng, họ thường gặp hai cám dỗ lớn: 1) một cách ngây ngô cứ tưởng rằng khi đã kết hợp với nhau về mặt giới tính thì chẳng còn có vấn đề gì nữa; 2) khi gặp khó khăn đầu tiên đã nghĩ ngay đến chuyện chia tay “hoa thơm bướm lượn hoa tàn bướm bay”.
Bằng chính kinh nghiệm sống đời hôn nhân, tác giả chỉ cho thấy con đường tình yêu không phải lúc nào cũng trải màu hồng, chính khi cả hai biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn thì tình yêu giữa họ được đào sâu dần dần suốt cuộc đời hôn nhân. Bí tích hôn nhân mở đầu cho việc sống cam kết và triển nở tình yêu vợ chồng một cách tiệm tiến. Họ được nâng đỡ bởi Đức Giêsu tiếp tục sống mầu nhiệm nhập thể trong các cặp vợ chồng để cứu chuộc họ.
Mọi sự đã hoàn tất: Người ta ở đời này cưới vợ lấy chồng chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Vậy thì hôn phối là chỉ cho đời này thôi hay sao? Người ta hẳn đã đánh lừa chúng ta khi bảo rằng đó là một bí tích vĩnh cửu, nếu một đời sống vĩnh cửu mà trong đó mình sẽ chẳng là gì nữa, và tình yêu của chúng ta sẽ tiêu tan thì còn đâu là ý nghĩa của hôn phối nữa?
Điều còn lại sau cái chết chia lìa, đó là sự hiệp thông trong Tình Yêu. Dẫu rằng không còn cưới hỏi, sinh con đẻ cái thì vẫn còn sự hiệp thông ưu việt giữa hai bản thể đã từng yêu nhau để giúp nhau phó nộp cho Tình Yêu điên dại của Thiên Chúa. Sự hiệp thông đó mạnh hơn cả cái chết.
Nếu cuộc hôn phối và tình yêu của con người là một con đường khai tâm cho tình yêu của Chúa, đồng thời là sự mạc khải về mầu nhiệm của Đức Kitô và Hội Thánh, thì khi tất cả đã trở thành hiện thực trong đời sống vĩnh cửu, chúng ta không còn cần đến hình ảnh nữa. Cuộc hôn phối là dấu chỉ cái “chưa đến” của con đương trên đó chúng ta đang tiến bước. Cả người này lẫn người kia, chúng ta đang đi tới sự hoàn tất của Tình Yêu trong sự sung mãn của nó. Cái chết, tất cả chúng ta đều phải đồng hành với nhau trên con đường ấy, mà dẫn đến gõ cửa Nước Trời. Cùng với nhau, chúng ta sẽ đi vào trong niềm vui của Chúa, đó cũng là cuộc hôn phối. Trong Tiệc Cưới của Con Chiên, ta nhìn thấy Giáo hội như thể một cụ bà nhăn nheo bị người ta ném đá, một bà già đang lang thang ăn xin, nghèo nàn, Đức Giêsu đến gần ôm hôn và nói: Người dấu yêu của Ta, ngươi luôn là người vợ thời trai trẻ của Ta.
Nhận định: Như tác giả thú nhận, vì là một bản tổng hợp các lần giảng tĩnh tâm, nên tác giả dùng ngôn ngữ nói nhiều hơn, và đôi khi có sự trùng lặp ít nhiều, nên sự cấu kết cho sự liên tục của tác phẩm bị giảm bớt; Bản dịch Việt ngữ sử dụng một số từ cổ, từ cũ nay đã ít dùng, kể cả việc trích dẫn các bản văn Kinh Thánh. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm suy giảm sự trau truốt của câu văn mạch lạc.