Vấn đề Thượng đếluôn là một trong những vấn đề muôn thuở của con người. Theo dòng lịch sử, biết bao tác giả đã cố gắng suy tư về vấn đề này. Triết học đương nhiên không nằm ngoài dòng chảy đó. Và cuốn sách này là một trong vô vàn cuốn sách bàn về Thượng đếdưới khía cạnh triết học. Nó thuộc thể loại Thần lý học – một môn siêu hình học chuyên biệt. Cuốn sách gồm 5 phần. Phần một như là nền tảng để chuẩn bị cho 4 phần sau. Trong 4 phần còn lại, tác giả trình bày về Thượng đế và các tương quan. Sự sắp xếp về cấp độ dường như tăng dần. Với khoa học, ta có thể giải quyết tương đối thoả đáng. Với tự do con người, phần trăm về sự hiện hữa của Thượng đế có vẻ giảm đi. Về phần các bằng chứng, độ tin cậy của chúng ta không cao. Và cuối cùng với vấn đề sự dữ, chúng ta dường như không có lý giải thoả đáng. Đến đây, về lý, ta dường như im lặng. Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung và đưa ra vài nhận định với từng phần.
Phần I: Vấn đề Thượng đến gày nay.
Với phần nền tảng này, tác giả giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, đó là thực trạng vấn đề ngày nay. Thực ra, có nhiều người dường như không quan tâm, đơn giản vì sự bận rộn trong đời sống. Nhưng cũng có rất nhiều người tin. Vậy chúng ta có thể nói về Thượng đế thế nào? Thứ hai, tác giả nêu ra những “Thượng đế”, đúng hơn là chuẩn bị cho khái niệm này, trước khi chúng ta đi vào phân tích.
Phần II: Khoa học là một con đường dẫn đến Thượng đế.
Vấn đề xuất hiện khi khoa học phát triển và đặt lại những vấn đề về Thượng đế. Tác giả trình bày về chủ nghĩa duy thực nghiệm với August Comte và Tacques Monod. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều nhà khoa học có đức tin như Francois Jacob hay Levi Stranss. Họ đã tách biệt hai vấn đề này. Đơn giản là vì khoa học không có đất chung với Thượng đế, một phạm trù siêu nghiệm. Tư tưởng này của E. Kant. Để hiểu hơn, chúng ta cùng làm một bài toán tìm toạ độ hình học phẳng sau đây: Bạn hãy tìm toạ độ của các điểm giao nhau giữa hai đường tròn không cắt nhau.
Phần III: Thượng đế và tự do của con người.
Nguồn gốc của vấn đề Thượng đế không hiện hữu dựa trên lý do này bắt nguồn từ Descartes và Kant. Vô tình, hai ông đã đảo lộn trật tự trước đó, bằng cách đưa chủ thể con người, tự do của họ làm hàng đầu. Đặc điểm của chủ nghĩa vô thần nhân bản là nhân danh con người để chối bỏ sự hiện hữu của Thượng đế. Con người chỉ thật sự là mình khi không có Thượng đế.
Tác giả trình bày về hai nhân vật điển hình là Feuerbach và Sartre. Nhưng vấn đề là ở chỗ bất đồng về chính Thượng đế. Thượng đế của Kitô giáo không phải là Thượng đế theo kiểu đó. Để phản đối tư tưởng đó, tác giả đưa ra hai lý chứng: con người tự do sáng tạo nên đời sống mình và họ chịu trách nhiệm hoàn toàn về đời sống mình. Một lối suy tư khởi đi từ kinh nghiệm.
Phần IV: Thượng đế có hiện hữu không?
Các bằng chứng xuất hiện trong lịch sử triết học được chia làm 3 loại. Về vũ trụ, ta có thể kể đến thánh Tôma. Về con người, ta có Kant, Marcel. Về chính Thượng đế, ta có thể nói đến thánh Anselmô và Descartes. Về mặt lý, những bằng chứng này không còn nhiều giá trị. Chúng ta khó có thể lấy để thuyết phục một người vô thần. Nhưng nó có thể gợi mở cho ta những suy tư về vũ trụ, trật tự lạ lùng, vẻ đẹp, về con người, linh hồn và xác… Điều này có thể giúp ta xác tín thêm vào đức tin và sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Phần V: Thượng đế và sự dữ.
Trước vấn đề nan giải này, khi suy tư, chúng ta gần như đối diện với một sự im lặng đáng sợ. Đó là vì nó đang từng giây phút đụng chạm tới đời sống con người, nhưng ta hoàn toàn bất lực khi nại tới khả năng tri thức. Hơn nữa, nó còn đụng chạm tới nỗi đau tột cùng, tội ác và mạng sống con người. Đây trở thành lý chứng mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa vô thần hiện đại.
Với huyền thoại và triết học, con người đã có nhiều cố gắng để chung hoà. Phái khắc kỷ đó thiên về thái độ đón nhận hơn là giải thích. Hay sự dữ như là điều thêm vào sự hài hoà tổng thể theo Leibuiz. Điều này đã bị Voltare chế giễu lại. Cả tư tưởng như một sự thiếu hụt của thánh Augustinô và thánh Tôma. Nhưng suy cho cùng, ta vẫn không có một giải thích thoả đáng.
Tác giả trình bày suy tư này theo Kitô giáo. Người Kitô hữu không chứng minh hay không tìm được lý do rốt ráo nhưng không vì thế mà họ không tin vào Thiên Chúa. Trước hết, sự dữ là một thực tại ta luôn phải chống lại, theo nghĩa là ta không cố tình tạo ra đau khổ cho mình và cho người khác. Nhưng trong đức tin, đau khổ không phải là điều Thiên Chúa muốn cho con người. Trong đau khổ, Ngài đồng hành với họ và giúp họ vượt qua. Thượng đế liên hệ sâu sắc với con người trong đau khổ. Sâu xa hơn, họ có thể tận dụng nó như cơ hội để tạo ra một giá trị lớn hơn.
Với bốn tương quan với Thượng đế, tác giả đã xoáy sâu vào vấn đề sự hiện hữu của Ngài. Để không chỉ là câu trả lời có hay không nhưng còn đụng chạm tới lựa chọn căn bản của con người. Nó hướng đời sống, định hướng cho những chọn lựa của chúng ta. Có vẻ như tác giả là Kitô hữu. Sau khi trình bày mối tương quan với Thượng đế xong, ông luôn bàn tới nó dưới góc nhìn của người tin hay lợi ích cho những người hữu thần. Đây là một tác phẩm giá trị thuộc triết học – thần lý học. Nó cũng phù hợp với những người có một chút kiến thức về lịch sử triết học. Bên cạnh đó, nó gợi mở cho ta những suy tư rất hữu ích trong đời sống tinh thần của mình.
(Chủng sinh: Vinh sơn Trần Quang Thế)